Năng đoạn kim cương –

Túi khôn của đức Phật dành cho các doanh nhân

Là một người quản lý, bạn sẽ nói gì khi ai đó nói rằng muốn có những nhân viên tận tụy bạn hãy đối xử thật tốt với chính gia đình bạn! Rằng trong tuyển dụng, tiêu chí quan trọng số một không phải là năng lưc của ứng viên mà là việc người đó làm gì khi có thời gian rảnh? Rằng việc kinh doanh của bạn thuận lợi hay khó khăn phụ thuộc vào việc bạn nghĩ tốt hoặc xấu về môi trường và những người xung quanh bạn? Rằng việc bạn vừa bị lừa chính là do bạn đã nói dối ai đó trong quá khứ? Nếu trên đây là câu nói của một kẻ vô danh tiếu tốt chắc hẳn bạn sẽ cười và bỏ đi, nhưng nếu đó là lời khuyên của một người đã tốt nghiệp đại học Priceton danh tiếng của Mỹ, phó chủ tịch của một công ty có doanh thu hơn 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm, hẳn những lời khuyên của ông cũng có ít nhiều cơ sở.

 

Cuốn sách thú vị mở đầu bằng lời giải thích ý nghĩa của tiêu đề: Năng đoạn kim cương. Đây là tên một cuốn sách in cổ nhất thế giới ra đời vào năm 868, trên đó ghi lại những lới dạy uyên thâm của Đức Phật cách đây bốn ngàn năm. Kim cương là thứ rắn nhất trên hành tinh và gần nhất với khái niệm tối hậu; Năng đoạn có nghĩa là có thể chặt ra được. Năng đoạn kim cương chứa những bí ẩn của một sức mạnh tuyệt đối có thể chặt được kim cương đó chính là sự thông tuệ. Năng lực thành công luôn tiềm tàng trong mỗi con người, nó ở quanh ta vào mọi lúc, mọi nơi, nếu chúng ta biết khai thác nó, thành công sẽ nằm trong tay ta. Vấn đề là khả năng này thường vô hình đối với ta, Năng đoạn kim cương dạy cho chúng ta làm sao để thấy được tiềm năng này và vượt qua khả năng gần như tối hậu của kim cương bằng sức mạnh trong chính ta.

            Cần tránh một nhận thức thông thường là Phật giáo không liên quan đến kinh tế. Tác giả nhắc lại rằng những người lãnh đạo Phật giáo trong thời gian đầu đều có nguồn gốc hoàng tộc, những người lãnh đạo đời sống kinh tế và chính trị của các quốc gia nhỏ ở Ấn Độ thời ấy. Họ đóng vai trò giống như cộng đồng doanh nghiệp ở Phương Tây bây giờ. Theo Michael Roach, mọi sự vật hiện tượng đều có tính không - trống rỗng. Chính chúng ta là người đổ đầy các khái niệm tốt-xấu vào trong đó. Việc mua một tòa nhà để làm trụ sở công ty có thể là việc tốt cho các nhân viên vì có chỗ làm việc rộng rãi hơn, một số người đi làm gần hơn nhưng một số người sẽ đi làm xa hơn và nếu giá đất tụt xuống hay các nhà cung cấp rút ngắn thời gian cho công ty nợ tín dụng vì nghĩ rằng công ty đang nhiều tiền thì đó lại là một việc xấu cho công ty. Các ví dụ kiểu này có thể nhân lên đến vô tận bởi rõ ràng không có sự ‘’gây bực bội’’ nào xuất phát từ một cá nhân hay sự việc cụ thể mà tất cả chỉ là cách chúng ta nhìn nó. Các dấu ấn được gieo vào đầu bạn như những hạt mầm, đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành một cái cây cao. Nếu bạn chỉ nghĩ đến thất bại, dấu ấn thất bại được gieo vào tâm bạn và một ngày sẽ trở thành một gánh nặng đè lên sự nghiệp của bạn. Nếu ai đó không giúp đỡ bạn và khi người đó cần mà bạn từ chối không giúp, chính lúc đó bạn đã đốt lên một dấu ấn mới trong tương lai khởi nguồn cho việc bạn sẽ bị một ai đó từ chối giúp đỡ trong tương lai. Giả dụ như trong thời điểm khủng hoảng kinh tế hiện nay, nếu một doanh nghiệp khách sạn quyết định không bày hoa tươi ở sảnh đón tiếp và trong các nhà hàng, phục vụ ít đồ ăn và đồ uống, khi quyền lợi bị cắt giảm, khách sẽ đến ít đi, doanh thu càng ít, khách sạn sẽ lại càng phải cắt giảm hậu quả kéo theo là khôn lường.

            Thể cách mà các sự việc xảy ra với bạn được tạo nên bởi các hạt mầm hay các dấu ấn mà trước kia bạn đã đặt trong tâm bạn, khi bạn đã nói, đã làm, đã nghĩ điều gì tốt hay xấu về người khác. Vẫn trong phần 1 này, tác giả đưa ra cách giải quyết bằng cách áp dụng kinh Năng đoạn kim cương cho 47 vấn đề lớn trong kinh doanh và cuộc sống. Từ việc đầu tư không hiệu quả, thành viên ban lãnh đạo và nhân viên kèn cựa không hợp tác, các phương án kinh doanh thất bại, những người xung quanh và đối tác lừa gạt bạn, cho đến việc không ai tôn trọng lời bạn nói, hay bị cấp trên đối xử không công bằng, bạn cảm thấy thiếu thời gian để hưởng thụ hay cơ thể bạn quá mệt mỏi vì công việc. Đến đây bạn đã đi hết con đường thứ nhất: làm ra tiền.  

Vậy thọ hưởng thành quả kinh doanh của bạn thì sao. Tác giả giải thích thân thể và tinh thần bạn là một. Mỗi dấu ấn không tốt về tinh thần vì tức giận, phiền bực, ghen tị, mỗi ý nghĩ xấu để ‘’chơi khăm’’ người khác sẽ làm một cái gì đó trong thân thể bạn già cỗi đi, bị va chạm và đương nhiên cơ thể bạn là người chịu thiệt. Điều ngự được thân tâm chính là phương pháp dưỡng sinh và giải stress tốt nhất cho doanh nhân. Tác giả đưa ra phương pháp vòng tròn để làm việc và hưởng thụ một cách hiệu quả. Một số công ty lại cứ cố vắt cạn mọi thời gian rảnh rỗi của các giám đốc để rồi lại phải ngạc nhiên khi họ kiệt sức đến nỗi chẳng nghĩ ra được điều gì mới mẻ. Bạn có thể sắp xếp để nghỉ một ngày giữa tuần và đến với không gian yên lặng của riêng bạn: không sách báo, không tivi, không điện thoại, không tiếp khách…hãy định tâm một, hai tiếng sau đó chơi thể thao. Vào buổi tối, hãy cố gắng giúp đỡ ai đó về bất cứ việc gì: hàng xóm, gia đình, bạn bè, đội bóng khu bạn ở hay những người già trong khu phố.Việc duy trì đều đặn ngày vòng tròn như thế nhằm rút chúng ta khỏi cái lối mòn của suy nghĩ kinh doanh và tách xa sự tập trung vào chính chúng ta. Làm được như thế, không có gì tạo cho bạn nhiều năng lực hơn trong công ty vào ngày hôm sau. Lão Tử đã nói: Biết dừng lại đúng lúc là người túc trí: ‘’Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết thế nào nên ngừng thì không nguy...Biết thế nào là đủ thì sẽ thấy đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ‘’. Tác giả của cuốn sách nói: Tóm lại, mục đích của kinh doanh, hay của trí tuệ cổ Tây Tạng và thực ra là của mọi nỗ lực của con người, chính là làm cho chính chúng ta được phong phú – đạt được sự thịnh vượng, cả bên ngoài lẫn bên trong. Chúng ta chỉ có thể hưởng thụ sự thịnh vượng này nếu như chúng ta giữ được một mức độ cao về sức khỏe thể chất và tinh thần.

            Người Tây Tạng có một tập tục rất thú vị. Họ mang theo mình một túi sỏi đen và một túi sỏi trắng. Mỗi khi làm việc tốt hoặc có một ý nghĩ tốt, họ bỏ sỏi trắng vào một túi. Mỗi khi làm việc không tốt hoặc có ý nghĩ xấu, họ bỏ vào túi một viên sỏi đen. Mỗi chúng ta hãy có một túi sỏi đen và sỏi trắng tưởng tượng mang đến công ty và cố gắng để không có viên sỏi đen nào bị lấy ra khỏi túi. Đó cũng chính là cách tốt nhất để có một thành công hoàn hảo cả trong thân thể và tâm trí.

Nguyễn Đình Thành

* Sách do Thái Hà Book và NXB Tri Thức ấn hành, bản dịch của Trần Tuấn Mẫn.




Leave a Reply.