Picture
Năm 1927, khi Victor Tardieu hoàn thành bức vẽ kinh điển trên giảng đường Đại học Đông Dương thời bấy giờ (Hội trường Ngụy Như Kon Tum ngày nay) sau 6 năm lao động nghệ thuật miệt mài, chắc hẳn ông cũng không ngờ có ngày trong cái giảng đường ấy lại vang lên những bản nhạc rock sôi nổi, những bài R&B bốc lửa, những bản jazz gợi cảm và những bản tình ca ấm lòng. Không gian âm nhạc số 10 đã mang đến tất cả những tình cảm ấy qua giọng hát của Uyên Linh và Tấn Minh.

Tôi không làm nghề nhưng trộm nghĩ biên tập và dàn dựng một chương trình ca nhạc là khó lắm. Làm sao để tìm được những bài hát phù hợp với ca sỹ, sắp xếp thứ tự ra sao, hòa âm phối khí thế nào, quản lý cái ego to đùng của các ca sỹ ra sao,...tóm lại là rất khó. Nếu lôi cái triết lý âm dương mà mọi tạo vật đều khó tránh khỏi thì Tấn Minh là Dương mà Uyên Linh là Âm. Nhưng nếu thế thì đơn giản quá và chẳng có gì bất ngờ, Tấn Minh là Dương mà êm đềm mềm mại, có lúc tha thiết đến xao lòng. Uyên Linh là âm mà mạnh mẽ chói chang, đốt khán phòng và lòng người bằng chất giọng khỏe khoắn và vẻ ‘‘ngây thơ’’ chết người.

30 bản tình ca đã vang lên như thế trong khán phòng, phả cái nóng lạnh của tình cảm con người lên một khán phòng không dễ chinh phục. Thế nhưng vì Không gian âm nhạc là một chương trình tinh hoa nên người nghe khó ngăn được mình ‘‘khó tính’’. Tài năng của Uyên Linh là không thể phủ nhận, người nghe còn ‘‘chấm điểm + ’’ cho cô vì cô không qua trường lớp mà thành danh từ chính tình yêu ca hát và nội lực của mình. Thế nhưng viên ngọc quý ấy vẫn cần được mài giũa để bàn tay và chuyển động của cơ thể và khuôn mặt trên sân khấu ‘‘hợp lý’’ hơn và không thừa thãi. Less is more có lẽ là lời khuyên tốt nhất với tài năng trẻ này. Đâu đó người ta vẫn thấy cái bóng của Thanh Lam, một chút Siu Black, một chút gì Toni Braxon, một chút Whitney Houston. Cô đặc biệt quyến rũ với những bài mang âm hưởng rock, R&B, jazz (tại sao không?) hơn là những bài tâm tình, tự sự. Cô cũng có thể chiếm lĩnh khán phòng tốt hơn với những bài hát sôi động khi chỉ cần bước xuống phía khán giả hoặc một động tác mời vỗ tay. Khán phòng lúc ấy đã như đám bùi nhùi khô chưa gặp lửa. Bỏ qua tất cả những điều trên, tôi vẫn gọi cô (một cách phàm phu) là món thịt bò kô bê, ngon tuyệt vời và hiếm có.

Tấn Minh hát say mê như chưa từng được đón nhận nhiều như thế. Anh nồng nàn say đắm với những bản tình ca, anh như con tằm chậm rãi nhả những sợi tơ tình óng ánh của Đỗ Bảo, Phú Quang, ngọt ngào như rượu vang hái muộn. Ban nhạc tuyệt vời và giọng hát hiếm có của giọng ca vàng Asean năm 98 đã làm người nghe đi hết từ bài này sang bài khác với các cung bậc ngọt ngào hay cay đắng mà không bi lụy của tình yêu lứa đôi, tình yêu một thành phố, tình yêu những bờ cây ngọn cỏ. Tuy nhiên, Tấn Minh sẽ thực sự ‘‘hớp hồn’’ khán giả nếu anh giao lưu với họ nhiều hơn bằng mắt, bằng những lời nói hóm hỉnh hơn. Giá mà anh thêm vào nhạc mục đêm ấy một số bài phối theo phong cách jazz hay blue thì hương vị món ăn còn đậm đà hơn biết mấy. Trong những bài song ca với nhau, dường như Tấn Minh trở nên rụt rè và dường như yếu ớt trước một Uyên Linh mãnh liệt. Cũng phải nói rằng tìm được bài hát đôi phù hợp cho hai người này là quá khó (không biết sau này có tìm được không?). Tấn Minh như một chai rượu vang trắng ngọt, lên men từ những quả nho hái muộn, cho ra một vị ngọt tuyệt hảo và dễ làm người ta say mềm môi mất lối về.

Thịt bò Kô bê hảo hạng, rượu vang trắng hảo hạng, Không gian âm nhạc dưới bàn tay của Việt Tú và Chu Minh Vũ đã thực sự là một bữa tiệc. Vì thế mà khó có thể cưỡng lại sức hút của không gian âm nhạc đỉnh cao này (số lượng người đặt vé cả năm và số lượng đông đảo ‘‘phe’’ vé trước cửa 19 Lê Thánh Tông đã chứng mình cho điều ấy).  Sự chưa hoàn hảo của Không gian âm nhạc số 10 (trên thực tế làm gì có cái gì hoàn hảo nhỉ?) chỉ ở chỗ thịt bò kô bê uống cùng lúc với rượu vang trắng thì khó có thể đẩy hương vị của mỗi cái lên cao nhất. Ông có thấy vậy không vị hiệu trưởng người Pháp khai sinh ra trường Mỹ Thuật Đông Dương?

Nguyễn Đình Thành

2/3/2012





Leave a Reply.