Picture
Khuyến học của tác giả Fukuzama Yukichi là một trong những quyển sách ‘’gối đầu giường’’ của hàng triệu người Nhật trong suốt hơn một trăm năm qua. Tác phẩm là một tập hợp của những lời khuyên, bài học về tinh thần tự lực và nhận thức về sự học.

Yukichi là một tác giả lớn được coi là Voltaire của Nhật Bản, một đại học giả của thời đại Minh trị Thiên hoàng và có ảnh hưởng rất lớn. Hình của ông được in trên tờ giấy bạc có mệnh giá cao nhất tại Nhật Bản và cho tới nay, quyển sách của ông đã được tái bản tới hơn bảy mươi lần tại Nhật Bản và dịch ra hàng chục thứ tiếng.

Về giáo dục :

Ông viết cuốn sách này nhằm cổ vũ học sinh sinh viên hăng hái học tập nhưng phải học cái thực chất. Không phải cứ thuộc thiên kinh vạn quyển mà đã hay. Học là phải áp dụng được vào thực tế chứ không phải là tủ sách di động. Học là để kiếm sống và giúp đời. Ông chê trách thói học từ chương, cứng nhắc. Ông nói : từ xưa đến nay có mấy khi người ta thấy nhà văn, nhà thơ là những người giàu có ? Theo ông, kiến thức rất đa dạng : làm một cái hóa đơn, công việc sửa chữa trong nhà cũng là kiến thức.

Về quốc gia và chính phủ

Ông phân tích tầm quan trọng của luật pháp. Luật phải nghiêm minh và phải là kết quả của quá trình bàn thảo giữa quốc dân và chính phủ. Khi đã đồng ý thì mọi người phải tuân theo, nếu có thắc mắc thì trao đổi cùng chính phủ. Chính phủ là người được dân cử ra lãnh đạo đất nước chứ không phải là vua chúa xưa kia. Chính phủ có trách nhiệm lãnh đạo đất nước. Quốc dân có nghĩa vụ áp dụng những chính sách quản lý của chính phủ.

Mọi người dân phải chung sức đồng lòng thì nước mới mạnh, mới chống được giặc ngoại xâm (là các nước phương tây bấy giờ). Phải tận dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xã hội của các nước Phương tây để chấn hưng đất nước. Phải trân trọng những tiến bộ ấy nhưng không được tôn sùng.

Trong khoảng thời gian hơn 20 năm đã có cả ngàn cuốn sách quan trọng được dịch ra tiếng Nhật để nâng cao dân trí (nhìn lại dự án dịch các cuốn sách quan trọng ra tiếng Việt hiện nay mà buồn).

Về tu thân Ông cho rằng cái làm cho con người khác con kiến hay những con vật khác là ở chỗ : con người không chỉ hài lòng với việc hưởng thụ thành quả công việc của mình, nếu không họ chỉ bằng con sâu cái kiến. Người tri thức phải học và rèn luyện để tự lập. Ông cổ vũ mỗi người phải trau dồi cho mình những tài năng mà xã hội cần. Ông trích câu nói của Khổng Tử ‘’ Đừng buồn vì người không biết  ta. Hãy buồn vì ta không có gì để người biết’’. Nhưng thế còn chưa đủ, phải giúp đời nữa, phải làm được gì nữa cho xã hội, cho những người xung quanh. Ông phê phán những người lấy việc chỉ chăm chăm học để ngày mai có một vị trí nào đó trong guồng máy lãnh đạo rồi chăm chăm kiếm tiền, quyền lực, phê phán lối học chỉ để ra làm quan. Học là để biết lẽ phải, để lên tiếng bảo vệ chân lý. Ông viết ''đa phần hiện nay các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tu cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào che chiều ấy.Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng ''quan chức'', sa vào các sự vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian vào các việc vô bổ xa rời công việc nghiên cứu, học thuật...Tôi buộc phải nói rằng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước''

 

Sách ra đời năm 1876 với số lượng ấn bản 3,4 triệu bản. Nên nhớ vào thời kì này, dân số nhật bản là 34 triệu. Tính ra cứ 10 người thì có 1 người đọc. Tưởng tượng Việt Nam có số lượng người đọc tương ứng, thì chắc chắn đất nước đã ở rmột vị thế khác.

Nguyễn Đình Thành


 
Picture
Trái với suy nghĩ thường thấy, ‘’điên’’ lại là một chủ đề khá phổ biến trong văn học và nghệ thuật. Từ Sophocle đến Shakespeare, rồi Charles Dickens, N.V. Gogol, Tchekhov, W. Faulkner, Stefan Zweig, Lỗ Tấn…câu chuyện về những người hành động không bình thường này luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những nhà văn lớn. Danh sách những người nổi tiếng bị biết đến như những người ‘‘điên’’ cũng không ngắn: Van Gogh, Guy de Maupassant, Nietsche, Blaise Pascal,…rồi các nhân vật trong thần thoại Hercule, Ulysse,…Tiểu thuyết Vu Khống của nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê đã thêm vào danh sách ấy một câu chuyện hấp dẫn.

 

Hấp dẫn nhưng không dễ đọc bởi tác giả đã chọn một văn phong súc tích, quyết liệt và không khoan nhượng. Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của một kẻ xưng tôi. Là một người nhập cư (có lẽ là từ Việt Nam và ban đầu không biết tiếng Pháp), anh ta bị gia đình gửi vào một trại thương điên ở Pháp suốt mười năm với hi vọng cách li hoàn toàn anh ta với mọi quan hệ với gia đình, xã hội. Được một bác sỹ tốt bụng giúp đỡ, anh tự cứu chính mình bằng việc học tiếng Pháp, đọc những tác phẩm trong thư viện. Nhưng một lá thư của người cháu gái gửi đến cho anh đã phá vỡ sự yên bình mà anh đã thiết lập được cho mình trong trại thương điên: Thoát, thôi tưởng tôi thoát chứ. Vậy mà lại bị mấy cái gien túm lại. Vậy mà một cái thư lại nhắc tôi phải nhớ tới cái gia đình đã cán bẹp bộ não tôi, huỷ diệt tuổi trẻ tôi, phá hư đời tôi. Cô cháu gái hỏi một người ‘’điên’’ chỉ đường cho mình trong cuộc sống và nói rằng anh là người duy nhất trong gia đình cô muốn giữ quan hệ. Anh trở lại với cuộc sống ‘’bình thường’’ và làm việc trong một thư viện. Ngày trở về cũng chẳng êm đềm khi người anh yêu – em gái ruột hoặc một người họ hàng gần – đã treo cổ tự vẫn. Anh sống vật vờ bên gia đình, xã hội và tiêu tiền theo một cách cũng ‘’điên’’: trả tiền cho lão hàng xóm để cô bé con lão mà lão bắt phải tiếp khách được ngủ yên vài đêm còn anh thì trốn lại thư viện mình làm những đêm ấy. Câu chuyện của anh xoắn vào câu chuyện của cô cháu gái, của tay tham vấn người đặt hàng để cô gái viết, của anh trai cô và của một người thợ giầy nhập cư. Mỗi người xuất hiện với cách hành xử, suy nghĩ hoặc sở thích ‘’kì quặc’’ của mình. Cô gái – Nhà văn. Chưng cất thuốc dịu đau. Chế biến thuốc an thần. Làm bà chủ chứa chữ nghĩa – tự cho mình là con rối thèm ước danh vọng, mảnh giẻ rách lại muốn thành con chim sặc sỡ rỉa lông trước đám công chúng đông đảo; Ricin, anh của cô là một người viết văn già đời, khổ hạnh không tha thứ mọi hèn yếu, mọi thỏa hiệp và không bao giờ thỏa mãn. Cái nhìn của anh sắc bén và xuyên thấu đến tận bản chất của vấn đề: các nước lớn có thực sự ‘’yêu thương’’ các nước khó khăn hay họ giúp các nước khó khăn để bảo vệ quyền lợi của chính họ; bản chất của các hoạt động đánh bóng hình ảnh bằng từ thiện diễn ra trên khắp thế giới; sự vô trách nhiệm trong giới báo chí truyền thông; cách hành xử của các nước lớn với các nước thuộc địa cũ... Văn chương hiện lên qua cuộc tranh luận giữa anh và cô gái như là một cuộc đấu tranh bạo liệt nhằm khẳng định cái tôi, nhằm chống lại sức ép khủng khiếp bên ngoài để không bẻ cong ngòi bút, để không phải viết ra những gì không phải là gan ruột của người viết; Viên tham vấn hiện lên với vai trò người đặt hàng cho cô gái viết. Lão muốn cô phải viết theo cái cách mà công chúng trong một nước lớn muốn nghe, muốn nhìn thấy ở một nhà văn đến từ một nước cựu thuộc địa. Lão có sở thích kì lạ là sưu tầm các tác phẩm mang hình tay người và yêu cô thư kí ăn mặc như tấm quảng cáo treo trên đầu lão. Cuối truyện, lão lấy súng bắn vào gáy cô thư kí rồi tự giết mình.

          Các nhân vật ‘’được quyền nói’’ trong câu chuyện này đều có cách hành xử khác thường mà  người đời thường gọi những gì không bình thường là điên. Nhà văn Pháp siêu thực Anatole France viết : Rốt cục, điên là gì nếu không phải là một loại hình tâm lí đặc thù ? Điên chứ không phải là mất trí. Mất trí là việc mất đi các khả năng trí tuệ. Điên chỉ là cách sử dụng kì quặc và khác người của các khả năng này. Vậy ai là ngưòi điên trong truyện ? Chắc chắn không phải nhân vật chính khi anh chẳng hề mất đi sự nhạy cảm trong cuộc sống và lúc nào cũng ý thức mình đang làm gì ? Có phải gia đình anh mới là điên khi xích chân cụ cố vào giường cho đến chết, giam em gái vào phòng, đẩy em trai vào trại tâm thần và tin chắc rằng đời nào  dòng họ này cũng có một người điên và anh chính là người ấy? Hay mẹ cô bé là người điên khi có chồng rồi nhưng vẫn ngủ với một người nước ngoài trở về sau mỗi cuộc hành quân tàn sát vô số đồng bào mình? Và còn bao nhiêu, bao nhiêu người mà cách hành xử và suy nghĩ có thể bị coi là điên ?

Vu Khống cũng mang đến một cái nhìn từ bên trong xã hội Pháp đối với vấn đề nhập cư. Câu chuyện ấy hết sức sinh động và sâu sắc có lẽ bởi đâu đó nó cũng chính là chuyện đời của tác giả và của nhiều người nhập cư. Linda Lê sinh năm 1963 ở Việt Nam sau đó sang Pháp sinh sống và viết văn. Khi chị đi khỏi đất nước, cuộc chiến vẫn chưa ngưng tiếng súng. Với chị ‘‘viết là tự lưu đày bản thân’’ và văn học có thể là một cách hay để ‘’giữ khoảng cách với chính mình’’‘để ra khơi’’‘để đứng xa và nhìn vào cuộc đời mình’’. Sự khước từ những yếu tố lãng mạn, đèm đẹp hay dễ dãi trong các tác phẩm của chị làm người ta có thể liên tưởng đến những vở múa đương đại của Ea Sola: nghiêm khắc đến nghiệt ngã trong nghệ thuật để người đọc, người xem dù muốn cũng không thể khiến tác phẩm trôi tuột khỏi tâm trí mình. Linda Lê viết tiểu thuyết đầu tay năm 23 tuổi và cho đến nay đã có tác phẩm thứ mười.

Hà Nội, 20 tháng 7 năm 2009

Nguyễn Đình Thành

* Vu khống do Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành với bản dịch của Nguyễn Khánh Long


 
Picture
Phạm Phú Minh - Ai là tác giả bức tranh trên bìa báo Tự Do xuân Canh Tý 1960? at 6/23/2012 11:28:00 AM

Phạm Phú Minh

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí mất ngày 20 tháng 6 năm 1993. Để nhớ đến ông nhân ngày giỗ thứ 19 (năm nay, 2012), chúng tôi xin trở lại một câu chuyện của quá khứ khá xa, để xác định ai là người đã vẽ bìa báo Tự Do xuân Canh Tý 1960, mà hiện nay người thì bảo là do Nguyễn Gia Trí vẽ, người thì nói tác giả bức tranh đó là họa sĩ Phạm Tăng. Thế nhưng trước hết, xin mời bạn đọc xem lại bức tranh, mà bây giờ ít người được có dịp thấy:



Bìa báo xuân Canh Tý 1960
Nguồn sưu tầm: Thư viện Đại học Cornell, Hoa Kỳ
Ai đã sống ở miền nam Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, vào năm 1960 thì có thể ít nhiều biết câu chuyện này. Tranh bìa số xuân của báo Tự Do năm Canh Tý 1960 vẽ 5 con chuột đang ăn quả dưa hấu: một bìa báo bình thường, chủ đề bức họa là chỉ về con giáp của năm mới, một thói quen của làng báo lúc bấy giờ. Báo phát hành từ giữa tháng chạp âm lịch năm trước, mọi người mua, đọc, biếu bạn bè… như vẫn làm trong sinh hoạt đón xuân. Nhưng đến mồng 5 Tết thì đột nhiên tòa báo Tự Do bị cảnh sát xông vào đập phá, tịch thu hết các số báo xuân còn lại, cả số đã phát hành mà chưa bán cũng có lệnh thu hồi. Tại sao có chuyện như vậy? Vì có người diễn dịch ý nghĩa bức tranh đó là ám chỉ năm anh em của nhà họ Ngô đang đục khoét đất nước Việt Nam, và nếu lật ngược bức tranh lại thì theo đường viền vàng của vỏ trái dưa có thể thấy mường tượng hình thù nước Việt Nam, hoặc có thể một nửa nước phía nam, tùy người suy đoán. Người ta nói năm con chuột đó là tượng trưng cho năm anh em nhà Ngô Đình đang trực tiếp cầm nắm vận mệnh miền Nam: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu cùng vợ Trần Lệ Xuân, và Ngô Đình Cẩn. Có người thì cho chỉ năm anh em họ Ngô thôi, không có bà Nhu, và người thứ năm là ông Ngô Đình Luyện, nhưng thời gian đó ông Luyện làm việc tại nhiệm sở ngoại quốc.

Nhưng tất cả chỉ là suy luận, ức đoán. Chẳng có bằng chứng nào có thể đoan chắc bức tranh vẽ toàn chuột đó là ám chỉ các anh em trong một gia đình. Trừ một việc: chính các anh em đang cầm quyền đó đã phản ứng một cách giận dữ. Tức là họ tự nhận năm con chuột đó đúng là tượng trưng cho chính họ. Chính hành vi cho thuộc hạ đập phá tòa soạn báo Tự Do, tịch thu báo, và truy tìm tác giả bức tranh đã xác nhận cái ám chỉ mà dân chúng nghi ngờ đó là đúng.


Nhưng ở đây chúng ta không bàn luận về chuyện chính trị cách đây đã hơn nửa thế kỷ, như giải thích tại sao giữa thời thịnh trị của chế độ đệ nhất Cộng hòa lại xuất hiện một đả kích táo tợn và dữ dội đến thế. Chúng ta chỉ đang tìm kiếm tác giả của bức tranh. Có hai người được nhắc đến: họa sĩ Phạm Tăng và họa sĩ Nguyễn Gia Trí.


Hai họa sĩ Phạm Tăng và Nguyễn Gia Trí là bạn thân với nhau. Khi tờ báo Tự Do ra đời tại Sài Gòn sau năm 1954, Phạm Tăng có chân trong ban biên tập, chuyên vẽ hí họa cho báo. Tờ Tự Do do ông Phạm Việt Tuyền làm chủ nhiệm, không phải là một tờ báo đối lập với chính quyền, nhưng bài vở trí thức, khách quan, lại có những người cộng tác không ưa chính quyền Ngô Đình Diệm như Như Phong Lê Văn Tiến, Hiếu Chân (tức Nguyễn Hoạt), thường hay có những bài phê phán hoặc châm biếm ám chỉ chính quyền. Riêng họa sĩ Phạm Tăng, qua lần điện đàm với người viết bài này vào tháng 01 năm 2012, cho biết đã bị bắt vào năm 1958 cùng với Hiếu Chân và Mặc Thu nhưng không bị ra tòa như hai vị này, mà được thả sau ba tuần bị nhốt ở bót Catinat. Sau đó họa sĩ Phạm Tăng xin đi du học tại Ý, và lên đường sang Ý vào năm 1959. Họa sĩ Phạm Tăng còn cho biết những hí họa trên báo Tự Do hầu hết là do ông vẽ, nhưng thỉnh thoảng họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng có đóng góp vài bức nhưng không bao giờ ký tên. Sau khi đi Ý, vì xa xôi và bận việc học, ông không còn cộng tác với báo Tự Do nữa, nhưng vẫn liên lạc thư từ rất thường xuyên với người bạn Nguyễn Gia Trí. Báo Thế Kỷ 21 xuân Ất Dậu 2005 xuất bản tại Quận Cam California có đăng bản chụp bức thư của Nguyễn Gia Trí viết từ Sài Gòn gửi sang Ý cho Phạm Tăng đề ngày 24 tháng 1 năm 1960, và cho biết thêm hai người bạn tiếp tục trao đổi thư từ với nhau cho đến tháng 8 năm 1974.


Khi vụ bức tranh chuột trên báo Tự Do xuân Canh Tý 1960 bùng nổ, nhiều người nghĩ Phạm Tăng là tác giả bức tranh, mặc dù thời điểm này Phạm Tăng đang ở Ý. Sự gán ghép này chúng tôi nghĩ là tiện lợi cho tình thế lúc bấy giờ, rất có thể do chính tòa soạn báo Tự Do khai với chính quyền đồng thời tung ra dư luận, rằng Phạm Tăng đã vẽ, để tránh cho sự bắt bớ tác giả thật, là họa sĩ Nguyễn Gia Trí, đang sống tại Sài Gòn. Mà quả vậy, thời gian ấy họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẫn sống bình thường tại nhà, không trốn tránh hay bị bắt bớ gì cả.


Thế thì có gì chứng minh bức tranh chuột ấy là do Nguyễn Gia Trí vẽ?


Thứ nhất là những dòng sau đây của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, trích từ bài Sự Thật Về Cái Chết Nhất Linh đăng trên nhật báo Người Việt (Quận Cam, California) và Người Việt Online vào đầu năm 2012:

“Vào năm 1960 trên bìa báo Tự Do xuân Canh Tý xuất hiện bức tranh năm con chuột đang đục khoét một quả dưa đỏ và nếu lật ngược cái bìa thì quả dưa đỏ là hình bản đồ nước Việt Nam, hàm ý các anh em của gia đình họ Ngô đang phá hoại đất nước. Tờ báo bị chính quyền tịch thu sau khi báo đã phát hành được một số khá lớn. Không một ai biết tác giả bức tranh là ai. Người ta đoán mò họa sĩ Phạm Tăng là tác giả. Nhưng cha tôi cho chúng tôi biết tác giả là một người rất thân cận với ông: họa sĩ Nguyễn Gia Trí”.


Nguyễn Gia Trí gắn bó với Nhất Linh từ thời khởi sự làm báo Phong Hóa đầu thập niên 1930, rồi cùng hoạt động chống Pháp và bị Pháp bắt cùng Hoàng Đạo, Khái Hưng vào năm 1942. Ông là người cứng cỏi, bị tra tấn rất nhiều. Đầu thập niên 1950 ông bị Pháp chỉ định cư trú tại Thủ Dầu Một, cũng thời gian này Nhất Linh từ Trung Hoa về Hà Nội rồi vào Nam, hai người đồng chí cùng trong Việt Quốc chống Pháp một thời, nay lại gặp nhau. Nhất Linh lập nhà xuất bản Phượng Giang và Nguyễn Gia Trí phụ trách vẽ bìa các sách Nhất Linh xuất bản. Đến thời đệ nhất Cộng hòa, cả hai ông đều bất mãn với chế độ gia đình trị của ông Ngô Đình Diệm, và sự kiện Nhất Linh biết rõ Nguyễn Gia Trí vẽ bức tranh chống đối này là việc dễ hiểu.


Ngày nay nhìn lại vụ bức tranh này, phải nhận đây là một sự kiện rất quan trọng, như một quả bom tấn nổ bùng khơi ngòi cho một loạt hoạt động chống đối chế độ trong những năm tiếp theo, với sự bất mãn của dân chúng ngày một tăng. Phải là người gan góc, đầy bản lãnh và tài năng mới thực hiện được một hình thức chống đối chế độ ngoạn mục như vậy: một bức tranh rất nghệ thuật nhưng hiền lành như một tranh dân gian đón mừng năm mới, in trên bìa số Xuân của một tờ nhật báo uy tín nhất nước, chỉ trong một thời gian ngắn là đến tay bạn đọc khắp nước, lại ẩn chứa một nội dung tố cáo tính cách không lành mạnh của một chế độ chính trị (mang cả gia đình nhà mình ra mà nắm vận mệnh đất nước). Giữa khung cảnh của một chế độ độc tài, đó là cách làm của một bàn tay từng trải với hoạt động cách mạng, cộng với tâm hồn của một nghệ sĩ lớn, không mấy ai đủ đởm lược và tầm vóc để thực hiện, như Nguyễn Gia Trí đã làm. Sự kiện Nhất Linh, người mà Nguyễn Gia Trí gắn bó mật thiết thời ấy, cho con cái trong gia đình ông biết ai là tác giả bức tranh ngay trong thời điểm nó xuất hiện là một xác định chắc chắn, hoàn toàn khả tín.


Thứ hai, chính họa sĩ Phạm Tăng đã khẳng định với nhà nghiên cứu Thụy Khuê vào đầu năm 2012 rằng, chính Nguyễn Gia Trí là tác giả bức tranh ấy. Vào đúng ngày tết Nhâm Thìn (tháng 01-2012) người viết bài này sau một thời gian tìm kiếm, đã có được phóng ảnh bìa số báo xuân Tự Do Canh Tý 1960 lưu trữ tại thư viện đại học Cornell; và vì muốn biết rõ một cách dứt khoát ai là người vẽ bức tranh chuột này, chúng tôi đã nhờ nhà nghiên cứu Thụy Khuê bên Pháp liên lạc với họa sĩ Phạm Tăng để hỏi, và đã nhận được câu trả lời rõ rệt như trên.


Ngoài ra chúng tôi cũng đã liên lạc và chuyện trò nhiều lần với:

Bác sĩ Nguyễn Gia Tiến (hiện ở Thụy Sĩ) cháu gọi họa sĩ Nguyễn Gia Trí bằng chú ruột, thời 1960 là sinh viên Y khoa, vẫn lui tới nhà ông chú hằng ngày,
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tất Đạt (ở Nam California), con của họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường, thời 1960 ở ngay trong nhà họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Thì cả hai đều xác nhận với chúng tôi rằng, thời ấy trong vòng gia đình, ai cũng biết chính họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ bức tranh ấy.


Nguyễn Gia Trí là họa sĩ lớn của Việt Nam. Ông cũng là một chiến sĩ cách mạng gan lì và kiên cường. Những phẩm chất ấy hun đúc nơi ông một nhân cách lớn. Trong sự nghiệp hội họa của ông, các nhà nghiên cứu ít khi nhắc tới bức tranh chuột này, nếu có thì chỉ như dấu vết một hành động chính trị hơn là nghệ thuật. Nhưng chính bức tranh ấy đã có một vai trò đặc biệt trong lịch sử chính trị cũng như báo chí Việt Nam, mà vì hoàn cảnh xuất hiện đã tạo nên một sự lẫn lộn về tác giả. Tất cả sự sưu tầm, hỏi chuyện và gom góp tài liệu của chúng tôi chỉ nhằm một mục đích làm sáng tỏ ai là tác giả đích thực của bức tranh ấy. Và đến đây, câu trả lời đã có thể khẳng định: đó là họa sĩ Nguyễn Gia Trí.


Little Saigon, 22/6/2012

Phạm Phú Minh