Châu Á : Eldorado của hàng hiệu

Từ Tokyo, Hồng Kông, Singapore, Séoul cho đến Bang Kok, Manila, Kuala Lumpur...từ thành phố lớn cho đến những vùng nông thôn, tỉnh lẻ...từ những nhà CEO, chính khách, sỹ quan cho đến nhân viên văn phòng hay thậm chí những bà buôn bán nhỏ... cơn sốt dịch mang tên Hàng hiệu đã tràn qua và không chừa sót tầng lớp hay thành phố nào của châu Á. Ở khắp nơi, hàng hiệu đã tạo ra, duy trì và phát triển cho mình một đội ngũ tín đồ đông đảo, sẵn sàng làm tất cả để có được điều mình mong ước. Hãy cùng đi sâu phân tích ‘’trật tự mới’’ của thế giới kinh doanh này qua nghiên cứu của hai chuyên gia hàng hiệu Radha Chadha và Paul Husband.

 

          Không khó để nhận ra sự mê đắm của người châu Á với các nhãn mác hàng hiệu nhưng để phân tích quá trình phát triển của nó và dự đoán cho tương lai thì phải có một công trình nghiên cứu tỉ mỉ với những con số và sự kiện cụ thể cộng thêm tập tính và sự phát triển của từng xã hội. Người ta có những kết quả ấy khi đọc tác phẩmTình yêu hàng hiệu (The cult of the luxury brand). Theo đó, tuy cùng yêu hàng hiệu nhưng sự phát triển của mối tình này ở các nước châu Á rất khác nhau.

          Năm giai đoạn lan truyền hàng hiệu.

          Nếu như ở Nhật người tiêu dùng đã chuyển sang giai đoạn ‘’nghiện’’ hàng hiệu thì ở Hồng Kông người ta đang ở giai đoạn trước đó và ở Manila mọi chuyện đang mới bắt đầu. Theo tác giả có năm giai đoạn phát triển của hàng hiệu. Ở giai đoạn một, sự nghèo khổ (do chiến tranh, chế độ chính trị...) trong một thời gian dài đã tạo ra một sự khao khát, một giấc mơ cho dù nó có thể xa xôi và khó đạt được. Ở giai đoạn hai, tăng trưởng kinh tế cao, bắt đầu có tiền, khi giới trung lưu đang làm quen với máy giặt và những tiện nghi đời thường khác, giới thượng lưu đã mang về những món hàng hiệu từ các chuyến đi châu Âu hay các thiên đường mua sắm khác. Các cửa hàng cao cấp bắt đầu mọc lên. Giai đoạn ba là khoe của. Khi lần đầu tiên có tiền, người ta có nhu cầu thông báo cho mọi người biết. Người ta tiếp nhận những biểu tượng của sự giàu có và trưng bày chúng ra. Hàng hiệu trở thành một vật đánh dấu địa vị xã hội. Chỉ đơn giản là giàu thôi thì không có nghĩa lý gì cả, bạn phải đảm bảo chắc chắn rằng luôn có những bằng chứng rõ ràng về sự giàu có. Ở giai đoạn bốn, hàng hiệu lan tràn khắp nơi. Người tiêu dùng tiếp nhận hàng hiệu ở quy mô lớn, được thúc đẩy bởi động cơ muốn hòa đồng. Không có hàng hiệu bạn sẽ không được nhóm xã hội của mình thừa nhận. Ở giai đoạn năm, các nhãn hàng hiệu đã trở thành một lối sống. Người tiêu dùng đã được ‘’tôi luyện’’ trong các lò mua sắm và có hiểu biết sâu sắc về sản phẩm định mua. Người tiêu dùng ‘’bị’’ khóa trong thói quen và thẩm mỹ mua sắm hàng hiệu. Ngay cả khi nền kinh tế có khó khăn, người ta vẫn tiếp tục mua hàng hiệu vì đơn giản bởi họ không thể dừng lại được.

         

            Định vị các nước châu Á

          Rõ ràng ở châu Á, ai cũng yêu hàng hiệu nhưng mỗi nước lại đang ở những giai đoạn khác nhau tùy theo hoàn cảnh lịch sử của mình.

          Ở Nhật, hàng hiệu đã phát triển đến giai đoạn cuối cùng của mình. Ai cũng dùng hàng hiệu và người tiêu dùng ở đây sành sỏi và hoàn toàn tự tin với hàng hiệu. Thậm chí, yêu cầu đặc biệt cao về chất lượng hàng hóa của người Nhật buộc các nhãn hàng vốn nổi tiếng khe khắt về chất lượng chỉ dám xuất khẩu những sản phẩm hoàn hảo về chất lượng sang thị trường này và không ngừng nâng cao kiến thức của người bán hàng. Hàng hiệu đã trở thành những món hàng thiết yếu mà thiếu chúng bạn sẽ trở thành người thấp kém trong mắt mọi người và trong mắt chính bạn. Chính vì thế, nhiều cô nữ sinh chấp nhận ngủ với đàn ông tuổi cha mình để có tiền mua hàng hiệu; phụ nữ trưởng thành nấn ná ở nhà bố mẹ đẻ để tiết kiệm tiền mua hàng hiệu. Khi khai trương trung tâm mua sắm của LV có 1400 người xếp hàng trước từ ba ngày chỉ để được là mổt trong những người đầu tiên mua hàng. Theo các tác giả, thì một trong những lý do chính là văn hóa ‘’hòa đồng’’ của người Nhật. Ở Nhật người ta phải thuộc về một nhóm nào đó và phải tuân theo các chuẩn mực về sinh hoạt, ứng xử và thậm chí cả ăn uống, trang phục theo nhóm đó. Louis Vuitton chính là nhãn hàng ai-cũng-phải-có ở đây. Khó có thể phân khúc rõ ràng nhóm nào mua nhiều hàng hiệu nhất đơn giản bởi ai cũng là khách hàng.

          Hồng Kông và Đài Loan. Hai tác giả viết : có thể coi hai hòn đảo như anh em một nhà và có cùng một nỗi đam mê hàng hiệu chảy trong huyết quản. Trong khi Hồng Kông đã là một hòn đảo thời trang sành điệu thì Đài Loan vẫn đang loay hoay đi tìm cho mình một phong cách riêng. Nguồn gốc khác nhau của cư dân di cư và sau đó là phong cách quản lý đã làm cho sự khác biệt trở nên tương đối lớn. Người ở Hồng Kông vốn là dân thượng lưu và thương nhân giàu có từ Thượng Hải và nhiều thành phố duyên hải khác sang còn Đài Loan lại phần lớn là dân nghèo đến từ Phúc Kiến và Quảng Đông. Hồng Kông là một trung tâm tài chính và thương cảng đầu mối đã khiến nền kinh tế ở đây nhanh chóng tăng tốc. Việc có nhiều dân Phương Tây sống và làm việc ở đây cũng làm cho việc hưởng thụ cuộc sống ở đây có nhiều phong cách hơn. Mua sắm đã trở thành một lối sống ở Hồng Kông. Việc miễn thuế cũng làm cho hàng hiệu ở đây rẻ hơn và Hồng kông nhanh chóng trở thành một thị trường hàng hiệu trị giá 3,5 tỷ đô la. Hồng Kông có nhiều xe ‘’khủng’’, nhiều trung tâm mua sắm hàng hiệu hơn cả phương Tây. Người mua hàng hiệu ở đây số một là vợ các trùm tài phiệt, bồ nhí hay vợ bé của các ông, sau đó là tầng lớp nữ doanh nhân, nữ chiêu đãi viên hộp đêm, khách du lịch shopping đến từ các nước xung quanh, những người làm nghề giao tiếp và sáng tạo...Chỉ có ở Hồng Kông, quy luật tiết kiệm một đồng nhưng xài cả gia tài mới chi phối một cách mạnh mẽ như vậy. Đài Loan thì lại khác. Tại đây các tập đoàn lớn đã đổ bộ và doanh số không ngừng tăng. Tuy nhiên, nhiều khu mua sắm cao cấp vẫn nằm cạnh những bãi đỗ xe tay ga úi xùi và giao thông lộn xộn. Khâu thiết kế, trưng bày và thẩm mỹ nói chung vẫn rất kém. Nói như vậy không có nghĩa là thị trường này không lớn. Phân khúc thị trường ở đây không khác mấy Hồng Kông : tầng lớp triệu phú, các bà vợ giàu có tuổi 40 đến 50, con cái nhà giàu, nhân tình rồi nữ nhân viên độc thân sống với bố mẹ. Với nhiều người Đài Loan, xài hàng hiệu là chuyện địa vị chứ không phải phong cách.

Trung Hoa đại lục. Ngày nay, ở Trung Quốc, hàng hiệu đóng vai trò cần thiết nhằm chỉ ra một cách không thể nhầm lẫn được bạn chính là một người thành đạt. Nước này đang nằm ở giai đoạn ba của hàng hiệu. Trung Quốc đã thực hiện cuộc ‘’đại nhảy vọt’’ từ những bộ đồng phục đại cán đến complê Armani. Thời trang hàng hiệu đã trở thành một thứ tuyên ngôn về vị trí xã hội. Ở đây người mua rất phong phú từ những tỷ phú siêu giàu mới nổi đến những quan chức chính quyền, từ các bà vợ tài phiệt đến đám con cái của các gia đình giàu có, từ những sỹ quan quân đội cao cấp đến những cô vợ bé của các ông chủ Hồng Kông, Đài Loan…Người tiêu dùng có ba cách để khoe của: để nguyên giá tiền trên sản phẩm trong vài ngày; tự hào xướng lên rằng bạn mua hàng ở Trung Quốc chứ không phải ở nước ngoài nơi hàng hiệu giá rẻ hơn và cách thứ ba là chọn những hãng cực kì đắt (Hermès) chẳng hạn để chắc chắn rằng mình là người giàu có và sành điệu. Ở Trung Quốc, người ta mua hàng hiệu không phải chỉ để cho mình mà còn cho cả đối tác nữa. Chuyện mua ‘’hàng hiệu’’ như một chất ‘’bôi trơn’’ ‘’xúc tác’’ kinh doanh trở nên vô cùng phổ biến và các món hàng hiệu là một sự đảm bảo chắc chắn về hiệu quả và sự kín đáo cho người được nhận. Sự phát triển của thị trường hàng hiệu thật ‘’chóng mặt’’.

Hàn Quốc. Có thể coi sự phát triển của hàng hiệu ở đây gay cấn như một vở bi kịch khi nhân vật chính bị giằng xé giữa tình yêu và thù hận. Người Hàn Quốc mê hàng hiệu, rõ rồi. Nhưng đồng thời hàng hiệu – có nghĩa là mua hàng ngoại và tiêu quá nhiều tiền cho riêng mình – cũng là đối tượng bị xã hội chỉ trích lên án. Khẩu hiệu ở đây là làm giàu, nhưng phải sống nghèo. Chính phủ Hàn Quốc vận động quốc dân yêu nước, dùng hàng nội và ra sức để đất nước phát triển bằng các nước Phương Tây tiên tiến trong khi đó người dân càng ngày càng không thể chống chọi được với cơn mê hàng hiệu. Bắt đầu từ năm 1987, chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho nhập quần áo may sẵn, túi xách và da giày. Thế Vận Hội 1988 đã nhanh chóng tạo bệ phóng cho cơn sốt hàng hiệu. Và khi sắc đẹp trở thành nỗi ám ảnh của quốc gia thì không có lý gì các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ, các công ty mỹ phẩm không tung hoành trên thị trường. LVMH không ngừng tăng doanh số, phụ nữ Hàn Quốc nào cũng lên cơn sốt vì Ferragamo. Hàn Quốc là một xã hội cạnh tranh rất cao đưa tâm lý ‘’bằng chị bằng em’’ lên một tầm cao mới. Người ta luôn luôn so sánh sự thành đạt của người chồng con so bì với làng giềng bè bạn và nếu thua thì vô cùng mất mặt. Hiện nay, Hàn Quốc đang ở giai đoạn thứ tư hòa nhập.

Tiếp đó cuốn sách phân tích thị trường hàng hiệu ở các nước Đông Nam Á. Khi Singapore đã trở thành trung tâm hàng hiệu không thể bỏ qua thì Indonesia Philippines mới chỉ bắt đầu. Malaysia và Thái Lan vững vàng hơn trên con đường hàng hiệu. Việt Nam, vì thiếu nhiều thông tin không được phân tích ở đây. Thị trường hàng hiệu Singapore có những người tiêu dùng có nhiều hiểu biết về hàng hiệu, khách du lịch quốc tế đến mua sắm ở thị trường miễn thuế, và nhiều người mua là dân đồng tính. Trong khi đó, đàn ông Singapore thích bỏ tiền vào đồng hồ, xe hơi và bất động sản hơn. Malaysia lại nổi tiếng với giới thượng lưu sẵn sàng mua sắm cộng với 15 triệu khách du lịch (nhiều người từ các nước Ả rập giàu có) là một thị trường béo bở. Thái Lan lại đang vững bước trên con đường trở thành thủ đô thời trang trong tương lai với niềm đam mê cố hữu của người Thái với những sản phẩm thủ công tinh xảo. Giới quý tộc, khách du lịch và các doanh nhân quốc tế ở đây là những người tiêu dùng chính. Ngoài ra, chính phủ cũng bỏ ra 40 tỉ đo la vào dự án thành phố thời trang Bang Kok để vượt lên trên Singapore và Sydney. Indonesia lại hiện lên như một ví dụ tiêu biểu về sự trái ngược giữa nông thôn và hải đảo xa xôi với những khu du lịch và đô thị sầm uất. Thị trường hàng hiệu ở đây hướng tới  những người giàu mới nổi và điểm đặc biệt của hàng hiệu ở đây là một sự  đơn điệu: người ta ăn mặc, chải chuốt giống hệt nhau và những chương trình quảng cáo cho các loại hàng khác nhau lại được trình bày theo cùng một lô gích đơn giản. Philippines lại là nước châu Á mang đậm chất Phương Tây nhất. Mua sắm là môn thể thao được ưa chuộng ở nước này nhưng lại tương đối kén khách. Họ gồm những người siêu giàu (cả cũ và mới) và những người có thu nhập khá. Tuy nhiên họ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thị phần hàng hiệu.

          Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Ấn Độ trên bản đồ hàng hiệu châu Á. Trong khi ở Trung Quốc mọi người đã từng nghèo đồng đều thì ở Ấn Độ luôn tồn tại song song tầng lớp trên và tầng lớp dưới. Các gia đình giàu có nhiều đời vừa có tiền lại vừa có khiếu thẩm mỹ chắt lọc và trở thành những khách hàng đương nhiên của hàng hiệu. Các tỷ phú và triệu phú của Ấn Độ liên tục xuất hiện trong các bảng xếp hạng. Ấn Độ cũng là đất nước của những nhà tỷ phú ‘’tiền mới’’. Nhiều người trong số họ đi lên từ tay trắng và sau này không ngần ngại chi tiêu. Tầng lớp thứ ba là những cổ cồn vàng. Họ là những người thành đạt nhưng chưa có nhu cầu dùng hàng hiệu. Để bán được, hàng hiệu phải chuyển mình thành những món quà tặng, phải lọt vào danh sách ‘’đầu tư’’ chứ không phải là ‘’chi tiêu’’. Những kế hoạch marketing khéo léo đang tỏ ra hiệu quả với tầng lớp này.

          Quyển sách dừng lại phân tích những chiến lược và chiêu thức tạo ra cơn sốt hàng hiệu. Công thức chung của sự thành công là sự kết hợp của nghịch lý chọn lọc-đại trà. Vừa cho ít người vừa mở rộng chủng loại; vừa cho giá ‘’trên trời’’ vừa cho giá chấp nhận được. Các chương trình riêng luôn được giấu kín nhưng cùng lúc lại tấn công truyền thông đại chúng ầm ĩ. Trong công thức thành công luôn có tiệc sang trọng + khách mời ngôi sao và những người có quan hệ rộng + một chút báo chí + một câu chuyện hay để kể. Quyển sách khép lại với một chương phân tích về thị trường hàng nhái và trả lời câu hỏi tại sao hàng hiệu đa phần lại của châu Âu và tại sao người châu Á lại thích hàng hiệu châu Âu.

          Với 347 trang, đây không phải là một quyển sách dài nhưng với nó người đọc có thể hiểu phần nào tâm lý hàng hiệu của một nửa dân số thế giới và có được những nhận định của riêng mình về thị trường hàng hiệu Việt Nam.

Hà Nội 4/2009

Nguyễn Đình Thành

(tổng hợp)


Danh sách 15 thương hiệu sang trọng được xếp hạng theo doanh số năm 2008:


STT

Nhãn hiệu

Logo

Quốc gia

Giá trị nhãn hiệu
năm 2008 (triệu USD)


1

Louis Vuitton



Pháp

21.602

2

Gucci



Italy

8.254

3

Chanel



Pháp

6.355

4

Rolex



Thụy Sĩ

4.956

5

Hermès



Pháp

4.575

6

Cartier



Pháp

4.236

7

Tiffany & Co



Mỹ

4.208

8

Prada



Italy

3.585

9

Ferrari



Italy

3.527

10

Bvlgari



Italy

3.330

11

Burberry



Anh

3.285

12

Dior



Pháp

2.038

13

Patek Philippe



Thụy Sĩ

1.105

14

Zegna



Italy

818

15

Ferragamo



Italy

722



theo Interbrand

 
Về chữ "chết" trong truyện Kiều

Vietsciences- Phạm Đan Quế          0
7/04/2009

Những bài cùng tác giả


Truyện Kiều trích giải


Năm 2000, kỷ niệm 180 năm ngày thi hào Nguyễn Du từ trần, chúng tôi đã thử tìm hiểu chữ “chết” trong Truyện Kiều. Chết là một từ trung hoà về sắc thái tu từ mà người nói không biểu lộ tình cảm của mình đau buồn thương xót hay một thái độ nào khác. Theo nghĩa tốt ta có thể dùng: hy sinh, qua đời, từ trần, khuất núi... theo nghĩa xấu thì có: đi đời, đi toi, bất đắc kỳ tử...

   Trong Truyện Kiều, tác giả đã 45 lần nói về cái chết mà chỉ dùng chữ “chết” có một lần trong câu 2532 thật là đích đáng, bởi lúc này Thúy Kiều quá đau khổ và hổ thẹn vì bị mắc lừa:

   2531. Mặt nào trông thấy nhau đây,

   Thà liều sống chết một ngày với nhau.

   Tuy nhiên ngay ở Phần văn bản (Trang 543) của Từ điển Truyện Kiều – bản in năm 1974 – không có chữ chết nào, câu này in là: Thà liều sống thác một ngày với nhau. Trong khi ở Phần từ vựng giải nghĩa, câu này lại in là: Thà liều sống chết một ngày với nhau.

   Về cái chết của Đạm Tiên theo lời kể của Vương Quan thì:

   0065. Kiếp hồng nhan có mong manh

   Nửa chừng xuân, thoắt / gãy cành thiên hương.

   Với nhịp thơ 3–1–4 trong câu bát, với cách ngắt câu đứt quãng thoắt/ gãy cành thiên hương, một nhã ngữ mà tác giả cho ta cảm tưởng sinh động về cái chết đột ngột của Đạm Tiên khi đang còn xuân sắc để rồi khi người khách viễn phương đến thì:

   0069. Thuyền tình vừa ghé tới nơi

   Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.

   Trâm gãy bình rơi lại là một nhã ngữ nói về cái chết của người kỹ nữ.

   Rồi khi báo mộng cho Kiều trong mơ lúc nàng tự tử thì Đạm Tiên lại nói:

   0995. Rỉ rằng: Nhân quả dở dang

   Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?

   Đạm Tiên là người cùng hội cùng thuyền (Hội Đoạn trường) khi nói về dự định tự tử của Thúy Kiều mà dùng chữ “trốn nợ đoạn trường” thì thật là tinh tế và đầy tình ý, không một ai khác có thể dùng từ này cho hợp hơn.

   Đó là những nhã ngữ để phân biệt với những uyển ngữ khi nói về cái chết của người chú của Kim Trọng:

   531. Nghe tin thúc phụ từ đường

   Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề.

   Nay ta hay dùng chữ từ trần (lìa xa nơi trần thế tức lìa đời) để nói về cái chết, Nguyễn Du dùng chữ từ đường là từ giã cửa nhà cũng là nghĩa ấy.

   Đối với Vương ông khi gia đình bị nạn, ông muốn chết cho xong, tác giả lại tránh chữ chết mà thay bằng chữ mặt khuất:

   0063. Một lần sau trước cũng là:

   Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau!

   – Về cái chết của Từ Hải, Nguyễn Du dùng lối ngoa dụ:

   2519. Khí thiêng khi đã về thần,

   Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.

   2521.Trơ như đá vững như đồng,

   Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời.

   Khí nghĩa đen là hơi dùng để chỉ cái vô hình, thiêng (thiêng liêng) là có phép lạ làm được những điều khiến người ta phải kính sợ theo tín ngưỡng của dân gian, khí thiêng là vía người, hồn vía với ý nghĩa linh thiêng, thần là phần linh hồn, yếu tố vô hình tạo nên sức sống, đã về thần là đã trở về cõi của tinh thần, của linh hồn, nhưng thần còn có nghĩa là lực lượng siêu tự nhiên được tôn thờ. Nói về cái chết của người anh hùng mà viết: Khí thiêng khi đã về thần thì đây là lối nói nghe cao quý xa xôi và đầy âm hưởng, chỉ dành cho Từ Hải.

   Khi Kiều bắt buộc phải nói với Hồ Tôn Hiến về cái chết của Từ thì thái độ lại đau đớn uất ức, như muốn tố cáo kẻ giết người ngay trước mặt mình bằng một cách nói trực tiếp cụ thể và đầy màu sắc:

   2553. Ngỡ là phu quý phụ vinh,

   Ai ngờ một phút tan tành thịt xương.

   2555. Năm năm trời bể ngang tàng,

   Dẫn mình đi bỏ chiến trường như không.

   Còn khi Kim Trọng cho người đi hỏi tin tức về Thúy Kiều thì lời kể của một người Hàng Châu về cái chết của Từ Hải cũng lại là một ngoa dụ:

   2959. Rằng: Ngày hôm nọ giao binh

   Thất cơ Từ đã thu linh trận tiền.

   Hình ảnh Từ Hải chỉ còn lại trong lòng người Hàng Châu như một vị thần linh vì thế ta có cảm tưởng linh hồn Từ đã về trời: Từ đã thu linh trận tiền.

   Thúy Kiều đã nhiều lần tự tử và nghĩ đến cái chết. Khi nàng than thở với Thúy Vân về cuộc đời sau này của mình thì lại dùng một hoán dụ:

   0773. Chị dù thịt nát xương mòn,

   Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

   Rồi:

   0745. Hồn còn mang nặng lời thề,

   Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

   Khi Kiều định tự tử, Tú bà sợ quá thì lại là những ẩn dụ rất văn hoa, trang trọng nói về cái chết của người thiếu nữ tài sắc tuyệt vời và đầy hứa hẹn cho công việc làm ăn của mụ:

   0983. Sợ gan nát ngọc liều hoa,

   Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.

   Và đến ngôn ngữ tác giả, ông như kêu lên:

   0985. Thương ôi! Tài sắc bậc này,

   Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.

   nói về cuộc đời bạc mệnh của Thúy Kiều, lại như ứng với câu:

   1192.  Đến phong trần, cũng phong trần như ai.

   Đến lần Kiều tự tử ở sông Tiền Đường thì nàng nghĩ:

   2605. Đành thân cát dập sóng vùi,

   Cướp công cha mẹ thiệt đời thông minh.

   Cát dập sóng vùi là lối khiêm dụ, còn cướp công cha mẹ lại là một thành ngữ, đúng là ý nghĩ của người con trước cái chết của mình nhưng luôn nhớ về cha mẹ.

   Khi Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường thì:

   2637. Thổ Quan theo vớt vội vàng,

   Thì đà đắm ngọc chìm hương mất rồi.

   Sau này đến khi Kiều gặp lại gia đình thì:

   2997. Rõ ràng hoa rụng hương bay,

   Kiếp sau họa thấy, kiếp này hẳn thôi.

   2999. Minh dương đôi ngả chắc rồi,

   Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên.

   Hoa rụng hương bay kết hợp với Minh dương đôi ngả là một cách nói rất khéo léo lại nhẹ nhàng về trường hợp của Thúy Kiều, nếu nàng không còn nữa sau mười lăm năm lưu lạc.

   Và còn nhiều lần khác nữa, trong Truyện Kiều có tới 45 lần nói về cái chết mà Nguyễn Du chỉ một lần dùng chữ chết trong trường hợp thật là cụ thể và đích đáng như trên đã nêu. Ngoài 12 lần dùng chữ “thác” và 1 lần dùng chữ “tử” – ngoài chữ tử sinh – còn trên 30 lần khác đều là những thủ pháp nghệ thuật khác nhau: ẩn dụ (nát ngọc tan vàng...), hoán dụ (thịt nát xương mòn...), khiêm dụ (xương trắng quê người...), ngoa dụ (khí thiêng khi đã về thần...) rồi nhã ngữ (hoa rụng hương bay, trâm gãy bình rơi...) uyển ngữ (thôi thì mặt khuất...), thành ngữ (cướp công cha mẹ...)....

   Có trường hợp tác giả dùng phép tỉnh lược, bỏ lửng không cần dùng chữ thay thế mà vẫn diễn đạt được ý nghĩ về cái chết như khi ở trú phường, sau khi thất thân với Mã giám sinh, Thúy Kiều cầm dao toan tự tử thì nàng nghĩ:

   0859. Nghĩ đi nghĩ lại một mình:

   “Một mình thì chớ, hai tình thì sao?

   0861. Sau dầu sinh sự thế nào,

   Truy nguyên chẳng kẻo luỵ vào song thân.

   0863. Nỗi mình âu cũng giãn dần,

   Kíp chầy, thôi cũng một lần... mà thôi!”

   Đời người chỉ có một lần chết, dù sớm hay muộn thì cũng chỉ một lần... (chết) mà thôi.

   Còn một lần nữa, tuy không nói về cái chết nhưng Nguyễn Du lại đưa vào câu nói của Tú bà cụm từ đi đời nhà ma với nghĩa là vốn liếng đi toi (mất toi) trong:

   0969. Màu hồ đã mất đi rồi,

   Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!

   Qua cách biểu thị một khái niệm “chết”, ta cũng thấy quả thật Nguyễn Du là bậc thầy về ngôn ngữ! 
 

Trích trong Phụ lục quyển Về những thủ pháp nghệ thuật trong văn chương Truyện Kiều của Phạm Đan Quế - Nxb Giáo dục 2002. 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Phạm Đan Quế

http://vietsciences.free.fr/


 
Picture
Năng đoạn kim cương –

Túi khôn của đức Phật dành cho các doanh nhân

Là một người quản lý, bạn sẽ nói gì khi ai đó nói rằng muốn có những nhân viên tận tụy bạn hãy đối xử thật tốt với chính gia đình bạn! Rằng trong tuyển dụng, tiêu chí quan trọng số một không phải là năng lưc của ứng viên mà là việc người đó làm gì khi có thời gian rảnh? Rằng việc kinh doanh của bạn thuận lợi hay khó khăn phụ thuộc vào việc bạn nghĩ tốt hoặc xấu về môi trường và những người xung quanh bạn? Rằng việc bạn vừa bị lừa chính là do bạn đã nói dối ai đó trong quá khứ? Nếu trên đây là câu nói của một kẻ vô danh tiếu tốt chắc hẳn bạn sẽ cười và bỏ đi, nhưng nếu đó là lời khuyên của một người đã tốt nghiệp đại học Priceton danh tiếng của Mỹ, phó chủ tịch của một công ty có doanh thu hơn 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm, hẳn những lời khuyên của ông cũng có ít nhiều cơ sở.

 

Cuốn sách thú vị mở đầu bằng lời giải thích ý nghĩa của tiêu đề: Năng đoạn kim cương. Đây là tên một cuốn sách in cổ nhất thế giới ra đời vào năm 868, trên đó ghi lại những lới dạy uyên thâm của Đức Phật cách đây bốn ngàn năm. Kim cương là thứ rắn nhất trên hành tinh và gần nhất với khái niệm tối hậu; Năng đoạn có nghĩa là có thể chặt ra được. Năng đoạn kim cương chứa những bí ẩn của một sức mạnh tuyệt đối có thể chặt được kim cương đó chính là sự thông tuệ. Năng lực thành công luôn tiềm tàng trong mỗi con người, nó ở quanh ta vào mọi lúc, mọi nơi, nếu chúng ta biết khai thác nó, thành công sẽ nằm trong tay ta. Vấn đề là khả năng này thường vô hình đối với ta, Năng đoạn kim cương dạy cho chúng ta làm sao để thấy được tiềm năng này và vượt qua khả năng gần như tối hậu của kim cương bằng sức mạnh trong chính ta.

            Cần tránh một nhận thức thông thường là Phật giáo không liên quan đến kinh tế. Tác giả nhắc lại rằng những người lãnh đạo Phật giáo trong thời gian đầu đều có nguồn gốc hoàng tộc, những người lãnh đạo đời sống kinh tế và chính trị của các quốc gia nhỏ ở Ấn Độ thời ấy. Họ đóng vai trò giống như cộng đồng doanh nghiệp ở Phương Tây bây giờ. Theo Michael Roach, mọi sự vật hiện tượng đều có tính không - trống rỗng. Chính chúng ta là người đổ đầy các khái niệm tốt-xấu vào trong đó. Việc mua một tòa nhà để làm trụ sở công ty có thể là việc tốt cho các nhân viên vì có chỗ làm việc rộng rãi hơn, một số người đi làm gần hơn nhưng một số người sẽ đi làm xa hơn và nếu giá đất tụt xuống hay các nhà cung cấp rút ngắn thời gian cho công ty nợ tín dụng vì nghĩ rằng công ty đang nhiều tiền thì đó lại là một việc xấu cho công ty. Các ví dụ kiểu này có thể nhân lên đến vô tận bởi rõ ràng không có sự ‘’gây bực bội’’ nào xuất phát từ một cá nhân hay sự việc cụ thể mà tất cả chỉ là cách chúng ta nhìn nó. Các dấu ấn được gieo vào đầu bạn như những hạt mầm, đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành một cái cây cao. Nếu bạn chỉ nghĩ đến thất bại, dấu ấn thất bại được gieo vào tâm bạn và một ngày sẽ trở thành một gánh nặng đè lên sự nghiệp của bạn. Nếu ai đó không giúp đỡ bạn và khi người đó cần mà bạn từ chối không giúp, chính lúc đó bạn đã đốt lên một dấu ấn mới trong tương lai khởi nguồn cho việc bạn sẽ bị một ai đó từ chối giúp đỡ trong tương lai. Giả dụ như trong thời điểm khủng hoảng kinh tế hiện nay, nếu một doanh nghiệp khách sạn quyết định không bày hoa tươi ở sảnh đón tiếp và trong các nhà hàng, phục vụ ít đồ ăn và đồ uống, khi quyền lợi bị cắt giảm, khách sẽ đến ít đi, doanh thu càng ít, khách sạn sẽ lại càng phải cắt giảm hậu quả kéo theo là khôn lường.

            Thể cách mà các sự việc xảy ra với bạn được tạo nên bởi các hạt mầm hay các dấu ấn mà trước kia bạn đã đặt trong tâm bạn, khi bạn đã nói, đã làm, đã nghĩ điều gì tốt hay xấu về người khác. Vẫn trong phần 1 này, tác giả đưa ra cách giải quyết bằng cách áp dụng kinh Năng đoạn kim cương cho 47 vấn đề lớn trong kinh doanh và cuộc sống. Từ việc đầu tư không hiệu quả, thành viên ban lãnh đạo và nhân viên kèn cựa không hợp tác, các phương án kinh doanh thất bại, những người xung quanh và đối tác lừa gạt bạn, cho đến việc không ai tôn trọng lời bạn nói, hay bị cấp trên đối xử không công bằng, bạn cảm thấy thiếu thời gian để hưởng thụ hay cơ thể bạn quá mệt mỏi vì công việc. Đến đây bạn đã đi hết con đường thứ nhất: làm ra tiền.  

Vậy thọ hưởng thành quả kinh doanh của bạn thì sao. Tác giả giải thích thân thể và tinh thần bạn là một. Mỗi dấu ấn không tốt về tinh thần vì tức giận, phiền bực, ghen tị, mỗi ý nghĩ xấu để ‘’chơi khăm’’ người khác sẽ làm một cái gì đó trong thân thể bạn già cỗi đi, bị va chạm và đương nhiên cơ thể bạn là người chịu thiệt. Điều ngự được thân tâm chính là phương pháp dưỡng sinh và giải stress tốt nhất cho doanh nhân. Tác giả đưa ra phương pháp vòng tròn để làm việc và hưởng thụ một cách hiệu quả. Một số công ty lại cứ cố vắt cạn mọi thời gian rảnh rỗi của các giám đốc để rồi lại phải ngạc nhiên khi họ kiệt sức đến nỗi chẳng nghĩ ra được điều gì mới mẻ. Bạn có thể sắp xếp để nghỉ một ngày giữa tuần và đến với không gian yên lặng của riêng bạn: không sách báo, không tivi, không điện thoại, không tiếp khách…hãy định tâm một, hai tiếng sau đó chơi thể thao. Vào buổi tối, hãy cố gắng giúp đỡ ai đó về bất cứ việc gì: hàng xóm, gia đình, bạn bè, đội bóng khu bạn ở hay những người già trong khu phố.Việc duy trì đều đặn ngày vòng tròn như thế nhằm rút chúng ta khỏi cái lối mòn của suy nghĩ kinh doanh và tách xa sự tập trung vào chính chúng ta. Làm được như thế, không có gì tạo cho bạn nhiều năng lực hơn trong công ty vào ngày hôm sau. Lão Tử đã nói: Biết dừng lại đúng lúc là người túc trí: ‘’Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết thế nào nên ngừng thì không nguy...Biết thế nào là đủ thì sẽ thấy đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ‘’. Tác giả của cuốn sách nói: Tóm lại, mục đích của kinh doanh, hay của trí tuệ cổ Tây Tạng và thực ra là của mọi nỗ lực của con người, chính là làm cho chính chúng ta được phong phú – đạt được sự thịnh vượng, cả bên ngoài lẫn bên trong. Chúng ta chỉ có thể hưởng thụ sự thịnh vượng này nếu như chúng ta giữ được một mức độ cao về sức khỏe thể chất và tinh thần.

            Người Tây Tạng có một tập tục rất thú vị. Họ mang theo mình một túi sỏi đen và một túi sỏi trắng. Mỗi khi làm việc tốt hoặc có một ý nghĩ tốt, họ bỏ sỏi trắng vào một túi. Mỗi khi làm việc không tốt hoặc có ý nghĩ xấu, họ bỏ vào túi một viên sỏi đen. Mỗi chúng ta hãy có một túi sỏi đen và sỏi trắng tưởng tượng mang đến công ty và cố gắng để không có viên sỏi đen nào bị lấy ra khỏi túi. Đó cũng chính là cách tốt nhất để có một thành công hoàn hảo cả trong thân thể và tâm trí.

Nguyễn Đình Thành 27/10/2009

* Sách do Thái Hà Book và NXB Tri Thức ấn hành, bản dịch của Trần Tuấn Mẫn.



 
 (Trái hay Phải)- Ngày 6.10, những người yêu mến nhà văn, nhà báo Phan Khôi sẽ kỷ niệm 125 năm ngày sinh ông. Di sản tinh thần mà Phan Khôi để lại vẫn sừng sững như những tháp đá ven đường để lớp hậu sinh trông vào mà dấn bước.
Phan Khôi Phan Khôi là một người ưu tú của đất “Quảng Nam hay cãi”, đọc những bài báo của ông trên Phụ nữ tân văn, Trung lập, Đông tây... mới thấy, ông cãi tuốt luốt, sự gì ông cũng thấy chưa ổn, cần phải đem ra bàn dưới con mắt luận lý của tri thức. Thời nay, chúng ta gọi việc “cãi” như thế là phản biện, và đọc Phan Khôi mới thấy ngày hôm nay, chúng ta đang thiếu một người phản biện thông thái như ông biết dường nào. Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân- người đã có công sựu tầm, biên soạn loạt sách “Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo” nhận xét: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng… ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức". Người cùng thời với ông mặc dù rất tôn trọng Phan Khôi nhưng thường hơi có ý trách ông hơi lạnh lùng quá, nhà phê bình Thiếu Sơn viết: “Văn ông trước sau tôi vẫn phục là sáng sủa, nhưng cũng vì ông ít tình cảm quá mà nó cũng thiếu vị đậm đà, cái văn thể của ông nó cũng một tính cách với cái văn thể của Voltaire... Cái lối văn đó, khiến người ta hiểu, thì được, để người ta cảm, thì không, nó có thể làm vui cho khối óc mà không cám dỗ được cõi lòng... Đã vậy, ông Phan Khôi là người có tính khắc khổ, nhất nhất cái gì cũng phải hai năm rõ mười ông mới chịu. Hơi sái một chút là ông viện luận lý, mang văn pháp ra cãi bằng được mới nghe”. Tôi là kẻ sinh sau đẻ muộn, với các bậc tiền nhân luôn một lòng kính trọng, nhưng đọc những nhận xét trên về Phan Khôi vẫn muốn có đôi điều bảy tỏ. Nói văn Phan Khôi ít tình cảm, không cám dỗ được cõi lòng tức là mới chỉ bóc được lớp áo của văn ông. Còn với tôi, đọc văn của Phan Khôi, tôi chỉ muốn cho đêm dài mãi, muốn được khóc, được cười, được cúi xuống kính cẩn ngưỡng mộ tấm lòng của ông đang hiển hiện trên trang sách. Phan Khôi có lòng với cuộc đời biết là bao nhiêu, ông đau với cái dốt nát của xã hội thời điểm đó, ông buồn đến tái tê vì nhiều người trong giới tri thức vẫn lầm lẫn u mê cho rằng Việt Nam có “quốc học” (tức là triết học hay nền học thuật của một nước) như ai. Ông viết: “Thấy không có thì chúng tôi phải nói là không có, đó là chỗ trung hậu thành khẩn của chúng tôi, cũng như một nhà kia, ông cha nghèo thì phải khai thiệt là nghèo, không có một cục đất nào thì phải khai thiệt là không có một cục đất, hầu cho con cháu lo mà làm ăn vậy”. Nhà văn Phan Khôi  (thứ 2 từ phải qua) chụp tại Trung Quốc trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn. Với một xã hội không coi việc học để làm sự tu tiến cho con người mà chỉ coi như một phương tiện để kiếm miếng ăn, ông viết: “Không nên đổ tội cho ai, chỉ nên đổ tội cho cái quan niệm về sự học ở nước ta từ trước đến giờ. Người mình coi sự học cũng như cái cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cái cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa”. Ngẫm ra điều Phan Khôi thấy ở năm 1931, khi ông viết bài báo này, đến bây giờ, cái quan niệm về sự học của người Việt vẫn chưa có gì thay đổi, thật chua xót. Ông lo cho mọi sự trong cuộc sống của người Việt, bênh vực cho quyền lợi của người phụ nữ: “Trong cái vòng đạo đức luân lý, tôi muốn lấy Khổng Mạnh làm thầy, mà đồng thời tôi cũng muốn phế truất Hán nho và Tống nho” bởi hai phái này chủ trương cấm đàn bà cải giá. Ông khuyên muốn giải quyết tốt nhất cho cái bi kịch muôn đời “mẹ chồng- nàng dâu” không còn cách nào khác là gia đình trẻ phải được sống riêng, đừng tôn vinh cái thuyết “cửu thế đồng cư” nữa. Ông vạch ra cho người Việt thấy cái xấu xí trong tiếng cười của mình, chẳn hạn hễ mà thấy có người trượt chân ngã trên đường mưa, thì các “con Rồng cháu Tiên” phải xúm vào cười ầm lên một chặp cho no nê chứ chưa tính gì đến chuyện chạy lại mà nâng đỡ họ. So với cái cười của người Âu, ông viết: “Cái cười do sự vui, thì trong đó có cái vẻ đầm ấm của sự sống, nó hiệp với cái nguyên tắc của sự sanh tồn. Những dân tộc ấy kêu là văn minh, là phải, bởi vì họ giữ được cái tư cách loài người vậy”. Phan Khôi đặc biệt quan tâm đến đạo nghĩa thầy trò, ông cảm khái cái nghĩa thầy trò của Khổng Tử và Nhan Uyên, bởi đó là một mối “tương tri tương đắc” với nhau ở chỗ đạo lý, học vấn, còn ở người Việt mình, nó chỉ là mối quan hệ vì lợi, thầy chỉ cho trò cách làm văn hay để đậu làm quan. “Hỏi sao từ xưa đến nay, mấy ông thầy nước ta không tác thành ra thánh hiền mà chỉ tác thành ròng những quan lớn”. Nhà văn Phan Khôi cùng vợ và hai con trai, ảnh chụp năm 1956.    Sinh thời, nhà thơ Lê Đạt vô cùng kính trọng mỗi lần nhắc đến cụ Tú Khôi- người mà đã bị chung cái án “Nhân văn giai phẩm” với ông, theo Lê Đạt, Phan Khôi tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm chỉ bởi quá yêu quý những người thuộc lứa đàn em, đàn cháu như Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm... Nhà thơ Lê Đạt mỗi lần dịch được một câu thơ Đường nào ưng ý đều đem đến “khoe” với cụ Tú Khôi, hễ cụ gật đầu là vui sướng như trẻ con bởi đó là một bậc uyên thâm về Hán học. Ông kể lại: “Một lần, tôi đã chứng kiến cảnh một nhà học giả thời danh mời ông cộng tác viết một chuyên khảo, Phan Khôi đã đứng lên nói rất to trước mặt mọi người: “Tôi không cộng tác với ông vì ông dốt lắm”. Phải nghe cái tiếng “dốt” nhọn hoắt như chọc thủng nhĩ mới hiểu Phan Khôi là một người bộc trực dữ dằn đến mức nào”. Phan Khôi là một người tràn đầy tiết tháo. Với ông, những người coi sự học là để đua danh lợi giàu sang với đời là một điều đáng phỉ báng, nhưng những người học mà không biết nghĩa lý thì cũng đáng thương không kém. Cả đời mình, Phan Khôi dùng tài văn, tài báo chỉ để khích lệ một xã hội ham học, học để hiểu nghĩa lý mới cầu mong sự tiến bộ, để dân tộc ta đỡ tụt hậu, thiệt thòi. Ông viết: “Rày về sau thế nào trong nước ta cũng phải có một bọn người cả đời chỉ chuyên lo một việc học mà không biết đến việc chi hết, thế thì họa may nước mới khá ra... Nếu đôi trăm năm nữa mà cái tinh túy của Tây học không tìm thấy được ở xứ này cũng như Hán học ngày nay, thì cái lỗi ấy đổ vào mình chúng ta”. Một tấm lòng với dân với nước kể như thế cũng đã đến tận cùng. Từ sau án Nhân văn giai phẩm, Phan Khôi không được viết lách gì hết, theo lời ông Phan Nam Sinh- con trai của nhà văn thì: “Trừ khi ngồi vào bàn làm việc như mặt trời chiều còn cố hắt những tia nắng cuối ngày trước khi sắp tắt, thời gian còn lại ông chỉ muốn được nằm một mình, lặng thinh hết giờ này tới giờ khác trong căn phòng rộng chừng mười mét vuông dành cho gia đình tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc -Hà Nội”. Không biết một nhà ngôn luận chuyên nghiệp, một nhà tư tưởng lớn, một học giả thông kim bác cổ như Phan Khôi đã nghĩ gì trong những tháng năm cuối đời nằm lặng thinh quay mặt vào bức vách tường ấy? Còn bao nhiêu lời gan ruột với đất nước, với dân tộc mà ông chưa kịp nói ra? Tôi còn nhớ đọc đâu đó câu chuyện, trên hành trình hành hương về đất Phật Tây Tạng, người ta hay nhìn thấy những tháp đá ven những con đường cheo leo nguy hiểm, ấy là dấu hiệu của những người đi trước gửi lại cho người đi sau, như một biểu tượng xác tín, để người sau đỡ lạc đường và cảm nhận được hơi ấm vĩnh cửu bao la của tình đồng đội. Phan Khôi đã để lại cho lớp hậu sinh bao nhiêu là những ngôi tháp đá như thế trên con đường dằng dặc và khó nhọc mà ông từng trải qua. Gặp và hiểu được những nhân cách lớn như ông, tôi như đứa trẻ non nớt cảm thấy bớt sợ hãi, bớt choáng ngợp trước biển học mênh mông của nhân loại. Và có thêm lòng dũng cảm để bước tới.