(TT&VH Cuối tuần) - (LTS) Sau khi đăng tải những thông tin tranh luận xung quanh vở opera Carmen của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, do nữ đạo diễn người Thụy Điển Helena Rohr dàn dựng, TT&VH tiếp tục nhận được bài viết của dịch giả Nguyễn Đình Thành đánh giá về vở diễn này. Xin giới thiệu bài viết này tới độc giả.


1. Vừa qua, tại Nhà hát lớn Hà Nội, những người yêu opera đã được thưởng thức hai đêm diễn đầy nỗ lực của dàn diễn viên, nhạc công của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam: vở Carmen của nhà soạn nhạc Pháp thế kỷ 19, Georges Bizet. Người yêu nhạc cổ điển đã được yêu một Carmen hoàn toàn mới lạ, được nhìn nàng sống và yêu dữ dội, chứng kiến hồi kết oan nghiệt khi nàng ngã xuống bởi bàn tay của chính người yêu mình. Có thể nói bước chân Carmen đi đến đâu là ở đó dậy sóng, và đó thường là những con sóng trái chiều. Carmen ở Hà Nội lại một lần nữa khẳng định điều ấy.


Những người trung thành với opera cổ điển hẳn phải nhau mày nhíu mắt khi nhìn thấy một Carmen không giống như trong vở opera kinh điển của tác giả Pháp. Xứ Andalousie nóng bỏng và quyến rũ với điệu nhảy flamenco, những con người lam lũ được thay bằng khung cảnh của Việt Nam ngày nay. Những bộ quân phục châu Âu được thay bằng những chiếc áo bảo vệ. Khán giả không khỏi bật cười thích thú khi chàng Toreador Escamillo bấm Iphone để ghi lại tên của Carmen; chăm chú dõi theo diễn xuất và lắng nghe tiếng hát của Micaela chân chất, dễ thương; mỗi lần một địa danh của Việt Nam vang lên là trong khán phòng lại rộ lên những tiếng cười sảng khoái. Các nhà tổ chức cũng đã chu đáo làm một màn hình phụ đề tiếng Anh, tiếng Việt để khán giả tiện theo dõi và hiểu diễn biến câu chuyện.






Nàng “Carmen Hà Nội”



2. Vở diễn cuốn hút trước hết có lẽ chính vì yếu tố ‘‘thật’’ trong đó. Nghe những lời thoại rành rọt vang lên trong khán phòng mà không cần bất kỳ phương tiện khuyếch đại âm thanh của nhà hát mới thấy thích thú và tiếc cho sân khấu Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, những lời thoại mộc sinh động và truyền cảm đến vậy, mới vang lên ở Nhà hát Lớn. Cứ như thể khán giả đang được đưa về buổi đầu của nền kịch nói những năm 1920, 1930.


Sân khấu cũng được thiết kế theo phong cách tối giản mà vẫn gợi lên được hiệu ứng cần thiết. Sân khấu luôn là vậy, có cần gì hơn vài cặp chân trần, hé lộ tý chút dưới tấm màn để gợi nên vẻ quyến rũ của những cô gái di-gan ngang tàng và nóng bỏng. Có cần gì hơn vài cặp đèn nê-ông treo song song và một chút khói để hoàn nguyên cái không khí hối hả và hừng hực của một xưởng thuốc lá. Rồi chỉ vài mét bạt nilông xây dựng, vài cái ghế nhựa, đôi ba chai nước, một cái mâm và đôi đũa... đã đủ để nữ đạo diễn người Thụy Điển Helena Rohr ‘‘bứng’’ trọn câu chuyện của Mérimée về một Việt Nam ngày nay.


Cách xử lý không gian linh hoạt, phá vỡ những quy luật nghiêm khắc của một vở opera cổ điển như cho các nhân vật chính xuất hiện và cất lời hát giữa khán phòng rồi mới lên sân khấu, sử dụng 2 phần ban công phụ như những chiếc cửa sổ ở trại lính để các anh lính trèo lên trèo xuống hay những đoạn di chuyển của các nhân vật chính trên những chiếc bàn... là một giải pháp khéo léo. Số lượng đông đảo hơn 100 diễn viên tham gia biểu diễn, điều thực sự hiếm trên sân khấu Nhà hát Lớn, đã tạo nên một hiệu ứng hoành tráng cho người xem. Ngoài ra, trình độ biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng cũng đã khác xa với những năm trước đây sau một thời gian dài được làm việc cùng các nhạc trưởng người Anh, Pháp, Nhật. Sự có mặt của dàn hợp xướng quốc tế tại Hà Nội đã cải thiện đáng kể chất lượng của các bài hát trong hoàn cảnh hầu hết các diễn viên, ca sỹ đều không biết tiếng Pháp.


3. Công bằng mà nói giọng hát và ngoại hình của vai chính chưa thực sự tương xứng với một vai diễn lớn và phức tạp như Carmen; sự chính xác trong phát âm và lời thoại của các nhân vật quần chúng vẫn chưa ở được mức cần có nhưng điều ấy cũng không ngăn cản Carmen Hà Nội chiếm được cảm tình của khán giả.


Hài lòng là cảm giác dễ cảm nhận ở phần lớn người xem trong phòng, đặc biệt là người nước ngoài (đa phần là người Pháp). Họ không đến nghe người Việt hát tiếng Pháp như thế nào mà đến xem “Carmen Hà Nội” như thế nào; để xem đạo diễn Helena Rohr dàn dựng như thế nào và quan trọng nhất là để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật.


Với chính sách đãi ngộ như hiện nay cộng với việc số lần được diễn trọn vẹn một vai trong một vở opera hoàn chỉnh chỉ đếm không quá đầu ngón tay trong cả đời nghệ sĩ nhạc kịch, chất lượng của một vở diễn như Carmen Hà Nội là hoàn toàn chấp nhận được. Có lẽ, do ý thức được điều này, nên ê kíp đạo diễn cũng đã chủ động đặt tên cho vở là Carmen Hà Nội mà không phải là Carmen. Vài năm trước đây, đạo diễn Pháp Sarkis Tcheumlekdjian cũng đã chọn cách làm tương tự với vở kịch nổi tiếng Tartuffe khi đưa vở kịch thế kỷ 17 của Pháp vào bối cảnh Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20 và ông đã thành công.


Dẫu còn nhiều luồng ý kiến nhưng thiết nghĩ cái quý nhất của một vở diễn là đem lại những phút giây hạnh phúc cho người xem, 2 đêm diễn vừa rồi, Carmen Hà Nội đã làm được điều ấy nên xin mượn tứ một truyện ngắn của Y Ban mà nói: Tôi yêu nàng đấy Carmen ơi!


Nguyễn Đình Thành (dịch giả)
http://www.baomoi.com/Home/AmNhac/thethaovanhoa.vn/Toi-yeu-nang-day-Carmen/6465213.epi



Leave a Reply.