KINH DOANH Thứ hai, 25/7/2011, 16:09 GMT+7

Bệnh tật, độc hại, mất vệ sinh, giá cả leo thang đang là nỗi ám ảnh với người tiêu dùng, nhưng chúng lại được doanh nghiệp tận dụng triệt để khi quảng cáo, tiếp thị nhãn hàng mới.

Quảng cáo nhấn mạnh vào tính năng an toàn, vệ sinh và giá cả hợp lý đang là trào lưu, đặc biệt đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày. Các bà nội trợ chăm theo dõi quảng cáo không lạ gì với hình ảnh một cô gái đầy vi khuẩn trong miệng khi chưa sử dụng đúng kem đánh răng diệt khuẩn. Họ cũng dần quen với cảm giác rùng mình khi thấy hình ảnh chiếc thớt bẩn đến ghê người dùng để cắt tỏi, ớt, chanh pha nước mắm. Thậm chí một bà mẹ trẻ phải ôm con đến bệnh viện vì sử dụng sai hãng xà phòng…

Trước thông tin một số chất phụ gia có khả năng gây ung thư, nhiều công ty còn dốc tiền quảng cáo khắp nơi nhằm khẳng định sản phẩm của mình là không có thành phần độc hại. Mì Tiến Vua của công ty Masan không chứa transfat, chất bảo quản E102 hay mới đây là thạch rau câu không chứa DEHP là những trường hợp như vậy.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nắm được điều đó, ngày càng nhiều quảng cáo đánh vào yếu tố này. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc Nhẹ nhàng hơn, một số quảng cáo chỉ “dọa” về vấn đề tài chính. “Một hộp cam ép tương đương với 2,6 kg cam tươi” là thông điệp trong một đoạn quảng cáo được rất nhiều chị em quan tâm. Chị Vân, nhân viên văn phòng ở Hà Nội nhẩm tính, cam bây giờ cũng 40.000 đồng một cân. 2,6 kg là khoảng 100.000 đồng, chưa kể tiền đường đã thấy đắt gấp 3 mỗi hộp nước cam này.

Theo chị Vân, nếu đúng như nhà cung cấp đưa ra thì chỉ có những ai dại dột mới mua cam tươi. “Cứ xem quảng cáo đó nhiều, đâm ra mình bị ám ảnh mỗi lần đi chợ chọn cam, không biết mình có đang lãng phí không”, chị Vân bộc bạch.

Theo khảo sát của VnExpress.net, đa phần quảng cáo xây dựng dựa trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng đều nằm trong danh mục sản phẩm thiết yếu với đời sống con người song lại có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Hướng vào tâm lý lo lắng của người mua, họ khẳng định độ an toàn, lợi thế của sản phẩm hãng mình hơn những đơn vị khác.

“Bình thường tôi vẫn dùng thớt cắt ớt, thấy chẳng sao. Tự nhiên coi quảng cáo rồi lại đâm ra hoảng. Chẳng biết họ nói có thật không mà cứ như dọa mình”, bác Chiến (Kim Ngưu, Hà Nội) chia sẻ.

Bác Phạm Thị Thành (Đê La Thành, Hà Nội) tâm sự, bản thân gia đình bác và những người hàng xóm đều không thích những quảng cáo như vậy. Bác cho rằng, quảng cáo là để giới thiệu chứ không phải hăm dọa những ai không sử dụng sản phẩm. “Đâu đâu cũng phải nghe ăn cái này độc, uống cái kia hại nên quảng cáo không nên chỉ nhắm vào những gì người tiêu dùng sợ để khiến chúng tôi thêm lo lắng nữa”, bác Thành tâm sự.

Giám đốc truyền thông của Le Bros Nguyễn Đình Thành cho rằng, về bản chất, người làm quảng cáo đã làm đúng công thức mà họ được đào tạo để thu hút người tiêu dùng.

Song, anh Thành nhấn mạnh gốc của mọi quảng cáo vẫn phải là chữ tâm. Tức là các công ty cần xem xét việc làm của mình có tổn hại đến ai không. “Về tình, nếu được việc của mình mà tổn hại đến người khác thì không được làm. Về lý, chắc chắn pháp luật cũng không cho phép những quảng cáo dựa trên điều không có thật để thu hút, tăng doanh số. Đó là một phương pháp cạnh tranh không lành mạnh”, anh Thành nói.

Một chuyên gia về lĩnh vực quảng cáo và marketing lại cho rằng nếu có đầy đủ cơ sở thông tin thì các công ty hoàn toàn được phép. Bởi lợi dụng nỗi sợ hãi để quảng cáo cũng là một cách để tạo xúc cảm mạnh với người xem.

Trước những quảng cáo "gậy ông đập lưng ông" trong thời gian qua, chuyên gia này đưa ví dụ, nếu một người đưa ra cây gậy một cách thông minh thì anh ta mạnh, có quyền lực và được xem là thông minh. Ngược lại, nếu anh nói sai sự thật, cơ sở không vững chắc thì phải chịu hiệu ứng ngược, không những không thu hút mà còn mất lòng tin của khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các quảng cáo trái chiều nhau. “Có thể do họ lấy nguồn thông tin khác nhau song cũng không ngoại trừ khả năng cạnh tranh ko lành mạnh”, ông Hùng nói.

Tổng Thư ký hội cung cấp thêm, theo luật, trong những trường hợp, quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng, khách hàng có quyền khởi kiện đơn vị đặt quảng cáo. Còn đơn vị nhận quảng cáo sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới, trừ khi họ chứng minh được đã cố gắng làm mọi cách xác thực thông tin trước khi đăng tải.

“Trong cơ chế thị trường, hàng hóa phong phú, người tiêu dùng có quyền lựa chọn nhưng phải đối mặt với việc thông tin không thật chính xác. Vì vậy, khách hàng cần tỉnh táo, suy xét kỹ trước khi quyết định mua sản phẩm, lựa chọn dịch vụ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo.

Xuân Ngọc

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/07/kinh-doanh-dua-vao-noi-so-hai-cua-nguoi-tieu-dung/

 
GĐ đối ngoại KS Sofitel Métropole Hà Nội- Nguyễn Đình Thành:

“Văn hóa chắp cánh cho kinh doanh”

“Chính khách tham gia nghệ thuật, doanh nhân làm thơ và viết văn… không phải là hiếm và mới đây, một giám đốc tham gia dịch một cuốn tiểu thuyết đầu tay. Đây không phải là chuyện mới. Người dịch cũng không nghĩ là nghề tay trái hay làm cho vui mà anh đã dành nhiều tâm huyết với những thích thú say mê đến quên cả mùa… hè. Dịch giả cuốn tiều thuyết Nửa kia của Hitler đã dành giải thưởng văn học dịch của Hội nhà văn Hà Nội 2008.” Đó là Giám đốc đối ngoại Khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội- Nguyễn Đình Thành.

Đầu mùa đông, Hà Nội chớm lạnh. Cái lạnh se sẽ trên bờ môi thiếu nữ khiến cho người đẹp luôn tâm niệm và nhắc nhở phải giữ hình ảnh của mình. Khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội là như vậy- một giai nhân kiêu sa trong lòng thành phố. Bên ngoài khách sạn là cà phê La Terrasse du Métropole nằm ngay góc phố Ngô Quyền và Lê Phụng Hiểu. Không gian như "Paris thu nhỏ” khiến thành phố đẹp hơn bởi chốn này”.

Xứng với danh tiếng  

Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội có bao nhiêu giám đốc?

Tại ks hiện có hơn mười người có chức danh giám đốc và cao hơn, có thể kể ra một số bộ phận như giám đốc kinh doanh và tiếp thị, lưu trú, nhà hàng, kỹ thuật, nhân sự, tài chính…

Và công việc hiện anh đang làm tại khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội? 

Hiện tôi đang làm giám đốc đối ngoại tại khách sạn Métropole Hà Nội. Công việc chính là đảm bảo thông tin từ khách sạn đến được với công chúng một cách thông suốt và giữ vững hình ảnh của một khách sạn trăm năm tuổi, nằm trong tốp khách sạn hàng đầu tại châu Á. 

Khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội rất nổi tiếng, mỗi người khi được mời về làm thường có những tố chất kinh doanh cũng như tầm văn hóa. Với anh, ban lãnh đạo ở đây đã nhìn thấy ở anh những điểm gì nổi trội khiến họ phải mời? 

Cảm ơn anh. Tôi nghĩ đam mê công việc cộng với sự chuyên nghiệp là phẩm chất mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều trân trọng. 

“Anh theo học khóa quản trị văn hóa tại Đại học Paris Dauphine” (ĐH Paris 9).  Đây là cụm từ nghe khá lạ tai, ở VN lâu nay chỉ nghe quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Vậy quản trị văn hóa là gì thưa anh?

Hiện không có từ tương đương trong tiếng Việt nên tôi tạm dịch là quản trị văn hóa. Đây là chương trình thạc sỹ thiên về thực hành, chương trình học trải dài từ chính sách văn hóa, luật hành chính, tới quản trị festival, hãng phim, xuất bản hay luật bản quyền, hợp đồng, nhân sự… Nói chung là các kiến thức mà một nhà quản lý làm việc trong môi trường văn hóa cần biết. Giáo viên chỉ giảng lý thuyết một vài tiết còn lại, họ mời những người trong giới đến nói chuyện, giảng dạy.

Học thế thì cũng chỉ là học theo kiểu “bàn trà”?

Không hề, ví dụ như anh được giao tổ chức một festival, tất cả các khâu chuẩn bị, tính toán, kỹ thuật, hợp đồng, bảo hiểm, ăn ở cho các nghệ sỹ, các phương án bảo vệ,…đều phải được lên kế hoạch. Người duyệt kế hoạch của anh chính là giám đốc của festival mà anh đang lên kế hoạch trù bị. Người đó đã phải đối diện với các nhà đầu tư và tài trợ và khi anh trình bày kế hoạch của mình anh sẽ có cảm giác mình đang đứng trước một nhà đầu tư, tài trợ và nhà tổ chức. Cách học đó rất thực tế. Hoặc diễn giả có thể là một người làm việc cho trung tâm văn hóa Pháp tại Bắc Kinh đến để nói với anh về việc ông ta đã làm gì để phổ biến nhạc Pháp ở thành phố đó….

Cũng từ cách học trên anh đã có ít nhiều “bị” ảnh hưởng của người Pháp?

Thực ra khi bạn đã học và làm việc liên tục trong hơn mười năm bằng một thứ tiếng nước ngoài và tiếp xúc với người bản địa, dấu ấn của nền văn hóa những nước ấy sẽ ít nhiều hiện diện trong cách bạn suy nghĩ và ứng xử. Phẩm chất nổi trội ở nhiều người nước ngoài mà tôi đã tiếp xúc và làm việc cùng chính là tính chuyên nghiệp và sự cầu toàn.

Và ảnh hưởng đó trong anh có phải là cái “mở ngoặc” (chữ trong tiểu thuyết) để anh làm kinh doanh không?

Đi với bụt mặc cà sa…tôi rất thích câu nói ấy, trong kinh doanh, không chuyên nghiệp và cầu toàn bạn khó trụ lâu được.

Là phóng viên văn hóa nên tôi cũng hay qua L’Espace và đã nhìn thấy anh, cảm nhận của tôi, anh luôn có những “thảng thốt” nghệ sĩ không có tố chất kinh doanh. Vậy anh sang làm việc quản lý bên khách sạn tôi rất băn khoăn và tò mò liệu có phải anh đang mặc một cái áo quá rộng không?

Cảm ơn anh về nhận định hết sức tinh tế này. Tôi vốn được đào tạo để trở thành một phiên dịch hội nghị. Khi làm phiên dịch bạn nhận được inputs từ diễn giả, bạn có vài giây để xử lý thông tin và đưa ra quyết định. Đó là một nghề ‘‘nguy hiểm’’, nhiều áp lực nhưng thú vị. Kinh doanh, về bản chất cũng như vậy, nên tôi không gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang kinh doanh. Đặc biệt sau khóa học quản trị tại Pháp.

Quan niệm của anh khi bắt tay vào lĩnh vực kinh doanh kinh tế của một người làm văn hóa bấy nay?

Văn hóa chắp cánh cho kinh doanh, kinh doanh thành công giúp văn hóa trọn vẹn hơn.

Pháp là quê hương của Lão hà tiện. Là người tiếp xúc nhiều với doanh nhân Pháp, anh có nhận thấy điều đó không hay đó chỉ là văn học?

Tôi nghĩ ai cũng biết rằng làm kinh doanh không biết tiết kiệm là tự sát. Tiết kiệm và hà tiện hoàn toàn khác nhau. Hà tiện thì không thể vui sống mà người Pháp nổi tiếng là những người biết thưởng thức cuộc sống. Người Pháp tự hào vì nghệ thuật thực sự của Pháp chính là nghệ thuật thưởng thức cuộc sống. Chẳng có mấy dân tộc một tuần làm việc 35 giờ, một năm nghỉ ít nhất một tháng, có dịp là ăn tối cả bốn năm tiếng trời bàn luận chuyện trên trời dưới bể.

Sau cuốn tiểu thuyết Nửa kia của Hitler, anh đã hiện hữu trong làng dịch thuật và bây giờ anh có cảm giác rằng mình “mới là, và có thể là, sẽ là…” (chữ của Heidegger) một cái gì đó không thưa anh?

Tôi đã là một phiên dịch, giáo viên dạy dịch, biên dịch. Tôi cảm thấy hạnh phúc trên con đường này và sẽ tiếp tục theo đuổi nó.

Kinh doanh và dịch sách mất khá nhiều thời gian. Anh dành cho gia đình khoảng thời gan nào? Anh có đưa vợ con đi du lịch vào những ngày cuối tuần không? Và đi đâu?

Tôi gần như kiệt sức sau mỗi ngày làm việc và mỗi tuần làm việc. Thời gian rảnh chỉ có thể loanh quanh ở Hà Nội, chở vợ con đi bảo tàng, mua sắm một chút và ngủ.

Thú vui của một người kinh doanh

Người làm kinh doanh không thể chỉ làm một công việc đơn thuần mà luôn phải giữ thăng bằng và sắp xếp thứ tự trong muôn vàn công việc cần được phải giải quyết một cách hợp lý. Khả năng làm nhiều việc giúp bồi đắp tư duy thoáng đạt cho mình, điều này cũng chính là điểm hấp dẫn và thú vị từ công việc kinh doanh với vô vàn thách thức. Năng lực cá nhân này sẽ chuyển hoá và phản ánh vào năng lực của doanh nghiệp ở nhiều góc nhìn khác nhau. Trong cuộc sống kinh doanh hiện đại, chỉ biết và cố gắng làm tốt một công việc dường như không còn đúng nữa, đặc biệt với các doanh nhân- nghệ sĩ.

Anh mất bao nhiêu thời gian để dịch cuốn tiểu thuyết này?

Cả thời gian dịch và biên tập mất khoảng mười tháng. Tôi dịch vào hàng tối từ 10 rưỡi đêm đến 12h. Cuối tuần, lễ tết tìm cớ ngồi ở nhà để dịch.

Đọc Nửa kia của Hitler, chỉ thấy rằng đây là nhân vật đáng thương bởi tuổi thơ không được người cha yêu thương, bước vào đời thì thất bại và anh ta phải gồng lên trong cuộc sống với hiện thực “khắc nghiệt” (miếng cơm, nhà trọ…) và cuối đời thì đành chọn một cái chết vì thất bại… Đây có phải là cuốn sách biện minh cho Hitler không?

Không hề, cuốn sách chỉ ra rằng kết cục của Hitler là do chính những sự lựa chọn của y mà ra. Nếu đổ cho số phận làm cho cuộc đời Hitler thê thảm như vậy thì mới có thể nói cuốn sách biện minh cho Hitler. Trong thực tế, cuốn sách khẳng định điều ngược lại. Nhiều người có tuổi thơ đáng thương, thất bại trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng thành người xấu. Người đọc có thể thấy rằng nếu mình lúc nào cũng khăng khăng cho mình là đúng (như Hitler), nếu cứ nhồi vào đầu mình những ý nghĩ đen tối, những tình cảm tiêu cực thì rốt cuộc mình sẽ thành một cái ao tù nước đọng như Hitler. Chính Hitler đã chọn đi con đường ấy nên kết cục của y là như vậy.

Theo đó, cái mà được ấn định trong mỗi cuộc đời con người đó là nhận ra thiên hướng của mình, cái giá trị của mình để theo đuổi. Trong mỗi con người đều có Hitler, nhưng hoàn cảnh không giống Hitler, nên chỉ có một Hitler còn lại là chúng ta phải không anh?

Hitler không phải là biểu tượng của cái Ác, y chỉ là biểu hiện của cái Ác nên khó có thể nói trong mỗi con người đều có Hitler. Như cuốn sách đã nói : “Con người là gì? Con người được hình thành từ một loạt sự chọn lựa và hoàn cảnh. Không ai làm gì được hoàn cảnh, nhưng ai cũng có quyền chọn lựa’’. Cái làm nên Hitler không chỉ có hoàn cảnh.

Trong phần giới thiệu sách, anh đưa phần cảm tưởng của tác giả: “Kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình. Con người cần phải cảnh giác với chính con người”. Xin anh giải thích hộ tôi về “kẻ thù” và “cảnh giác”?

Trong truyện có đoạn: đứa bé “hiểu rằng con quái vật không phải là một sinh vật khác nó, không thuộc về loài người, mà quái vật là một sinh vật như nó nhưng đưa ra những lựa chọn khác nó. Từ hôm ấy, đứa trẻ sợ chính mình, nó biết rằng nó đang sống chung với một con thú hung bạo và khát máu, nó mong giam con vật ấy trong lồng suốt cuộc đời’’. Điều này không mới, Đức Phật cũng dậy như vậy. Tuân Tử thậm chí đã nói ‘’nhân chi sơ tính bản Ác’’. Phân tâm học cũng nhắc đến phần tăm tối trong mỗi con người. Chính tiếng Việt ta cũng nói “con người” gồm “con” và “người”. Mỗi khi có ai làm điều Ác chúng ta lại nói “thú tính” trong người y hoặc thị đã trỗi dậy. Như vậy ai cũng có thể làm điều Ác nếu ta không cẩn thận với chính mình.

Và tôi tự hỏi rằng nếu cứ sống với một “kẻ thù” (chính mình) và sống trong cảnh giác (với chính con người) như thế thì quá mệt?

Người ta không bị bắt buộc phải nghĩ đến ‘’kẻ thù’’ và ‘’cảnh giác’’ 24/24, 7 ngày/7 (cười).

Và ý nghĩ của tôi

Thời gian đi làm phiên dịch cho các nghệ sĩ múa đương đại: Régine Chopinot, Ea Sola giúp anh có những hình dung mơ hồ về sức mạnh của văn hóa. Cho đến khi vào làm tại L’Espace, anh mới bắt đầu nạp cho mình những kiến thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại. Cùng với kinh nghiệm phiên dịch ở L’Espace đã mang lại cho anh cơ hội du học Pháp. Cùng thời gian đó, một người bạn Do Thái học cùng, cho anh cuốn La part de l’autre của Eric-Emmanuel Schmitt và nói với anh rằng: “Nó đã làm đảo lộn hết mọi ý nghĩ của tôi”.

Với Nửa kia của Hitler anh thấy mình thấm nhuần điều gì nhất từ tiểu thuyết này?

Không nên để những tình cảm tiêu cực chi phối mình bởi chúng làm mọi chuyện xấu đi. Thứ hai là, trong mỗi người đều có phần của mình và phần của kẻ khác (xã hội), nếu không để phần của kẻ khác vào mình và không chia sẻ phần của mình cho người khác, cuộc sống sẽ trở nên đen tối. Thực vật còn trao đổi với môi trường, không lẽ con người lại khép mình lại?

Và qua đây thấy rằng Hitler có cái tôi không?

Có chứ, cái tôi của Hitler quá lớn, như một cái bọc ung thư, hút hết dưỡng chất trong người hắn để rồi vỡ tung làm y chết. Nếu có thể so sánh thì Hitler bị ung thư tâm hồn.

Có giai đoạn nào đấy trong cuộc đời anh,, anh thấy mình giống Hitler trong tiểu thuyết?

So sánh ai đó với Hitler là chuyện không nên làm. Có rất nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống và đã cố gắng vươn lên để thành công, có thành công được ca tụng, có thành công bị phỉ nhổ vì đã chống lại lợi ích của cộng đồng, chống lại loài người, của thiên nhiên.

Kinh doanh là gắn với hóa đơn lợi nhuận, dịch sách gắn với câu chữ và mơ mộng, dường như 2 lĩnh vực này mâu thuẫn hoàn toàn ngược với nhau? Anh có thấy như vậy không?

Không hẳn vậy. Để kinh doanh, người ta ta chạm, tiếp xúc nhiều và phải ra quyết định sau khi đã đàm phán, tính đến nhiều phương án, thỏa hiệp hoặc căng thẳng. Với tôi, kinh nghiệm trong kinh doanh giúp việc dịch sách trở nên hiệu quả hơn, tính tổ chức cao hơn.

Trong thời gian tới, anh sẽ gắn bó với kinh doanh lâu hơn hay sẽ chuyển sang dịch thuật?

Tôi sẽ làm cả hai chừng nào còn có thể.

Tiếp xúc với văn hóa và xã hội Pháp, anh sẽ có cái nhìn và cách nhìn khác hẳn với những người không được đi ra nước ngoài. Theo anh muốn giới thiệu hình ảnh VN chúng ta cần làm gì?

Tôi chỉ nhận xét ở vị trí một cá nhân. Ở Việt Nam, chưa bao giờ người ta không quan tâm đến văn hóa. Chưa bao giờ các định chế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp văn hóa lại nhiều đến thế. Các chương trình, hoạt động văn hóa được tổ chức  càng ngày càng nhiều, địa bàn ngày càng rộng. Sự phát triển của Internet, truyền hình và thậm chí cả báo giấy càng làm cho văn hóa được phổ biến nhanh hơn rộng hơn. Dấu chấm hỏi được đặt cho nhận định: liệu sự phát triển ấy có sâu hơn, thực chất hơn? Tôi không có câu trả lời. Những tranh luận về văn hóa có chiều sâu có nhiều hơn trong những diễn đàn nhỏ lẻ trên mạng. Văn hóa pop, văn hóa sến tràn lan và nhiều khi bị đánh đồng với văn hóa cao cấp. Ở ngoài nước, chúng ta mới chỉ được biết đến như một đất nước giỏi trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mỹ thuật đương đại, múa đương đại và thậm chí cả văn học đương đại của chúng ta đang có một chỗ đứng chênh vênh trên bản đồ nghệ thuật thế giới và khu vực. Nếu muốn phát triển hình ảnh một Việt Nam năng động, cần đầu tư nhiều hơn vào nghệ thuật đương đại. Chỉ trông chờ vào nhà nước thì không nên và không đủ. Phải có sự tham gia của các doanh nghiệp và doanh nhân. Bảo trợ văn hóa chính là điểm nhấn tạo sức bật cho nghệ thuật Việt Nam đương đại. 

Xin cảm ơn anh! 

BOX

BOX 1: Hàng năm, tạp chí Business Traveller Asia Pacific là một trong những tạp chí du lịch dành cho doanh nhân có uy tín nhất tại châu Á – Thái Bình Dương mở cuộc trưng cầu ý kiến độc giả trên toàn thế giới nhằm lựa chọn ra những thương hiệu khách sạn, các hãng hàng không tốt nhất trong khu vực, như một lời gợi ý dành cho các thương gia trước mỗi chuyến đi. Và vừa qua, Sofitel Metropole Hà Nội một lần nữa được vinh danh “Khách sạn dành cho thương gia tốt nhất Hà Nội năm 2008”. Đây là lần vinh danh thứ 8 của khách sạn này.

BOX 2: Tôi muốn dịch một cuốn sách nữa của tác giảEric-Emmanuel Schmitt là cuốn Oscar và bà áo hồng nhưng không có thời gian. Trong hè vừa rồi, thay vì đi nghỉ thì tôi đã ở nhà dịch hai vở kịch của Eric-Emmanuel Schmitt mà tôi rất thích. Schmitt là tác giả kịch nổi tiếng ở Pháp và Bỉ, tôi cũng đang liên hệ với một số nhà hát để giới thiệu với họ. Tôi cũng ưu tiên việc đọc sách bằng tiếng Anh. Gần đây có gặp một vở kịch do chị Chiều Xuân giới thiệu, thấy nó tuyệt quá tôi đã nhận lời dịch với chị. Đây là một vở bi hài kịch hiện đại rất tuyệt vời. Nó hấp dẫn và khá phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng để vở kịch có thể ra mắt trong thời gian sớm nhất (Theo phongdiep.net).

Nhật Ninh thực hiện

Bài 3.141 chữ

Chú thích ảnh:

 

 
Nguyễn Đình Thành – Dịch giả cuốn "Nửa kia của Hitler":

Bài 2: "Dịch là một nghề đầy thách thức và bạc bẽo"

Thứ năm, 25/9/2008, 07:00 GMT+7

Dịch giống như là đi trên một con đường có nhiều cái bẫy và nếu mình đi nhiều, hiểu nhiều, có kinh nghiệm, có vốn sống, vốn văn hóa nhiều thì sẽ tránh được những cái bẫy đó. Nhưng không thể tránh được hoàn toàn. Thế cho nên, người dịch luôn luôn phải bổ sung kiến thức và dùng nó với một ý thức là mình có thể sai bất cứ lúc nào để tránh sai lầm.

PV:Tôi được biết rằng anh học tiếng Pháp tại ĐG Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó học chương trình đào tạo biên phiên dịch CFIT tại Học viện Quan hệ quốc tế. Trước đây, anh làm phiên dịch cho rất nhiều dự án nghệ thuật tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace. Nhưng hầu hết bạn đọc mới chỉ biết đến anh thông qua Nửa kia của Hitler với tư cách của một dịch giả. Anh thấy hai công việc phiên dịch và biên dịch thế nào ?

NĐT: Thực ra công việc của tôi được đào tạo là phiên dịch chứ không phải là biên dịch. Tôi cũng không nghĩ mình sẽ thành người biên dịch vì tôi không nghĩ mình sẽ ngồi một chỗ và làm công việc quá tỷ mẩn về từng con chữ. Nó không phù hợp lắm với tính cách ưa dịch chuyển của tôi. Công việc của người phiên dịch là đón nhận thông tin nhanh nhất và chuyển tải chính xác nhất từ ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác trong thời gian thực tại, trước mặt người nói, người nghe. Người đối thoại ngồi ở đó nên không hiểu thì họ có thể hỏi lại ngay. Trong khi đó, công việc biên dịch chỉ có một mình người dịch ngồi trước cuốn sách sau đó độc giả mới được đọc bản dịch của họ. Độc giả không thể hỏi được hoặc đoán được ý của những đoạn tối nghĩa hay những đoạn không hiểu. Công việc phiên dịch nhanh hơn nhưng có lợi thế là dịch xong quên ngay thông tin cũ để đón nhận thông tin mới trong khi đó với biên dịch thì bản thảo lúc nào cũng ở trước mặt và đến lúc nào mình chưa tìm được từ, ngữ, câu gần với ý tác giả nhất và dễ hiểu nhất với độc giả thì lúc đó mình chưa yên tâm. Chính vì thế trong biên dịch có chuyện cứ đau đáu mãi về một câu, một chữ làm sao để dùng cho “đắt” nhất. Khi nào mình tìm được một từ mà mình thấy quá đúng với điều tác giả muốn diễn đạt trong tác phẩm gốc thì mình mới thỏa mãn.

 

 Nguyễn Đình Thành: "Dịch là một nghề đầy thách thức và bạc bẽo"
Ảnh: M.H


Có những cuộc tìm kiếm không bao giờ có đích, có những giải pháp chỉ là tình thế và khó có thể tìm được cái như cái tác giả muốn nói và nhiều lúc mình phải chấp nhận điều đó. Phiên dịch thì có thể diễn giải đến khi độc giả hiểu còn biên dịch thì không thể diễn giải bằng ngôn ngữ của mình được. Tôi chưa giờ nghĩ mình sẽ làm biên dịch cả. Nhưng tôi có một điểm không biết là mạnh hay yếu là sống rất nhiều bằng đam mê. Khi đã đam mê rồi, người ta sẽ tìm được thời gian và năng lượng để thực hiện đam mê đó.

PV:Anh ý thức thế nào về công việc dịch của bản thân mình ?

NĐT: Người dịch là người chia sẻ niềm vui. Mình được học là để truyền tải thông điệp cho những người khác. Có những thứ mình thấy hay quá và mình muốn chia sẻ nó cho tất cả mọi người để làm cho cuộc sống tốt hơn. Công việc dịch cũng như thế. Tôi vốn là dân phiên dịch nên có một cảm nhận rất khác về chữ nghĩa. Mỗi con chữ không phải là một lời nói bình thường mà qua đó chúng thể hiện nhân sinh quan của một con người, một dân tộc.

PV:Sự thành công đột ngột dễ làm cho dễ làm cho con người ta ảo tưởng về mình. Bản thân anh thì sao ?

NĐT: Nghề dịch đầy thách thức và nguy hiểm đặc biệt là biên dịch. Thách thức là thời gian và công sức đầu tư cho nó rất nhiều nếu như đó là người dịch có tâm huyết nhưng thù lao nhận được lại rất thấp so với sức lao động họ bỏ ra. Nó nguy hiểm vì rất khó để có thể chuyển tại trọn vẹn điều tác giả muốn nói. Nếu không sống ở Pháp thì khó có thể miêu tả hay về khát khao đi nghỉ của người Pháp vào tháng 8. Phải ngồi trong phòng làm việc khi gần như tất cả mọi người đều đi nghỉ, mới có thể thấy hết được những điều đó và người dịch có nhiều cơ hội truyền tải thông điệp tốt hơn. Dịch giống như là đi trên một con đường có nhiều cái bẫy và nếu mình đi nhiều, hiểu nhiều, có kinh nghiệm, có vốn sống, vốn văn hóa nhiều thì sẽ tránh được những cái bẫy đó. Nhưng không thể tránh được hoàn toàn. Thế cho nên, người dịch luôn luôn phải bổ sung kiến thức và dùng nó với một ý thức là mình có thể sai bất cứ lúc nào để tránh sai lầm.

 

 "C òn thiếu rất nhiều điều kiện cần cho việc hình thành
 một môi trường dịch chuyên nghiệp" - Ảnh: M.H


Công việc này cũng rất bạc bẽo. Dịch đúng là chuyện đương nhiên, dịch có sai sót, chưa tới, chưa đạt sẽ bị phê bình chỉ trích (nhiều khi với ác ý), thậm chí thân bại danh liệt. Trong tác phẩm dịch của bất cứ ai khi đặt lên bàn mổ xẻ đều có chỗ chưa đạt. Không có dịch giả hoàn hảo, ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng điều quan trọng là ý thức khắc phục sai lầm đó. Sống trong văn hóa Việt còn không thể hiểu hết văn hóa Việt nữa là văn hóa, ngôn ngữ khác. Gốc văn hóa, cách thức sử dụng tiếng khác nhau. Quan trọng là ý thức của người dịch chuyển thể như thế nào. Một nguyên tắc nữa là người dịch không bao giờ được ảo tưởng rằng vinh quang dành cho tác phẩm là của mình. Vinh quang ấy được dành cho tác giả chứ không phải dịch giả. Dịch giả không bao giờ là đồng tác giả.

PV:Vừa cho ra mắt cuốn sách dịch đầu tay, ngay lập tức anh đã gây được sự chú ý bằng một giải thưởng cao. Đây là một xuất phát điểm tương đối thuận lợi mà không phải người dịch nào cũng có được. Có bao giờ anh nghĩ mĩnh sẽ trở thành một dịch giả chuyên nghiệp ?

NĐT: Hiện nay ở Việt Nam ít dịch giả chuyên nghiệp mà chủ yếu là người dịch amateur. Amateur ở đây không có nghĩa là dịch ẩu, dịch bừa mà là dịch vì niềm đam mê chứ không coi nghề dịch là nghề kiếm sống. Tôi cũng là một người dịch amateur và tôi đến với nghề dịch vì yêu, vì đam mê và với tôi đam mê là điều quan trọng nhất. Hiện ở Việt Nam chưa có cái gọi là nghề dịch, thù lao hay nhuận bút thì rất thấp không đủ sống, cũng không có Hội nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho dịch giả, nguồn sách gốc cũng không dồi dào; người Việt Nam không có điều kiện du lịch ở nước ngoài nhiều, không mấy người học dịch được đi tu nghiệp ở nước ngoài, thậm chí một quyển Từ điển tiếng Việt hoàn chỉnh cũng chưa…như vậy còn thiếu rất nhiều điều kiện cần cho việc hình thành một môi trường dịch chuyên nghiệp.

PV:Anh nói rằng, mình đến với nghề dịch là do đam mê và lại muốn truyền những niềm đam mê đó tới cho nhiều người khác. Anh có dám bỏ hết mọi công việc hiện tại của mình để đi đến tận cùng của đam mê ?

NĐT: Tôi sẽ không làm vậy vì như thế rất ích kỉ. Người ta sống còn cho cả người xung quanh chứ đâu phải cho mình mình đặc biệt là người Việt Nam. Tôi còn có gia đình, và bạn bè. Có người bạn bảo tôi, đời người ta nên sống giữa một tam giác ba cạnh là bạn bè, công việc, gia đình. Đặt cái tôi ở chính giữa tam giác đó, để tạo ra sự cân bằng nhất định. Việc bỏ tất cả mọi thứ không đảm bảo cho mình một cuộc sống như mình mong muốn.

Một nghệ sĩ là người sinh ra để làm nghệ thuật, nếu như không làm không chịu được chính vì thế họ có thể bỏ tất cả để làm việc đó. Nhà văn không viết thì không thể chịu được, họa sĩ không vẽ không thể chịu được đó mới là những nghệ sĩ thực thụ. Nếu họ không làm mà vẫn chịu được thì không phải là nghệ sĩ hoàn toàn. Tôi có tư chất nghệ thuật nhưng không phải là một nghệ sĩ nên không thể bỏ tất cả để lao theo nó được.

 


 Nguyễn Đình Thành và con trai - Ảnh: M.H

PV:Dịch sách văn chương vì đam mê, cũng là người nhiều băn khoăn, trăn trở. Sao anh không thử trút những điều đó lên những trang viết ?

NĐT: Trong mỗi con người đều có nhu cầu để giải tỏa và bản thân tôi cũng thế. Tôi cũng đã viết ba truyện ngắn và có một số ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình nhưng cũng mới chỉ là phác thảo ý tưởng trên vài trang viết cho đỡ quên. Nhiều lúc bật máy định viết nhưng đọc Mi là người bình thường của bác Lê Đạt (nhà thơ Lê Đạt) thì lại thấy xấu hổ quá nên không viết nữa.

Tôi thấy, thay vì viết ra một cái gì đó chưa chín, chưa hay thì dịch tác phẩm hay của người khác để cho độc giả đọc. Những tác phẩm ấy sẽ mang lại hiệu ứng tích cực nhiều hơn.

PV:Suy nghĩ của những người học ngoại ngữ và có thời gian sống ở nước ngoài lạ lắm. Tôi thấy họ có những suy nghĩ rất hay, đặc biệt là khi họ viết văn. Có thể chỉ ra đây một số gương mặt như Thuận, Phan Việt… Tôi rất thích cách viết văn thông minh của họ, dù họ vẫn chưa thực sự có gì đột phá nhưng tôi tin trong tương lai, họ sẽ có những tác phẩm hay nếu tiếp tục đào sâu với nghề viết.

NĐT: Những người biết ngoại ngữ có điều kiện để đọc nhiều hơn những nguồn tri thức từ gốc. Những người đã đi du học có nhiều điều kiện tiếp xúc với một nền văn hóa khác nhưng điều này không có gì để khẳng định là họ sẽ viết tốt hơn. Họ có nhiều cơ hội hơn người không biết ngoại ngữ , còn để viết hay hơn thì không phải vì đó chỉ là điều kiện cần. Để viết hay còn cần đến tài năng văn học và rất nhiều yếu tố khác nữa.

(Còn nữa)

Tuấn Hải (Vietimes) thực hiện.

http://www.vietimes.com.vn/vn/nhietkevanhoa/5688/index.viet

 
Thứ Tư, 08/10/2008, 10:46 (GMT+7:00)

Tuổi Trẻ Cuối tuần

Thứ Năm, 02/10/2008, 07:21

Hai nửa của Thành

TTCT - Nếu trúng tuyển vào Đại học Mỹ thuật Vienne năm 1908, có thể thế giới sẽ có một họa sĩ Hitler tài năng thay vì trùm phát xít Đức quốc xã Adolf Hitler như lịch sử đã ghi lại - đó là giả thuyết mà Eric-Emmanuel Schmitt dựng lên trong cuốn La part de l’autre, bản dịch tiếng Việt do Nguyễn Đình Thành chuyển ngữ vừa bất ngờ được giải cao nhất về dịch thuật của Hội Nhà văn VN.

Thời gian đi làm phiên dịch cho các lớp dạy múa đương đại của Régine Chopinot tại Trường Múa VN, lớp dạy làm truyện tranh theo kiểu châu Âu của ông Gérald Godggide rồi chương trình múa đương đại của Ea Sola đã nhen nhóm tình yêu văn hóa trong con người Thành, giúp anh có những hình dung mơ hồ về sức mạnh của văn hóa. Cho đến khi anh bắt đầu vào làm tại L’Espace, anh mới bắt đầu nạp cho mình những kiến thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại.

Ngoài khoảng thời gian 40 giờ/tuần làm trợ lý văn hóa ở công sở, anh tham dự hầu hết những hoạt động văn hóa diễn ra ở Hà Nội và đọc rất nhiều sách liên quan đến nghệ thuật. Được tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa lớn như Festival Huế, Ngày hội âm nhạc hằng năm, Festival jazz châu Âu hằng năm, Liên hoan nghệ thuật đương đại Mùa xuân nước Pháp... cùng với kinh nghiệm phiên dịch ở L’Espace đã mang lại cho Nguyễn Đình Thành cơ hội du học tại nước Pháp. Cuối năm 2005, anh theo học khóa quản trị văn hóa tại Đại học Paris Dauphine (ĐH Paris 9).

Nền văn hóa Pháp có rất nhiều ảnh hưởng đối với Nguyễn Đình Thành. Giống như nhiều người trẻ khác, anh cũng hoang mang về chính mình và những giá trị văn hóa của người VN khi thấy mối quan tâm của người dân là làm sao kiếm được nhiều tiền chứ không phải là làm sao để có những giá trị tinh thần! Anh tự nhận rằng trong cách suy nghĩ của anh có tới 30% Pháp và chính phần Pháp đó giúp anh nhìn nhận cuộc sống đa chiều hơn. Anh bảo: “Tôi vẫn là người VN, nhưng nhờ cái 30% đó nên tôi nhìn văn hóa xã hội VN khách quan hơn”.



Nguyễn Đình Thành tự nhận mình là một người đam mê văn hóa. Tất cả những công việc mà anh đã trải qua đều gắn với niềm đam mê ấy. Anh tin rằng: “Khi đã đam mê rồi, người ta sẽ tìm được thời gian và năng lượng để theo đuổi niềm đam mê đó”. Năm 2005, một người bạn Do Thái học cùng anh tại Paris đưa cho anh cuốn La part de l’autre của Eric-Emmanuel Schmitt và nói với anh rằng: “Nó đã làm đảo lộn hết mọi ý nghĩ của tôi”.

Thành nghiến ngấu cuốn sách vì nó quá cuốn hút. Ngay sau khi đọc xong, anh tự hứa với mình sẽ mang cuốn sách này về VN và dịch ra tiếng Việt. Có đam mê, có quyết tâm và có cả tư duy làm việc khoa học, anh đã lập một bản đề cương cụ thể và chi tiết để thuyết phục nhà sách Nhã Nam ký hợp đồng dịch cuốn sách này với anh. Sau mười tháng, cuốn sách Nửa kia của Hitler ra mắt độc giả VN vào cuối năm 2007.

Khi tôi hỏi anh về giải thưởng của Hội Nhà văn dành cho Nửa kia của Hitler, anh nói anh rất vui và khá bất ngờ. Anh cho rằng: “Người dịch là người chia sẻ niềm vui và truyền tải thông điệp cho những người khác”.

Nguyễn Đình Thành đang làm giám đốc hình ảnh cho khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội. Ở vị trí của mình, anh có điều kiện để giới thiệu văn hóa VN với bạn bè quốc tế thông qua ẩm thực và các sự kiện văn hóa. Một ngày làm việc 10-12 giờ ở khách sạn, rồi thời gian dành cho vợ con, bạn bè, gia đình khiến anh không thể toàn tâm toàn ý cho tình yêu nghệ thuật như trước nhưng anh vẫn rất yêu thích nó. Hiện Thành đã hoàn thành bản dịch hai vở kịch của Eric-Emmanuel Schmitt là Người khách lạ và Trường học của quỷ và đang bắt tay dịch tiếp một tác phẩm nữa của Eric-Emmanuel Schmitt là Oscar và cô áo hồng, một vở bi hài kịch hiện đại rất gần gũi với văn hóa của người Việt.

Cùng một lúc đóng hai vai và ở vai nào cũng khá trọn vẹn, Nguyễn Đình Thành đang làm chủ được cả hai thứ: “thời gian và năng lượng”.

HẢI NGUYÊN

http://mobi.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=280825&ChannelID=119

 
PXN:NKCHL

Nguyễn  Đình Thành một cái tên mới mẻ và lạ lẫm đối với làng văn chương dịch cho đến khi Nửa kia của Hitler xuất hiện, nhanh chóng được giới thiệu trên nhiều tờ báo, và vượt qua hàng trăm sách dịch đạt giải thưởng sách dịch của năm 2008 của Hội Nhà văn Hà Nội. Nửa kia của Hitler dịch từ nguyên tác của tác giả Eric Emmanuel Schmitt dày hơn 600 trang, được giới phê bình văn học đánh giá là bản dịch có chất lượng, giới họa sĩ xem thuật ngữ hội họa trong bản dịch “rất chuẩn”, giới nhà binh xem thuật ngữ chiến tranh cũng như vũ khí là chính xác,... Để có những lời khen tặng đó, dịch giả chưa chuyên Nguyễn Đình Thành đã thực hiện công việc dịch như thế nào để có được những hiệu quả đó? Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa tác giả NĐT với PV, VNT xung quanh những “ứng xử” của anh để có được bản dịch Nửa kia của Hitler cũng như những trải nghiệm của anh đối với nghệ thuật đương đại.

Nửa kia của Hitler

1.    Được biết anh hiện là giám đốc quan hệ đối ngoại của khách sạn Metrolpole tại Hà Nội, và còn là một người yêu thích, có nhiều trăn trở với nghệ thuật đương đại, anh biết nhiều đến Hip-hop, nghệ thuật biểu diễn, cũng như hội hoạ ở Việt nam..., nhưng điều gì lại thôi thúc anh dịch tiểu thuyết?

Đó chính là niềm vui được chia sẻ với người khác cái hay cái đẹp. Có lẽ điều này đến từ ảnh hưởng của nghề dịch: tôi vốn được đào tạo để trở thành phiên dịch và cũng làm giáo viên trong một thời gian. Quyển sách chứa đựng nhiều suy tư về lịch sử của thế giới, của một dân tộc và của cả mỗi con người. Cá nhân tôi cũng thích viết và cũng đã viết nhưng đến truyện thứ ba thì dừng vì thấy cái mình định nói đã có người nói hay hơn mình, hiệu quả hơn mình nên nếu không viết hay hơn người ta thì dịch lại tốt hơn.

Nửa kia của Hitler là một cuốn tiểu thuyết suy tưởng nhưng đặt trong một bối cảnh lịch sử cụ thể đó là xã hội Đức những năm 30-40 của thế kỷ 20, với sự phân thân của nhân vật có thật ở trong thế giới nhà binh và trong thế giới hội hoạ, tâm lý nhân vật được đặt  trên nền tảng tinh thần của phân tâm học,... lần đầu tiên thực hiện công việc dịch, lại với một nguyên tác với bối cảnh truyện cũng như tính cách nhân vật, trạng thái tâm lý cùng hoàn cảnh hết sức phức tạp, hỗn độn,... anh đã thực hiện gỡ rối cho mình như thế nào đối với những sự kiện, chi tiết và nhân vật của tác phẩm trong quá trình dịch, thưa anh?

Thực ra trong chương trình học ở trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội đã có đủ cả các môn học vừa được nhắc đến. Ngoài ra, hai năm học sau đại học tại trung tâm CFIT - ĐH Ngoại giao giúp tôi đào sâu kiến thức và thêm đam mê với thời sự quốc tế và lịch sử nói chung. Khi bạn biết cách tìm thông tin mình cần ở đâu, công việc đã hoàn thành được một nửa. Tại CFIT chúng tôi được học cách tìm những thông tin mình cần ở đâu và như thế nào. Việc còn lại là tập trung làm việc nghiêm túc và hỏi người khác những điều mình chưa biết chưa hiểu.

2.    Khó khăn cũng như điều thú vị lớn nhất của anh khi thực hiện dịch tác phẩm này cũng như công việc dịch nói chung là gì?

Hồi năm thứ ba, tôi có làm một nghiên cứu khoa học về kiến thức ngoài ngôn ngữ trong việc hiểu và dịch các văn bản nước ngoài. Khi bắt tay vào dịch tôi thấy những vấn đề lý thuyết càng được sáng tỏ. Cái khó nhất là cái không phân tích được, không có trong từ điển, không có trên Internet và thậm chí không hỏi ai khác được ngoài chính tác giả.

3.    Anh có tiếp tục dịch và giới thiệu những tác phẩm, nhà văn nước ngoài tới độc giả Việt Nam trong thời gian tới không?

Hiện tôi vẫn đang tiếp tục làm công việc này với việc dịch một vở kịch dài, tôi hy vọng nó sẽ là ‘’quả bom tấn’’ của sân khấu kịch năm tới. Ngoài ra, tôi vẫn muốn tiếp tục dịch các tác phẩm khác của cùng tác giả. Đồng thời tôi cũng hy vọng tìm được nhà xuất bản – nhà tài trợ cho một cuốn sách tổng kết lịch sử mỹ thuật thế giới trong thế kỷ hai mươi. Có điều công việc này cần tới ít nhất ba người dịch cứng tay trong vòng một năm mới làm xong được.

4.    Và anh đã điều hoà công việc chính với công việc dịch tay trái như thế nào?

Rất khó khăn, công việc chính đòi hỏi bạn phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng một ngày. Ngoài ra, tôi cũng tham gia cùng một số người bạn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thành lập một quỹ Văn hóa. Chúng tôi sắp tổ chức hoạt động đầu tiên của mình. Nếu không có sự thông cảm của vợ con, sự giúp đỡ của gia đình hai bên chắc chắn tôi chẳng làm được cái gì trọn vẹn.

5.    Với những thành công nhất định của mình ở tác phẩm dịch đầu tiên, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với những dịch giả mới vào nghề?

Bản thân tôi cũng là người dịch mới vào nghề. Tác phầm Nửa kia của Hitler cũng không phải đặc biệt khó. Tôi chỉ nghĩ rằng để thành công người dịch nào cũng cần đam mê, nghiêm khắc với chính mình và cầu toàn. Cộng với ý thức làm việc chuyên nghiệp, bạn sẽ là một người dịch được trân trọng.