Picture
Năm 1927, khi Victor Tardieu hoàn thành bức vẽ kinh điển trên giảng đường Đại học Đông Dương thời bấy giờ (Hội trường Ngụy Như Kon Tum ngày nay) sau 6 năm lao động nghệ thuật miệt mài, chắc hẳn ông cũng không ngờ có ngày trong cái giảng đường ấy lại vang lên những bản nhạc rock sôi nổi, những bài R&B bốc lửa, những bản jazz gợi cảm và những bản tình ca ấm lòng. Không gian âm nhạc số 10 đã mang đến tất cả những tình cảm ấy qua giọng hát của Uyên Linh và Tấn Minh.

Tôi không làm nghề nhưng trộm nghĩ biên tập và dàn dựng một chương trình ca nhạc là khó lắm. Làm sao để tìm được những bài hát phù hợp với ca sỹ, sắp xếp thứ tự ra sao, hòa âm phối khí thế nào, quản lý cái ego to đùng của các ca sỹ ra sao,...tóm lại là rất khó. Nếu lôi cái triết lý âm dương mà mọi tạo vật đều khó tránh khỏi thì Tấn Minh là Dương mà Uyên Linh là Âm. Nhưng nếu thế thì đơn giản quá và chẳng có gì bất ngờ, Tấn Minh là Dương mà êm đềm mềm mại, có lúc tha thiết đến xao lòng. Uyên Linh là âm mà mạnh mẽ chói chang, đốt khán phòng và lòng người bằng chất giọng khỏe khoắn và vẻ ‘‘ngây thơ’’ chết người.

30 bản tình ca đã vang lên như thế trong khán phòng, phả cái nóng lạnh của tình cảm con người lên một khán phòng không dễ chinh phục. Thế nhưng vì Không gian âm nhạc là một chương trình tinh hoa nên người nghe khó ngăn được mình ‘‘khó tính’’. Tài năng của Uyên Linh là không thể phủ nhận, người nghe còn ‘‘chấm điểm + ’’ cho cô vì cô không qua trường lớp mà thành danh từ chính tình yêu ca hát và nội lực của mình. Thế nhưng viên ngọc quý ấy vẫn cần được mài giũa để bàn tay và chuyển động của cơ thể và khuôn mặt trên sân khấu ‘‘hợp lý’’ hơn và không thừa thãi. Less is more có lẽ là lời khuyên tốt nhất với tài năng trẻ này. Đâu đó người ta vẫn thấy cái bóng của Thanh Lam, một chút Siu Black, một chút gì Toni Braxon, một chút Whitney Houston. Cô đặc biệt quyến rũ với những bài mang âm hưởng rock, R&B, jazz (tại sao không?) hơn là những bài tâm tình, tự sự. Cô cũng có thể chiếm lĩnh khán phòng tốt hơn với những bài hát sôi động khi chỉ cần bước xuống phía khán giả hoặc một động tác mời vỗ tay. Khán phòng lúc ấy đã như đám bùi nhùi khô chưa gặp lửa. Bỏ qua tất cả những điều trên, tôi vẫn gọi cô (một cách phàm phu) là món thịt bò kô bê, ngon tuyệt vời và hiếm có.

Tấn Minh hát say mê như chưa từng được đón nhận nhiều như thế. Anh nồng nàn say đắm với những bản tình ca, anh như con tằm chậm rãi nhả những sợi tơ tình óng ánh của Đỗ Bảo, Phú Quang, ngọt ngào như rượu vang hái muộn. Ban nhạc tuyệt vời và giọng hát hiếm có của giọng ca vàng Asean năm 98 đã làm người nghe đi hết từ bài này sang bài khác với các cung bậc ngọt ngào hay cay đắng mà không bi lụy của tình yêu lứa đôi, tình yêu một thành phố, tình yêu những bờ cây ngọn cỏ. Tuy nhiên, Tấn Minh sẽ thực sự ‘‘hớp hồn’’ khán giả nếu anh giao lưu với họ nhiều hơn bằng mắt, bằng những lời nói hóm hỉnh hơn. Giá mà anh thêm vào nhạc mục đêm ấy một số bài phối theo phong cách jazz hay blue thì hương vị món ăn còn đậm đà hơn biết mấy. Trong những bài song ca với nhau, dường như Tấn Minh trở nên rụt rè và dường như yếu ớt trước một Uyên Linh mãnh liệt. Cũng phải nói rằng tìm được bài hát đôi phù hợp cho hai người này là quá khó (không biết sau này có tìm được không?). Tấn Minh như một chai rượu vang trắng ngọt, lên men từ những quả nho hái muộn, cho ra một vị ngọt tuyệt hảo và dễ làm người ta say mềm môi mất lối về.

Thịt bò Kô bê hảo hạng, rượu vang trắng hảo hạng, Không gian âm nhạc dưới bàn tay của Việt Tú và Chu Minh Vũ đã thực sự là một bữa tiệc. Vì thế mà khó có thể cưỡng lại sức hút của không gian âm nhạc đỉnh cao này (số lượng người đặt vé cả năm và số lượng đông đảo ‘‘phe’’ vé trước cửa 19 Lê Thánh Tông đã chứng mình cho điều ấy).  Sự chưa hoàn hảo của Không gian âm nhạc số 10 (trên thực tế làm gì có cái gì hoàn hảo nhỉ?) chỉ ở chỗ thịt bò kô bê uống cùng lúc với rượu vang trắng thì khó có thể đẩy hương vị của mỗi cái lên cao nhất. Ông có thấy vậy không vị hiệu trưởng người Pháp khai sinh ra trường Mỹ Thuật Đông Dương?

Nguyễn Đình Thành

2/3/2012


 

Kính thưa quý vị,
Khi còn đi học, thầy tôi đã dùng hình ảnh của Prométhée với tình cảnh của ngành xuất bản. Vị thần này bị cột trên vách đá và bị đại bàng hàng ngày đến moi gan nhưng không chết nhờ vào một sức sống mãnh liệt. Còn với tôi, dịch văn học cũng thế, nó không bao giờ chết đi mà chỉ phát triển có bước thăng bước trầm. Nói như vậy vì cho tới giờ, chẳng mấy người sống được nhờ dịch văn học nhưng đội ngũ người dịch vẫn ngày càng đông lên, những người đã có tác phẩm dịch vẫn tiếp tục dịch. Các giải thưởng dành cho người dịch và hơn cả là sự động viên, đón nhận của độc giả là động cơ và phần thưởng cao quý nhất dành cho một người dịch.

Thưa quý vị,

Giải thưởng văn học dịch của Hội nhà văn Hà Nội là một niềm vinh dự lớn lao với tất cả những ai đã và đang chọn bước đi trên con đường dịch thuật. Giải thưởng này càng ý nghĩa hơn với bản thân tôi với tư cách là một người ngoại đạo.

Ai cũng biết dịch thuật là một con đường chông gai nhiều cạm bẫy.

Khi bước trên con đường này, tôi có may mắn được nhiều ngọn đèn soi rọi, bạn bè, người thân giúp đỡ, chỉ đường.

Khi tôi học về lý thuyết dịch trong trường ĐH Ngoại ngữ Thanh Xuân, các thầy dạy: “Một tác phẩm dịch dẫu có xuất sắc vẫn chỉ là mặt sau của tấm thảm và trong khi dịch, kiến thức ngoài ngôn ngữ cũng quan trọng như kiến thức ngôn ngữ”. Tại CFIT – Trung tâm Đào tạo biên phiên dịch chuyên nghiệp, bài học đầu tiên của chúng tôi là: “Người dịch là kẻ vô hình và phải luôn thận trọng khi dịch”. Sang Pháp, gặp dịch giả Trần Thiện Đạo, ông dặn dò: “Người dịch không được tự xưng là đồng tác giả và phải luôn luôn khiêm tốn”.

Với những lời dặn dò ấy, tôi đã làm việc nghiêm túc và thận trọng. Vận dụng tối đa kiến thức của mình với ý thức tôn trọng tác giả, người đọc và biết rằng lúc nào mình cũng có thể sai. Sau mười tháng làm việc như thế, tác phẩm dịch đã ra đời và giải thưởng này chính là phần thưởng cao quý cho những nỗ lực ấy.

Thưa quý vị,

Xin được gửi lời cảm ơn chân thành và lời chúc mừng nồng nhiệt tới tác giả Eric Emmanuel Schmitt vì đã cống hiến cho độc giả một tác phẩm hay và nhiều ý nghĩa như thế. Từ những chất liệu thông thường, từ những thông điệp không mới, bằng tài năng và sự điêu luyện của mình, ông đã mang tới một tác phẩm mà đọc rồi người ta khó có thể quên, khó có thể không suy ngẫm.

Những người góp phần vào thành công của cuốn sách dịch này rất nhiều, gia đình, thầy cô, người thân, bè bạn,…không thể kể hết được. Xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả mọi người.

Có một điều chắc chắn là, dù có được nhận giải thưởng này hay không, dịch thuật vẫn là con đường tôi lựa chọn và say mê. Hy vọng quý vị vẫn sẽ dành thời gian và sự yêu mến cho các tác phẩm dịch tới đây của tôi nói riêng và văn học dịch nói chung.

Xin trân trọng cảm ơn.

Hà Nội, tháng 10 năm 2008

Nguyễn Đình Thành

 
Picture
Cách đây đúng 40 năm, ngày 8 tháng 5 năm 1970 một sự kiện làm chấn động giới nghệ thuật cũng như báo giới Sài Gòn lúc bấy giờ đã diễn ra tại trụ sở hội Hồng thập tự Sài Gòn: một tác phẩm làm từ xương, mảnh sọ, ruột người lên án tội ác chiến tranh đã được treo trang trọng tại một triển lãm quốc tế. Vài giờ trước khi tổng thống miền Nam đến khai mạc triển lãm, bức tranh đã bị buộc phải gỡ xuống và đến tận bây giờ không ai biết số phận của nó ra sao.

Một tác phẩm kì lạ…

Mọi chuyện bắt đầu vào những năm 1960 khi Phạm Văn Hạng còn làm phóng viên chiến trường Quảng Trị. Hàng ngày, ông lăn lộn ‘‘cày xới’’ trên bãi chiến trường với chiếc máy quay  nặng gần chục kí trên vai và làm việc như một phóng viên tự do cho nhiều hãng thông tấn nước ngoài. Một buổi sáng, khi nắng sớm vừa lên, xuyên qua hàng rào dây thép gai chiếu lên bãi chiến trường mênh mông xác người, chẳng còn phân biệt được đâu là thân lính Mỹ, người lính Bắc Việt, tay chân người lính Cộng Hòa. Lòng người nghệ sỹ trẻ rung lên một nỗi xót xa cho thân phận con người và ghê tởm cuộc chiến này. Ông tự nói với mình: ‘‘là một thằng nghệ sỹ mình phải làm một cái gì đó để góp phần ngăn thảm kịch này lại’’. Ý tưởng về một bức tranh bằng chính xương thịt của những nạn nhân của cuộc chiến đã ra đời như thế.

Là phóng viên chiến trường, việc thu thập ‘‘tư liệu sáng tác’’ của ông không mấy khó khăn. Ông lượm lặt những mảnh vụn chiến tranh chuẩn bị cho tác phẩm của mình. Ông làm một bể phoóc-môn lớn đặt ngay trong căn nhà nhỏ của mình, lúc đó vợ ông đang có bầu đứa con đầu. Ban đầu vợ ông cũng sợ nhưng sau cũng quen dần. Ông ‘‘tha về’’ đủ thứ: khi là mẩu xương, lúc là viên đạn, vỏ đạn, dây thép gai, mảnh hộp sọ,…Người bạn thân của ông là bác sỹ chiến trường Lê Bá Dũng thỉnh thoảng cũng ‘‘cho’’ ông vài vật lạ gắp ra từ cơ thể những chiến sỹ tử nạn. Năm 1970, ông đã kịp hoàn thành tác phẩm hội họa đầu tay của mình vào đúng dịp triển lãm quốc tế của hội Hồng thập tự Sài Gòn sau tám năm suy nghĩ và sáng tác. Triển lãm này quy tụ các họa sỹ công giáo đến từ 12 quốc gia trên thế giới. Báo Hòa Bình số ra ngày 12 tháng 5 năm 1970 đã miêu tả : ‘‘trong bức tranh này ông không vẽ một nét nào mà chỉ ghép những xương sọ, những đùi người còn nguyên thịt, những khúc ruột lòng thòng nằm vắt trên sợi dây kẽm gai thứ thiệt, những bàn tay dập nát, những mảnh lựu đạn, đuôi bích kích pháo, trên một tấm ván mà ông nhặt được ở một đồn nghĩa quân ở Quảng Trị. Ông chỉ tô lên tấm ván một nền sơn màu đỏ hực chan hòa với màu xám nghịt tượng trưng cho khói lửa’’. Sự thảm khốc và ghê rợn của cuộc chiến được hoàn nguyên trên tấm ván khổ 1x1,2m không phân biệt quốc tịch, thành phần tôn giáo, đã chết hay còn sống. Hội Hồng thập tự Pháp còn vận động để mang bức tranh đi triển lãm khắp thế giới.

…gian truân một chặng đường

Sau khi hoàn thành bức tranh tại Quảng Trị, Phạm Văn Hạng đặt tên cho bức tranh là S.O.S. Việt Nam và dự định trưng bày tác phẩm trong triển lãm của hội Hồng thập tự. Nhưng làm thế nào để mang được bức tranh về Sài Gòn khi không có chuyến bay thẳng nào từ Quảng Trị về Sài Gòn và chuyện mang bức tranh này lên máy bay dân sự là không thể. Bằng tài xoay xở khéo léo của mình, Phạm Văn Hạng đã ‘‘xoay’’ được một chuyến trực thăng chuyên chở xác lính Mỹ từ Quảng Trị về Huế. Từ phi trường, ông mang thẳng bức tranh về nhà Trịnh Công Sơn để ‘‘gửi’’ ở đây một hôm. Nhạc sỹ họ Trịnh đã thốt lên khi nhìn thấy bức tranh : ‘‘Trời ơi, má tao nhìn thấy cái này chắc bả ngất luôn đó !’’. Sau rồi bức tranh cũng được giữ tại nhà Trịnh Công Sơn trước khi được chuyển về Sài Gòn. Chính Trịnh Công Sơn là người đề nghị đổi tên bức tranh là Chứng tích bởi theo ông nó ‘‘nói’’ được nhiều hơn và mang tính triết lý hơn. Cũng chính Trịnh Công Sơn là người giới thiệu tác phẩm này cho giới văn nghệ sỹ tại Sài Gòn thời bấy giờ. Sau một chuyến bay quân sự nữa, bức tranh được về tới Sài Gòn. Tại địa điểm triển lãm, tác phẩm được trưng bày trong một phòng riêng trong phần triển lãm mang tên Giới tuyến Che trước bức tranh là một tấm màn đen với dòng chữ: Hãy vén lên nếu bạn muốn xem. Tranh treo từ đêm hôm trước khai mạc triển lãm, bạn bè nghệ sỹ và báo giới biết tin đã đến rất đông để xem trước. Gian hàng chưa khai mạc nhưng người xem đã đến xem chật kín. Sáng  hôm sau, có lẽ tin về bức tranh đã tới phủ đầu rồng nên trước khi tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu đến cắt băng khai mạc triển lãm, dược sỹ La Thành Trung đại diện ban tổ chức đã cho gỡ xuống vì lý do ‘‘không đảm bảo vệ sinh’’ cho dù triển lãm đã được bộ trưởng văn hóa cho phép tổ chức. Hàng trăm người xem triển lãm đã hết sức tức giận. Có báo đã giật tít Hội chợ suýt nổi loạn vì một bức tranh bị tịch thu. Báo chí và dân biểu Sài Gòn thời ấy đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động này, thậm chí có dân biểu còn yêu cầu đưa vụ việc ra nghị viện. Có báo lại đặt câu hỏi: bức tranh đã bị giấu đi vì có người đã trả giá tới 1 triệu đồng tiền Miền Nam thời bấy giờ và các đại sứ quán Mỹ, Đức, hội Hồng thập tự Việt Nam và hội Hồng thập tự Pháp đều ngỏ ý muốn mua, có lẽ có điều gì khuất tất ở sau[1]. Dù họa sỹ và báo giới phản ứng kịch liệt và Ban tổ chức hứa sẽ trả lại bức tranh sau khi triển lãm đã diễn ra, nhưng bức tranh có một không hai ấy đã vĩnh viễn biến mất. Tuy nhiên, tác phẩm đã đi vào lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam và tiếng nói phản chiến mạnh mẽ ấy vẫn còn mãi.

Ngày nay, người ta thường biết đến Phạm Văn Hạng như tác giả của nhiều công trình điêu khắc lớn, điêu khắc chân dung văn nghệ sỹ, nhà khoa học và nhà chính trị hàng đầu Việt Nam, biết đến vườn tượng của ông ở Đà Lạt, nhưng ít người biết đến một Phạm Văn Hạng táo bạo và rực lửa của năm 1970. Ngày 8 tháng 5 năm nay, ông sẽ lên đường triển lãm tại nhà Văn hóa Việt house tại Đức cùng nhà thơ Nguyễn Duy, KTS Vũ Đại Hải và họa sỹ Nguyễn Thành Long, mang đến nước bạn hình ảnh của một Việt Nam 40 năm sau cuộc chiến.

Hà Nội, 4 tháng 5 năm 2010

Nguyễn Đình Thành


[1]
Báo Độc Lập số ra ngày 13 tháng 5 năm 1970, trang 3 / báo Sài Gòn Mới ra ngày 11 tháng 5 năm 1970.


 
Picture
Không biết tự bao giờ, những món ăn của một quốc gia lại trở nên quan trọng đến thế. Sự độc đáo đã trở thành yếu tố quan trọng giúp một quốc gia nổi lên trong một ‘‘thế giới phẳng’’ như hiện nay. Người Ý có thể tự hào mình là những người làm pizza và spaghetti ngon nhất thế giới, người Mê hi cô tự hào với rượu Tequilla, người Bỉ với sô cô la, người Đức với bia hay người Việt Nam với món phở. Vậy người Pháp tự hào về gì ngoài rượu vang và pho mát?

Ngôi sao trên bàn tiệc

Nếu bạn hỏi một người Pháp về một đặc sản chỉ có ở Pháp và có mặt trong mọi gia đình trong những dịp lễ lạt thì đó chỉ có thể là gan ngỗng béo – foie gras . Món ăn này quan trọng đến mức tổng thống Pháp phải ra cả một sắc lệnh quy định cách chế biến và gọi tên các món liên quan đến foie gras và xếp hạng món ăn này là di sản văn hóa và ẩm thực được nhà nước bảo vệ tại Pháp. Người Pháp thưởng thức foie gras vào những dịp đặc biệt như: tiệc gia đình, bữa ăn tối thịnh soạn ở những nhà hàng đắt tiền, các khách sạn 5 sao và đặc biệt là dịp Noel. Bên cạnh món hào sống vắt chanh đặc trưng của ngày lễ hội thì foie gras với bánh mì tròn bỏ lò giữ vai trò như bánh chưng và dưa hành trong ngày Tết của người Việt. Người ta dùng foie gras không chỉ như một món ăn mà còn thưởng thức nó trong khung cảnh đầm ấm của bữa ăn gia đình cuối năm. Tiếng cười của trẻ thơ và người lớn, tiếng nhạc du dương, một cây nến, một cành thông, một chai vang ngọt hay một chai sâm panh chính hiệu đến từ vùng Champagne chính là những điều kiện lý tưởng để thưởng thức món ăn này. Người viết đã có may mắn được thưởng thức những miếng foie gras được chế biến ngay tại trang trại của gia đình người bạn tại vùng Tây Nam nước Pháp (vùng phát triển nhất về nuôi ngỗng lấy gan) nhân dịp Noël năm 2005. Cắn một miếng bánh mì tròn nhỏ được cắt lát khoảng 2cm bỏ lò vẫn còn hơi ấm, được phủ lên trên bằng một lát gan ngỗng nguyên miếng để cảm nhận cái giòn của bánh quyện lấy cái êm êm của gan, thưởng cái vị ngòn ngọt của bánh với cái vị bùi bùi ngây ngậy, mềm như bơ của gan ngỗng. Nhấp một ngụm vang trắng để vị ngọt dịu mát của những trái nho hái muộn ôm trọn lấy vị giác của bạn. Câu thành ngữ Pháp dịch thẳng là: ‘‘làm dâng nước lên trong miệng bạn’’ đặc biệt đúng với những ai đã từng thưởng thức món foie gras mỗi khi nghĩ đến hình ảnh này.

 

Đôi dòng lịch sử

Tháng 11 năm 2010, nghệ thuật ẩm thực Pháp đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa  thế giới. Có thể nói cái tài của người Pháp không chỉ ở chỗ họ đã sáng tạo nên những món ăn ngon từ nguyên liệu độc đáo của nước mình mà còn ở chỗ tiếp nhận những món ăn của dân tộc khác rồi biến chúng thành những sáng tạo ẩm thực khó thể vượt qua. Điều này đúng với món caviar, món pho mát, bánh sừng bò và cả gan ngỗng béo. Gan ngỗng béo là quả gan lớn quá cỡ của vịt hoặc ngỗng được vỗ béo đặc biệt bằng ngô hoặc các loại ngũ cốc khác. Từ 4500 năm trước công nguyên, người Ai Cập đã biết tận dụng hiện tượng tích lũy chất béo trong gan của những loài chim di cư trước khi chúng chuẩn bị cho một chuyến đi dài để vỗ béo gia cầm, cho ra một món ăn ngon. Họ nhồi quả vả ngọt cho gia cầm. Sau này cộng đồng người Do Thái là những người sử dụng rộng rãi kỹ thuật này để chế biến món ăn khi bị cấm sử dụng một số loại thực phẩm vì lý do tôn giáo. Đến thế kỷ 15, chính Christophe Côlôm là người đã phổ biến món ăn này tại châu Âu và chẳng mấy chốc, foie gras đã có mặt trong những bữa tiệc hoành tráng nhất của giới quý tộc châu Âu. Đến cuối thế kỷ 19, nhờ vào công nghệ tiệt trùng và sự phát triển của công nghiệp chế biến, foie gras đã có mặt khắp châu Âu và thức ăn được nhồi cho chúng chủ yếu là ngô.

 

Đơn giản mà ngon

Tuy ‘‘khoác’’ danh hiệu là di sản ẩm thực Pháp nhưng cách thưởng thức gan ngỗng thật là đơn giản. Luật của Pháp chia chi tiết gan ngỗng thành 7 loại nhưng tựu trung có: gan nguyên vẹn (từ 1 đến nhiều miếng gan còn nguyên khác nhau nhưng có chất lượng ngang nhau), patê gan ngỗng béo và gan xay nhuyễn. Cách đơn giản nhất, chỉ cần vài miếng bánh mì cắt lát nướng giòn và 1 ly rượu vang trắng, ngọt, lạnh là đủ để bạn có một bữa tối khó quên. Đảo nhanh miếng gan nguyên trên chảo, một trái lê cắt nhỏ và một ít sốt hạt tiêu, bài trí món ăn thật đơn giản để không bị ‘‘xao lãng’’ khi thưởng thức cũng là một lựa chọn khác. Nhưng tuyệt vời nhất có lẽ vẫn nên ‘‘giao’’ phần chế biến cho các đầu bếp lành nghề của các khách sạn 5 sao để có thể thưởng thức trọng vẹn thứ thời trân của nước Pháp này với một chai rượu ngon do sommelier (chuyên gia rượu vang) của nhà hàng khuyến nghị.

Tại Hà Nội và tp Hồ Chí Minh, foie gras có mặt trong thực đơn của hầu hết các khách sạn 5 sao và nhà hàng cao cấp. Ngoài ra, tại 1 số nhà hàng Pháp và cửa hàng L’Epicerie du Metropole cũng có bày bán đặc sản này. Nếu bạn nghĩ ăn một món ăn là chu du tới một địa danh tương ứng thì foie gras không chỉ là Paris, Bordeaux, Marseille hay Lyon. Foie gras là cả nước Pháp!

Nguyễn Đình Thành

 


 
Phó An My và bốn giá đồng

Tối 22 tháng 8, Bóng – tác phẩm đối thoại giữa piano và chầu văn đã diễn ra tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Sáu mươi phút với bốn giá đồng không phải là dài, sự kết hợp âm nhạc phương Tây với các nhạc cụ và âm nhạc dân gian cũng không phải là mới, nhưng tài năng của Phó An My và các bạn diễn cộng với một sự tính toán chặt chẽ trong sáng tác, bố cục sân khấu, ánh sáng và không gian đã biến buổi biểu diễn thành một đêm nhạc đáng nhớ không chỉ với những người trong giới mà còn cả những khán giả mê hát văn (trong số đó có nhiều người) chưa bao giờ bước chân vào ‘‘thánh đường’’ âm nhạc.

Khi giọng hát vang lên trong màn đêm tuyệt đối mở đầu cho đêm nhạc, khán giả không khỏi hồi hộp. Với những người đầu tiên xem chương trình, sự kết hợp giữa một nhạc cụ phương Tây với những di sản dân gian của Việt Nam không khỏi gây sự tò mò. Những người đã tham dự buổi biểu diễn trước đó tại Rạp Công Nhân thì tò mò không biết My và bạn diễn còn có thể làm gì để gây ngạc nhiên cho khán giả. Thế rồi tiếng đàn vang lên và Phó An My cùng các cung văn và nhạc công đã cuốn người xem vào một thế giới đầy mê hoặc với những cung bậc cảm xúc đa chiều để rồi phải thốt lên: hết rồi ư!?

Từ sự uy nghiêm và huyền bí khi thỉnh mẫu, đến vẻ đẹp hào hoa của Ông Hoàng bảy và mười hai cô tiên, cho đến vẻ đẹp mê hồn của cô Bơ và những xúc cảm vừa huyền bí đến lạnh người vừa tưng bừng, tinh nghịch của Cậu bé đồi ngang (Phó An My đã từng có cảm giác một cậu bé người âm chạy vụt qua sân khấu khi cô tập luyện phần này), tất cả được truyền tới người xem một cách hoàn hảo qua ‘‘cô đồng’’ Phó An My. Phần mở đầu mang đậm chất huyền bí với những nốt nhạc mạnh mẽ và không dễ nghe với phong cách cận đại. Sang đến phần Ông Hoàng bảy thì phong cách âm nhạc đã trở về lãng mạn khiến người nghe chìm trong khoan khoái, đặc biệt là phần đối thoại đầy mầu sắc giữa cây piano và những đoạn hát miêu tả mười hai cô tiên theo ông Hoàng bảy. Đây chính là phần đối thoại rõ nét nhất khi hình ảnh của mỗi nhân vật sau khi đã xuất hiện trong lời hát chầu văn được hoàn nguyên qua những nốt nhạc piano khi khoan thai, lúc dìu dặt. Phần thứ ba đặc tả vẻ đẹp đến mê hồn của cô Bơ là một đỉnh cao của âm nhạc lãng mạn. Từ vẻ đẹp của cô Bơ con vua Thủy tề đến những mái chèo khoan nhặt của cô thậm chí cả đến những giọt nước tóe lên từ mái chèo của cô đều được lột tả qua dòng suối nhạc ngọt ngào của cây piano. Phó An My và các cộng sự đã thành công trong một show diễn hoàn hảo cả về kỹ thuật và thiết kế sân khấu.

Không gian sân khấu được xử lý khéo với ba cung văn được đưa lên giá cao hơn 3 mét ngự trị và bao quát toàn sân khấu, rất gần với cách bài trí phủ điện của đạo mẫu, sàn diễn được phủ thảm đen khiến không gian càng trở nên thăm thẳm, cuối cùng, chỉ vần một vài luồng sáng rọi từ trên xuống ngay lập tức đã tạo nên một cảm giác tâm linh rõ rệt. Trong toàn bộ phần mở đầu Nghinh Thần và giá một Mẫu cửu trùng thiên, một cảm giác âng ấng mơ hồ xâm chiếm toàn bộ khán phòng.  Bốn chiếc áo hầu đồng được hạ từ trên xuống trong màn khói đã trở thành một món quà cho cánh báo ảnh đang ẩn hiện khắp khán phòng. Ánh sáng trong đêm diễn được nhiếp ảnh gia Xuân Trường – người đảm nhận phần thiết kế sân khấu và đạo diễn ánh sáng - xử lý một cách hợp lý. Trong chương trình: cung văn, dàn nhạc, phó An My đều không di chuyển, chọn ánh sáng sáng vàng mộc mạc sẽ giúp người xem tập trung hơn vào âm nhạc mà không bị phân tán sự chú ý – anh chia sẻ. Thực tế đêm diễn đã chứng minh đây là một quyết định đúng đắn. Với cách bố trí 3 cung văn uy nghiêm ở trên cao, ánh sáng tối giản tạo điều kiện tối đa cho âm nhạc được truyền tới người xem một cách tốt nhất. Bằng việc xen kẽ phong cách âm nhạc cận đại và lãng mạn, Đặng Tuệ Nguyên đã cho thấy anh thực sự quan tâm đến công chúng khi mở rộng cửa cho khán giả bước vào thế giới âm nhạc của mình. Không khăng khăng giữ lấy phong cách cận đại vốn là ‘‘món ăn khó nuốt’’ với đa phần người nghe, anh đã cho vào những trường đoạn mang đậm chất trữ tình, lãng mạn ‘‘dễ vào’’ hơn với người nghe. Đây là một quyết định không dễ dàng nhưng đúng đắn bởi một tác phẩm dù hay đến mấy mà khiến người nghe cảm thấy ‘‘cái này không dành cho mình’’ thì sự thành công khó thể trọn vẹn. Các nhà tổ chức chương trình cũng sản xuất một DVD tư liệu giúp khán giả có thể hiểu hơn về tác phẩm và quá trình dựng show cũng như thưởng thức toàn bộ show diễn đã được tổ chức tại Rạp Công nhân trước đó.

Cuộc đối thoại đã có thể hoàn hảo hơn khi trong phần đối thoại ở giá Ông Hoàng Bảy, ánh sáng được di chuyển luân phiên giữa cây piano và cung văn chứ không chỉ tập trung vào piano. Âm lượng quá lớn ở đoạn kết đã phần nào làm mất đi sự hòa hợp cần thiết khi tất cả các nhạc cụ và người hát cùng lên tiếng.

Sau những thể nghiệm kết hợp piano với Tuồng, hò Huế, hát Cọi (dân tộc Tày), với Bóng - Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên đã khẳng định xu hướng kết hợp tinh hoa văn hóa dân tộc với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Rất cần những buổi biểu diễn như vậy để đưa ra một diện mạo mới, hiện đại, cập nhật mà vẫn rất Việt Nam tại các trung tâm văn hóa Việt Nam trên thế giới – một phần việc rất cần sự quan tâm của Bộ Văn hóa cũng như Bộ Ngoại giao. Dưới góc độ này, giá trị của Bóng còn vượt xa hơn thành công của một chương trình của một nghệ sỹ độc lập tự làm show cho mình.

Hà Nội 24/8/2011

Nguyễn Đình Thành

 

(TT&VH Cuối tuần) - (LTS) Sau khi đăng tải những thông tin tranh luận xung quanh vở opera Carmen của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, do nữ đạo diễn người Thụy Điển Helena Rohr dàn dựng, TT&VH tiếp tục nhận được bài viết của dịch giả Nguyễn Đình Thành đánh giá về vở diễn này. Xin giới thiệu bài viết này tới độc giả.


1. Vừa qua, tại Nhà hát lớn Hà Nội, những người yêu opera đã được thưởng thức hai đêm diễn đầy nỗ lực của dàn diễn viên, nhạc công của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam: vở Carmen của nhà soạn nhạc Pháp thế kỷ 19, Georges Bizet. Người yêu nhạc cổ điển đã được yêu một Carmen hoàn toàn mới lạ, được nhìn nàng sống và yêu dữ dội, chứng kiến hồi kết oan nghiệt khi nàng ngã xuống bởi bàn tay của chính người yêu mình. Có thể nói bước chân Carmen đi đến đâu là ở đó dậy sóng, và đó thường là những con sóng trái chiều. Carmen ở Hà Nội lại một lần nữa khẳng định điều ấy.


Những người trung thành với opera cổ điển hẳn phải nhau mày nhíu mắt khi nhìn thấy một Carmen không giống như trong vở opera kinh điển của tác giả Pháp. Xứ Andalousie nóng bỏng và quyến rũ với điệu nhảy flamenco, những con người lam lũ được thay bằng khung cảnh của Việt Nam ngày nay. Những bộ quân phục châu Âu được thay bằng những chiếc áo bảo vệ. Khán giả không khỏi bật cười thích thú khi chàng Toreador Escamillo bấm Iphone để ghi lại tên của Carmen; chăm chú dõi theo diễn xuất và lắng nghe tiếng hát của Micaela chân chất, dễ thương; mỗi lần một địa danh của Việt Nam vang lên là trong khán phòng lại rộ lên những tiếng cười sảng khoái. Các nhà tổ chức cũng đã chu đáo làm một màn hình phụ đề tiếng Anh, tiếng Việt để khán giả tiện theo dõi và hiểu diễn biến câu chuyện.






Nàng “Carmen Hà Nội”



2. Vở diễn cuốn hút trước hết có lẽ chính vì yếu tố ‘‘thật’’ trong đó. Nghe những lời thoại rành rọt vang lên trong khán phòng mà không cần bất kỳ phương tiện khuyếch đại âm thanh của nhà hát mới thấy thích thú và tiếc cho sân khấu Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, những lời thoại mộc sinh động và truyền cảm đến vậy, mới vang lên ở Nhà hát Lớn. Cứ như thể khán giả đang được đưa về buổi đầu của nền kịch nói những năm 1920, 1930.


Sân khấu cũng được thiết kế theo phong cách tối giản mà vẫn gợi lên được hiệu ứng cần thiết. Sân khấu luôn là vậy, có cần gì hơn vài cặp chân trần, hé lộ tý chút dưới tấm màn để gợi nên vẻ quyến rũ của những cô gái di-gan ngang tàng và nóng bỏng. Có cần gì hơn vài cặp đèn nê-ông treo song song và một chút khói để hoàn nguyên cái không khí hối hả và hừng hực của một xưởng thuốc lá. Rồi chỉ vài mét bạt nilông xây dựng, vài cái ghế nhựa, đôi ba chai nước, một cái mâm và đôi đũa... đã đủ để nữ đạo diễn người Thụy Điển Helena Rohr ‘‘bứng’’ trọn câu chuyện của Mérimée về một Việt Nam ngày nay.


Cách xử lý không gian linh hoạt, phá vỡ những quy luật nghiêm khắc của một vở opera cổ điển như cho các nhân vật chính xuất hiện và cất lời hát giữa khán phòng rồi mới lên sân khấu, sử dụng 2 phần ban công phụ như những chiếc cửa sổ ở trại lính để các anh lính trèo lên trèo xuống hay những đoạn di chuyển của các nhân vật chính trên những chiếc bàn... là một giải pháp khéo léo. Số lượng đông đảo hơn 100 diễn viên tham gia biểu diễn, điều thực sự hiếm trên sân khấu Nhà hát Lớn, đã tạo nên một hiệu ứng hoành tráng cho người xem. Ngoài ra, trình độ biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng cũng đã khác xa với những năm trước đây sau một thời gian dài được làm việc cùng các nhạc trưởng người Anh, Pháp, Nhật. Sự có mặt của dàn hợp xướng quốc tế tại Hà Nội đã cải thiện đáng kể chất lượng của các bài hát trong hoàn cảnh hầu hết các diễn viên, ca sỹ đều không biết tiếng Pháp.


3. Công bằng mà nói giọng hát và ngoại hình của vai chính chưa thực sự tương xứng với một vai diễn lớn và phức tạp như Carmen; sự chính xác trong phát âm và lời thoại của các nhân vật quần chúng vẫn chưa ở được mức cần có nhưng điều ấy cũng không ngăn cản Carmen Hà Nội chiếm được cảm tình của khán giả.


Hài lòng là cảm giác dễ cảm nhận ở phần lớn người xem trong phòng, đặc biệt là người nước ngoài (đa phần là người Pháp). Họ không đến nghe người Việt hát tiếng Pháp như thế nào mà đến xem “Carmen Hà Nội” như thế nào; để xem đạo diễn Helena Rohr dàn dựng như thế nào và quan trọng nhất là để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật.


Với chính sách đãi ngộ như hiện nay cộng với việc số lần được diễn trọn vẹn một vai trong một vở opera hoàn chỉnh chỉ đếm không quá đầu ngón tay trong cả đời nghệ sĩ nhạc kịch, chất lượng của một vở diễn như Carmen Hà Nội là hoàn toàn chấp nhận được. Có lẽ, do ý thức được điều này, nên ê kíp đạo diễn cũng đã chủ động đặt tên cho vở là Carmen Hà Nội mà không phải là Carmen. Vài năm trước đây, đạo diễn Pháp Sarkis Tcheumlekdjian cũng đã chọn cách làm tương tự với vở kịch nổi tiếng Tartuffe khi đưa vở kịch thế kỷ 17 của Pháp vào bối cảnh Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20 và ông đã thành công.


Dẫu còn nhiều luồng ý kiến nhưng thiết nghĩ cái quý nhất của một vở diễn là đem lại những phút giây hạnh phúc cho người xem, 2 đêm diễn vừa rồi, Carmen Hà Nội đã làm được điều ấy nên xin mượn tứ một truyện ngắn của Y Ban mà nói: Tôi yêu nàng đấy Carmen ơi!


Nguyễn Đình Thành (dịch giả)
http://www.baomoi.com/Home/AmNhac/thethaovanhoa.vn/Toi-yeu-nang-day-Carmen/6465213.epi
 
 
Bấy lâu nay,  khi nhắc đến Đạo Lão người ta thường nghĩ ngay đến lời dạy của Lão Tử làm chuyện ‘’vô vi’’, không màng danh lợi, không đua tranh với đời, coi thường tiền bạc...và cho rằng Đạo Lão không hợp, thậm chí còn đối nghịch với hoạt động của doanh nhân. Sự thực thì nếu đọc theo một góc độ khác, Đạo Lão thực ra rất có ích với doanh nhân, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng như bây giờ.

Học giả Lâm Ngữ Đường trong cuốn Sống đẹp (Nguyễn Hiến Lê dịch năm 1993, nxb Văn Hóa) đã viết : nhờ Lão Tử mà dân tộc Trung Hoa mới tồn tại được trong ba bốn ngàn năm vật lộn với đời sống mà không có nhiều người bị bệnh điên, bệnh thần kinh, suy nhược, bệnh đứt gân máu như người Phương Tây*. Điều đó đủ cho thấy tầm quan trọng của Đạo Lão trong xã hội Trung Hoa vốn có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Tư tưởng của Lão Tử thể hiện chủ yếu trong tác phẩm Đạo Đức Kinh ra đời khoảng 600 năm trước Công nguyên. Trong đó, ông đề cập đến các vấn đề về vũ trụ, quy luật biến đổi của vạn vật và đời người. Hãy thử áp dụng quan điểm của đạo Lão vào công việc kinh doanh và quản lý hiện nay.

Về quản trị. Nếu coi việc quản trị một tập đoàn kinh tế một công ty như quản lý một quốc gia (vào thời của Lão Tử) phương châm sẽ là: Trị nước lớn như nấu nướng cá nhỏ. Nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống, động tới nói nhiều quá thì nó sẽ nát, trị nước lớn (công ty lớn) mà can thiệp vào việc của dân nhiều quá, dân sẽ trá ngụy, chống đối. Như vậy, người quản lý lớn chỉ nên đưa ra các đường lối, nếu can thiệp quá nhiều vào công việc điều hành của từng bộ phận thì sẽ hỏng việc. Ngoài ra, người quản lý giỏi (trị dân theo cách nói của Lão Tử) là phải : Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quý và khen, thấp hơn nữa thì dân sợ, thấp nhất thì bị dân khinh lờn...Vua thành công, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo : ‘’tự nhiên mà mình được vậy’’. Đó mới thực là tuyệt đỉnh của vô vi. Người quản lý giỏi thì nhân viên làm được việc mà không cần có sự chỉ đạo từ trên xuống. Giám đốc nhân sự của thương hiệu khách sạn sang trọng số một thế giới Four Season cũng nói : mỗi nhân viên của chúng tôi đều nỗ lực hết sức để làm hài lòng khách mà không đợi có sự chỉ đạo của các giám sát viên, quản lý. Đó là ý thức tự giác.

Về quản lý con người. Một nhà quản lý tốt phải tự tư (vô tư) không có thành kiến, coi ai cũng như ai, không thiên vị : Thánh nhân không có thành kiến, lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. Thánh nhân tốt với người tốt, tốt cả với người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hóa tốt. Ông khuyên người lãnh đạo phải Sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền. Với ví dụ là  Sông biển sở dĩ làm vua trăm khe lạch (nghĩa là nơi quy tụ của mọi khe lạch) là vì khéo ở dưới thấp nên làm vua trăm khe lạch. Vì vậy thánh nhân (tức vua chúa) muốn ở trên dân thì lời nói phải khiêm hạ, muốn ở trước dân thì phải lùi lại sau). Lãnh đạo con người thì nên cứ thuận tự nhiên, đừng có tư ý, mưu mô thì dùng được mọi người , không phải bỏ ai, mình dạy cho người, người giúp đỡ lại mình mà đức mình càng thêm tỏ.

Về kinh doanh. ở chương 29 ông nói : ‘’Người biết thì bỏ những gì thái quá và không cho tình trạng nào dù tốt tới mấy, phát triển tới cực điểm vì theo quy luật tuần hoàn trong vũ trụ, hễ phát tới cực điểm thì sẽ quay trở lại (phản phục), sẽ suy’’. ở chương 42 ông nói ‘’Hễ lên gần tới cực điểm rồi thì ngưng lại nếu trái lại không ngưng mà cứ cho tăng hoài thì mau suy, mau kiệt, như vậy là thêm lên mà lại hóa ra bớt đi’’. Đây là một quan điểm tài tình vì nó khẳng định việc kinh doanh có lúc lên, lúc xuống. Khi túi của Prada ở Nhật bán quá chạy, người ta ồ ạt nhập khẩu loại túi này vào đây bằng mọi giá kết quả là nhu cầu chững lại. Một ví dụ đơn giản khác nữa là việc mức cầu bùng nổ về rau quả sau đợt lũ ở Hà Nội hoặc việc được mùa lại lỗ nặng trong nông nghiệp nước ta. Khi kinh doanh thì không nên đẩy mọi việc đi quá xa, vượt quá giới hạn (thái) bởi sau đó sẽ là sự suy giảm, đi xuống. Và sự đi xuống cũng là dấu hiệu, mầm mống của sự đi lên. Áp dụng vào tình hình kinh tế thế giới hiện nay, người kinh doanh có thể tin vào việc sự thịnh vượng sẽ trở lại.

Về tiền bạc, danh lợi. Lão Tử khuyến nghị người ta không để bị nó chi phối, nó chỉ là phương tiện không phải là mục đích. Biết dừng lại đúng lúc là người túc trí: ‘’Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết thế nào nên ngừng thì không nguy...Biết thế nào là đủ thì sẽ thấy đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ‘’. Nếu cứ mải mê chạy theo lợi nhuận thì chẳng bao giờ thấy đủ, chẳng bao giờ thỏa mãn. Ông viết : ‘’Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi ; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về đó là đạo trời’’. Hay ‘’Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quý ? Sinh mệnh với của cải cái nào quan trọng ? Được danh lợi mà mất sinh mệnh cái nào hại ? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất nhiều’’. Kẻ biết thế nào là đủ là người giàu.

Về lối sống.
Đối với mình thì quả dục (hạn chế ham muốn), không nóng nảy, hiếu thắng, đối với người thì khiêm nhu như vậy thì lòng thanh thản, tâm thần vui và mạnh mà tâm thần ảnh hưởng nhiều đến thể chất. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay khi mức sống của tầng lớp doanh nhân nói chung tương đối cao, việc giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không phải ngẫu nhiên mà Liên hợp quốc đã dành cả một chương trình truyền thông lớn trên toàn thế giới vào năm 2005 dành riêng cho sức khỏe tinh thần. Song song với việc bỏ ra cả ngàn đô la mua thẻ tập tại các trung tâm thể dục hàng đầu, có lẽ người ta cũng nên dành sự chú ý cho chính lối sinh hoạt của mình. Lão Tử khuyên muốn sống lâu đừng nên phụng dưỡng mình quá hậu tức đừng hưởng thụ thái quá. Những kẻ có thể sống lâu được mà chết sớm là vì họ tự phụng dưỡng mình quá hậu. Đây chính là phép dưỡng sinh của Lão Tử.

Về sự tiến thân trong sự nghiệp và cư xử với đồng nghiệp. Ông khuyên Làm người phải giữ ba vật báu : Lòng tự ái, tính kiệm ước và nhường người. Kẻ biêt người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kẻ kiên cường. Ông nói:  Chỉ vì không tranh nên không ai tranh giành với mình được... Đạo trời không tranh mà khéo thắng. Người thiện vào bậc cao thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chố thấp) cho nên gần với đạo. Với những người thành công chưa đến thì có thể tự nhủ với lời dạy của ông: Đại khí vãn thành người có tài lớn thường thành công muộn.

Về môi trường. Lão Tử chủ trương vô vi. Vô vi không phải là không làm gì cả mà là thuận theo tự nhiên mà làm. Học giả Nguyễn Hiến Lê giảng : đạo vô tri vô giác, cố nhiên là không can thiệp vào cuộc sống vạn vật rồi. Nhưng con người hữu tri, hữu giác lại hay can thiệp vào mà can thiệp vào thì thường rất tai hại...loài người hay can thiệp vào đời sống của nhau gây ra loạn lạc chiến tranh. Chính vì thế, trong kế hoạch kinh doanh của mình, các doanh nghiệp bao giờ cũng phải nghĩ đến bảo vệ môi trường và thiên nhiên.

Như vậy hiểu và làm theo Lão Tử tức là tôn trọng thiên nhiên, dùng lối cư xử mềm mỏng, chân thực, lùi ra sau để trị người, không mù quáng chạy theo tiền bạc danh vọng, phải biết dừng lại đúng lúc, không để cho cái gì phát triển thái quá, tình hình xấu là tiền đề cho giai đoạn phát triển thịnh vượng sau này, lúc kinh doanh cực thịnh thì phải nghĩ đến lúc khó khăn sau này, kinh doanh phải tôn trọng thiên nhiên và môi trường. Những lời nói cách đây hơn hai nghìn năm tưởng chừng xa vời mà vẫn còn rất chí lý.

* Các trích dẫn trong bài này lấy từ quyển Lão Tử, Đạo Đức Kinh, của học giả Nguyễn Hiến Lê, nxb Văn hóa Thông tin, năm 2006


Nguyễn Đình Thành



Học giả Lâm Ngữ Đường trong cuốn Sống đẹp (Nguyễn Hiến Lê dịch năm 1993, nxb Văn Hóa) đã viết : nhờ Lão Tử mà dân tộc Trung Hoa mới tồn tại được trong ba bốn ngàn năm vật lộn với đời sống mà không có nhiều người bị bệnh điên, bệnh thần kinh, suy nhược, bệnh đứt gân máu như người Phương Tây*. Điều đó đủ cho thấy tầm quan trọng của Đạo Lão trong xã hội Trung Hoa vốn có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Tư tưởng của Lão Tử thể hiện chủ yếu trong tác phẩm Đạo Đức Kinh ra đời khoảng 600 năm trước Công nguyên. Trong đó, ông đề cập đến các vấn đề về vũ trụ, quy luật biến đổi của vạn vật và đời người. Hãy thử áp dụng quan điểm của đạo Lão vào công việc kinh doanh và quản lý hiện nay.

Về quản trị. Nếu coi việc quản trị một tập đoàn kinh tế một công ty như quản lý một quốc gia (vào thời của Lão Tử) phương châm sẽ là: Trị nước lớn như nấu nướng cá nhỏ. Nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống, động tới nói nhiều quá thì nó sẽ nát, trị nước lớn (công ty lớn) mà can thiệp vào việc của dân nhiều quá, dân sẽ trá ngụy, chống đối. Như vậy, người quản lý lớn chỉ nên đưa ra các đường lối, nếu can thiệp quá nhiều vào công việc điều hành của từng bộ phận thì sẽ hỏng việc. Ngoài ra, người quản lý giỏi (trị dân theo cách nói của Lão Tử) là phải : Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quý và khen, thấp hơn nữa thì dân sợ, thấp nhất thì bị dân khinh lờn...Vua thành công, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo : ‘’tự nhiên mà mình được vậy’’. Đó mới thực là tuyệt đỉnh của vô vi. Người quản lý giỏi thì nhân viên làm được việc mà không cần có sự chỉ đạo từ trên xuống. Giám đốc nhân sự của thương hiệu khách sạn sang trọng số một thế giới Four Season cũng nói : mỗi nhân viên của chúng tôi đều nỗ lực hết sức để làm hài lòng khách mà không đợi có sự chỉ đạo của các giám sát viên, quản lý. Đó là ý thức tự giác.

Về quản lý con người. Một nhà quản lý tốt phải tự tư (vô tư) không có thành kiến, coi ai cũng như ai, không thiên vị : Thánh nhân không có thành kiến, lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. Thánh nhân tốt với người tốt, tốt cả với người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hóa tốt. Ông khuyên người lãnh đạo phải Sang lấy hèn làm gốc, cao lấy thấp làm nền. Với ví dụ là  Sông biển sở dĩ làm vua trăm khe lạch (nghĩa là nơi quy tụ của mọi khe lạch) là vì khéo ở dưới thấp nên làm vua trăm khe lạch. Vì vậy thánh nhân (tức vua chúa) muốn ở trên dân thì lời nói phải khiêm hạ, muốn ở trước dân thì phải lùi lại sau). Lãnh đạo con người thì nên cứ thuận tự nhiên, đừng có tư ý, mưu mô thì dùng được mọi người , không phải bỏ ai, mình dạy cho người, người giúp đỡ lại mình mà đức mình càng thêm tỏ.

Về kinh doanh. ở chương 29 ông nói : ‘’Người biết thì bỏ những gì thái quá và không cho tình trạng nào dù tốt tới mấy, phát triển tới cực điểm vì theo quy luật tuần hoàn trong vũ trụ, hễ phát tới cực điểm thì sẽ quay trở lại (phản phục), sẽ suy’’. ở chương 42 ông nói ‘’Hễ lên gần tới cực điểm rồi thì ngưng lại nếu trái lại không ngưng mà cứ cho tăng hoài thì mau suy, mau kiệt, như vậy là thêm lên mà lại hóa ra bớt đi’’. Đây là một quan điểm tài tình vì nó khẳng định việc kinh doanh có lúc lên, lúc xuống. Khi túi của Prada ở Nhật bán quá chạy, người ta ồ ạt nhập khẩu loại túi này vào đây bằng mọi giá kết quả là nhu cầu chững lại. Một ví dụ đơn giản khác nữa là việc mức cầu bùng nổ về rau quả sau đợt lũ ở Hà Nội hoặc việc được mùa lại lỗ nặng trong nông nghiệp nước ta. Khi kinh doanh thì không nên đẩy mọi việc đi quá xa, vượt quá giới hạn (thái) bởi sau đó sẽ là sự suy giảm, đi xuống. Và sự đi xuống cũng là dấu hiệu, mầm mống của sự đi lên. Áp dụng vào tình hình kinh tế thế giới hiện nay, người kinh doanh có thể tin vào việc sự thịnh vượng sẽ trở lại.

Về tiền bạc, danh lợi. Lão Tử khuyến nghị người ta không để bị nó chi phối, nó chỉ là phương tiện không phải là mục đích. Biết dừng lại đúng lúc là người túc trí: ‘’Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết thế nào nên ngừng thì không nguy...Biết thế nào là đủ thì sẽ thấy đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ‘’. Nếu cứ mải mê chạy theo lợi nhuận thì chẳng bao giờ thấy đủ, chẳng bao giờ thỏa mãn. Ông viết : ‘’Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi ; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về đó là đạo trời’’. Hay ‘’Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quý ? Sinh mệnh với của cải cái nào quan trọng ? Được danh lợi mà mất sinh mệnh cái nào hại ? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất nhiều’’. Kẻ biết thế nào là đủ là người giàu.

Về lối sống. Đối với mình thì quả dục (hạn chế ham muốn), không nóng nảy, hiếu thắng, đối với người thì khiêm nhu như vậy thì lòng thanh thản, tâm thần vui và mạnh mà tâm thần ảnh hưởng nhiều đến thể chất. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay khi mức sống của tầng lớp doanh nhân nói chung tương đối cao, việc giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Không phải ngẫu nhiên mà Liên hợp quốc đã dành cả một chương trình truyền thông lớn trên toàn thế giới vào năm 2005 dành riêng cho sức khỏe tinh thần. Song song với việc bỏ ra cả ngàn đô la mua thẻ tập tại các trung tâm thể dục hàng đầu, có lẽ người ta cũng nên dành sự chú ý cho chính lối sinh hoạt của mình. Lão Tử khuyên muốn sống lâu đừng nên phụng dưỡng mình quá hậu tức đừng hưởng thụ thái quá. Những kẻ có thể sống lâu được mà chết sớm là vì họ tự phụng dưỡng mình quá hậu. Đây chính là phép dưỡng sinh của Lão Tử.

Về sự tiến thân trong sự nghiệp và cư xử với đồng nghiệp. Ông khuyên Làm người phải giữ ba vật báu : Lòng tự ái, tính kiệm ước và nhường người. Kẻ biêt người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kẻ kiên cường. Ông nói:  Chỉ vì không tranh nên không ai tranh giành với mình được... Đạo trời không tranh mà khéo thắng. Người thiện vào bậc cao thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chố thấp) cho nên gần với đạo. Với những người thành công chưa đến thì có thể tự nhủ với lời dạy của ông: Đại khí vãn thành người có tài lớn thường thành công muộn.

Về môi trường. Lão Tử chủ trương vô vi. Vô vi không phải là không làm gì cả mà là thuận theo tự nhiên mà làm. Học giả Nguyễn Hiến Lê giảng : đạo vô tri vô giác, cố nhiên là không can thiệp vào cuộc sống vạn vật rồi. Nhưng con người hữu tri, hữu giác lại hay can thiệp vào mà can thiệp vào thì thường rất tai hại...loài người hay can thiệp vào đời sống của nhau gây ra loạn lạc chiến tranh. Chính vì thế, trong kế hoạch kinh doanh của mình, các doanh nghiệp bao giờ cũng phải nghĩ đến bảo vệ môi trường và thiên nhiên.

Như vậy hiểu và làm theo Lão Tử tức là tôn trọng thiên nhiên, dùng lối cư xử mềm mỏng, chân thực, lùi ra sau để trị người, không mù quáng chạy theo tiền bạc danh vọng, phải biết dừng lại đúng lúc, không để cho cái gì phát triển thái quá, tình hình xấu là tiền đề cho giai đoạn phát triển thịnh vượng sau này, lúc kinh doanh cực thịnh thì phải nghĩ đến lúc khó khăn sau này, kinh doanh phải tôn trọng thiên nhiên và môi trường. Những lời nói cách đây hơn hai nghìn năm tưởng chừng xa vời mà vẫn còn rất chí lý.

* Các trích dẫn trong bài này lấy từ quyển Lão Tử, Đạo Đức Kinh, của học giả Nguyễn Hiến Lê, nxb Văn hóa Thông tin, năm 2006

 
Bài
 
Năng đoạn kim cương –

Túi khôn của đức Phật dành cho các doanh nhân

Là một người quản lý, bạn sẽ nói gì khi ai đó nói rằng muốn có những nhân viên tận tụy bạn hãy đối xử thật tốt với chính gia đình bạn! Rằng trong tuyển dụng, tiêu chí quan trọng số một không phải là năng lưc của ứng viên mà là việc người đó làm gì khi có thời gian rảnh? Rằng việc kinh doanh của bạn thuận lợi hay khó khăn phụ thuộc vào việc bạn nghĩ tốt hoặc xấu về môi trường và những người xung quanh bạn? Rằng việc bạn vừa bị lừa chính là do bạn đã nói dối ai đó trong quá khứ? Nếu trên đây là câu nói của một kẻ vô danh tiếu tốt chắc hẳn bạn sẽ cười và bỏ đi, nhưng nếu đó là lời khuyên của một người đã tốt nghiệp đại học Priceton danh tiếng của Mỹ, phó chủ tịch của một công ty có doanh thu hơn 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm, hẳn những lời khuyên của ông cũng có ít nhiều cơ sở.

 

Cuốn sách thú vị mở đầu bằng lời giải thích ý nghĩa của tiêu đề: Năng đoạn kim cương. Đây là tên một cuốn sách in cổ nhất thế giới ra đời vào năm 868, trên đó ghi lại những lới dạy uyên thâm của Đức Phật cách đây bốn ngàn năm. Kim cương là thứ rắn nhất trên hành tinh và gần nhất với khái niệm tối hậu; Năng đoạn có nghĩa là có thể chặt ra được. Năng đoạn kim cương chứa những bí ẩn của một sức mạnh tuyệt đối có thể chặt được kim cương đó chính là sự thông tuệ. Năng lực thành công luôn tiềm tàng trong mỗi con người, nó ở quanh ta vào mọi lúc, mọi nơi, nếu chúng ta biết khai thác nó, thành công sẽ nằm trong tay ta. Vấn đề là khả năng này thường vô hình đối với ta, Năng đoạn kim cương dạy cho chúng ta làm sao để thấy được tiềm năng này và vượt qua khả năng gần như tối hậu của kim cương bằng sức mạnh trong chính ta.

            Cần tránh một nhận thức thông thường là Phật giáo không liên quan đến kinh tế. Tác giả nhắc lại rằng những người lãnh đạo Phật giáo trong thời gian đầu đều có nguồn gốc hoàng tộc, những người lãnh đạo đời sống kinh tế và chính trị của các quốc gia nhỏ ở Ấn Độ thời ấy. Họ đóng vai trò giống như cộng đồng doanh nghiệp ở Phương Tây bây giờ. Theo Michael Roach, mọi sự vật hiện tượng đều có tính không - trống rỗng. Chính chúng ta là người đổ đầy các khái niệm tốt-xấu vào trong đó. Việc mua một tòa nhà để làm trụ sở công ty có thể là việc tốt cho các nhân viên vì có chỗ làm việc rộng rãi hơn, một số người đi làm gần hơn nhưng một số người sẽ đi làm xa hơn và nếu giá đất tụt xuống hay các nhà cung cấp rút ngắn thời gian cho công ty nợ tín dụng vì nghĩ rằng công ty đang nhiều tiền thì đó lại là một việc xấu cho công ty. Các ví dụ kiểu này có thể nhân lên đến vô tận bởi rõ ràng không có sự ‘’gây bực bội’’ nào xuất phát từ một cá nhân hay sự việc cụ thể mà tất cả chỉ là cách chúng ta nhìn nó. Các dấu ấn được gieo vào đầu bạn như những hạt mầm, đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành một cái cây cao. Nếu bạn chỉ nghĩ đến thất bại, dấu ấn thất bại được gieo vào tâm bạn và một ngày sẽ trở thành một gánh nặng đè lên sự nghiệp của bạn. Nếu ai đó không giúp đỡ bạn và khi người đó cần mà bạn từ chối không giúp, chính lúc đó bạn đã đốt lên một dấu ấn mới trong tương lai khởi nguồn cho việc bạn sẽ bị một ai đó từ chối giúp đỡ trong tương lai. Giả dụ như trong thời điểm khủng hoảng kinh tế hiện nay, nếu một doanh nghiệp khách sạn quyết định không bày hoa tươi ở sảnh đón tiếp và trong các nhà hàng, phục vụ ít đồ ăn và đồ uống, khi quyền lợi bị cắt giảm, khách sẽ đến ít đi, doanh thu càng ít, khách sạn sẽ lại càng phải cắt giảm hậu quả kéo theo là khôn lường.

            Thể cách mà các sự việc xảy ra với bạn được tạo nên bởi các hạt mầm hay các dấu ấn mà trước kia bạn đã đặt trong tâm bạn, khi bạn đã nói, đã làm, đã nghĩ điều gì tốt hay xấu về người khác. Vẫn trong phần 1 này, tác giả đưa ra cách giải quyết bằng cách áp dụng kinh Năng đoạn kim cương cho 47 vấn đề lớn trong kinh doanh và cuộc sống. Từ việc đầu tư không hiệu quả, thành viên ban lãnh đạo và nhân viên kèn cựa không hợp tác, các phương án kinh doanh thất bại, những người xung quanh và đối tác lừa gạt bạn, cho đến việc không ai tôn trọng lời bạn nói, hay bị cấp trên đối xử không công bằng, bạn cảm thấy thiếu thời gian để hưởng thụ hay cơ thể bạn quá mệt mỏi vì công việc. Đến đây bạn đã đi hết con đường thứ nhất: làm ra tiền.  

Vậy thọ hưởng thành quả kinh doanh của bạn thì sao. Tác giả giải thích thân thể và tinh thần bạn là một. Mỗi dấu ấn không tốt về tinh thần vì tức giận, phiền bực, ghen tị, mỗi ý nghĩ xấu để ‘’chơi khăm’’ người khác sẽ làm một cái gì đó trong thân thể bạn già cỗi đi, bị va chạm và đương nhiên cơ thể bạn là người chịu thiệt. Điều ngự được thân tâm chính là phương pháp dưỡng sinh và giải stress tốt nhất cho doanh nhân. Tác giả đưa ra phương pháp vòng tròn để làm việc và hưởng thụ một cách hiệu quả. Một số công ty lại cứ cố vắt cạn mọi thời gian rảnh rỗi của các giám đốc để rồi lại phải ngạc nhiên khi họ kiệt sức đến nỗi chẳng nghĩ ra được điều gì mới mẻ. Bạn có thể sắp xếp để nghỉ một ngày giữa tuần và đến với không gian yên lặng của riêng bạn: không sách báo, không tivi, không điện thoại, không tiếp khách…hãy định tâm một, hai tiếng sau đó chơi thể thao. Vào buổi tối, hãy cố gắng giúp đỡ ai đó về bất cứ việc gì: hàng xóm, gia đình, bạn bè, đội bóng khu bạn ở hay những người già trong khu phố.Việc duy trì đều đặn ngày vòng tròn như thế nhằm rút chúng ta khỏi cái lối mòn của suy nghĩ kinh doanh và tách xa sự tập trung vào chính chúng ta. Làm được như thế, không có gì tạo cho bạn nhiều năng lực hơn trong công ty vào ngày hôm sau. Lão Tử đã nói: Biết dừng lại đúng lúc là người túc trí: ‘’Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết thế nào nên ngừng thì không nguy...Biết thế nào là đủ thì sẽ thấy đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ‘’. Tác giả của cuốn sách nói: Tóm lại, mục đích của kinh doanh, hay của trí tuệ cổ Tây Tạng và thực ra là của mọi nỗ lực của con người, chính là làm cho chính chúng ta được phong phú – đạt được sự thịnh vượng, cả bên ngoài lẫn bên trong. Chúng ta chỉ có thể hưởng thụ sự thịnh vượng này nếu như chúng ta giữ được một mức độ cao về sức khỏe thể chất và tinh thần.

            Người Tây Tạng có một tập tục rất thú vị. Họ mang theo mình một túi sỏi đen và một túi sỏi trắng. Mỗi khi làm việc tốt hoặc có một ý nghĩ tốt, họ bỏ sỏi trắng vào một túi. Mỗi khi làm việc không tốt hoặc có ý nghĩ xấu, họ bỏ vào túi một viên sỏi đen. Mỗi chúng ta hãy có một túi sỏi đen và sỏi trắng tưởng tượng mang đến công ty và cố gắng để không có viên sỏi đen nào bị lấy ra khỏi túi. Đó cũng chính là cách tốt nhất để có một thành công hoàn hảo cả trong thân thể và tâm trí.

Nguyễn Đình Thành

* Sách do Thái Hà Book và NXB Tri Thức ấn hành, bản dịch của Trần Tuấn Mẫn.