‘’Có một Việt Nam mà ta gắn bó, được tạo bởi bầu không khí, con người và ánh sáng...trong suốt hai mươi năm, tôi dõi theo từng thay đổi, như người ta có thể làm từ một căn phòng nhìn ra đất nước, con người, bản sắc của những con người ấy; những cái mốc nho nhỏ trong lịch sử miền Bắc, miền Trung đến miền Nam’’.

Đọc những dòng chữ trên người ta liên tưởng đến một nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã gắn bó với đất nước, con người trên mảnh đất hình chữ S từ hai thập kỉ nay, thế nhưng tác giả của những dòng chữ ấy lại là một người Pháp : Nicolas Cornet, một cái tên không còn xa lạ với giới yêu thích nhiếp ảnh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nicolas gắn bó với Việt Nam không chỉ bởi người vợ gốc Việt và hai đứa con mang những cái tên Việt Nam, cũng không chỉ bởi những người bạn Việt Nam, mà còn bởi những con người bình dị của đất nước này mà anh đã có dịp gặp trong đời cầm máy của mình. Trong buổi khai mạc triển lãm ảnh có cái tên khá lạ : Đứng, cuộc sống chảy đi, lời đầu tiên anh nói là để cảm ơn những người phụ nữ, đàn ông, trẻ em Việt Nam đã cho anh cơ hội được ghi lại hình ảnh của họ trong các bức ảnh của mình.

Triển lãm quy tụ hơn năm mươi bức ảnh mầu được trình bày dưới dạng một câu chuyện kể bằng ảnh. Nicolas Cornet đưa người xem vào một thế giới của những điều gợi mở ‘’ với tôi, phần gợi trong mỗi bức ảnh là rất quan trọng ; nó mang lại cho người xem ảnh khả năng tự suy ngẫm, liên tưởng đến những câu chuyện trong cuộc đời của họ. Trong các bức ảnh của mình, tôi thường đưa ra địa điểm, tình huống, ánh sáng và không khí để trí óc của người xem được lang thang trong đó.’’

Tuy các bức ảnh chụp về mọi miền của Việt Nam nhưng ta không hề thấy những khuôn hình mê ly về những bãi biển tuyệt vời, không có những trảng cát ấn tượng của miền nam trung bộ, khong có những đỉnh núi mây mờ của Sapa, hay những hòn đảo làm say lòng người của vịnh Hạ Long. Nicolas chinh phục người xem trước hết bằng sự chân thật và mộc mạc. Như một bậc thầy vềthiết kế của Nhật Bản, người cầm máy đã khéo léo gọt bỏ hết những chi tiết thừa, dễ dãi để tập trung vào câu chuyện.

Vịnh Hạ Long hiện lên với những bé em trên thuyền đang đến với cái chữ, một em nhỏ thèm thuồng ngó qua cửa sổ xem bạn học bài, những người công nhân nuôi ngọc trai ngồi nghỉ ; Hà Nội là cây cau trong bảo tàng mỹ thuật, hai cô bé đang tìm cách đọc văn bia ở Văn miếu, cánh gà trong một buổi trình diễn thời trang, hay chỉ đơn giản là một cậu bé đi xích lô với mẹ ; Sapa là những người phụ nữ dân tộc đang ăn kem, Huế là người bán bóng trên cầu Tràng Tiền...Tất cả đều giản kiệm nhưng giàu tính gợi mở, ứa tràn nhựa sống. Người xem cũng được đối diện với một quan niệm khác về nhiếp ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung : cái quan trọng không phải là tác phẩm có đẹp (theo quan niệm truyền thống, một chiều như xưa) hay không mà là nó nói lên điều gì ? Người được chụp không nhất thiết phải đẹp trên ảnh mà sự biểu cảm trên khuôn mặt, dáng vẻ, tư thế của người ấy có thật hay không. Điều này đặc biệt quan trọng trong nhiếp ảnh vì nếu được sắp xếp, tính toán từ trước, bức ảnh chỉ còn là một sự sao chép thô thiển của một thực tế ngụy tạo.

Để chụp được những bức ảnh như thế, có lẽ lời của ông Jean-Claude Pomonti, cựu đặc phái viên tại Việt Nam của nhật báo Le Monde là một lời giải thích hợp lý  : ’’Nicolas ngang dọc trên những nẻo đường Việt Nam với đủ thứ máy móc trên vai, trong đầu là sách vở, là những cuộc nói chuyện, thảo luận, những khám phá’’. Giám đốc trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội phát biểu trong lễ khai mạc : ‘’Giới thiệu một triển lãm ảnh của Nicolas Cornet cũng có nghĩa là giúp công chúng khơi dậy những cảm giác đã bị những thói quen thường nhật chôn vùi và hướng cái nhìn của họ về một cuộc hành trình hình thành từ những cuộc hội ngộ, in dấu trong những bức ảnh, nơi tâm hồn nghệ sỹ và diện mạo của một Việt Nam quyến rũ gặp nhau’’.

Nicolas Cornet đặc biệt thích lặp đi lặp lại gam màu chủ đạo của anh với ba màu cơ bản : xanh lơ, xanh lục và màu hồng, như hệ màu RGB của mọi màn hình. Tại sao là hồng mà không phải là đỏ ? Phải chăng đó là lời nhắn nhủ rằng thực ra cuộc sống màu hồng ?

’Nhiếp ảnh cho phép giữ lại những khoảnh khắc của sự biến đổi, giống như những bức ảnh gia đình trong đó ta thấy bọn trẻ lớn lên, chập chững, rồi ra đi””. Đứng, cuộc sống chảy đi, nhưng nhiếp ảnh giữ lại những khoảnh khắc của cuộc sống ấy để ta cùng suy ngẫm về những cái đã xảy ra trong dòng chảy ấy.

Những câu chuyện giản dị bằng ảnh được thể hiện chân thực đã làm nên sức hút của triển lãm được giới thiệu đến hết ngày 24 tháng 4 tại 24 Tràng tiền Hà Nội.

Sinh năm 1963, Nicolas Cornet theo học chụp ảnh quảng cáo tại Thụy Sỹ và  làm việc cho nhiều tạp chí của Ý, Đức, Pháp, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, My-an-ma, Trung Quốc, Triều Tiên…Năm 2004 anh xuất bản cuốn sách ảnh đầu tiên về Việt Nam, bán được tới 7000 bản trong vòng hai năm ; Cuốn sách thứ hai mang tên «Việt Nam», được phát hành ngày 7/4/07 tại Pháp;


Trần Hà


http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=80&NewsId=12296



 
 14:22 | 26/01/2011

Có thể nói quãng thời gian 25 năm kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đã đủ dài để chúng ta chia tay với cụm từ hội nhập, đường hoàng ghi danh trên bản đồ nghệ thuật đương đại thế giới.

Ngày đầu chập chững
Công cuộc Đổi mới được tiến hành từ năm 1986 đã tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho mọi lĩnh vực, trong đó có mỹ thuật. Phần vì sau chừng ấy năm đóng cửa và các tác phẩm nghệ thuật gần như không có giá trị thương mại (các danh họa như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... cũng không sống nổi bằng nghề vẽ và cũng không tổ chức được triển lãm), mỹ thuật Việt Nam bỗng trở nên đặc biệt hấp dẫn với thế giới bên ngoài. Phần vì dòng chảy sáng tạo đã được mở ra những hướng mới và sự hình thành của một thế hệ nghệ sỹ trẻ (sinh sau năm 1970) đã trở thành lực đẩy mạnh mẽ cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đặc biệt phải kể đến vai trò của 3 trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam: L’Espace (Pháp), Viện Goethe (Đức), Hội đồng Anh (Anh) và nhiều nghệ sỹ nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam... Tác phẩm của các nghệ sỹ đương đại thời kỳ đầu của Việt Nam đã được đánh giá cao và trở thành món hàng đắt giá được một số người nước ngoài nhạy bén với thị trường nghệ thuật mua và chuyển ra nước ngoài. Nghề vẽ đã giúp một số nghệ sỹ không chỉ sống được mà thậm chí còn trở nên giàu có.

Điều tôi làm

 Trần Trung Thành

Điều kiện cần đã hội tụ

Bản đồ nghệ thuật thế giới không được quản lý bởi một thể chế nào mà nó là sân chơi lớn chỉ dành cho những người chuyên nghiệp và có tài năng. Nghệ sỹ của chúng ta có được như vậy không? Với các chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam, câu trả lời khẳng định không phải là một lời nói khoác.
 
Các nghệ sỹ đương đại Việt Nam đã sử dụng tất cả các hình thức của nghệ thuật đương đại trong lĩnh vực mỹ thuật như: video art, land art, sắp đặt, trình diễn, hội họa giá vẽ theo phong cách mới, điêu khắc trên mọi chất liệu... Có những buổi trình diễn nghệ thuật đương đại thu hút cả chục nghìn người với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật (như các buổi trình diễn của nghệ sỹ Đào An Khánh). Các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam đã xuất hiện ở những thị trường đầu mối quan trọng của nghệ thuật đương đại thế giới như Hong Kong, Singapore. Các nghệ sỹ Việt Nam cũng đã triển lãm tác phẩm từ Brazil, Mỹ cho đến Đức, Pháp, Anh... Tác phẩm của họ đã có mặt trong nhiều bảo tàng danh tiếng.

Thêm một lý do để chúng ta hoàn toàn tự tin là: về bản chất, nghệ thuật không phân cao thấp, không có mặc cảm về vị trí địa lý, không cần phiên dịch, các nghệ sỹ thế hệ mới cũng được đào tạo bài bản, giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh. Cũng nên kể đến những nghệ sỹ Việt Nam sống ở nước ngoài, bất kể hình thức hay chất liệu như thế nào, các tác phẩm của họ vẫn có mối liên hệ với Việt Nam và hoàn toàn có thể đại diện cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Thế nhưng các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam vẫn chưa có mặt tại các festival nghệ thuật đương đại đỉnh cao chính thống như: Biennale de Venise, Trung tâm nghệ thuật đương đại Georges Pompidou (Paris), bảo tàng nghệ thuật hiện đại Moma - New York, Hội chợ nghệ thuật đương đại Basel (Thụy Sỹ)..., tức là chúng ta vẫn chưa ghi tên trên tấm bản đồ danh giá ấy, trong khi các nghệ sỹ hoàn toàn tự tin về công việc của mình.

Chúng ta còn thiếu gì?

Câu trả lời có nhiều nhưng có lẽ trước hết nên bắt đầu từ nghệ sỹ. Nhiều họa sỹ đã không cầm lòng được trước sức hút mạnh mẽ của đồng tiền nên đã cóp tranh của chính mình tạo nên sự sụp đổ mạnh mẽ lòng tin của các nhà giám tuyển quốc tế và các chủ gallery nước ngoài (vốn là những người có tác động mạnh mẽ đến sự xuất hiện của các nghệ sỹ tại các hoạt động nghệ thuật quốc tế danh tiếng). Có thể nói các nghệ sỹ đương đại Việt Nam đã lỡ chuyến tàu ra thị trường nghệ thuật thế giới một cách lãng xẹt. Các nghệ sỹ cần thực hiện một thao tác đơn giản là cung cấp giấy chứng nhận độc bản cho tác phẩm của mình và tôn trọng tuyệt đối cam kết ấy không chỉ cho mình mà còn cho các nghệ sỹ khác.

Thứ hai chính là cần có một thị trường nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là các tác phẩm nghệ thuật có một giá trị thanh khoản thực sự. Khi đó các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà sưu tập sẽ vào cuộc. Giá tranh được nâng cao và xuất hiện trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư, ngân hàng quốc tế. Điều này sẽ lôi kéo các gallery và chuyên gia nghệ thuật quốc tế quan tâm đến Việt Nam (giống như phải gia nhập WTO để có tên trên bản đồ thương mại quốc tế) và tăng cường cơ hội xuất ngoại của các nghệ sỹ Việt trong những hoạt động nghệ thuật tầm cỡ thế giới.

Trong một thời gian dài, nhiều nghệ sỹ Việt xuất ngoại là nhờ vào hoạt động tích cực của 3 trung tâm văn hóa nước ngoài nói trên, cùng với nỗ lực của quỹ Ford Việt Nam trước đây, Quỹ Văn hóa Đan Mạch, Quỹ Đông Sơn và nhiều tổ chức phi chính phủ khác. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải chủ động tự làm quảng bá cho các nghệ sỹ của chúng ta. Công việc này không nhất thiết phải do Nhà nước làm mà chính các doanh nghiệp, cá nhân trong nước cũng có thể làm được. Hãy nhìn vào Trung Quốc, khi các doanh nhân của họ mua tác phẩm của chính người Trung Quốc trong các cuộc đấu giá quốc tế với giá hàng triệu USD. Điều này làm chính giới đầu tư và sưu tầm thế giới nể phục và sẵn lòng mua các tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ Trung Quốc vì họ tin vào giá trị của nó. Mỹ thuật Trung Quốc nhanh chóng chiếm được vị trí đáng nể trên thị trường nghệ thuật quốc tế, nghệ sỹ của họ được trưng bày tác phẩm ở những trung tâm nghệ thuật đương đại chính thống và danh tiếng nhất châu Âu và Mỹ, ngoài ra đây cũng là nguồn lợi về thuế cho chính phủ Trung Quốc.

Đã đến lúc Nhà nước tập trung nguồn lực hoặc kêu gọi bảo trợ nghệ thuật để tổ chức một festival nghệ thuật đương đại Việt Nam hoành tráng tại New York, Berlin hay Paris. Các tập đoàn quốc doanh lớn hoàn toàn có thể hỗ trợ các hoạt động mang tính văn hóa, ngoại giao, nhân văn (và ngầm trong đó là thương mại) như thế này một cách dễ dàng hoặc sự hỗ trợ cũng có thể đến từ một trong hàng chục “tập đoàn tỷ đô” của Việt Nam. Điều quan trọng là phải có sự chuyển biến thực sự từ phía các cơ quan quản lý.
 
Đã có bột, chỉ cần sự chú ý là có thể gột nên hồ.

Nguyễn Đình Thành
 
Nhà văn Anh Roy Levis đã viết một cách hài hước trong cuốn truyện: Tôi đã ăn bố như thế nào? về sự ra đời của nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Một cậu bé trong bộ lạc đã vẽ lên tường hang dáng hình của những con thú. Mọi người sợ hãi và la hét vì họ sợ cậu đã nhốt linh hồn của những con thú vào các hình vẽ. Cậu bé bị bộ lạc xa lánh mãi đến khi những người trong bộ lạc hiểu được những bức tranh của cậu chỉ không làm hại đến ai. Cậu bé trở thành người đầu tiên đơn độc trong lịch sử bởi cậu đã không được người khác hiểu. Và không biết vô tình hay hữu ý, cậu là một nghệ sỹ.

Có biết bao câu nói về việc nghệ sỹ cần sự cô độc để sáng tác, có biết bao lời chỉ trích nghệ sỹ là kẻ ích kỷ không nghĩ đến người khác nhưng đồng thời cũng có biết bao lời ca tụng, mỹ từ dành cho các nghệ sỹ, những lời tôn vinh xuyên thời gian. Hai thái độ trái ngược, coi thường, chỉ trích và ca tụng, tôn vinh tồn tại xuyên thời gian và không gian. Nhưng chúng gặp nhau ở một chữ : hiểu. Khi công chúng hiểu tác phẩm thì nghệ thuật được tôn vinh hoặc chí ít là đánh giá ‘‘đúng’’ giá trị và nếu không hiểu thường là thái độ quay lưng lại. Thế nhưng cái sự hiểu một tác phẩm nghệ thuật lại không đi theo đường tuyến tính hay đơn giản như một cộng một bằng hai. Bởi nghệ thuật thường không được giải thích mà dựa trên sự cảm nhận, sự cảm nhận lại thay đổi theo đối tượng tiếp nhận, thậm chí với cùng 1 chủ thể, cái sự hiểu lại thay đổi theo không gian, thời gian, thời điểm và thậm chí là thời đại. Sự hiểu càng trở nên phức tạp khi ngày nay, khái niệm nghệ thuật không còn đóng khung trong sáu hay bảy loại hình nghệ thuật cơ bản nữa. Việc vách ngăn giữa các bộ môn nghệ thuật truyền thống đã bị nhấc bỏ và khái niệm cái Đẹp một chiều không còn đúng nữa đòi hỏi người xem phải có những kiến thức nhất định và một sự cởi mở trong tư duy tiếp nhận.

Trong tác phẩm Nghệ thuật là gì? Văn hào Lev Tolstoi đã định nghĩa nghệ thuật là một hoạt động cho phép người ta (nghệ sỹ) tác động một cách có ý thức tới người khác bằng cách sử dụng một số hình thức biểu đạt để làm cho người khác cảm nhận được hoặc làm sống lại các cảm xúc mà người đó (nghệ sỹ) đã trải qua. Theo ông, nghệ thuật là một trong những hình thức giao tiếp giữa con người với con người. Như vậy, đã nói đến giao tiếp tức là có người phát ra thông điệp và người nhận thông điệp. Cuộc giao tiếp/đối thoại chỉ có thể diễn ra khi hai người cùng muốn đối thoại. Trên thực tế, có khi nghệ sỹ không ‘‘thèm’’ giải thích và cho rằng tác phẩm của mình đã nói lên tất cả và không cần làm bất cứ động tác nào để mở cánh cửa hẹp bước vào tác phẩm của mình; có khi người xem bằng định kiến của mình (hoặc là trình độ quá cao, hoặc là không quan tâm) lập tức cho tác phẩm đó không có ý nghĩa gì với mình. Trong trường hợp này, điều dễ hiểu là cuộc giao tiếp không xảy ra và tác phẩm bị hiểu nhầm từ đó sinh ra các suy nghĩ không chuẩn xác cả về nghệ sỹ. Cũng có khi, cách thể hiện của nghệ sỹ lại đi quá nhanh và xa so với mỹ cảm của đông đảo công chúng vốn quen với cái Đẹp truyền thống. Ví dụ như trường hợp triển lãm của họa sỹ Lê Quảng Hà bị đóng cửa năm 2004 tại Trung tâm Văn hóa Pháp vì bị cho là không có lợi cho đông đảo công chúng vốn chưa quen với những thể nghiệm của cái Đẹp nhiều chiều; sự tiếp nhận của công chúng với các buổi trình diễn của Đào Anh Khánh lại có phần ‘‘may mắn’’ hơn. Từ những buổi performance nho nhỏ với đối tượng chủ yếu là ‘‘dân nghệ’’. Các buổi trình diễn của Đào Anh Khánh những năm gần đây lại trở thành một sự kiện nghệ thuật lớn thu hút hàng ngàn người tham gia. Người bảo Khánh thành công, kẻ bảo nghệ thuật như vậy là ‘‘mất chất’’ vì nghệ thuật đương đại chỉ dành cho thiểu số. Tạm gác lại những tranh luận không hồi kết về thế nào là nghệ thuật đương đại, không thể phủ nhận được rằng, các trình diễn của Đào Anh Khánh đã thu hút được sự chú ý của người dân tới nghệ thuật đương đại và bước đầu đưa khái niệm cái Đẹp nhiều chiều vào tâm thức của xã hội, mở đường cho những đón nhận cởi mở hơn cho ngôn ngữ nghệ thuật mới này. Không phải ngẫu nhiên mà các hoạt động nghệ thuật đương đại trong thời gian gần đây thu hút được nhiều người xem hơn và dù nghệ sỹ có khỏa thân trình diễn (một chuyện dễ gây sốc ở Việt Nam) đi nữa cũng không ai coi đó như một xì-căng-đan để các báo lá cải khai thác mà báo chí và người xem chỉ tập trung vào việc tại sao nghệ sỹ làm như vậy, làm như vậy để làm gì, có tác dụng gì không. Như vậy có thể thấy người xem sẽ đón nhận tích cực khi họ hiểu và cánh cửa bước vào tác phẩm phải được nghệ sỹ hé mở. Vậy chìa khóa mở cánh cửa nghệ thuật là gì? Cần phải khẳng định có nhiều hơn một chìa khóa để mở cánh cửa đó nhưng chiếc chìa khóa ‘‘gốc’’ vẫn là sự tự đào tạo.

Một họa sỹ danh tiếng đã nói: để nói được tiếng nước ngoài người ta phải học, để thưởng thức nghệ thuật cũng phải làm như vậy. quả vậy, thực tế cuộc sống (hiện tại, quá khứ hoặc tương lai) qua bộ lọc của nghệ sỹ được ‘‘nói’’ ra bằng ngôn ngữ của nghệ thuật mà anh ta thấy phù hợp nhất: đó có thể là một bài ca, một bản nhạc, một bức vẽ, một bộ phim, một tác phẩm sắp đặt, một vở opéra, một tác phẩm land art (tác phẩm sắp đặt từ thiên nhiên), một màn múa hay một tác phẩm performance (trình diễn) làm từ chính tương tác của nghệ sỹ với môi trường hoặc con người xung quanh...Mỗi tác phẩm sử dụng một hoặc nhiều ngôn ngữ. Nếu người xem/nghe/đọc/người tham gia không có ‘‘học’’ ngôn ngữ ấy, thật khó có thể hiểu đúng và trọn vẹn về tác phẩm.

Có điều, chẳng ai lại bỏ công tới trường để học từng thứ ngôn ngữ ấy trong thời đại bây giờ. May mắn thay, kỷ nguyên kỹ thuật số đã có thể giúp người ta rút ngắn thời gian một cách đáng kể cũng như bỏ qua các rào cản không gian, địa lý. Tuy xem một vở opera trên mạng không thể hay bằng xem tại nhà hát opera nhưng người xem có thể nhìn và nghe nghệ sỹ biểu diễn để có một khái niệm về Opera để cảm nhận tốt hơn. Ngày nay, khán giả có thể tìm thấy thông tin về tác phẩm chỉ trong vòng vài phút và ung dung ‘‘nạp’’ thông tin trước khi tới nhà hát. Hàng loạt trang web về nghệ thuật xuất hiện sau một cú nhấp chuột. Thông tin về một loại hình nghệ thuật mới và một số ví dụ, tác phẩm, nghệ sỹ tiêu biểu không thiếu trên internet. Trong sự ‘‘sung túc’’ ấy, cái thiếu có lẽ chỉ là sự quan tâm đến tác giả, tác phẩm trước khi đến xem/thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Sẽ dễ dàng biết bao nếu như trước khi xem một triển lãm, bạn tạo cho mình thói quen tìm hiểu về tiểu sử nghệ sỹ và đọc lời giới thiệu triển lãm. Tháng nào cũng có ít nhất một triển lãm đáng xem tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế. Người ta không chỉ xem mà còn có dịp trao đổi trực tiếp với nghệ sỹ và đọc các bài phân tích trên các trang web chuyên về nghệ thuật. Trước khi xem một vở Opera, bạn dành thời gian tìm hiểu tác giả là ai, tác phẩm được sáng tác vào thời kì nào và đọc quyển chương trình trước khi nhà hát tắt đèn. Không có cái gọi là âm nhạc hay nghệ thuật bác học mà chỉ có cái nghệ thuật cần được tìm (thông tin) để có thể hiểu và cảm nhận được nó.

Nghệ sỹ không ở ngoài cuộc đời của chúng ta. Họ là những người đồng hành với chúng ta chỉ có điều họ đi chậm hơn những người đang đi giữa đường và vì thế họ có cơ hội nhìn thấy nhiều điều thú vị mà chúng ta bỏ qua hoặc không nhìn thấy và kể lại với chúng ta bằng tác phẩm của mình. Hãy đến với cuộc giao tiếp nghệ thuật bằng sự trân trọng với công việc của người nghệ sỹ. Bạn sẽ thấy, cánh cửa ấy không khép lại bao giờ.

Nguyễn Đình Thành

Bài trên Tạp chí Đẹp
 
Rượu vang trắng, Thịt bò Kô bê và Không gian âm nhạc số 10

Năm 1927, khi Victor Tardieu hoàn thành bức vẽ kinh điển trên giảng đường Đại học Đông Dương thời bấy giờ (Hội trường Ngụy Như Kon Tum ngày nay) sau 6 năm lao động nghệ thuật miệt mài, chắc hẳn ông cũng không ngờ có ngày trong cái giảng đường ấy lại vang lên những bản nhạc rock sôi nổi, những bài R&B bốc lửa, những bản jazz gợi cảm và những bản tình ca ấm lòng. Không gian âm nhạc số 10 đã mang đến tất cả những tình cảm ấy qua giọng hát của Uyên Linh và Tấn Minh.

Tôi không làm nghề nhưng trộm nghĩ biên tập và dàn dựng một chương trình ca nhạc là khó lắm. Làm sao để tìm được những bài hát phù hợp với ca sỹ, sắp xếp thứ tự ra sao, hòa âm phối khí thế nào, quản lý cái ego to đùng của các ca sỹ ra sao,...tóm lại là rất khó. Nếu lôi cái triết lý âm dương mà mọi tạo vật đều khó tránh khỏi thì Tấn Minh là Dương mà Uyên Linh là Âm. Nhưng nếu thế thì đơn giản quá và chẳng có gì bất ngờ, Tấn Minh là Dương mà êm đềm mềm mại, có lúc tha thiết đến xao lòng. Uyên Linh là âm mà mạnh mẽ chói chang, đốt khán phòng và lòng người bằng chất giọng khỏe khoắn và vẻ ‘‘ngây thơ’’ chết người.

30 bản tình ca đã vang lên như thế trong khán phòng, phả cái nóng lạnh của tình cảm con người lên một khán phòng không dễ chinh phục. Thế nhưng vì Không gian âm nhạc là một chương trình tinh hoa nên người nghe khó ngăn được mình ‘‘khó tính’’. Tài năng của Uyên Linh là không thể phủ nhận, người nghe còn ‘‘chấm điểm + ’’ cho cô vì cô không qua trường lớp mà thành danh từ chính tình yêu ca hát và nội lực của mình. Thế nhưng viên ngọc quý ấy vẫn cần được mài giũa để bàn tay và chuyển động của cơ thể và khuôn mặt trên sân khấu ‘‘hợp lý’’ hơn và không thừa thãi. Less is more có lẽ là lời khuyên tốt nhất với tài năng trẻ này. Đâu đó người ta vẫn thấy cái bóng của Thanh Lam, một chút Siu Black, một chút gì Tony Braxon, một chút Whitney Houston. Cô đặc biệt quyến rũ với những bài mang âm hưởng rock, R&B, jazz (tại sao không?) hơn là những bài tâm tình, tự sự. Cô cũng có thể chiếm lĩnh khán phòng tốt hơn với những bài hát sôi động khi chỉ cần bước xuống phía khán giả hoặc một động tác mời vỗ tay. Khán phòng lúc ấy đã như đám bùi nhùi khô chưa gặp lửa. Bỏ qua tất cả những điều trên, tôi vẫn gọi cô (một cách phàm phu) là món thịt bò kô bê, ngon tuyệt vời và hiếm có.

Tấn Minh hát say mê như chưa từng được đón nhận nhiều như thế. Anh nồng nàn say đắm với những bản tình ca, anh như con tằm chậm rãi nhả những sợi tơ tình óng ánh của Đỗ Bảo, Phú Quang, ngọt ngào như rượu vang hái muộn. Ban nhạc tuyệt vời và giọng hát hiếm có của giọng ca vàng Asean năm 98 đã làm người nghe đi hết từ bài này sang bài khác với các cung bậc ngọt ngào hay cay đắng mà không bi lụy của tình yêu lứa đôi, tình yêu một thành phố, tình yêu những bờ cây ngọn cỏ. Tuy nhiên, Tấn Minh sẽ thực sự ‘‘hớp hồn’’ khán giả nếu anh giao lưu với họ nhiều hơn bằng mắt, bằng những lời nói hóm hỉnh hơn. Giá mà anh thêm vào nhạc mục đêm ấy một số bài phối theo phong cách jazz hay blue thì hương vị món ăn còn đậm đà hơn biết mấy. Trong những bài song ca với nhau, dường như Tấn Minh trở nên rụt rè và dường như yếu ớt trước một Uyên Linh mãnh liệt. Cũng phải nói rằng tìm được bài hát đôi phù hợp cho hai người này là quá khó (không biết sau này có tìm được không?). Tấn Minh như một chai rượu vang trắng ngọt, lên men từ những quả nho hái muộn, cho ra một vị ngọt tuyệt hảo và dễ làm người ta say mềm môi mất lối về.

Thịt bò Kô bê hảo hạng, rượu vang trắng hảo hạng, Không gian âm nhạc dưới bàn tay của Việt Tú và Chu Minh Vũ đã thực sự là một bữa tiệc. Vì thế mà khó có thể cưỡng lại sức hút của không gian âm nhạc đỉnh cao này (số lượng người đặt vé cả năm và số lượng đông đảo ‘‘phe’’ vé trước cửa 19 Lê Thánh Tông đã chứng mình cho điều ấy).  Sự chưa hoàn hảo của Không gian âm nhạc số 10 (trên thực tế làm gì có cái gì hoàn hảo nhỉ?) chỉ ở chỗ thịt bò kô bê uống cùng lúc với rượu vang trắng thì khó có thể đẩy hương vị của mỗi cái lên cao nhất. Ông có thấy vậy không vị hiệu trưởng người Pháp khai sinh ra trường Mỹ Thuật Đông Dương?

Nguyễn Đình Thành

2/3/2012




http://dep.com.vn/Van-hoa-van-nghe/Ruou-vang-trang-thit-bo-Ko-be-va-Khong-gian-am-nhac-so-10/8301.dep
 
Phỏng vấn đạo diễn DFS 10, 1 ngày trước sự kiện.

http://thethaovanhoa.vn/133N20111015114802483T0/dao-dien-viet-tu-dep-fashion-show-luon-la-bai-toan-khong-de-giai.htm

  1. Xin chào Đạo diễn Việt Tú, tôi thấy dường như DFS đã hoàn thiện và sẵn sàng lên sân khấu ?
Hiện tại mọi công việc đang được khẩn trương tiến hành, thực ra mọi việc đang ở công đoạn hoàn thiện cho từng phần biểu diễn của các bộ sưu tập, đối với DFS, thách thức lớn nhất của chúng tôi nằm ở phần làm việc & dàn dựng với người mẫu, có thể nói chúng tôi đã rất may mắn khi có trong ekip Biên đạo Tấn Lộc và Siêu mẫu Xuân Lan, họ đã làm cho mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Phần sân khấu và những máy móc tạo hiệu ứng cũng đang đi vào phần hoàn thiện cuối cùng để chúng tôi có thể có buổi tập đầu tiên trên sân khấu vào buổi chiều ngày 13. Những buổi tập này sẽ mang ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của show diễn, có quá nhiều mấu nối cần được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, và tôi hi vọng với kinh nghiệm của các thành viên trong ekip khâu chuẩn bị cuối cùng này sẽ được như mong đợi.

  1. Một ngày của anh bây giờ như thế nào? Nó đã đem lại điều gì cho DFS ?
Tôi thức dậy vào 7g30 sáng mỗi ngày, dành riêng cho mình 1 tiếng đồng hồ để điều hành những công việc của mình ở công ty ngoài Hà Nội, và uống café…tôi có thể không ăn gì cả ngày, nhưng café là nguồn năng lượng để giúp tôi có thể trụ lại được với cường độ làm việc lớn như hiện tại. 10 ngày trước, tôi liên tục đến rạp Lệ Thanh (đại bản doanh của biên đạo Tấn Lộc & nhóm múa Arabesque) và ở đó đến hết ngày và bây giờ là ở nhà thi đấu Nguyễn Du. Đó là một cảm giác đặc biệt khi mà mỗi ngày mình bước vào một không gian khi trời còn sáng và bước ra khỏi đó khi thành phố đã lên đèn. Song song với chúng tôi, ngoài sân khấu, cả một ekip hàng trăm con người cũng làm việc với một cường độ như vậy, DFS không phải show diễn của một người, tất cả chúng tôi đều đang cố gắng để làm những gì tốt nhất cho DFS.

  1. Tỷ lệ của thời trang so với các bộ môn nghệ thuật khác như múa, âm nhạc, video art....là như thế nào?
Lần này tôi không sử dụng nhiều video art như các show diễn trước đây, vì tôi thấy, tự thân những bộ sưu tập của các nhà thiết kế lần này đã nói lên được thông điệp mà họ muốn truyền tải, múa thì luôn luôn không thể thiếu, vì cái gì đã là bản sắc của chương trình thì luôn cần được giữ lại. Lần này chúng tôi chú tâm đặc biệt vào phần dàn dựng model với những yêu cầu về trình diễn phức tạp. DFS luôn là một bài toán không dễ giải và hi vọng những gì chúng tôi đang làm sẽ là những lời giải đúng cho bài toán khó này.

  1. DFS chắc chắn sẽ có nhiều điều bất ngờ, anh có thể tiết lộ 1 trong những điều bất ngờ ấy?
DFS lần này sẽ là màn ra mắt của một nhạc công solo guitar trẻ và tài năng, Trường Sa sẽ tham gia trình diễn trong show diễn này cùng với DJ Trí Minh, tôi hi vọng phần trình diễn này sẽ tạo ra được những cảm xúc mới cho một màn trình diễn thời trang thay vì sử dụng những công cụ âm nhạc thông thường. Ngoài ra, phần hậu trường có mặt chuyên gia làm tóc Gen Itoh – Giám đốc Học viện Tạo mẫu tóc TIGI London – chuyên gia sáng tạo kiểu tóc cho show thời trang quốc tế Luân Đôn và êkíp 10 nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng tại Châu Á và Việt Nam. Điều này sẽ làm cho phần hậu trường của show năm nay hoàn toàn khác biệt và ở một đẳng cấp cao.

  1. Âm nhạc của DFS lần này sẽ thế nào?
Với âm nhạc trong show diễn này tôi có quan điểm giống như một từ trong câu hỏi anh vừa đặt ra, đó là sự phù hợp. Nhạc sống, hay nhạc CD, hay DJ thì cũng cần phải phải  phù hợp với yêu cầu của chương trình nó phải là một phần của buổi trình diễn thay vì bị phát triển một cách riêng rẽ. Tôi sợ những gì chỉ mang tính hình thức, có chỉ để cho có.

  1. Anh có hài lòng với ê kíp hiện tại và nếu có 1 điều ước bây giờ anh sẽ ước gì? Nhiều tiền hơn hay nhiều thời gian hơn? Nhiều trợ lý hơn? ....
Ekip hiện tại cũng là những người tôi có may mắn được cộng tác trong nhiều năm qua, không có họ chắc chắn không bao giờ chúng ta được thấy một DFS như ngày hôm nay. Biết đủ là đủ, đặc biệt trong điều kiện làm việc trong nền công nghiệp giải trí ở Việt Nam, tôi thực sự trân trọng những điều kiện làm việc mà Nhà sản xuất Lebros đã cố gắng mang tới cho ekip làm việc, mặc dù cũng như mọi lần tài chính luôn là một thách thức mà toàn bộ ekip và nhà sản xuất luôn phải có những tính toán thích hợp để sao cho từ ý tưởng tới thực tế không làm phá vỡ những giới hạn về tài chính mà đơn vị tổ chức có thể đáp ứng.

  1. 10 nhà thiết kế 200 bộ trang phục, vở diễn phải chăng sẽ kéo dài lê thê? Điều gì theo anh sẽ khiến người ta ở lại xem đến phút cuối cùng?
Đây là một thách thức thực sự, hiện tại tôi không lo lắng nhiều về từng phần trình diễn đơn lẻ, mà lo lắng tới tổng thể chương trình. Sân khấu rất lớn vì bản thân trong một địa điểm và quy mô chương trình nó bắt buộc phải như vậy. Vấn đề anh đưa ra là chính xác và toàn bộ ekip DFS đang ngày đêm làm việc để giải bài toán khó này.

  1. Một câu hỏi trực diện hơn: việt tú của DFS 10 khác gì với DFS 1? DFS 10 khác gì với DFS thời kì đầu?
Cám ơn anh đã hỏi câu này để tôi có dịp để chia sẻ. Tôi nghĩ, điều khác biệt lớn nhất nằm ở khả năng giao tiếp và kết nối mọi người, có nhiều người trong ekip nói rằng, làm việc với tôi ở thời điểm này họ cảm thấy được “thư giãn” hơn là những chương trình đầu tiên mặc dù tôi vẫn khó tính và đòi hỏi họ cao như vậy. Ở thời điểm trước, có lẽ tôi đã chưa thực sự khéo léo trong cách truyền đạt thông điệp của mình tới mọi người và cũng ít tìm cách đặt mình vào vai trò của người đối diện để hiểu thêm về họ. Cuộc sống là một chuyến đi, và trong chuyến đi dài đó, càng đi nhiều chúng ta sẽ có thêm nhiều trải nghiệm sống thú vị cho mình và cho cả những người xung quanh.

Tôi vui vì ở thời điểm này, tôi đã thực sự bắt được “sóng” của ekip làm việc và họ cũng đã thực sự bắt được “tần số” của tôi.

  1. Có điều gì làm anh ngạc nhiên thú vị ở ê kíp sáng tạo, hoặc NTK, hoặc người mẫu lần này?
Tôi rất vui khi lần này được làm việc với Hà Đỗ | Giám đốc sáng tạo của tạp chí Đẹp và Đẹp Fashion Show. Tôi và Hà có nhiều điểm tương đồng về quan điểm và cách hiểu về nghệ thuật, những bộ sưu tập năm nay Hà chọn rất đẹp và điều này làm cho phần công việc của chúng tôi được dễ dàng hơn rất nhiều. Hi vọng DFS lần này sẽ là DFS Đẹp nhất mà mọi người đã từng được biết.

XIn cảm ơn và chúc anh thành công

Đinh Nguyên thực hiện

 
Picture

(VEF) - "Trong khi báo chí đưa tin những vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá cả chục tỷ đồng, những chương trình nghệ thuật cả ngàn tỷ đồng, nhưng tiền cho nghệ thuật đương đại vẫn ở nơi nào xa xôi lắm".

LTS:
Trong những năm qua, thuật ngữ xã hội hóa đã trở thành khái niệm quen thuộc trong các lĩnh vực đời sống văn hóa xã hội. Xã hội hóa được hiểu là sự chia sẻ trách nhiệm của nhà nước với khu vực dân sự, tranh thủ và sử dụng các nguồn lực từ khu vực này để thực hiện các công việc mà nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Đối tượng tham gia công tác xã hội hóa thường là các doanh nghiệp, doanh nhân, những "Mạnh Thường Quân"  trong xã hội và lợi ích của hoạt động xã hội hóa là lợi ích chung của cộng đồng.


Để có một cái nhìn tổng quát về vấn đề phát triển văn hóa và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) - Báo VietNamNet
trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Nguyễn Đình Thành, thạc sỹ chuyên ngành quản trị văn hóa, từng công tác tại Trung tâm văn hóa Pháp.

---------

Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã chính thức hòa vào dòng chảy nghệ thuật đương đại thế giới những năm 1990 rồi phát triển lên đến đỉnh điểm vào nửa đầu những năm 2000. Ở trong nước mở đầu bằng những triển lãm cá nhân trong các gallery nhỏ rồi tại ba trung tâm văn hóa nước ngoài (Pháp, Anh, Đức) và thảng hoặc tại các nhà triển lãm chính thống và tại nước ngoài trong các triển lãm về Việt Nam hoặc liên hoan nghệ thuật quốc tế.


Hầu hết các triển lãm đáng chú ý đều do người nước ngoài tài trợ và bảo trợ, một nghệ sỹ đương đại tên tuổi đã phải thốt lên trong một cuộc phỏng vấn: làm nghệ thuật ở nước mình, cho nước mình mà sao các nhà bảo trợ trong nước thờ ơ thế?

Các tác phẩm nghệ thuật  được bày ngay trên phố tại Praha. Dẫu đã có nhiều bài báo, chương trình truyền hình về tài trợ, bảo trợ  văn hóa nhưng dường như việc tìm các nhà bảo trợ cho các chương trình performance, múa đương đại hoặc tìm người mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại trong nước vẫn như mò kim đáy bể.

Các tác phẩm xuất sắc nhất của thế hệ Trần Lương, Trương Tân, Lê Hồng Thái, Lê Quảng Hà, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Cường và sau đó là Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Trung Thành, Lý Trần Quỳnh Giang...lần lượt ''đội nón'' ra đi.

Giả thử một ngày nào đó, khi chúng ta lập một bảo tàng nghệ thuật đương đại để lưu giữ lại kí ức và cảm xúc của một thời kì đầy biến động của đất nước sau mở cửa và những suy tư của người Việt đầu thế kỷ 21, chắc chắn số tiền bỏ ra để mua lại các tác phẩm có giá trị sẽ không nhỏ thậm chí có thể sẽ không thể mua được.

Trong khi đó, báo chí dồn dập đưa tin về những vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá cả chục tỷ đồng, những chương trình nghệ thuật quần chúng tốn kém cả ngàn tỷ đồng, nhưng tiền cho nghệ thuật đương đại vẫn ở nơi nào xa xôi lắm.

Dã tràng xe cát biển Đông...


Với mục đích hỗ trợ việc đưa các tác phẩm nghệ thuật đương đại đến với cộng đồng, một số tổ chức phi chính phủ và cá nhân trong giới nghệ thuật cũng hăng hái xây dựng một số quỹ văn hóa để vận động tài trợ, nhưng được tiếp đã khó, nhận được một cái gật đầu của các vị lãnh đạo tập đoàn còn khó hơn.

Câu trả lời chung thường là : chương trình, nghệ sỹ hay, thú vị nhưng sao...khó hiểu quá? Câu kết luận có lẽ là việc bảo trợ là ''đặc sản'' chỉ dành cho người nước ngoài. Vậy thiếu tiền có phải là lý do chính? Nhìn vào số lượng máy bay, du thuyền, xe siêu sang, biệt thự và vô số các nhãn hiệu cao cấp của thế giới hiện diện tại Việt Nam khó có thể nói người Việt ta không có người giàu, nhiều người chẳng ngần ngại rút túi cả trăm triệu bạc để tài trợ cho một chương trình để "ngoại giao", bất chấp việc thực chất chương trình ấy không có tác động gì đến đời sống nghệ thuật nước nhà.

Ở Việt Nam, sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật là một điều quá xa vời với hầu hết những người có khả năng mua những tác phẩm ấy. Các nghệ sỹ của ta chẳng khỏi chạnh lòng khi thấy tác phẩm Mao Trạch Đông của Andy Warhol đã được một tỷ phú Hồng Kông mua với giá 17,4 triệu đô la mà lý do chính là đó là tác phẩm về người Trung Quốc.

Thể hiện chủ nghĩa dân tộc bằng việc mua các tác phẩm của nước mình, giới đại gia Trung Quốc đã làm được nhiều hơn việc bỏ tiền giúp nghệ sỹ nước nhà.

Các nghệ sỹ đương đại Trung Quốc đã lọt vào danh sách những  người giầu nhất nước và sánh ngang với những nghệ sỹ đương đại nổi tiếng nhất thế giới với số tiền kiếm được lên đến hàng chục triệu đô la, tác phẩm của họ được nhiều tỷ phú trong nước mua và thậm chí đã trở thành một sản phẩm đầu cơ của giới đầu tư quốc tế.

Thực tế này thực sự không chỉ tăng cường vị thế của Trung Quốc trong giới nghệ thuật quốc tế mà còn là một phương tiện quảng bá cho hình ảnh của đất nước.

Có ý kiến cho rằng các họa sỹ nên "tiên trách kỷ" thì hơn, và rằng nghệ thuật đương đại Việt Nam đang giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên cần nhìn nhận vấn đề này một cách công bằng và bình tĩnh. Những năm 1990, hội họa và nghệ thuật Việt Nam bừng tỉnh sau giấc ngủ dài.

Các triển lãm, trình diễn, tác phẩm múa đương đại, video art, sắp đặt hừng hực phát triển và tạo ra những sự hào hứng đón nhận của công chúng nghệ thuật (bao giờ cũng là thiểu số) và thậm chí là phản đối của báo giới và các nhà quản lý (triển lãm của Lê Quảng Hà tại Trung tâm văn hóa Pháp là một ví dụ).

Thế nhưng, sự phát triển liên tục của các nhà sáng tạo cũng kéo theo sự phát triển của công chúng yêu nghệ thuật và trong kỷ nguyên Internet, người thưởng thức bao giờ cũng có cơ hội đi nhanh và qua đó bắt kịp nhà sáng tạo. Không phải nghệ sỹ đang bước lùi mà thực tế là trình độ khán giả đã cao hơn và cả nền nghệ thuật Việt Nam đang phát triển.

Số lượng người xem và biết đến 1 triển lãm không còn được đo bằng số lượng người có mặt trong 1 tiếng khai mạc triển lãm mà còn bằng số lượng người xem sau đó, lượng ảnh và bình luận trên vô số blog, Facebook, trang web chuyên về nghệ thuật như soi.com.vn, hanoigrapevine.com.

Đi tìm một lời giải đáp


Vấn đề chính yếu vẫn nằm ở chỗ doanh nghiệp chưa nhìn thấy lợi ích của việc bảo trợ nghệ thuật hoặc nếu có cũng không biết nên làm thế nào cho hợp lý. Hiện tại, tại Việt Nam doanh nghiệp không hề có bất cứ lợi ích về thuế nào khi mua các tác phẩm nghệ thuật hay bảo trợ cho một sự kiện văn hóa, thể thao.

Các tác phẩm nghệ thuật vẫn chưa trở thành một khoản đầu tư có tính thanh khoản (dù là cao hay thấp) với doanh nghiệp. Sự thiếu vắng các chuyên gia thẩm định về nguồn gốc và giá trị thương mại của tác phẩm càng làm cho các tác phẩm nghệ thuật không có cơ hội rơi vào tầm quan sát của các nhà đầu tư cũng như các doanh nhân.

Thị trường tác phẩm nghệ thuật leo lắt ở Việt Nam không giúp nâng cao vị thế và đời sống của nghệ sỹ. Mua mang về nhà đã khó vậy, bỏ tiền tài trợ cho một dự án nghệ thuật mà không mang được cái gì cụ thể về càng khó. Thêm vào đó còn là nỗi lo về sự nhiêu khê khi xin giấy phép triển lãm, những nỗi sợ mơ hồ về nguy cơ "đụng chạm", phản ứng có thể là tiêu cực của công chúng...làm cho các doanh nghiệp thờ ơ với các đề nghị kiểu này.

Bức Mặt nạ của họa sỹ Zeng FANCHZHI, đã bán tại Hồng Kông với giá 9,7 triệu đô la.
Trước mắt nên làm gì?
Hỗ trợ phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam là một chủ đề lớn và cần đến một chính sách tổng thể, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến những giải pháp có tính khả thi cao và có thể thực hiện nhanh chóng.

Việc đầu tiên cần làm chính là đầu tư vào giáo dục và phổ biến kiến thức. Việc cải tiến chương trình học chính thức đã là chuyện không thể nên càng không thể bàn đến việc cải thiện giảng dạy mỹ thuật trong trường. Chính vì thế báo chí và sách khảo cứu đóng vai trò hết sức quan trọng.

Có lẽ nên bắt đầu bằng việc 1 số trang web có lượng truy cập lớn và có uy tín mở đưa tin thường xuyên về các triển lãm, kể cả việc phối hợp với những trang web có chất lượng bài viết cao để đồng loạt đưa tin về các triển lãm với các góc nhìn khác nhau, gây tiếng vang cho một triển lãm là điều cần thiết. Quyền lợi về mặt hình ảnh sẽ là một trong các yếu tố quan trọng để một nhà tài trợ, bảo trợ quyết định hỗ trợ cho một dự án nghệ thuật.

Ở Pháp, các thành phố hoặc đơn vị hành chính nhỏ hơn thường xuyên chú trọng đặt hàng các nghệ sỹ làm các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Điều này vừa giúp nghệ sỹ đảm bảo cuộc sống, có cơ hội sáng tác và mang tác phẩm đến với công chúng, vừa làm nên điều tự hào của đơn vị hành chính ấy.

Không phải chỉ các nước giàu mới làm như vậy, sang đến Praha, chúng ta có thể nhận thấy nhiều triển lãm điêu khắc, sắp đặt được trưng bày tại các khu thương mại sầm uất, các tác phẩm bày ngay giữa lòng đường. So với những cuộc trưng bày lẻ tẻ xung quanh hồ Hoàn Kiếm hoặc dọc bờ sông Hương mà thỉnh thoảng ta bắt gặp thật đáng suy nghĩ.

Thứ ba là việc thành lập một bảo tàng nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Hà Nội  hoặc tp Hồ Chí Minh hay chí ít cũng là nâng cấp toàn diện khu vực trưng bày các tác phẩm đương đại của hai bảo tàng mỹ thuật hai đầu đất nước trở nên cần thiết hơn bao giờ hết vì khó có thể tưởng tượng một thành phố thủ đô mà không có một bảo tàng nghệ thuật đương đại lưu giữ các tác phẩm (ít nhất là) của đất nước mình.

Một điều đáng suy nghĩ là ở Bangkok có ít nhất 48 bảo tàng  trong đó có 3 bảo tàng nghệ thuật hiện đại, 1 bảo tàng nghệ thuật đương đại và hàng chục trung tâm nghệ thuật của tư nhân, của nhà nước hay thậm chí của một trường đại học.

Sự phát triển của một quốc gia không phải được đo bằng số lượng xe hơi cao cấp nhập khẩu mà là chất lượng cuộc sống trong đó có chỉ số số lượng các bảo tàng, các trung tâm văn hóa, nghệ thuật. Những năm trước 2005, có thể nói các trung tâm nước ngoài là động lực chính thúc đẩy nghệ thuật đương đại Việt Nam, tới giờ dường như họ đã mỏi mệt và chính chúng ta phải là người đi đầu trong việc đó.

Các nỗ lực của nhà sàn Đức tại Hà Nội, gallery 39 A Lý Quốc Sư, Ngôi nhà nghệ thuật 31 A Văn Miếu, New Space Gallery ở Huế, San Art ở tp Hồ Chí Minh...đã đóng góp đáng kể cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Sự hỗ trợ, cộng tác của các nhà bảo trợ sẽ là thứ nước tăng lực cần thiết cho sự phát triển như cần phải có nghệ thuật đương đại Việt Nam.

http://vef.vn/2010-11-15-bao-tro-nghe-thuat-tai-viet-nam-sao-tho-o-the-

Mở tầm nhìn
Tác giả: Nguyễn Đình Thành
Bài đã được xuất bản.: 15/11/2010 06:35 GMT+7
 
Gần đây, sau khi viết bài trao đổi về  việc sử dụng từ ‘’mỹ thuật Việt Nam hiện đại’’ hay ‘’cận đại’’ tôi bỏ ý định viết bài trao đổi về những sai lầm xuất hiện rất nhiều trong các bài viết về mỹ thuật của ngay cả một số tác giả tên tuối. Ví dụ như ‘’ở nước ngoài, các trường mỹ thuật đều nằm trong các trường đại học tổng hợp’’ hoặc như ‘’ [ở nước ngoài], hàng năm có 25 họa sĩ tốt nghiệp. Người ta giao tiền cho năm nhà phê bình, mỗi người phụ trách năm họa sĩ, cho họ tiền và dạy bảo họ về ý tưởng nghệ thuật. Sau vài năm, thì tổ chức triển lãm và lọc ra vài người, gọi là có tài năng, đưa vào cơ chế chuyên nghiệp, bắt đầu từ những thang thấp nhất của hệ giá cả’’. Tuy nhiên, sau khi đọc bài của tác giả Đào Mai Trang (ĐMT) về vai trò của các trung tâm văn hóa nước ngoài thấy còn nhiều điều cần đính chính (bởi rất có thể sẽ có nhiều nhà viết sử Mỹ thuật Việt Nam sẽ bê nguyên các thông tin trong bài viết này của ĐMT vào sách của mình gây hiểu lầm lâu dài), nên tôi xin phép trao đổi với tác giả ĐMT như sau :

            1. Ngay trong đoạn mở đầu, viết về Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace, ĐMT viết : ‘’Ngay từ khi mới thành lập, bên cạnh việc truyền bá ngôn ngữ như công việc chính yếu và cũng là nguồn thu chủ yếu của Trung tâm, L’ Espace đã xác định văn hoá - nghệ thuật luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực để phát triển hình ảnh một nước Pháp văn minh, và sẵn sàng hỗ trợ cho văn hoá Việt Nam‘‘. Mỗi học viên của L’Espace đóng học phí là 500 nghìn đồng cho một khóa học 9 tuần thì trung tâm phải bỏ ra 1 triệu đồng để bù lỗ chi phí, việc giảng dạy tiếng Pháp chưa bao giờ là nguồn thu chủ yếu của Trung tâm cả. Bên cạnh đó, Nước Pháp có cần phải mở cả một trung tâm văn hóa ở Hà Nội để mới được hiểu là nước văn minh hay không ?

            2. Về sự lựa chọn các tên tuổi nghệ sỹ đương đại có tác động lớn đến mỹ thuật Việt Nam : Nguyên Cầm và François Jarlov. Tác động của HS Nguyên Cầm đến đâu, xin để những người nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam lên tiếng nhưng François Jarlov chưa bao giờ nhận mình là nghệ sỹ đương đại cả và tác động của anh đến mỹ thuật đương đại Việt Nam chắc chắn là không nhiều. NXB Les rivages lointains cũngchưa bao giờ là một ‘’NXB sách nghệ thuật’’ cả. Ngoài ra, từ việc một nghệ sỹ nổi tiếng đến triển lãm tại Việt Nam để nói tác động của nghệ sỹ ấy đến NTĐĐ Việt Nam là việc rất khó : ngay cả với trường hợp hai nghệ sỹ Đức mà ĐMT kể tên cũng không có tác động gì nhiều cũng giống như hai nghệ sỹ hàng đầu của Pháp đã được giới thiệu tại L’Espace : Jean Michel Alberola và Robert Cahen. Khi nói về vai trò của TT L’Espace với nghệ thuật đương đại Việt Nam tôi nghĩ không nên bỏ qua việc, từ khi thành lập năm 1991, chính TT này đã giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy NTĐĐ Việt Nam nói chung và MTĐĐ nói riêng. Nguyễn Minh Thành cũng đã nhắc đến vai trò này của TT trong một cuộc phỏng vấn với tác giả Natasha. Đây cũng là nơi triển lãm của Trương Tân, Sơn Lâm, Lê Hồng Thái, Nguyễn Văn Cường, Phương Vũ Mạnh... . Ngoài ra, TT giữ vai trò chủ đạo trong việc đào tạo cả một thế hệ nghệ sỹ múa đương đại cho Việt Nam với hai biên đạo Phillipe Cohen và đặc biệt là Régine Chopinot ; TT cũng là nơi giới thiệu các tác phẩm của Văn học đương đại Việt Nam tới công chúng từ rất sớm (Đỗ Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Vi Thùy Linh) ; đào tạo các đạo diễn trẻ, nhà báo của Việt Nam và rất nhiều lĩnh vực khác không nằm ở bề nổi.

            3. Về triển lãm sắp đặt trong khuôn viên ĐSQ Pháp năm 2002, tác phẩm của LHT không có nhạc điện tử kèm theo và chỉ có một cô gái đứng cạnh chứ không phải 3 như ĐMT miêu tả và về ý nghĩa của sắp đặt Cây của Nguyễn Ngọc Lâm chắc cũng hơi khác với diễn giải của ĐMT trong bài. Các sắp đặt của Nguyễn Duy Quang và Đinh Gia Lê không hoàn toàn do TT tài trợ mà hai họa sỹ này đã phải tự lực cánh sinh là chính.

            4. Về triển lãm cuối cùng ở phố Yết Kiêu của Trung tâm văn hóa Pháp, sau khi đọc giới thiệu của ĐMT : ‘’ Trung tâm dành toàn bộ tường của toà nhà Trung tâm cho ba nghệ sĩ: Sơn Lâm (sống tại Pháp, vẽ sơn mài), Phạm Ðức Dương (trình diễn và sắp đặt với hoa tươi), Ðinh Thảo Phong (vẽ tranh màu nước) thoả ý trình bày nghệ thuật của họ’’  chắc hẳn Phạm Ngọc Dương sẽ không hiểu tại sao tên mình lại biến thành Phạm Ðức Dương và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của mình được gói lại thành performer và sắp đặt với hoa tươi!? Nếu hiểu những chú thích mà ĐMT ghi bên cạnh tên họa sỹ là cái mà họ giới thiệu với công chúng trong triển lãm ‘’ba bức tường’’ ấy thì Sơn Lâm không hề làm sơn mài. Chị vẽ tranh lên tường trên những bức photo lớn và trưng bày một số tranh vẽ, cả Dương và Phong đều vẽ sơn dầu trong triển lãm ấy.

            5. Ví dụ về triển lãm của Nguyễn Ngọc Lâm trưng bày tại ĐSQ Pháp trong dịp quốc khánh Pháp cũng có nhiều điều cần đính chính. Trước hết, dự án triển lãm của Lâm nằm trong một chương trình tổng thể mang tên Phố phường thứ 37 là một dự án biennale nghệ thuật đương đại tại Hà Nội, dự định tổ chức vào những năm không có festival Huế. Dự kiến chương trình sẽ giới thiệu với công chúng các tác phẩm về chủ đề ‘’đô thị’’ với sự tham gia của Đinh Gia Lê, Quách Đông Phương, Trần Trung Thành, Lê Hồng Thái, Đào Anh Khánh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Cường, Trương Tân, Vũ Dân Tân, Nguyễn Duy Quang, Lưu Chí Hiếu, Bùi Công Khánh, Nguyễn Ngọc Lâm, Designer Ngô Nhật Hoàng, nhà nhiếp ảnh Pháp Carlet Soulage và Marc Detiffe người Bỉ, HS Canađa Brian Ring, HS Thái Lan Montri Toemsobat ; triển lãm tranh Bùi Xuân Phái, trình diễn nghệ thuật đường phố, hát xẩm, hát trầu văn, múa đương đại của Nguyễn Văn Hiền và Quách Hoàng Điệp với hai nghệ sỹ múa Pháp, vẽ graffiti trên phố Tràng Tiền, nhiều nhóm nhảy hiphop lẫn lộn với khán giả trên đường phố, xen kẽ với những hàng quà xưa, các trò chơi dân gian, những người vá sửa xe đạp trên đường phố…công việc chuẩn bị được tiến hành suốt một năm và sáu tháng cuối trung tâm L’Espace tuyển hẳn một người đặc trách hồ sơ này (tổ chức, vận động tài trợ). Có lẽ ĐMT chưa bao giờ theo dõi việc tổ chức một festival nghệ thuật lớn như thế nào và có lẽ chị cũng chưa hiểu được việc xin phép phải trải qua những giai đoạn thế nào nên chị mới viết ‘’Tại sao L’ Espace, ngay sau khi có ý tưởng triển lãm ngoài vỉa hè phố Tràng Tiền của Nguyễn Ngọc Lâm, không liên hệ hợp tác ngay với các cơ quan hữu trách phía Hà Nội để tìm tiếng nói chung cho việc tổ chức triển lãm này? Họ luôn biết rằng các triển lãm diễn ra bên trong không gian L’ Espace có thể được độc lập với sự can thiệp của các cơ quan hữu trách phía Việt Nam nhưng triển lãm bên ngoài đường phố lại là chuyện hoàn toàn khác’’.  Nếu có dịp xin mời ĐMT làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xin triển lãm có yếu tố nước ngoài ở nơi công cộng, để không có những lời trách cứ không đáng có như trên. Và nếu có dịp, ĐMT có thể đến nhà HS Đào Anh Khánh để xem số lượng giấy phép mà anh phải xin mỗi dịp trình diễn. Quay lại với dự án của Nguyễn Ngọc Lâm, sau khi dự án Phố phường thứ 37 không thành, toàn bộ các tác phẩm của Lâm đã bị xếp xó trong một cái kho mà anh thuê trong nhiều tháng với sự hỗ trợ của L’Espace. Với người nghệ sỹ, điều quan trọng là tác phẩm đến được với công chúng. NNL có thể kể lại với ĐMT về việc L’Espace đã phải khó khăn thế nào để có thể tổ chức triển lãm của anh tại ĐSQ Pháp, nơi duy nhất tổ chức triển lãm mà không phải xin phép. Điều căn bản trong việc tổ chức một hoạt động văn hóa là yếu tố an ninh, bảo hiểm cho người xem và đặc biệt là phải tính đến những ràng buộc khác nhau của địa hình triển lãm. Tác phẩm của NNL được tổ chức trong ĐSQ Pháp trong một bữa tiệc có hơn 2000 người tham dự, trong đó có đại diện của chính phủ Việt Nam, ngoại giao đoàn và biết bao quan khách. Việc sắp đặt triển lãm trong ngày hôm đó có nhiều ràng buộc là điều không tránh khỏi. Họa sỹ là người có quyền quyết định cuối cùng, nếu NNL không đồng ý anh có thể kiên quyết không cho triển lãm với lý do TT L’Espace vi phạm hợp đồng về điều kiện tổ chức, chắc chắn đã không có việc gì xảy ra và nếu anh cảm thấy ngột ngạt đến vậy (theo lời dẫn của ĐMT), không có lý do gì để hai tháng sau đó anh lại tiếp tục làm triển lãm đó.

6. Cách trình bày vấn đề của ĐMT, làm người đọc có cảm giác khi làm việc với các TT nước ngòai, nghệ sỹ Việt Nam đều bị o ép và bị nhìn với ‘’con mắt thực dân’’. Điều này hoàn toàn sai bởi nếu ĐMT đặt câu hỏi với các nghệ sỹ việt nam rằng tại sao họ đến với các TT văn hóa nước ngoài, thì chị sẽ rõ hơn. HS Đào Anh Khánh có tâm sự trong một buổi nói chuyện rằng tại sao anh đến với các trung tâm văn hóa nước ngoài đó không phải vì họ cung cấp tiền (các triển lãm, performance của ĐAK hầu hết do anh tự bỏ tiền) mà bởi vì ở đó người nghệ  sỹ cảm thấy được tôn trọng với đúng giá trị của mình, ở đấy họ tìm được tiếng nói đồng cảm. Hãy hỏi các nghệ sỹ Việt Nam xem họ được lắng nghe như thế nào khi làm việc với các trung tâm ấy. Dĩ nhiên, trong khung cảnh, các định chế chính thức thờ ơ thậm chí chống đối, khán giả ít ỏi, không có nơi triển lãm, không được hỗ trợ thì việc các trung tâm văn hóa nước ngoài quan tâm đến các nghệ sỹ đương đại Việt Nam bất kể vì lý do gì đều là đáng quý. Đó là một trong những cánh cửa quan trọng để cơ thể mỹ thuật Việt Nam sống một cách thực sự, tức là có trao đổi với môi trường bên ngoài. Vì vậy, ví dụ mà ĐMT về triển lãm của NNL đưa ra không hề là  ‘’ minh chứng điển hình cho những bất lợi mà nghệ sĩ Việt Nam phải đối diện khi làm việc với người nước ngoài ‘’ thậm chí nó còn dẫn đến những hiểu lầm tai hại.

Thực trạng nghệ thuật đương đại Việt Nam là một chủ đề quá lớn cần nhiều thời gian chuẩn bị. Những sai sót lầm lẫn là điều không tránh khỏi, nhưng mong rằng các tác giả cẩn thận hơn nữa khi đưa ra những nhận định, đánh giá mang tính bản chất để tránh việc nói và viết thiếu chính xác.

Paris 13 tháng 6 năm 2006

Nguyễn Đình Thành

 
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại nhu cầu giao tiếp và thông tin trên thế giới lại lớn như hiện nay, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa. Song song với mối đe dọa đồng nhất hóa đến từ những nền văn hóa mạnh là nhu cầu khẳng định bản sắc của mình và tìm hiểu bản sắc của người khác, trong bối cảnh như vậy dịch thuật đương nhiên giữ một vai trò nổi trội.

Không phải ngẫu nhiên mà chi phí cho việc trao đổi, giao tiếp trong liên minh châu Âu với 20 thứ tiếng khác nhau đã ngốn tới 1 tỷ euro trong năm vừa qua. Vậy 1 tỷ euro đó chi cho những gì ? Xin thưa cho đội ngũ biên phiên dịch của Liên minh. Trước hết ta hãy cùng thống nhất về cách hiểu của chữ dịch thuật để tránh việc ‘’ông nói gà, bà nói vịt”.

Dịch thuật gồm phiên dịch (dịch nói) và biên dịch (dịch viết). Chữ thuật cho ta thấy ngay là bộ môn này cần một số kiến thức và kỹ năng nhất định . Từ đó suy ra là không phải ai cũng làm được. Nhiều người quan niệm rằng : cứ thành thạo hai thứ tiếng là dịch được. Xin nói ngay, đây là quan điểm hết sức sai lầm. Trên thế giới có hơn 6 tỷ người có khả năng chơi được bóng đá. Không đến một phần ba trong số đó chơi bóng đá. Trong khi đó giải vô địch thế giới chỉ dành cho vài trăm cầu thủ và chỉ một số ít tỏa sáng.. So sánh như vậy để thấy giữa cái ta có thể làm với cái ta làm là rất xa nhau và không phải cứ thành thạo tiếng nước ngoài và tiếng mẹ đẻ là có thể dịch được, không phải cứ viết giỏi, viết hay là đương nhiên trở thành nhà thơ, nhà văn.

Quay trở lại với chữ dịch thuật gồm phiên dịch và biên dịch. Trong phiên dịch lại chia ra thành phiên dịch hội nghị và phiên dịch tiếp xúc. Trong phiên dịch hội nghị lại chia thành dịch đuổi (người dịch nói sau khi diễn giả ngừng lời) và dịch cabin (hay dịch song song). Dịch tiếp xúc có thể được chia thành giao tiếp thông thường và giao tiếp ngoại giao hoặc đàm phán kinh tế… Biên dịch có thể được tạm chia thành dịch văn bản khoa học, báo chí, diễn văn, văn học nghệ thuật. Nói vậy để thấy từ dịch thuật bao gồm những nhánh nhỏ rất khác nhau. Mỗi công việc lại đòi hỏi những kỹ năng riêng mà không phải làm tốt công việc này thì đương nhiên sẽ làm tốt công việc khác. Nhiều người cho rằng đã làm được phiên dịch thì sẽ làm được biên dịch và ngược lại. Điều này có thể đúng ở những cấp độ ngôn ngữ đơn giản và không đúng ở dịch thuật đỉnh cao. Cũng giống như không huấn luyện viên nào lại đi xếp Ronaldinho vào vị trí hậu vệ và Maldini vào vị trí tiền đạo. Do trên các diễn đàn trao đổi về chủ đề này, tôi thường xuyên chỉ thấy nói  đến việc dịch tác phẩm văn học này, cuốn phê bình nghệ thuật kia có vấn đề (tức là chỉ giới hạn ở dịch viết và cụ thể ở đây là dịch văn học) nên mới mạn phép đặt lại vấn đề chữ dịch thuật và muốn hiểu chữ này trong các ý nghĩa mà nó bao trùm.

Dịch là việc chuyển văn bản hay diễn ngôn từ ngôn ngữ gốc thành văn bản hay diễn ngôn có ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ đích. Để làm được điều này, người dịch phảI hiểu nội dung và sắc thái văn bản hay diễn ngôn gốc và tìm được cái tương đương trong ngôn ngữ đích. Người dịch hoàn hảo là người dịch “tàng hình”. Người đọc, nghe văn bản đích không thấy có sự hiện diện của người dịch mà chỉ thấy tác giả hoặc diễn giả mà thôi. Cái khó là ở chỗ mỗi con người đều là độc nhất, không ai nói và viết giống ai, trong khi đó người dịch phải ‘’nhập’’ mình vào diễn giả, tác giả để nói, viết như họ. Điều này đòi hỏi người dịch phải có những kỹ năng nhất định và những hiểu biết cơ bản trong lĩnh vực mình dịch. Nhưng dù sao thông điệp sau khi đi qua màng lọc là người dịch cũng vẫn ít nhiều khác với bản gốc. Chưa kể đến năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin của người đọc, người nghe. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói một bản dịch dù hay đến mấy vẫn là mặt sau của tấm thảm dệt mà thôi.

Quay lại với hiện trạng nền dịch thuật Việt Nam,có lẽ không cần chứng minh nhiều cũng thấy ta không hề có một nền dịch thuật mạnh. Điều này bắt nguồn đầu tiên từ vấn đề con người mà trước hết là trong giáo dục và đào tạo. Việc đào tạo ngoại ngữ bấy lâu nay ở ta vẫn không lấy gì làm tự hào. Ai có thể nói là học sinh và thậm chí sinh viên Việt Nam (ngoại trừ một số trường chuyên ở các thành phố lớn) nói tiếng nước ngoài giỏi.  Học sinh, sinh viên của ta ít có dịp thực hành tiếng với người bản địa, ít được tiếp xúc với đài báo nước ngoài, ít đi du lịch, ngoài ra còn lười đọc ấn phẩm, thông tin bằng tiếng nước ngoài…Không giỏi là hệ quả đương nhiên. Đến các trường ngoại ngữ, nơi đào tạo các biên phiên dịch viên tương lai tình hình cũng không khá hơn. Trước hết, phần lớn các sinh viên giỏi ở các trường chuyên, lớp chọn ngoại ngữ đã đi du học (ít người chọn văn học hay ngôn ngữ) hoặc thi vào các trường “lớn” như Ngoại thương, Ngoại giao… số còn lại vào học ở các trường ngoại ngữ. Sự chênh lệch trình độ trong lớp và thiếu thốn cơ sở vật chất (thư viện nghèo nàn, chỉ thỉnh thoảng mới được lên phòng luyện tiếng đa phương tiện) thiếu giáo viên nước ngoài, phong cách học thụ động như học sinh cấp 4…làm sao có được những biên phiên dịch tài năng. Riêng dịch văn học lại càng khó. Bởi ngoài các kiến thức về ngôn ngữ, người dịch văn học phải có niềm đam mê và khiếu văn học. Hai điều này thì không trường nào đào tạo được. Người dịch có hay không có hai phẩm chất này là do tự nhiên chứ không do đào tạo. Đó là chưa kể đến việc hòan nguyên được văn phong của tác giả la một việc rất khó, hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân và sự lựa chọn của người dịch. Đây là một yếu tố chủ quan nên mỗi người dịch sẽ cho ra một bản dịch (version) của riêng mình (khác với dịch văn bản khoa học : nước sôi ở 100° C, hay trái đất quay xung quanh mặt trời…không thể dịch khác được). Đó là còn chưa nói đến việc có những yếu tố ‘’không thể dịch được”, hoặc có những yếu tố bắt buộc phải giải thích (chẳng hạn như ai có thể nói là thơ Hồ Xuân Hương, Kiều,…là dịch được). Ngòai ra, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, dịch sách là một công việc đòi hỏi cao và dành cho một số ít người. Trong hòan cảnh ấy, thiết tưởng yếu kém của nền dịch thuật Việt Nam là điều dễ hiểu.

Những khó khăn ấy càng trở nên trầm trọng bởi những vấn đề mang tính xã hội. Rõ ràng, văn hóa đọc là rất yếu ở Việt Nam. Phần lớn người đọc tìm mua những tác phẩm dễ đọc, hầu hết các nhà xuất bản tìm sách dễ bán và không sẵn lòng mở hầu bao tìm những dịch giả tốt. Rõ ràng là nhiều người tìm đọc Sidney Sheldon hơn là Jean Paul Sartre, nhật kí Đặng Thùy Trâm hơn là Thoạt kì thủy,…Bản quyền bị vi phạm nghiêm trọng làm nản lòng người sáng tác, người dịch. Ngay cả những tác giả lớn còn bị in sách lậu mà không được hỏi ý kiến, không được nhận thù lao, nói gì đến người dịch. Chính người dịch cũng không tôn trọng tên tuổi của chính mình. Đã không ít trường hợp, một dịch giả ít nhiều có tiếng nhận ‘’đơn đặt hàng’’ rồi giao lại cho sinh viên, hay người dịch thiếu kinh nghiệm ‘’gia công’’ rồi hưởng chênh lêch thù lao dịch, hoặc nhận dịch những ấn phẩm không thuộc chuyên môn của mình, cũng không đầu tư tìm tòi. Trong khi đó, công việc dịch nói chung và dịch viết nói riêng đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Tìm được một từ “đắt” phải mất cả tuần, cả tháng, có khi không tìm được. Trong các văn bản dịch chăng đầy những cạm bẫy của ‘’giao thoa văn hóa’’  đòi hỏi phải có những hiểu biết về những hiện tượng, khái niệm “tham chiếu văn hóa” mà nếu không sống ở nước ngoài hoặc hỏi người bản địa thì không thể hình dung ra nổi (đa số các trường đào tạo dịch đều tuyển những sinh viên nói ít nhất 2 ngoại ngữ và đã sống liên tục ở nước mà mình muốn học tiếng trong khoảng thời gian 1 năm). Đã không hiểu thì không thể dịch được. Chính những điều này dẫn đến chất lượng dịch không cao, thậm chí giết chết tác phẩm gốc. Không phải ngẫu nhiên mà bài học đầu tiên của người học dịch là câu cảnh báo ‘’traducteur-traợtre” dịch là phản.

Có ý kiến cho rằng : sao không tìm biên dịch Việt Kiều? Đa phần trong số họ là những người giỏi ngoại ngữ, nhiều người học vấn cao, quan tâm đến văn học lại không dịch ? Tôi không phải Việt Kiều nên không hiểu lắm tại sao lại như vậy, càng không muốn trả lời thay cho họ. Nhưng như đã phân tích ở trên : không phải cứ giỏi tiếng là dịch được, nhất là dịch văn học. Dịch thuật là một nghề. Đă là nghề thì có người được đào tạo, có người thiên bẩm tốt, không cần được đào tạo cũng làm nghề được (nhưng số này đương nhiên là rất  ít). Hơn nữa, người Việt ở nước ngoài đa phần ai cũng bận làm nghề gì đó để kiếm sống, không mấy người chọn nghiệp văn chương bạc bẽo, càng ít người bỏ hàng năm trời để dịch một cuốn sách (nếu muốn làm công việc có chất lượng cao). Nếu muốn dịch một quyển sách từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt, họ phải đi xin phép nhà xuất bản và tác giả ấy, liên hệ với nhà xuất bản Việt Nam, và phải chắc là quyển sách ấy được phép xuất bản ở Việt Nam và ăn khách. Trong chiều ngược lại, họ phải tìm tác phẩm hay của Việt Nam ở đâu ? Ở nước ngoài? Hay đợi tác giả trong nước gửi sang? Có bao nhiêu nhà xuất bản nước ngoài đồng ý in tác phẩm của tác giả đến từ nước thứ ba ? Theo tôi được biết, dịch giả của một số tác giả nổi tiếng nhất của Việt Nam được trả tiền cao gấp nhiều lần tác giả, và số tiền đó có được là nhờ trợ cấp của chính phủ nước sở tại, mấy năm lại có một số trợ cấp như vậy ? Chưa nói đến việc nhiều người đã xa tổ quốc lâu năm, tôi không hề có ý định xúc phạm họ, trong khi ngôn ngữ phát triển không ngừng, việc viết để hợp với văn phong và từ ngữ của xã hội Việt Nam hiện nay không phải là điều hiển nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà Shakespeare được dịch đến lần thứ tư sang tiếng Pháp và vẫn tiếp tục được dịch. Tôi nghĩ vấn đề dịch hay không dịch không nằm ở chỗ thành thạo tiếng ít hay nhiều mà phần lớn phụ thuộc vào khả năng thiên bẩm và kỹ năng dịch. Dịch văn học không phải là trò chơi, hoặc cái mà người ta làm khi nổi hứng nhất thời. Nếu không chỉ có thể trở thành người dịch amateur mà thôi. 

                                                                                                 Nguyễn Đình Thành