Nguyễn Đình Thanh- Thứ năm, 26 Tháng 11 2009 22:45 viettems PV: “Thế nào là bản sắc văn hóa Việt Nam?”

NĐT: “Thế nào là bản sắc văn hóa Việt Nam?” việc bạn đặt ra câu hỏi ấy đã chứng tỏ bạn là người Việt Nam và đó là bản sắc của bạn. Theo tôi, bản sắc là cái làm mình khác với những người khác. Chuyên gia về toàn cầu hóa, ông Dominique Wolton đã nhận định: Khi toàn cầu hóa càng phát triển, thế giới càng phẳng, thì người ta lại thấy phản ứng phổ biến của các cộng đồng là co mình lại để khẳng định bản sắc. Nước Mỹ rất đa dạng bởi các nhóm sắc tộc và họ ra sức bảo vệ điều đó trong sự đa dạng với những nhóm sắc tộc khác. Nhưng khi ra nước ngoài, họ lại thể hiện mình là người Mỹ trong cách ăn nói, suy nghĩ, uống nước... Đó chính là bản sắc của người Mỹ, cái làm họ khác những dân tộc khác cho dù họ có ý thức về điều đó hay không!


Có lần ở Pháp, khi ôm một cái cột trong một lâu đài xưa xem nó thế nào tôi chợt nghĩ: có bao giờ người Pháp, người Đức đặt câu hỏi: ''có phải cha ông ta mới là người nghĩ ra kiểu kiến trúc này chứ không phải người Ý, người Hy Lạp'' hay không, chắc chắn không vì với họ đây là một phần trong một công trình kiến trúc và nó đương nhiên là của họ. Kể cả người Ý, họ có bao giờ đặt câu hỏi đâu là phần Hy Lạp, đâu là phần La Mã trong văn minh Hy-La đâu. Đó chỉ đơn giản là văn hóa của họ. Cái đã được dân tộc họ chắt lọc đúc kết và bây giờ họ vẫn tiếp tục sử dụng nó. Quá trình giao lưu văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử đồng thời là quá trình tiếp biến, cải tiến văn hóa, Chữ Nho vào Việt Nam nhưng được cải tiến thành chữ Nôm thì chữ Nôm đó là di sản văn hóa của người Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải dừng việc tranh cãi cái đũa là của người Trung Quốc hay người Hàn Quốc mà cần nghĩ đến việc chúng ta tiếp quản, sử dụng và phát triển thành quả đó như thế nào cho đúng.


PV: Nếu xóa nhòa những ranh giới đó thì bản sắc văn hóa Việt Nam nằm ở đâu? Theo tôi, những nét tinh túy của văn hóa Việt Nam được cô đọng trong văn hóa làng xã. Cái bản sắc rõ nét nhất in dấu trên những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những thôn quê nhà tranh vách đất với những phong tục thuần Việt được gìn giữ nghìn đời nay?


NĐT: . Những nét tinh tế của văn hóa Việt chính là ở cách chúng ta ăn, cách chúng ta chế biến món ăn, cách chúng ta sống, cách nhìn nhận thế giới xung quanh. Văn hóa Việt là cách tổ chức ngôn ngữ là ca dao, tục ngữ, cách chúng ta ứng xử trong gia đình, với anh em, xóm làng... ngày nay, cách chúng ta phản ứng với thế giới quan hệ thống blog cũng là một bản sắc Việt.


PV: Blog- một sản phẩm của thế giới thời toàn cầu hóa?


NĐT: Đúng vậy. Nếu chúng ta sưu tập tất cả các blog viết năm 2007, một trăm năm sau đọc lại chúng ta sẽ nhìn thấy lịch sử của VN năm 2007 là gì chính xác là cái gì? Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều suy nghĩ của giới trẻ và nhiều người không còn trẻ Việt Nam nghĩ gì vê đất nước, nghĩ gì về thế giới, những sự kiện diễn ra hàng ngày vào cái mốc thời gian ấy...


PV: Không phải blog nào cũng khẳng định một sự thật!


NĐT: …Kể cả những hoang mang, chông chênh của thế hệ cũng là một sự thật của lịch sử


PV: Nhưng lịch sử phải chính xác ở sự kiện và con số?


NĐT: Blog là một trong những cứ liệu khẳng định lịch sử đó!


PV: Đó là quan điểm của anh về tinh hoa văn hóa Việt Nam. Vậy khi tiếp xúc với người nước ngoài, anh thấy họ cảm nhận về văn hóa Việt Nam như thế nào?


NĐT: Bất chấp những lời nói hoa mỹ, những cuộc vận động rầm rộ cho vịnh Hạ Long, những quảng bá cho cuộc thi hoa hậu thế giới sắp được tổ chức, những chuyến lưu diễn được ca ngợi… đáng tiếc là nhiều người nước ngoài chỉ biết đến Việt Nam như là một đất nước của chiến tranh. Một nghệ sỹ Việt Nam sang Copenhaghen biểu diễn kể đồng nghiệp người nước ngoài của anh đã hỏi: “Việt Nam nằm ở đâu? Việt Nam nằm ở phần nào của Trung Quốc? Việt Nam đã hết chiến tranh chưa?”. Nhiều người ngạc nhiên khi biết người Việt Nam đi xe Mercedes, BMW… Nhiều người khác chỉ biết đến Việt Nam qua những cánh đồng lúa thơ mộng, đàn trâu gặm cỏ, thiếu nữ tha thướt áo dài, nhạc cổ truyền, múa rối nước…Tôi nghĩ chúng ta cần làm nhiều hơn nữa và hiệu quả hơn nữa để làm cho người nước ngoài biết đến Việt Nam ở những khía cạnh đương đại với thực tế và sắc độ văn hóa xã hội khác nhau.


PV: Anh có thể cắt nghĩa rõ hơn về nhận xét này?


NĐT: Có thể tạm định nghĩa Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của ngày hôm nay, nói đến vấn đề của ngày hôm nay với những kỹ thuật được biết cho đến ngày hôm nay do một nghệ sĩ sống trong thời đại này sáng tạo sau một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài để tạo ra cái mới, cái độc đáo.

Những chuyển biến trong nghệ thuật Việt Nam những năm từ nửa sau thập kỷ 90 với việc nghệ thuật bước ra khỏi khuôn khổ bảo tàng, nhà triển lãm, mọi thứ đều có thể trở thành nghệ thuật miễn là có ý tưởng, không nhất thiết phải học đại học Mỹ Thuật mới được làm nghệ thuật, thực sự là bước chuyển lớn của nghệ thuật Việt Nam nói chung.
Những sáng tạo đầy tính cách tân (chỉ xin liệt kê một số người) của Trương Tân, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khánh, Streimatter Tran… trong mỹ thuật; của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Thuận…trong văn học; EA Sola, Lê Vũ Long, Hà Thế Dũng, Régine Chopinot, Trần Ly Ly, nhóm +84, Storm Robinzky trong múa; Vũ Nhật Tân, Trí Minh, nhóm “Dân ca miền không biết”, Kim Ngọc…trong âm nhạc; vở kịch "Chuyện người lính" của đạo diễn Braxin Marcia Fiani, vở xiếc “Làng tôi” của Rạp xiếc Trung ương kết hợp với các nghệ sỹ Pháp; Phan Huyền Thư, Phan Thị Vàng Anh, Bùi Thạc Chuyên và nhiều đạo diễn trẻ trong dự án Mười tháng mười phim ngắn trong điện ảnh v.v… theo tôi đã làm thay đổi diện mạo của nghệ thuật Việt Nam, nằm trong khái niệm nghệ thuật đương đại.


PV: Nghệ thuật đương đại ở ngay những vùng đất sản sinh ra chúng cũng bị coi là một “món ăn khó nuốt” với công chúng. Nhiều nhà phê bình phương Tây cũng cho rằng, sự đam mê với kiểu nghệ thuật này cũng là một thứ “giả đò” màu mè. Vậy giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới bằng nghệ thuật đương đại, liệu có phải là một cuộc chơi quá phiêu lưu?


NĐT: Cái khó của nghệ thuật đương đại là có nhiều tác phẩm gây sock và có nhiều nghệ sĩ quá chú tâm đi tìm cái đó. Chính vì thế công chúng hay có những định kiến và khó chịu khi tiếp nhận nghệ thuật đương đại. Nhưng nghệ thuật đa dạng vì nó đáp ứng những gu thưởng thức khác nhau. Không nên gò cái gây sốc, cái thể hiện thực tế một cách trần trụi không che lấp, cái tiên phong vào thang thẩm mỹ phổ cập. Trên đời không có một vẻ đẹp duy nhất. Vì vậy, chúng ta, mà trước hết là nhà quản lý và các cơ quan truyền thông phải có cái nhìn cởi mở về nghệ thuật đương đại từ đó phản ánh trung thực và khách quan hơn về loại hình này. Nghệ sĩ phải trau dồi vốn sống, kiến thức, đặc biệt là ngoại ngữ không chỉ ở mức giao tiếp để có thể giao lưu, tiếp nhận thời sự, đề cập đến những vấn đề mà nghệ thuật thế giới đang nói đến hay đang quan tâm tới.

Cần thiết phải thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để phổ biến văn hóa Việt Nam do những những người chuyên nghiệp, có tầm và chuyên môn về văn hóa phụ trách.

PV: Dù có đổ nhiều tiền vào công tác quảng bá, nhưng cái cốt lõi là tài năng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ mòn cụt, hoặc sao chép, bắt chước thì tác phẩm cũng không thể sống trong lòng công chúng. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã nhận xét về cơn bão “Hậu hiện đại” với các nghệ thuật sắp đặt, trình diễn…đang lôi kéo lớp trẻ vào trò chơi với nhiều tài trợ và các nguyên tắc nghệ thuật bị vứt bỏ nhanh chóng. Và ông liên tưởng đến một thứ văn hóa toàn cầu đơn điệu, giống nhau, chán ngắt như Mac Donald…Chúng ta có thể giới thiệu đến công chúng thế giới một thứ văn hóa toàn cầu như vậy?


NĐT: Nghệ thuật là tiếng nói của cá nhân mà trong cá nhân đó đã chứa đựng cái “tôi”, cái bản sắc của anh ta. Nhiều khi tôi rất dị dứng với những cái gọi là “bản sắc” Việt Nam. Chẳng lẽ cứ phải có con trâu, ruộng lúa, nón lá, áo dài…mới là tác phẩm mang bản sắc Việt Nam? Theo tôi, đó chỉ cần là tác phẩm của người Việt Nam, làm ra ở Việt Nam, thậm chí không ở Việt Nam nhưng “cội rễ” là của người Việt cũng đã mang bản sắc Việt.

Mỹ thuật đương đại Việt Nam hoàn toàn có thể nói chuyện một cách bình đẳng với công chúng và giới nghệ thuật thế giới với những người như Trần Trọng Vũ, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Lê Hồng Thái, Nguyễn Minh Phước... Nhạc sĩ Trí Minh sáng tạc nhạc đương đại biểu diễn ở Mỹ, Pháp và các liên hoan nhạc quốc tế. Những chuyến lưu diễn của Lê Vũ Long đã tìm được khán giả trong công chúng Mỹ. Các tác phẩm của EA Sola về cuộc sống đương đại Việt Nam được trình diễn ở một trong những nhà hát danh tiếng nhất của Paris và hai tuần trước khi diễn đã không còn một ghế trống. Rồi những nghệ sĩ múa như Hà Thế Dũng, Quách Hoàng Điệp, Nguyễn Văn Hiền, Phượng Hoàng, Tuấn Anh đều làm việc bằng tiếng nước ngoài, hưởng lương, bảo hiểm như những nghệ sĩ Pháp, biểu diễn ở những sân khấu sang trọng nhất nước Pháp

PV: Ai sẽ là người đánh giá những thành công của nghệ thuật đương đại Việt Nam và sẽ đánh giá dựa trên những tiêu chí nào?


NĐT: Giới chuyên gia nghệ thuật quốc tế và công chúng nói chung. Tôi có nói chuyện với một số họa sĩ có tranh triển lãm ở Hàn Quốc và họ nhận xét: Hàn Quốc phát triển như vậy nhưng nghệ thuật đương đại vẫn đi sau Việt Nam…Cứ ước chừng có khoảng 1 triệu trong số 60 triệu dân số Pháp là khán giả của nghệ thuật đương đại. Họ là ai? Đó là trí thức, nhà báo, nghệ sỹ, những người có học…đó là những người có góp phần hình thành trào lưu thẩm mỹ cho công chúng và dư luận xã hội. Nếu tác phẩm đương đại Việt Nam gây ấn tượng tốt cho số ít đó đã là một thành công trong việc phổ biến nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Pháp và tương tự như vậy ở Mỹ, Anh và Đức vốn là ba trung tâm nghệ thuật đương đại quan trọng nhất thế giới hiện nay.

Theo tôi, có lẽ phải có một “chủ nghĩa dân tộc” trong nghệ thuật đương đại. Không phải ngẫu nhiên mà tranh của người Trung Quốc rất được tôn trọng vì các nhà sưu tập Trung Quốc có thể bỏ ra đến 1 triệu đô la để mua một bức tranh của người Trung Quốc. Trong khi đó, người Việt Nam có thể bỏ hàng triệu đô la để mua ô tô, máy bay, nhưng có mấy ai bỏ ra 500 đô la mua một bức tranh? Nền nghệ thuật của một quốc gia mong muốn được tôn trọng thì trước hết nó phải nhận được sự trân trọng từ người dân quốc gia đó.


PV: Nghệ thuật đương đại Việt Nam sau một thời gian “phun trào” mạnh mẽ dường như đang bước vào thời kỳ “đóng băng”. Một loại hình nghệ thuật đã “mới lạ”, nay lại đang “đóng băng”, tức là không có những tác phẩm mới, những nghệ sĩ độc đáo có thể “đọ sức” với những nền nghệ thuật đương đại đã có tuổi đời gần một thế kỷ. Vậy trong tương lai, chúng ta sẽ quảng bá những hình ảnh nào của Việt Nam qua nghệ thuật đương đại?


NĐT: Bắt đầu mở ra từ những năm 1990, bùng nổ vào những năm 2000, hiện nay, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang chững lại. Các tác phẩm bây giờ không những phải mới, khác lạ mà còn cần phải có chiều sâu. Sự phát triển này có thể ví như một đứa trẻ con đang dậy thì. Những năm đầu phát triển rất nhanh nhưng mỗi năm về sau chỉ nhỉnh được một, hai cen ti mét. Số lượng người xem cũng không tăng lên nhiều. Tôi nghĩ đây là quá trình tích tụ để dẫn đến bước ngoặt.


PV: Sự chững lại này, phải chăng là do chúng ta vẫn chưa có những cá nhân thực sự xuất sắc, có bản lĩnh sáng tạo dựa trên một chiều sâu văn hóa lâu đời?


NĐT: Theo tôi, lỗi đó thuộc về giáo dục và môi trường xã hội. Chúng ta vẫn chưa thói quen đào sâu suy nghĩ và đi đến tận cùng vấn đề. Để vào được ĐH mỹ thuật Paris, thí sinh sau khi nộp tác phẩm nghệ thuật của mình sẽ phải trải qua một vòng phỏng vấn kiến thức lịch sử mỹ thuật và bảo vệ tác phẩm của mình. Khi vào được trường, sinh viên đã biết vẽ và hiểu lịch sử mỹ thuật, còn trong các giờ lịch sử nghệ thuật, họ được tập trung vào những chủ điểm do giảng viên lựa chọn. Sinh viên học theo xưởng chứ không chia lớp và ở đó họ được tự do sáng tác và có chính kiến bảo vệ tác phẩm của mình trước sự phê bình của người khác. Ở Việt Nam, cách đào tạo mỹ thuật vẫn bị “chê” là kinh viện, khép kín, sinh viên chưa cổ vũ hoặc không có dịp bảo vệ tác phẩm của mình trước những ý kiến trái ngược của thầy cô, giới chuyên môn, báo giớihoặc công chúng.



PV: Nếu phải làm một việc gì đó ở tầm vĩ mô, anh sẽ làm gì ?


NĐT: tôi nghĩ cần phải có một cuộc khảo sát toàn diện do ba nhóm chuyên gia thực hiện: một của Việt Nam (vì ta ở trong nhìn ra), một nhóm chuyên gia Pháp (nước bảo trợ văn hóa mạnh mẽ), nhóm thứ ba đến từ Mỹ (nơi mối quan hệ giữa các thể chế công và tư phối hợp rất năng động, hiệu quả).

Nếu đi vào các việc cụ thể, theo tôi phải bắt tay vào cải cách các thư viện, các viện lưu trữ, bảo tàng, những nhà hát…nâng hiệu quả sử dụng và tạo hình ảnh mới năng động cho những định chế ấy. Những trung tâm nghệ thuật liên ngành sẽ được hình thành trên một diện tích lớn bao gồm quảng trường, không gian nghệ thuật, viện bảo tàng, thư viện nghệ thuật mở tự do, không gian giáo dục mỹ thuật, hiệu sách, phòng chiếu phim, nhà hát, nhà ăn...Khách có thể ở đây từ sáng đến tối, sống trong một không gian nghệ thuật. Các loại hình sáng tạo ở đây sẽ góp phần định hướng cho công chúng trong thưởng thức nghệ thuật. Mô hình này đặc biệt phù hợp với Việt Nam nơi dân số trẻ chiếm đa số kém hiểu biết về nghệ thuật thậm chí không có nhu cầu thưởng thức

PV: Việc giới thiệu văn hóa đương đại Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian qua dường như chỉ nằm ở vai trò của các cá nhân hoặc một số tổ chức. Vậy theo anh, các định chế công nên phải làm gì để thúc đấy quá trình này?


NĐT: Theo tôi, qua các doanh nghiệp hoặc qua sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các định chế chính thức cần hỗ trợ mạnh mẽ các nghệ sĩ của mình như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đang làm. Cần có chính sách khuyến khích giảm thuế cho các nhà tài trợ nghệ thuật dù là doanh nghiệp hay cá nhân, tác động của chính sách này sẽ rất lớn. Hiện người ta có thể bỏ hàng trăm triệu tài trợ cho các chương trình ca nhạc, thời trang nhưng ít ai đi mua các tác phẩm nghệ thuật bày trong doanh nghiệp mình, để tặng cho bảo tàng hay tài trợ cho một nghệ sĩ trẻ, và ngay cả khi làm như vậy, họ cũng không được giảm thuế hay miễn thuế. Trong khi những việc làm như vậy lại rất phổ biến ở Pháp, Đức, Mỹ…Chúng ta cần tổ chức, phối hợp tổ chức các Festival nghệ thuật đương đại liên ngành, mời các nhà tổ chức, các nhà giám tuyển nối tiếng tham dự, qua đó nhờ họ quảng bá cho các nghệ sĩ đương đại Việt Nam…


PV: Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!


bài đăng trên tạp chí Tinh Hoa
 

Thứ bảy, ngày 04 tháng bảy năm 2009

Nguyễn Đình Thành, một cái tên mới mẻ và lạ lẫm đối với làng văn dịch cho đến khi Nửa kia của Hitler xuất hiện, nhanh chóng được giới thiệu trên nhiều tờ báo, và vượt qua hàng trăm sách dịch, đạt giải thưởng sách dịch năm 2008 của Hội Nhà văn Hà Nội. Nửa kia của Hitler dịch từ nguyên tác tiếng Pháp của tác giả Eric Emmanuel Schmitt dày hơn 600 trang, được giới phê bình văn học đánh giá là bản dịch có chất lượng, giới họa sĩ xem thuật ngữ hội họa trong bản dịch “rất chuẩn”, giới nhà binh xem thuật ngữ chiến tranh cũng như vũ khí là chính xác,... Để có những lời khen tặng đó, dịch giả chưa chuyên Nguyễn Đình Thành đã thực hiện công việc dịch như thế nào để có được những hiệu quả đó? Dưới đây là cuộc trò chuyện với tác giả Nguyễn Đình Thành (NĐT) xung quanh những “ứng xử” của anh để có được bản dịch Nửa kia của Hitler cũng như những trải nghiệm của anh để trở thành dịch giả trẻ nhiều triển vọng, trong dịp đầu năm mới.

T.N: Được biết anh hiện là giám đốc quan hệ đối ngoại của khách sạn Metrolpole tại Hà Nội, và còn là một người yêu thích, có nhiều trăn trở với nghệ thuật đương đại. Anh biết nhiều đến Hip-hop, nghệ thuật biểu diễn, cũng như hội hoạ ở Việt Nam... Nhưng điều gì lại thôi thúc anh dịch tiểu thuyết?
Đó chính là niềm vui được chia sẻ với người khác cái hay cái đẹp. Có lẽ điều này đến từ ảnh hưởng của nghề dịch: tôi vốn được đào tạo để trở thành phiên dịch và cũng làm giáo viên. Quyển sách chứa đựng nhiều suy tư về lịch sử của thế giới, của một dân tộc và của cả mỗi con người. Cá nhân tôi cũng thích viết và cũng đã viết, nhưng đến truyện thứ ba thì dừng vì thấy cái mình định nói đã có người nói hay hơn mình, hiệu quả hơn mình nên nếu không viết hay hơn người ta thì dịch lại tốt hơn.
T.N: Nửa kia của Hitler là một cuốn tiểu thuyết suy tưởng, nhưng đặt trong một bối cảnh lịch sử cụ thể, đó là xã hội Đức những năm 30-40 của thế kỷ XX, với sự phân thân của nhân vật có thật trong giới nhà binh và giới hội hoạ, tâm lý nhân vật được đặt trên nền tảng tinh thần của phân tâm học... Lần đầu tiên thực hiện công việc dịch, lại với một nguyên tác có bối cảnh cũng như tính cách nhân vật, trạng thái tâm lý hết sức phức tạp, hỗn độn,... anh
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, họa sỹ Lê Thiết Cương và Nguyễn Đình Thành trong buổi ra mắt sách tại TT Văn hóa Đông Tâyđã thực hiện gỡ rối cho mình như thế nào, thưa anh?
NĐT: Thực ra trong chương trình học ở trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, đã có đủ cả các môn vừa được nhắc đến. Ngoài ra, hai năm học sau đại học tại trung tâm CFIT - ĐH Ngoại giao, giúp tôi đào sâu kiến thức và thêm đam mê với thời sự quốc tế và lịch sử nói chung. Khi bạn biết cách tìm thông tin mình cần ở đâu, công việc đã hoàn thành được một nửa. Tại CFIT chúng tôi được học cách tìm nguồn thông tin. Việc còn lại là tập trung “cày” nghiêm túc và hỏi người khác những điều mình chưa biết chưa hiểu.
T.N: Theo anh cách viết của tác giả Schmitt có gì thú vị cũng như điều gì ấn tượng, ám ảnh anh nhất trong tác phẩm này của Smitth?
NĐT: Đây không phải là một tác phẩm khó đọc. Hầu hết các dữ kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời Hitler bạn có thể tìm thấy trong sách lịch sử, những chi tiết cảm động trong cuộc chiến thứ nhất như vào đêm Giáng Sinh, chẳng ai bảo ai, những người lính chiến ở hai bên cùng hát bài Đêm thánh vô cùng bằng tiếng của mình và tạm thời ngưng bắn giết, chi tiết con mèo sống cả hai bên chiến tuyến và làm bạn với những người lính hai bên, rồi những chi tiết rõ ràng như một bài giảng về phân tâm học, thần học,…đều không có gì mới. Cái hay là tác giả đã kết hợp các chi tiết ấy với nhau khéo đến nỗi người ta không nhận ra đó là kiến thức giáo khoa, thấy những chi tiết ấy hay quá, đời quá. Đó chính là cái tài của tác giả.
P.V: Khi quyển sách dịch ra đời anh có nhận được phản hồi nào thú vị từ phía độc giả- đồng nghiệp không ?
Các bác các chú và anh chị đi trước trong nghề dịch đều có lời chúc mừng tôi với giải thưởng đạt được. Tôi biết đó chỉ là bước mở đầu với mình. Về phía người đọc, rất nhiều người chia sẻ cái tứ của câu chuyện là đời có thể thay đổi từ những điều rất nhỏ. Cứ ‘’nếu…thì…’’ thì chẳng biết cuộc sống sẽ ra sao. Có những doanh nhân mà tôi gặp đã làm tôi bất ngờ khi biết họ vẫn dành thời gian đọc văn học, thậm chí đã ghi cả vào sổ tay những câu dịch mà họ tâm đắc. Hôm trước có một nữ doanh nhân thành đạt nói với tôi rằng, chị vốn là người học văn sau chuyển sang kinh doanh và rất thích câu sau trong quyển truyện: ở đời có kẻ khóc thì mới có người cười. Thực ra điều này rất đúng.
P.V: Anh có thể nói đôi chút về bìa sách?
NĐT: Có thể nói bìa của cuốn sách này là một sự xa xỉ. Không phải vì nó được in trên giấy đẹp mà là vì người vẽ đã bỏ công đọc từng chương, từng chương một của tác phẩm. Trần Trung Thành là một họa sỹ trẻ đã đạt giải đặc biệt của cuộc thi Ánh mắt trẻ do ĐSQ Pháp tổ chức. Anh đã vẽ sau khi đọc từng chương của tác phẩm. Tự tay đi tìm phông chữ của những năm 40 rồi tự vẽ tay lại, tự thiết kế. Bìa được gửi sang Pháp hỏi ý kiến của một số người đã đọc quyển sách rồi có chỉnh sửa lại và cuối cùng gửi sang Nhã Nam. Thành đã tặng tôi bức tranh gốc. Với tôi, đây là tác phẩm bìa đẹp nhất năm vừa qua về cả phương diện nội dung, thể hiện và tính marketing.
T.N: Khó khăn cũng như điều thú vị lớn nhất của anh khi thực hiện dịch tác phẩm này, cũng như công việc dịch nói chung là gì?
NĐT: Hồi năm thứ ba, tôi có làm một nghiên cứu khoa học về kiến thức ngoài ngôn ngữ trong việc hiểu và dịch các văn bản nước ngoài. Khi bắt tay vào dịch, tôi thấy những vấn đề lý thuyết càng được sáng tỏ. Cái khó nhất là cái không phân tích được, không có trong từ điển, không có trên Internet, và thậm chí không hỏi ai khác được ngoài chính tác giả.
T.N: Anh có tiếp tục dịch và giới thiệu những tác phẩm, nhà văn nước ngoài tới độc giả Việt Nam trong thời gian tới không?
NĐT: Hiện tôi vẫn đang tiếp tục làm công việc này với việc dịch một vở kịch dài, tôi hy vọng nó sẽ là “quả bom tấn” của sân khấu kịch năm tới. Ngoài ra, tôi vẫn muốn tiếp tục dịch các tác phẩm khác của cùng tác giả. Đồng thời tôi cũng hy vọng tìm được nhà xuất bản – nhà tài trợ cho một cuốn sách tổng kết lịch sử mỹ thuật thế giới trong thế kỷ XX. Có điều công việc này cần tới ít nhất ba người dịch cứng tay trong vòng một năm mới làm xong được.
T.N: Và anh đã điều hoà công việc chính với công việc dịch tay trái như thế nào?
NĐT: Rất khó khăn, công việc chính đòi hỏi bạn phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng một ngày. Ngoài ra, tôi cũng tham gia cùng một số người bạn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thành lập một quỹ Văn hóa. Chúng tôi sắp tổ chức hoạt động đầu tiên của mình. Nếu không có sự thông cảm của vợ con, sự giúp đỡ của gia đình hai bên chắc chắn tôi chẳng làm được cái gì trọn vẹn.
T.N: Với những thành công nhất định của mình ở dịch phẩm đầu tiên, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với những dịch giả mới vào nghề?
NĐT: Bản thân tôi cũng là người dịch mới vào nghề. Tác phầm Nửa kia của Hitler cũng không phải đặc biệt khó. Tôi chỉ nghĩ rằng để thành công, người dịch nào cũng cần đam mê, nghiêm khắc với chính mình, thậm chí đến mức phải cầu toàn. Cộng với ý thức làm việc chuyên nghiệp, bạn sẽ là một người dịch được trân trọng.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
http://sacviet.blogspot.com/2009/07/nguyen-inh-thanh-va-nua-kia-cua-hitler.html
 
Điều kỳ lạ giữa thủ đô
Trong vô số các địa điểm vui chơi thăm thú của người dân thủ đô, hầu như chẳng ai nhắc đến bảo tàng. Các bà mẹ ngày ngày lùng sục các điểm học hành, khai phá tri thức cho con cũng không bao giờ  nghĩ đến chuyện đưa con đến bảo tàng dù hầu hết trong số gần 20 bảo tàng của Hà Nội đều nằm ở những vị trí đẹp nổi bật.

Tính riêng tại Hà Nội, với chưa đầy 20 bảo tàng, con số này thực sự là không thấm tháp vào đâu so với một thành phố lớn với chừng 7 triệu dân. Đã thế, hiện trạng các bảo tàng ở VN lại đang rơi vào một tình cảnh là bảo tàng đã ít nhưng lại không hút khách, thiếu hấp dẫn và kém cạnh tranh. Ngoại trừ bảo tàng dân tộc học liên tục có những chương trình mới để kéo người xem tới với mình thì các bảo tàng khác phần đông luôn rơi vào tình cảnh chợ chiều.


  Nhìn vào bảng số liệu thống kê lượng khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, từ năm 2008 đến 2011 lượng khách liên tục giảm từ 167.000 xuống còn 73.000 người. Nhìn vào bảng số liệu thống kê lượng khách tham quan tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng thấy rõ điều này khi từ năm 2008 đến 2011 lượng khách liên tục giảm từ 167.000 xuống còn 73.000 người. Khi được hỏi lí do được lãnh đạo bảo tàng đưa ra là do các tour du lịch không kết hợp với bảo tàng nữa. Điều đáng buồn hơn, mỗi năm BTLS QG được nhà nước cấp kinh phí khoảng 13 tỉ đồng để chi trả lương cho cán bộ công nhân viên và các hoạt động nghiệp vụ khác và giao chỉ tiêu mỗi năm bảo tàng thu về 2 tỉ, nhưng bảo tàng cũng chỉ gần đạt được chỉ tiêu trên mà phần lớn thu được từ phí dịch vụ ngoài như cho thuê địa điểm mở dịch vụ nhà hàng chứ không phải từ tiền bán vé. Ngược lại với con số thu về này là con số đầu tư cho bảo tàng, theo ông  Phó Giám đốc bảo tàng, TS Vũ Mạnh Hà, năm 2011 số tiền đầu tư và chi phí hoạt động lên đến 43 tỉ đồng. 

Đã rất lâu rồi người ta không thấy sự xuất hiện của một cuộc triển lãm nào gây chú ý và thu hút nguời xem đông kỷ lục lên tới hàng trăm ngàn người như "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp 1975-1986" tại Bảo tàng dân tộc học cách đây năm 2006. Thành công của triển lãm này cho thấy vai trò quan trọng của những người tổ chức cũng như tầm quan trọng của việc quảng bá cho các hoạt động của bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử thi thoảng vẫn có những cuộc triển lãm hấp dẫn công chúng mà gần đây nhất là triển lãm Rồng trên cổ vật, nhưng tần suất không nhiều. Vấn đề là chúng ta đang có quá ít bảo tàng nhưng các bảo tàng hiện có vẫn chưa khai thác hết thế mạnh riêng của mình.
Hỏi ngẫu nhiên nhiều bậc phụ huynh, cùng một câu hỏi họ có hay cho con mình đến bảo tàng không? Câu trả lời đều có chung đáp án là không! Rất nhiều người thậm chí không hề nghĩ đến chuyện đến bảo tàng và gần như không ai còn nhớ lần cuối cùng mình đặt chân đến bảo tàng là từ khi nào. Thay vì cho con đến bảo tàng vào ngày lễ hay các dịp cuối tuần, nhiều vị phụ huynh chọn dẫn con đến một trung tâm thương mại để con có thể vui vẻ ở khu vui chơi, mẹ có thể đi shopping, bố có thể ngồi uống cafe và rồi cả nhà cùng vào xem một bộ phim hấp dẫn.

Không chỉ bán các món đồ phái sinh trực tiếp cho khách du lịch, các bảo tàng lớn mà cụ thể là The Metropolitan Museum of Art ở NY, British Museum hay Louvre thậm chí còn có một trang bán đồ lưu niệm riêng trên mạng cho khách du lịch khắp nơi trên thế giới đặt hàng.

The Metropolitan Museum of Art ở NY Các bảo tàng ngày càng thiếu sức cạnh tranh với các loại hình giải trí khác và dần dần càng vắng khách. Thiếu những chiến lược marketing chuyên nghiệp, thiếu những chương trình hấp dẫn, thiếu những sản phẩm văn hoá phái sinh chính là nguyên nhân dẫn đến cảnh người dân thì thiếu chỗ xem còn bảo tàng thì đìu hiu, thi thoảng chỉ rộ lên một lúc khi có chuyên đề mới. Bản thân các bảo tàng đã không theo kịp với sự phát triển của xã hội và tất yếu, nó bị tụt lại phía sau.

"Tôi nghĩ ta chỉ cần có thêm bảo tàng nghệ thuật đương đại nữa thôi, dù đã quá muộn nhưng vẫn nên làm. Vấn đề của chúng ta hiện tại không phải là việc tăng số lượng bảo tàng lên nữa mà là khai thác chúng tốt hơn, giải quyết những bảo tàng đang có. Bảo tàng dân tộc học là hình mẫu lý tưởng để khai thác dịch vụ phái sinh tốt cũng như liên kết giáo dục với các trường học. Bảo tàng mỹ thuật cũng phải đổi mình, nên cho các nghệ sĩ trẻ thuê nhiều hơn, giá rẻ hơn. Sản phẩm phái sinh phải làm thực sự và gắn với đặc trưng của từng bảo tàng bởi ở mình bảo tàng hiện nay chỉ có từng ấy thứ.

"Bảo tàng không chỉ là nơi thăm quan mà còn là nơi người xem giữ lại những kỷ niệm, lưu niệm gắn với bản sắc của bảo tàng ấy. Các sản phẩm phái sinh này hết sức quan trọng không chỉ với người trong nước mà còn với du khách nước ngoài. Khách đến thăm quan bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy ai cũng muốn có một chiếc huy hiệu có hình một tác phẩm điêu khắc cổ đại, đến bảo tàng Monet muốn mua một bộ lót cốc với hình những bức họa Ấn tượng nổi tiếng thế giới. Vậy mà hầu hết các bảo tàng của ta để ngỏ phần này khi chỉ bày bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ na ná nhau hay những cuốn truyện nước ngoài in lậu, giá rẻ", anh Nguyễn Đình Thành, Thạc sĩ Quản trị Văn hoá, ĐH Paris 9 (Pháp) nói.

"BTLS quốc gia xác định đây không chỉ là nguồn thu quan trọng mà còn đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách. Nhưng để thực hiện được việc này thì phải từng bước. Như các nước họ làm museum shop rất tốt, ở đó họ bán nhiều sản phẩm để phục vụ nhu cầu của khách thăm quan, trong đó họ lưu ý đến các sản phẩm gắn với thương hiệu bảo tàng. Nhưng để làm được như họ thì phải có đầu tư, nghiên cứu và các sản phẩm này phải đảm bảo được thương hiệu và chất lượng", TS Vũ Mạnh Hà cho hay.

Hoàng Vy - Huy Hoàng

 
Theo đề án quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng VN đến năm 2020, sẽ có nhiều bảo tàng lớn được xây dựng trong đó có BTLSQG. Đề án đã được phê duyệt 2005 và đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2006. Năm 2011 Thủ tướng ban hành nghị định thành lập BTLSQG trên cơ sở sát nhập BTCM và BTLS. BTLSQG là công trình quy mô lớn trong khu vực, được xây dựng ở tây Hồ Tây với diện tích 10ha, tòa nhà chính của công trình bảo tàng lên đến 9000m2. Công trình này đang trong quá trình lập dự án và dự kiến sẽ hoàn thành trong 5 năm tới. 
Những con số biết nói


Bảo tàng Dân tộc học VN được biết đến như bảo tàng hoạt động tốt nhất tại Hà Nội với những hoạt động và cách làm bảo tàng được đánh giá cao. Hàng năm theo chị An Thu Trà, phó phòng truyền thông và công chúng cho biết lượng khách đến đến bảo thời điểm năm 2006-2007 tăng vọt và từ đó đến nay bảo tàng luôn duy trì được lượng khách ở mức nửa triệu người mỗi năm.

Trong khi đó tại bảo tàng lịch sử Việt Nam số lượng khách ghé thăm tại bảo tàng chỉ đạt 73.000 vào năm 2011, tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam chỉ là 39.000 lượt khách.

Dựa vào số tiền mỗi vé thu được tại mỗi bảo tàng thì lần lượt Bảo tàng Dân tộc học thu được là 12,5 tỉ so với 780 triệu tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và 1,46 tỉ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam. Có thể sẽ chỉ cách tính tương đối nhưng dựa vào số liệu lượt khách chính xác có thể thấy sự chênh lệch khá lớn giữa một bảo tàng hoạt động tốt và một bảo tàng hoạt động vắng khách.


Hoàng Vy-Huy Hoàng
 
THAY LỜI BẠT

Eric-Emmanuel Schmitt (sinh 1960) thuộc số những nhà văn Pháp nổi danh nhất hiện nay. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn ba chục thứ tiếng. Ông viết nhiều, hiện là tác giả của gần hai mươi vở kịch, sáu tiểu thuyết, chưa kể những văn phẩm thuộc về các loại thể khác. Mới chỉ quen biết một phần sáng tác của Schmitt, xin nói đôi lời về vở kịch Người khách lạ (1993) đã mang lại tên tuổi quốc tế cho nhà văn này.

Người khách lạ thuộc loại kịch mà người phương Tây quen gọi là kịch/sân khấu trí tuệ. Cái định danh không đạt lắm này (kịch hay nào chẳng đầy trí tuệ?) thực ra chỉ một loại hình văn học sân khấu xác định, mà ở đấy người ta luận về cuộc sống nhiều hơn là tái hiện nó. Loại hình này thịnh hành đặc biệt ở Pháp từ những năm 30 thế kỷ trước, với những tác phẩm kịch gây tiếng vang lớn của Giraudoux, Anouilh, Sartre, Camus, sau đó là các tác gia của kịch phi lý (họ cũng luận về cuộc sống, chứ không tả chân nó như, thí dụ, Marcel Pagnol, người từng cùng với Ionesco giữ ghế trong Viện Hàn lâm Pháp).

Kịch trí tuệ thường mang tính ước lệ một cách không giấu diếm, thậm chí khiêu khích. Chẳng hạn, trong Ruồi của Sartre hý phỏng Orestie của Eschyle, nhân vật thần thoại Oreste cùng người bạn tri kỷ Pilade đáp máy bay trở về thành phố quê hương Thèbes bị kẻ thù chiếm đóng.
Hay trong Ác quỷ và Chúa Trời cũng của tác giả này, những nhân vật sống trong thời trung đại “ứng khẩu” bằng những trích dẫn quen thuộc từ các triết gia khai minh thế kỷ XVIII. Kịch Người khách lạ của Schmitt, luận về vấn đề có hay không Thượng Đế và nếu có thì chúng ta phải quan niệm thế nào về Ngài, cũng xây dựng trên một ước lệ không che giấu, một hư cấu giả tưởng từ đầu đến cuối, có điều hư cấu ấy lại được trình bày như một sự kiện đã xảy ra với một người là danh nhân thế giới tên tuổi lừng lẫy khắp năm châu mà tiểu sử đã được nghiên cứu xuôi ngược và các chuyên gia có thể nói chính xác vào ngày nào giờ nào ông ở đâu và làm gì. Người ấy là Sigmund Freud, và Người khách lạ trong kịch của Schmitt đã đến thăm ông một cách phi thường vào tối ngày 22 tháng Tư năm 1938, trong khoảng thời gian sau khi nước Áo bị quân đội Hitler xâm chiếm và trước ngày Freud rời bỏ đất nước đi lưu vong.

Freud trong kịch Người khách lạ, và đây là điểm khác biệt với các nhân vật sân khấu của Sartre hay Camus, không phải là một con người được khái quát hóa trong nhân tính phổ biến và chỉ mang cái tên riêng ước lệ quen thuộc. Không, trước chúng ta đúng là Freud như chúng ta biết qua những tác phẩm của ông và những tư liệu chính xác nói về ông. Và cả cô con gái không chồng của ông nữa – Anna Freud, sau khi ông mất đã tiếp tục sự nghiệp của thân phụ. Freud là một nhà khoa học duy vật và vô thần chủ nghĩa kiên định. Ông luôn luôn xem tôn giáo là một ảo tưởng, có hại như tất cả mọi ảo tưởng mà phải được trút bỏ, thay thế bằng tri thức khoa học, được kiểm định chính xác về thế giới và con người. Không giống nhiều nhà vô thần luôn phế truất Thượng Đế để đặt con người vào trị trí ấy, vị cha đẻ của phân tâm học quá tỏ tường tất cả các mặt tối thẳm sâu kín trong bản tính con người, nhưng ông tin tưởng vào trí tuệ của nó – cái trí tuệ không biết sợ, chỉ theo đuổi một mình chân lý ấy (Freud suy ta ra loài người!) sẽ giúp nó tự nhận chân đến cùng và trên cơ sở ấy mà kiềm chế, khắc phục những bản năng thú vật tăm tối phá hoại văn hóa, phá hoại xã hội loài người. Freud không chỉ tuyên tín chủ nghĩa vô thần mà còn dành nhiều công sức và thời gian để chứng minh nguồn gốc phát sinh thuần túy trần thế của tôn giáo, soi sáng nó dưới giác độ phân tộc học. Song là một nhà khoa học thực thụ, ông biết tôn trọng sự thật và thẳng thắn thừa nhận những gì trong hiện tượng tôn giáo mà khoa học của ông chưa giải thích được. Chẳng hạn, cái cảm giác về sự an toàn tuyệt đối, về sự được che chở bởi một sức mạnh vĩ đại không gì chiến thắng nổi mà chỉ tôn giáo, tôn giáo độc thần, mới mang đến cho con người. Về điều này, ông nói thẳng thắn trong công trình tôn giáo học cuối cùng của mình – Moise và đạo độc thần, đến tay người đọc sau khi Freud đã qua đời (tháng Chín 1939).

Trong vở kịch của Schmitt có nói đến công trình này. Người khách lạ, không mời mà đến báo trước cho Freud rằng mặc dù ông không còn sống được lâu nữa, ông sẽ hoàn thành tác phẩm còn dở dang này và sẽ công bố đúng dưới tiêu đề vừa dẫn (cái tiêu đề thích hợp mà cho đến lúc ấy Freud còn tìm kiếm và chưa nghĩ ra!). Những lời kỳ lạ ấy cùng với một loạt tình tiết khác không thể giải thích khiến Freud phải ngờ rằng vị khách hiện ra trước ông như từ không khí này không thể là ai khác ngoài Thiên Chúa. Cái tài của người viết kịch thể hiện ở chỗ những độc giả/khán giả hiểu biết Freud sẵn sàng tin rằng nếu rơi vào tình huống như thế thì Freud sẽ hành xử và nói năng đúng như thế, còn những ai sẵn sàng tin vào Thiên Chúa (như kẻ viết những dòng này chẳng hạn) thì cũng dễ bề tiếp nhận những lời của Người khách lạ nói với Freud như là những lời của một bậc siêu nhân. Chúng tôi sẽ không kể lại diễn biến của hành động kịch: nó được cấu tạo khéo, giữ người thưởng thức trong trạng thái căng thẳng cho đến cùng. Xin chỉ dừng lại ở hai nội dung trao đổi và tranh luận giữa hai nhân vật chính: Freud và Người khách lạ. Thứ nhất, vị khách ấy thấu suốt thâm tâm của nhà bác học vĩ đại, đặt tay lên ngực ông và nói: trái tim ông khao khát tin vào tôi nhưng lý trí ông không cho phép, mà như thế là không ổn. Cần phải xét lại cái quyền tối cao mà ông dành cho lý trí. Freud không tìm ra được lời lẽ để phản bác. Thứ hai, khi Freud sử dụng lập luận quen thuộc, thách thức vị khách của mình: nếu ông là Thượng Đế làm được mọi điều thì hãy chấm dứt ngay cái cảnh khủng khiếp, ghê tởm đang diễn ra ngoài đường phố: bọn quốc xã được trang bị đến răng đang đánh đập cặp nam nữ thường dân Do Thái. Người khách lạ trả lời: “Tôi không thể”. Freud thốt lên: “Ông toàn năng cơ mà!”. Xin dẫn nguyên văn đoạn đối thoại tiếp theo:

Người khách lạ. Sai. Kể từ khi ta cho con người tự do, ta đã mất toàn năng và sự có mặt khắp nơi. Ta đã có thể kiểm soát tất cả và biết trước tất cả những gì sẽ xảy ra, nếu ta đơn giản chỉ tạo ra những chiếc máy.

Freud.  Vậy tại sao ông lại sáng tạo ra thế giới này?

Người khách lạ. Vì cái lý do đã tạo ra những sự ngu ngốc dại dột, vì cái lý do khiến mọi sự sinh thành, không có nó thì sẽ không có cái gì hết… vì tình yêu.

(Người khách lạ nhìn Freud đang có vẻ bối rối.)

Người khách lạ. Đừng nhìn ta như thế, Freud của ta, anh không muốn thế phải không, anh không thích một Thượng Đế biết yêu thương? Anh thích một Thượng Đế trừng phạt, lông mày cuồng giận, trán cau, tay cầm lưỡi tầm sét? Tất cả các người, loài người, đều thích một người Cha khủng khiếp hơn là một người Cha yêu thương.

(Đến đây thì Người khách lạ quỳ gối trước Freud và nói tiếp: )

Và tại sao ta lại tạo ra các người nếu như không phải vì tình yêu? Nhưng các người không muốn thế, không muốn nhận lòng yêu mến của Thượng Đế, không muốn có một Thượng Đế khóc… một Thượng Đế khổ đau…

Ở đây, tác giả vở kịch đụng thẳng đến tâm điểm của cuộc tranh luận về sự tồn tại của Thượng Đế diễn ra đã nhiều thế kỷ ở phương Tây và phương Đông. Không nói đến đạo Hồi, ngay cả trong đạo Phật, một tôn giáo khởi thủy là vô thần, Đức Phật khi đã đắc đạo chính quả thì cũng trở thành toàn tri và toàn năng (Phật Bà Quán thế âm Bồ Tát của chúng ta chẳng nghìn mắt nghìn tay là gì?). Chưa toàn năng thì chưa phải là thánh thần tối thượng. Nhưng nếu đã thế thì vì sao vị thần nhìn thấy hết và có thể làm hết mọi điều ấy lại để cho thế giới mình tạo ra ngập ngụa trong tội lỗi và cái ác như thế? Tiếp lời Ivan Karamazov của Dostoievski và nhiều nhân vật văn học khác, Freud trong kịch của Schmitt suy kết: Thượng Đế hoặc bất lực hoặc là một ác ôn. Thế thì Thượng Đế ấy cần gì cho loài người? Câu hỏi này, mà thần học chính thống trong bằng ấy thế kỷ chưa bao giờ giải đáp được thỏa đáng, ám ảnh nhiều bộ óc xán lạn, không duy thần hẳn hoi, có điều họ trung thực với lương tâm mình. Một trong những trí tuệ như thế, triết gia Nga Nikolai Berdiaev (1874-1947) thú nhận trong sách Tự nhận thức của mình rằng điều ông lo sợ nhất là cuối cùng sẽ phát lộ ra một Thiên Chúa độc ác. Một nhà  tư tưởng Nga lớn khác, sống cùng thời với Berdiaev, Semen Frank (1877-1950) trong tác phẩm viết sau Chiến tranh thế giới thứ hai Ánh sáng trong bóng tối đặt vấn đề một cách uyển chuyển hơn, hữu lý hữu hình hơn. Ông nói: chúng ta, những con người, không thể sống mà không tin vào  Thiên Chúa chí thiện, toàn tri và toàn năng. Nhưng có thể, nơi Ngài, tình yêu mới là định tính cơ bản nhất và cần phải hiểu sự toàn năng của Thượng Đế trong quan hệ không tách rời với tình yêu? Nếu là thế, thì vẫn Thượng Đế toàn tri và toàn năng ấy có thể không “toàn mãn” tí nào (như thần học chính thống khẳng định), mà lại luôn luôn đau khổ và chia sẻ với các vật tạo những nỗi thống khổ của chúng. Rất có thể không phải một mình Frank suy luận như thế và cũng rất có thể là tác giả Người khách lạ, một tiến sĩ triết học, cũng thông tỏ và chia sẻ những suy nghĩ ấy. Nhưng suy nghĩ là một chuyện, truyền đạt những suy nghĩ tâm huyết bằng ngôn ngữ nghệ thuật lại là chuyện khác, không dễ dàng tí nào. (Trở lại với hình tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay: hình tượng có ý nghĩa tôn giáo tối quan trọng này hiện diện ở nhiều chùa chiền không chỉ ở nước ta, nhưng có lẽ đạt độ hoàn mỹ chỉ ở một nơi – chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh). Thành thử Người khách lạ trong kịch của Schmitt mới chỉ là kết quả chưa thật mỹ mãn của một thử nghiệm hình dung ra một Thượng Đế nhập thể thành người.  Nhân tiện nói thêm: trước Schmitt một trăm ba mươi năm, cũng Dostoievki ấy từng rắp tâm viết một tiểu thuyết mô tả Chúa Giêsu Kitô nhập thể một lần nữa, với tất cả các hệ quả phát sinh từ đó, nhưng ông đã nhanh chóng từ bỏ ý đồ này. Trong tiểu thuyết mà ông đã viết chỉ còn lại con người mang một vài nét phảng phất gợi liên tưởng với Kitô – công tước Myshkin. Còn trong kịch của Schmitt thì ta thấy nhân vật không phủ nhận mình là Thượng Đế, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong thể thống nhất, đã để mất không chỉ khả năng làm được tất cả, mà cả khả năng thấy biết tất cả. Về cuối kịch, khi Anna Freud tố giác nhân vật này từng theo đuổi nàng ngoài đường phố, anh ta chỉ biết ngạc nhiên chối: “Không, đấy là người khác, không phải tôi”. Anh ta thực sự không biết kẻ song trùng của mình là ai. Nếu đây vẫn là Thượng Đế thì đã rất khó nhận biết Ngài, Ngài đã nhân hóa quá triệt để. Vở kịch để lại ấn tượng hơi hàm hồ, như một trò chơi trí tuệ lúc nghiêm túc lúc bông phèng, song để công bằng cũng cần nói rằng ngay ở những đoạn bông phèng nhất Người khách lạ của Schmitt vẫn gây cảm tình cho độc giả/khán giả. Điều này chứng tỏ nhà văn Pháp tuổi còn trung niên này rõ ràng bận tâm chính diện chứ không phải phản diện với vấn đề tôn giáo và cố tìm những cách tiếp cận mới với nó. Bảy năm sau vở kịch này, Schmitt công bố tiểu thuyết Kinh phúc Âm theo Pilate khá độc đáo và không thiếu chiều sâu. Ở đây ông đưa ra những kiến giải của mình về Giêsu Kitô với các tông đồ của Người, về nhân vật lịch sử đã trở thành nhân vật của Kinh Thánh – Pontius Pilatus, về sự thắng lợi đáng ngạc nhiên của đạo Kitô giữa một thế giới đa thần giáo rất phức tạp v.v…

Có thể tranh luận với tác giả kịch Người khách lạ và tiểu thuyết Kinh Phúc Âm của Pilate về nhiều điều, nhưng không thể không thừa nhận rằng ông đã viết nên chúng với ý muốn nói lên tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề tôn giáo trong đời sống xưa kia, hôm nay và mai sau của loài người, muốn thu hút sự quan tâm của công chúng độc giả vào đây. Và việc những tác phẩm văn học ấy đang được đọc và bàn luận sôi nổi ở nhiều nước cũng là một điều đáng mừng.Nó chứng tỏ thời làm mưa làm gió của cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, với thái độ dửng dưng ghẻ lạnh của nó đối với những vấn đề cốt tử của nhân sinh, xem ra đã qua rồi và ngày nay nghệ thuật với nhân sinh lại thể hiện ý thức về sự cần thiết có nhau, cùng sống và nuôi sống nhau.

                                            P.V.C.

 
Mất nhiều tháng vật lộn với câu chữ để hoàn thành một cuốn sách dịch nhưng thù lao họ được nhận chỉ được được vài ba chục triệu đồng. Thu nhập của một tác giả có sách best-seller chỉ được xếp ngang với một người làm ruộng!

Dịch sách 1 năm rưỡi chỉ được 23 triệu đồng

Dịch giả Dương Tường chỉ được nhận 23 triệu đồng cho việc dịch toàn bộ cuốn Lolita.

Dịch giả Dương Tường, một trong những cây đại thụ của làng dịch thuật VN nói những người làm công tác dịch thuật không sống được bằng nghề và "mình say mê thì mình làm". Lolita, cuốn sách được nhắc đến rất nhiều thời gian gần đây đã lấy mất của ông khoảng thời gian thực tế là 1,5 năm nhưng dịch giả ngoài 80 tuổi này cũng chỉ được nhận 23 triệu đồng. Các cuốn sách dịch khác của ông không được trả thù lao cao như nhiều người tưởng. Duy chỉ cuốn Cái trống thiếc của Gunter Grass là ông được nhận thêm tiền tài trợ vài nghìn đô la từ một quỹ của Đức.

Nhà văn Di Li, một tác giả có thể nói là có nhiều đầu sách bán chạy ở nhiều mảng cho hay mức thù lao chị được trả cho 1 trang dịch khoảng 350 chữ là 60.000 đồng. Do vậy nếu làm việc liên tục như 1 công chức, ngày nào cũng dịch, đều đặn trong 2 tháng thì mới hoàn thành được 1 cuốn sách khoảng 500 trang với mức thù lao chừng 20 triệu đồng. Tuy nhiên với những sinh viên mới ra trường thì họ chỉ được trả chừng 30.000 đồng/trang. "Thù lao thấp nên đương nhiên mình phải làm những nghề khác nữa. Chẳng ai sống được bằng nghề viết cả. Những người sống bằng ngòi bút rất ít, các nhà văn triệu phú như Rowling chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Phạm Anh Tuấn, người dịch cuốn “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey cho hay anh chỉ được nhận khoảng hơn 30 triệu đồng thù lao cho cuốn sách dày hơn 400 trang này. “Dân chủ và giáo dục” là cuốn sách chuyên ngành cực khó, đòi hỏi người dịch phải có trình độ và nghiên cứu kỹ lưỡng. Khi được hỏi anh có sống được bằng nghề dịch không? dịch giả Phạm Anh Tuấn nói luôn: "Có ai sống được bằng dịch, thù lao thấp lắm".

Hai cuốn sách anh mới dịch vừa xuất bản là John Dewey Kinh nghiệm và giáo dục và John Dewey về giáo dục, có dung lượng lên tới 1000 trang cũng chỉ được trả chưa đến 50 triệu. Chính vì dịch sách nghiên cứu vất vả và được trả bèo bọt như vậy nên dịch giả Phạm Anh Tuấn, cũng như nhiều người khác phải dành thêm thời gian đi dịch tài liệu bên ngoài bởi theo anh "họ trả tiền nhiều hơn", không đòi hỏi nhiều về chất lượng, dịch nhàn hơn nhưng có thể trả từ 8-10 đô la (khoảng 200.000 đồng) một trang. Mặc dù vậy, cũng như nhiều người khác, Phạm Anh Tuấn vẫn dành thời gian để dịch các cuốn sách nghiên cứu chỉ vì "thích".

Cha anh, dịch giả Phạm Toàn cũng là một người dịch sách có tiếng. Cho đến nay ông vẫn được biết đến như là dịch giả được trả thù lao cao vào hạng nhất nhì khi cuốn "Nền dân trị Mỹ" mang về cho ông trên 100 triệu đồng. Đây được coi là con số mơ ước với bất kỳ dịch giả nào. Tuy nhiên, theo ông, vì đợt đó ông gặp may, giám đốc NXB Tri Thức lúc ấy là GS Chu Hảo đã muốn làm một phép thử xem các dịch giả có thể sống tốt được bằng công việc của mình không bằng cách ký hợp đồng trả cho ông 200.000 đồng trên mỗi trang dịch.

Tuy nhiên, để được hưởng mức thù lao này, ông mất tới 7 tháng để hoàn thành 2 tập với dung lượng lên tới trên 1200 trang của "Nền dân trị Mỹ", một cuốn sách rất khó của tác giả Alexis de Tocqueville. Theo dịch giả Phạm Toàn, ông được trả số nhuận bút cao như vậy là một may mắn vì về sau NXB hết tiền, các dịch giả được nhận 1/2, 1/3 số tiền như vậy đã là may. Thậm chí ngay với bản thân ông, nhiều tác phẩm còn bị các nhà xuất bản lờ tịt chuyện trả tiền tác quyền.

Joe Ruelle, một trong những tác giả có sách được xếp vào hàng "best-seller" ở VN với hai cuốn Tớ là Joe và Ngược Chiều Vun Vút cho biết nếu chia số tiền nhuận bút bằng thời gian đầu tư thì thu nhập trung bình hàng tháng lấy từ việc viết sách là khoảng 9 triệu đồng. Tính riêng cuốn Ngược Chiều Vun Vút thì có thể sẽ lên đến khoảng 15 triệu/tháng cho cả năm 2012, với điều kiện sách tiếp tục bán chạy.
"Tớ Là Dâu có giá rất rẻ, nhuận bút mỗi cuốn bằng cốc trà đá còn Ngược Chiều Vun Vút có giá vừa phải, nhuận bút bằng lon Coca", Joe nói. Cây bút người Canada này cho rằng thu nhập của nhiều các tác giả từ việc viết sách có thể so sánh với thu nhập của một người làm ruộng.

Chỉ sống bằng dịch thuật thì chỉ có nước chết đói!

Các dịch giả hiện chỉ được nhận vài chục ngàn đồng cho mỗi trang sách dịch, bất kể khó hay dễ.

Dịch giả Nguyễn Đình Thành, người dịch cuốn "Nửa kia của Hitler", giải thưởng văn học dịch Hội nhà văn HN 2008 cho biết thù lao anh nhận được rất thấp, chỉ 50.000/trang, số tiền này được NXB trả để mua đứt bản quyền của cuốn sách dịch này. Do vậy khi nhân lên, số tiền anh nhận được cho cuốn "Nửa kia của Hitler" không đáng bao nhiêu.

Thêm nữa các tác giả có sách bán chạy đều không được nhà xuất bản thông báo về việc sách của mình được tái bản lần thứ mấy và không phải ai cũng được trả đủ phần trăm lợi nhuận từ các bản sách bán ra như trong hợp đồng. "Ở VN không có hiệp hội dịch thuật nên chẳng ai bảo vệ ai. Với những người chỉ sống bằng dịch thuật thì chỉ có nước chết đói. Tôi thấy tiền trả cho những người làm nghề này quá bạc bẽo nên chỉ ai thực sự đam mê với việc dịch thuật thì mới theo nổi. Bởi dịch một cuốn sách cũng phải mất vài tháng đến 1 năm mà chỉ được 15-20 triệu đồng thì chỉ có những người chẳng cần tiền mà chỉ làm cho vui mới theo nổi", Dịch giả Nguyễn Đình Thành nói.

Lê Khánh Duy, người từng đứng ra tổ chức thực hiện, dịch thuật, đóng góp ý tưởng cho nhiều cuốn sách được chú ý như: "Bóng" - Tự Truyện Của Một Người Đồng Tính, Thaksin Shinawtra - Thương trường và chính trường, Steve Jobs - Sức mạnh của sự khác biệt... cho biết người kể chuyện của Bóng, cuốn sách từng được xếp vào hàng best-seller cũng chỉ được khoảng 20 triệu đồng, mức thù lao được cho là "quá bèo".

Bán khá chạy vào thời điểm phát hành nhưng Bóng cũng chỉ bán được chừng 8000-9000 bản, các cuốn best-seller ở VN tiêu thụ được chừng 10.000 bản rất ít. "Lý do các tác giả không được trả thù lao cao cũng dễ hiểu bởi sách lậu quá nhiều, sách thật vừa ra thì sách giả đã tràn lan. Ngành xuất bản nghèo, thiếu thốn tiền mặt, lợi nhuận ít thì lấy đâu ra tiền mà trả.

Các dịch giả đa phần đều được nhận số tiền bèo bọt dù đôi khi một trang sách có thể khiến họ trăn trở nhiều đêm. Do vậy, những người làm sách ngoài đam mê còn coi như một cuộc lấy danh", Lê Khánh Duy nói. Anh cũng cũng tiết lộ thêm, mức thù lao anh nhận được khi dịch cuốn Thaksin Shinawtra - Thương trường và chính trường chỉ có 9 triệu đồng.

Các tác giả best-seller trên thế giới giàu cỡ nào?

Obama có tiết lộ rằng hai cuốn sách "Dreams From My Father" và "The Audacity of Hope" đã từng cứu ông trong thời gian tài chính bấp bênh.

Trước khi theo đuổi sự nghiệp chính trị. TT Mỹ Obama đã phát hành cuốn tự truyện có tên Dreams from My Father: A Story of Race (Giấc mơ của cha tôi) vào năm 1995. The Audacity of Hope (Hy vọng táo bạo), cuốn sách thứ 2 của Obama ra mắt năm 2006 đã nhanh chóng giành vị trí số 1 trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất trên tạp chí New York Times và Amazon. NXB Crown/Three Rivers Press sau đó đã ký hợp đồng lên đến 1,9 triệu đô la với ông Obama để giành quyền xuất bản 3 cuốn sách của ông.
Obama có tiết lộ rằng hai cuốn sách "Dreams From My Father" và "The Audacity of Hope" đã từng cứu ông trong thời gian tài chính bấp bênh. Và không thể phủ nhận rằng một phần không nhỏ thu nhập của TT Obama đến từ doanh thu các cuốn sách. Trung bình cứ 60,000 đô la bán được từ sách, TT Obama được hưởng 10% doanh số, tức là khoảng 6000 đô la. Năm 2010, gia đình Obama kiếm được 1,73 triệu đô la, phần lớn từ doanh thu các cuốn "Dreams from My Father" and "The Audacity of Hope". Cuốn sách viết cho thiếu nhi "Of Thee I Sing: A Letter to My Daughters" được phát hành cách đây không lâu của Obama cũng lọt top best-seller.

Một cái tên không thể không nhắc tới là Stephenie Meyer, tác giả của "Chạng vạng",  loạt tiểu thuyết gồm 4 cuốn đã bán được hơn 100 triệu bản trên toàn cầu và được dịch ra 37 thứ tiếng. Nhà văn nữ 39 tuổi này liên tục trở thành tác giả có sách bán chạy nhất nước Mỹ 2 năm liên tiếp (2008, 2009) với tổng cộng 56 triệu bản sách bán ra. Thu nhập của Stephenie Meyer trong 2 năm 2008 và 2009 đạt 90 triệu đô la. Doanh thu từ sách cùng phần trăm lợi nhuận được hưởng từ loạt phim "Chạng vạng" đã mang đến cho Stephenie Meyer khối tài sản kếch xù.     

"Những người sống bằng ngòi bút rất ít, các nhà văn triệu phú như Rowling chỉ đếm trên đầu ngón tay".

J.K. Rowling, tác giả của loạt truyện “Harry Potter” cũng nhiều năm liên tiếp lọt top những nhà văn giàu nhất thế giới khi “Harry Potter” bán được 480 triệu bản (tính tới tháng 1/2011) trên thế giới, được dịch sang 67 thứ tiếng, trở thành series sách bán chạy nhất trong lịch sử.  Tính đến tháng 3/2011, Forbes ước tính tài sản của Rowling đạt khoảng 1 tỉ đô la, phần lớn đến từ loạt truyện “Harry Potter” và phần trăm lợi nhuận của loạt phim cùng tên. Harry Potter với 8 tập phim đã trở thành series phim ăn khách nhất mọi thời đại với doanh thu lên đến 7,7 tỉ đô la. Người ta ước tính thương hiệu Harry Potter có giá lên tới 15 tỉ đô la.

5/2010-4/2011, tổng thu nhập của 10 nhà văn có thu nhập cao nhất thế giới lên tới 84 triệu đô la.

Hạnh Phương

http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/69607/tac-gia-best-seller-co-thu-nhap-ngang-nong-dan.html

 
KINH DOANH Thứ hai, 25/7/2011, 16:09 GMT+7

Bệnh tật, độc hại, mất vệ sinh, giá cả leo thang đang là nỗi ám ảnh với người tiêu dùng, nhưng chúng lại được doanh nghiệp tận dụng triệt để khi quảng cáo, tiếp thị nhãn hàng mới.

Quảng cáo nhấn mạnh vào tính năng an toàn, vệ sinh và giá cả hợp lý đang là trào lưu, đặc biệt đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày. Các bà nội trợ chăm theo dõi quảng cáo không lạ gì với hình ảnh một cô gái đầy vi khuẩn trong miệng khi chưa sử dụng đúng kem đánh răng diệt khuẩn. Họ cũng dần quen với cảm giác rùng mình khi thấy hình ảnh chiếc thớt bẩn đến ghê người dùng để cắt tỏi, ớt, chanh pha nước mắm. Thậm chí một bà mẹ trẻ phải ôm con đến bệnh viện vì sử dụng sai hãng xà phòng…

Trước thông tin một số chất phụ gia có khả năng gây ung thư, nhiều công ty còn dốc tiền quảng cáo khắp nơi nhằm khẳng định sản phẩm của mình là không có thành phần độc hại. Mì Tiến Vua của công ty Masan không chứa transfat, chất bảo quản E102 hay mới đây là thạch rau câu không chứa DEHP là những trường hợp như vậy.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nắm được điều đó, ngày càng nhiều quảng cáo đánh vào yếu tố này. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc Nhẹ nhàng hơn, một số quảng cáo chỉ “dọa” về vấn đề tài chính. “Một hộp cam ép tương đương với 2,6 kg cam tươi” là thông điệp trong một đoạn quảng cáo được rất nhiều chị em quan tâm. Chị Vân, nhân viên văn phòng ở Hà Nội nhẩm tính, cam bây giờ cũng 40.000 đồng một cân. 2,6 kg là khoảng 100.000 đồng, chưa kể tiền đường đã thấy đắt gấp 3 mỗi hộp nước cam này.

Theo chị Vân, nếu đúng như nhà cung cấp đưa ra thì chỉ có những ai dại dột mới mua cam tươi. “Cứ xem quảng cáo đó nhiều, đâm ra mình bị ám ảnh mỗi lần đi chợ chọn cam, không biết mình có đang lãng phí không”, chị Vân bộc bạch.

Theo khảo sát của VnExpress.net, đa phần quảng cáo xây dựng dựa trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng đều nằm trong danh mục sản phẩm thiết yếu với đời sống con người song lại có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Hướng vào tâm lý lo lắng của người mua, họ khẳng định độ an toàn, lợi thế của sản phẩm hãng mình hơn những đơn vị khác.

“Bình thường tôi vẫn dùng thớt cắt ớt, thấy chẳng sao. Tự nhiên coi quảng cáo rồi lại đâm ra hoảng. Chẳng biết họ nói có thật không mà cứ như dọa mình”, bác Chiến (Kim Ngưu, Hà Nội) chia sẻ.

Bác Phạm Thị Thành (Đê La Thành, Hà Nội) tâm sự, bản thân gia đình bác và những người hàng xóm đều không thích những quảng cáo như vậy. Bác cho rằng, quảng cáo là để giới thiệu chứ không phải hăm dọa những ai không sử dụng sản phẩm. “Đâu đâu cũng phải nghe ăn cái này độc, uống cái kia hại nên quảng cáo không nên chỉ nhắm vào những gì người tiêu dùng sợ để khiến chúng tôi thêm lo lắng nữa”, bác Thành tâm sự.

Giám đốc truyền thông của Le Bros Nguyễn Đình Thành cho rằng, về bản chất, người làm quảng cáo đã làm đúng công thức mà họ được đào tạo để thu hút người tiêu dùng.

Song, anh Thành nhấn mạnh gốc của mọi quảng cáo vẫn phải là chữ tâm. Tức là các công ty cần xem xét việc làm của mình có tổn hại đến ai không. “Về tình, nếu được việc của mình mà tổn hại đến người khác thì không được làm. Về lý, chắc chắn pháp luật cũng không cho phép những quảng cáo dựa trên điều không có thật để thu hút, tăng doanh số. Đó là một phương pháp cạnh tranh không lành mạnh”, anh Thành nói.

Một chuyên gia về lĩnh vực quảng cáo và marketing lại cho rằng nếu có đầy đủ cơ sở thông tin thì các công ty hoàn toàn được phép. Bởi lợi dụng nỗi sợ hãi để quảng cáo cũng là một cách để tạo xúc cảm mạnh với người xem.

Trước những quảng cáo "gậy ông đập lưng ông" trong thời gian qua, chuyên gia này đưa ví dụ, nếu một người đưa ra cây gậy một cách thông minh thì anh ta mạnh, có quyền lực và được xem là thông minh. Ngược lại, nếu anh nói sai sự thật, cơ sở không vững chắc thì phải chịu hiệu ứng ngược, không những không thu hút mà còn mất lòng tin của khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các quảng cáo trái chiều nhau. “Có thể do họ lấy nguồn thông tin khác nhau song cũng không ngoại trừ khả năng cạnh tranh ko lành mạnh”, ông Hùng nói.

Tổng Thư ký hội cung cấp thêm, theo luật, trong những trường hợp, quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng, khách hàng có quyền khởi kiện đơn vị đặt quảng cáo. Còn đơn vị nhận quảng cáo sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới, trừ khi họ chứng minh được đã cố gắng làm mọi cách xác thực thông tin trước khi đăng tải.

“Trong cơ chế thị trường, hàng hóa phong phú, người tiêu dùng có quyền lựa chọn nhưng phải đối mặt với việc thông tin không thật chính xác. Vì vậy, khách hàng cần tỉnh táo, suy xét kỹ trước khi quyết định mua sản phẩm, lựa chọn dịch vụ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo.

Xuân Ngọc

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/07/kinh-doanh-dua-vao-noi-so-hai-cua-nguoi-tieu-dung/

 
GĐ đối ngoại KS Sofitel Métropole Hà Nội- Nguyễn Đình Thành:

“Văn hóa chắp cánh cho kinh doanh”

“Chính khách tham gia nghệ thuật, doanh nhân làm thơ và viết văn… không phải là hiếm và mới đây, một giám đốc tham gia dịch một cuốn tiểu thuyết đầu tay. Đây không phải là chuyện mới. Người dịch cũng không nghĩ là nghề tay trái hay làm cho vui mà anh đã dành nhiều tâm huyết với những thích thú say mê đến quên cả mùa… hè. Dịch giả cuốn tiều thuyết Nửa kia của Hitler đã dành giải thưởng văn học dịch của Hội nhà văn Hà Nội 2008.” Đó là Giám đốc đối ngoại Khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội- Nguyễn Đình Thành.

Đầu mùa đông, Hà Nội chớm lạnh. Cái lạnh se sẽ trên bờ môi thiếu nữ khiến cho người đẹp luôn tâm niệm và nhắc nhở phải giữ hình ảnh của mình. Khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội là như vậy- một giai nhân kiêu sa trong lòng thành phố. Bên ngoài khách sạn là cà phê La Terrasse du Métropole nằm ngay góc phố Ngô Quyền và Lê Phụng Hiểu. Không gian như "Paris thu nhỏ” khiến thành phố đẹp hơn bởi chốn này”.

Xứng với danh tiếng  

Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội có bao nhiêu giám đốc?

Tại ks hiện có hơn mười người có chức danh giám đốc và cao hơn, có thể kể ra một số bộ phận như giám đốc kinh doanh và tiếp thị, lưu trú, nhà hàng, kỹ thuật, nhân sự, tài chính…

Và công việc hiện anh đang làm tại khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội? 

Hiện tôi đang làm giám đốc đối ngoại tại khách sạn Métropole Hà Nội. Công việc chính là đảm bảo thông tin từ khách sạn đến được với công chúng một cách thông suốt và giữ vững hình ảnh của một khách sạn trăm năm tuổi, nằm trong tốp khách sạn hàng đầu tại châu Á. 

Khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội rất nổi tiếng, mỗi người khi được mời về làm thường có những tố chất kinh doanh cũng như tầm văn hóa. Với anh, ban lãnh đạo ở đây đã nhìn thấy ở anh những điểm gì nổi trội khiến họ phải mời? 

Cảm ơn anh. Tôi nghĩ đam mê công việc cộng với sự chuyên nghiệp là phẩm chất mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều trân trọng. 

“Anh theo học khóa quản trị văn hóa tại Đại học Paris Dauphine” (ĐH Paris 9).  Đây là cụm từ nghe khá lạ tai, ở VN lâu nay chỉ nghe quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Vậy quản trị văn hóa là gì thưa anh?

Hiện không có từ tương đương trong tiếng Việt nên tôi tạm dịch là quản trị văn hóa. Đây là chương trình thạc sỹ thiên về thực hành, chương trình học trải dài từ chính sách văn hóa, luật hành chính, tới quản trị festival, hãng phim, xuất bản hay luật bản quyền, hợp đồng, nhân sự… Nói chung là các kiến thức mà một nhà quản lý làm việc trong môi trường văn hóa cần biết. Giáo viên chỉ giảng lý thuyết một vài tiết còn lại, họ mời những người trong giới đến nói chuyện, giảng dạy.

Học thế thì cũng chỉ là học theo kiểu “bàn trà”?

Không hề, ví dụ như anh được giao tổ chức một festival, tất cả các khâu chuẩn bị, tính toán, kỹ thuật, hợp đồng, bảo hiểm, ăn ở cho các nghệ sỹ, các phương án bảo vệ,…đều phải được lên kế hoạch. Người duyệt kế hoạch của anh chính là giám đốc của festival mà anh đang lên kế hoạch trù bị. Người đó đã phải đối diện với các nhà đầu tư và tài trợ và khi anh trình bày kế hoạch của mình anh sẽ có cảm giác mình đang đứng trước một nhà đầu tư, tài trợ và nhà tổ chức. Cách học đó rất thực tế. Hoặc diễn giả có thể là một người làm việc cho trung tâm văn hóa Pháp tại Bắc Kinh đến để nói với anh về việc ông ta đã làm gì để phổ biến nhạc Pháp ở thành phố đó….

Cũng từ cách học trên anh đã có ít nhiều “bị” ảnh hưởng của người Pháp?

Thực ra khi bạn đã học và làm việc liên tục trong hơn mười năm bằng một thứ tiếng nước ngoài và tiếp xúc với người bản địa, dấu ấn của nền văn hóa những nước ấy sẽ ít nhiều hiện diện trong cách bạn suy nghĩ và ứng xử. Phẩm chất nổi trội ở nhiều người nước ngoài mà tôi đã tiếp xúc và làm việc cùng chính là tính chuyên nghiệp và sự cầu toàn.

Và ảnh hưởng đó trong anh có phải là cái “mở ngoặc” (chữ trong tiểu thuyết) để anh làm kinh doanh không?

Đi với bụt mặc cà sa…tôi rất thích câu nói ấy, trong kinh doanh, không chuyên nghiệp và cầu toàn bạn khó trụ lâu được.

Là phóng viên văn hóa nên tôi cũng hay qua L’Espace và đã nhìn thấy anh, cảm nhận của tôi, anh luôn có những “thảng thốt” nghệ sĩ không có tố chất kinh doanh. Vậy anh sang làm việc quản lý bên khách sạn tôi rất băn khoăn và tò mò liệu có phải anh đang mặc một cái áo quá rộng không?

Cảm ơn anh về nhận định hết sức tinh tế này. Tôi vốn được đào tạo để trở thành một phiên dịch hội nghị. Khi làm phiên dịch bạn nhận được inputs từ diễn giả, bạn có vài giây để xử lý thông tin và đưa ra quyết định. Đó là một nghề ‘‘nguy hiểm’’, nhiều áp lực nhưng thú vị. Kinh doanh, về bản chất cũng như vậy, nên tôi không gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang kinh doanh. Đặc biệt sau khóa học quản trị tại Pháp.

Quan niệm của anh khi bắt tay vào lĩnh vực kinh doanh kinh tế của một người làm văn hóa bấy nay?

Văn hóa chắp cánh cho kinh doanh, kinh doanh thành công giúp văn hóa trọn vẹn hơn.

Pháp là quê hương của Lão hà tiện. Là người tiếp xúc nhiều với doanh nhân Pháp, anh có nhận thấy điều đó không hay đó chỉ là văn học?

Tôi nghĩ ai cũng biết rằng làm kinh doanh không biết tiết kiệm là tự sát. Tiết kiệm và hà tiện hoàn toàn khác nhau. Hà tiện thì không thể vui sống mà người Pháp nổi tiếng là những người biết thưởng thức cuộc sống. Người Pháp tự hào vì nghệ thuật thực sự của Pháp chính là nghệ thuật thưởng thức cuộc sống. Chẳng có mấy dân tộc một tuần làm việc 35 giờ, một năm nghỉ ít nhất một tháng, có dịp là ăn tối cả bốn năm tiếng trời bàn luận chuyện trên trời dưới bể.

Sau cuốn tiểu thuyết Nửa kia của Hitler, anh đã hiện hữu trong làng dịch thuật và bây giờ anh có cảm giác rằng mình “mới là, và có thể là, sẽ là…” (chữ của Heidegger) một cái gì đó không thưa anh?

Tôi đã là một phiên dịch, giáo viên dạy dịch, biên dịch. Tôi cảm thấy hạnh phúc trên con đường này và sẽ tiếp tục theo đuổi nó.

Kinh doanh và dịch sách mất khá nhiều thời gian. Anh dành cho gia đình khoảng thời gan nào? Anh có đưa vợ con đi du lịch vào những ngày cuối tuần không? Và đi đâu?

Tôi gần như kiệt sức sau mỗi ngày làm việc và mỗi tuần làm việc. Thời gian rảnh chỉ có thể loanh quanh ở Hà Nội, chở vợ con đi bảo tàng, mua sắm một chút và ngủ.

Thú vui của một người kinh doanh

Người làm kinh doanh không thể chỉ làm một công việc đơn thuần mà luôn phải giữ thăng bằng và sắp xếp thứ tự trong muôn vàn công việc cần được phải giải quyết một cách hợp lý. Khả năng làm nhiều việc giúp bồi đắp tư duy thoáng đạt cho mình, điều này cũng chính là điểm hấp dẫn và thú vị từ công việc kinh doanh với vô vàn thách thức. Năng lực cá nhân này sẽ chuyển hoá và phản ánh vào năng lực của doanh nghiệp ở nhiều góc nhìn khác nhau. Trong cuộc sống kinh doanh hiện đại, chỉ biết và cố gắng làm tốt một công việc dường như không còn đúng nữa, đặc biệt với các doanh nhân- nghệ sĩ.

Anh mất bao nhiêu thời gian để dịch cuốn tiểu thuyết này?

Cả thời gian dịch và biên tập mất khoảng mười tháng. Tôi dịch vào hàng tối từ 10 rưỡi đêm đến 12h. Cuối tuần, lễ tết tìm cớ ngồi ở nhà để dịch.

Đọc Nửa kia của Hitler, chỉ thấy rằng đây là nhân vật đáng thương bởi tuổi thơ không được người cha yêu thương, bước vào đời thì thất bại và anh ta phải gồng lên trong cuộc sống với hiện thực “khắc nghiệt” (miếng cơm, nhà trọ…) và cuối đời thì đành chọn một cái chết vì thất bại… Đây có phải là cuốn sách biện minh cho Hitler không?

Không hề, cuốn sách chỉ ra rằng kết cục của Hitler là do chính những sự lựa chọn của y mà ra. Nếu đổ cho số phận làm cho cuộc đời Hitler thê thảm như vậy thì mới có thể nói cuốn sách biện minh cho Hitler. Trong thực tế, cuốn sách khẳng định điều ngược lại. Nhiều người có tuổi thơ đáng thương, thất bại trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng thành người xấu. Người đọc có thể thấy rằng nếu mình lúc nào cũng khăng khăng cho mình là đúng (như Hitler), nếu cứ nhồi vào đầu mình những ý nghĩ đen tối, những tình cảm tiêu cực thì rốt cuộc mình sẽ thành một cái ao tù nước đọng như Hitler. Chính Hitler đã chọn đi con đường ấy nên kết cục của y là như vậy.

Theo đó, cái mà được ấn định trong mỗi cuộc đời con người đó là nhận ra thiên hướng của mình, cái giá trị của mình để theo đuổi. Trong mỗi con người đều có Hitler, nhưng hoàn cảnh không giống Hitler, nên chỉ có một Hitler còn lại là chúng ta phải không anh?

Hitler không phải là biểu tượng của cái Ác, y chỉ là biểu hiện của cái Ác nên khó có thể nói trong mỗi con người đều có Hitler. Như cuốn sách đã nói : “Con người là gì? Con người được hình thành từ một loạt sự chọn lựa và hoàn cảnh. Không ai làm gì được hoàn cảnh, nhưng ai cũng có quyền chọn lựa’’. Cái làm nên Hitler không chỉ có hoàn cảnh.

Trong phần giới thiệu sách, anh đưa phần cảm tưởng của tác giả: “Kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình. Con người cần phải cảnh giác với chính con người”. Xin anh giải thích hộ tôi về “kẻ thù” và “cảnh giác”?

Trong truyện có đoạn: đứa bé “hiểu rằng con quái vật không phải là một sinh vật khác nó, không thuộc về loài người, mà quái vật là một sinh vật như nó nhưng đưa ra những lựa chọn khác nó. Từ hôm ấy, đứa trẻ sợ chính mình, nó biết rằng nó đang sống chung với một con thú hung bạo và khát máu, nó mong giam con vật ấy trong lồng suốt cuộc đời’’. Điều này không mới, Đức Phật cũng dậy như vậy. Tuân Tử thậm chí đã nói ‘’nhân chi sơ tính bản Ác’’. Phân tâm học cũng nhắc đến phần tăm tối trong mỗi con người. Chính tiếng Việt ta cũng nói “con người” gồm “con” và “người”. Mỗi khi có ai làm điều Ác chúng ta lại nói “thú tính” trong người y hoặc thị đã trỗi dậy. Như vậy ai cũng có thể làm điều Ác nếu ta không cẩn thận với chính mình.

Và tôi tự hỏi rằng nếu cứ sống với một “kẻ thù” (chính mình) và sống trong cảnh giác (với chính con người) như thế thì quá mệt?

Người ta không bị bắt buộc phải nghĩ đến ‘’kẻ thù’’ và ‘’cảnh giác’’ 24/24, 7 ngày/7 (cười).

Và ý nghĩ của tôi

Thời gian đi làm phiên dịch cho các nghệ sĩ múa đương đại: Régine Chopinot, Ea Sola giúp anh có những hình dung mơ hồ về sức mạnh của văn hóa. Cho đến khi vào làm tại L’Espace, anh mới bắt đầu nạp cho mình những kiến thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại. Cùng với kinh nghiệm phiên dịch ở L’Espace đã mang lại cho anh cơ hội du học Pháp. Cùng thời gian đó, một người bạn Do Thái học cùng, cho anh cuốn La part de l’autre của Eric-Emmanuel Schmitt và nói với anh rằng: “Nó đã làm đảo lộn hết mọi ý nghĩ của tôi”.

Với Nửa kia của Hitler anh thấy mình thấm nhuần điều gì nhất từ tiểu thuyết này?

Không nên để những tình cảm tiêu cực chi phối mình bởi chúng làm mọi chuyện xấu đi. Thứ hai là, trong mỗi người đều có phần của mình và phần của kẻ khác (xã hội), nếu không để phần của kẻ khác vào mình và không chia sẻ phần của mình cho người khác, cuộc sống sẽ trở nên đen tối. Thực vật còn trao đổi với môi trường, không lẽ con người lại khép mình lại?

Và qua đây thấy rằng Hitler có cái tôi không?

Có chứ, cái tôi của Hitler quá lớn, như một cái bọc ung thư, hút hết dưỡng chất trong người hắn để rồi vỡ tung làm y chết. Nếu có thể so sánh thì Hitler bị ung thư tâm hồn.

Có giai đoạn nào đấy trong cuộc đời anh,, anh thấy mình giống Hitler trong tiểu thuyết?

So sánh ai đó với Hitler là chuyện không nên làm. Có rất nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống và đã cố gắng vươn lên để thành công, có thành công được ca tụng, có thành công bị phỉ nhổ vì đã chống lại lợi ích của cộng đồng, chống lại loài người, của thiên nhiên.

Kinh doanh là gắn với hóa đơn lợi nhuận, dịch sách gắn với câu chữ và mơ mộng, dường như 2 lĩnh vực này mâu thuẫn hoàn toàn ngược với nhau? Anh có thấy như vậy không?

Không hẳn vậy. Để kinh doanh, người ta ta chạm, tiếp xúc nhiều và phải ra quyết định sau khi đã đàm phán, tính đến nhiều phương án, thỏa hiệp hoặc căng thẳng. Với tôi, kinh nghiệm trong kinh doanh giúp việc dịch sách trở nên hiệu quả hơn, tính tổ chức cao hơn.

Trong thời gian tới, anh sẽ gắn bó với kinh doanh lâu hơn hay sẽ chuyển sang dịch thuật?

Tôi sẽ làm cả hai chừng nào còn có thể.

Tiếp xúc với văn hóa và xã hội Pháp, anh sẽ có cái nhìn và cách nhìn khác hẳn với những người không được đi ra nước ngoài. Theo anh muốn giới thiệu hình ảnh VN chúng ta cần làm gì?

Tôi chỉ nhận xét ở vị trí một cá nhân. Ở Việt Nam, chưa bao giờ người ta không quan tâm đến văn hóa. Chưa bao giờ các định chế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp văn hóa lại nhiều đến thế. Các chương trình, hoạt động văn hóa được tổ chức  càng ngày càng nhiều, địa bàn ngày càng rộng. Sự phát triển của Internet, truyền hình và thậm chí cả báo giấy càng làm cho văn hóa được phổ biến nhanh hơn rộng hơn. Dấu chấm hỏi được đặt cho nhận định: liệu sự phát triển ấy có sâu hơn, thực chất hơn? Tôi không có câu trả lời. Những tranh luận về văn hóa có chiều sâu có nhiều hơn trong những diễn đàn nhỏ lẻ trên mạng. Văn hóa pop, văn hóa sến tràn lan và nhiều khi bị đánh đồng với văn hóa cao cấp. Ở ngoài nước, chúng ta mới chỉ được biết đến như một đất nước giỏi trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mỹ thuật đương đại, múa đương đại và thậm chí cả văn học đương đại của chúng ta đang có một chỗ đứng chênh vênh trên bản đồ nghệ thuật thế giới và khu vực. Nếu muốn phát triển hình ảnh một Việt Nam năng động, cần đầu tư nhiều hơn vào nghệ thuật đương đại. Chỉ trông chờ vào nhà nước thì không nên và không đủ. Phải có sự tham gia của các doanh nghiệp và doanh nhân. Bảo trợ văn hóa chính là điểm nhấn tạo sức bật cho nghệ thuật Việt Nam đương đại. 

Xin cảm ơn anh! 

BOX

BOX 1: Hàng năm, tạp chí Business Traveller Asia Pacific là một trong những tạp chí du lịch dành cho doanh nhân có uy tín nhất tại châu Á – Thái Bình Dương mở cuộc trưng cầu ý kiến độc giả trên toàn thế giới nhằm lựa chọn ra những thương hiệu khách sạn, các hãng hàng không tốt nhất trong khu vực, như một lời gợi ý dành cho các thương gia trước mỗi chuyến đi. Và vừa qua, Sofitel Metropole Hà Nội một lần nữa được vinh danh “Khách sạn dành cho thương gia tốt nhất Hà Nội năm 2008”. Đây là lần vinh danh thứ 8 của khách sạn này.

BOX 2: Tôi muốn dịch một cuốn sách nữa của tác giảEric-Emmanuel Schmitt là cuốn Oscar và bà áo hồng nhưng không có thời gian. Trong hè vừa rồi, thay vì đi nghỉ thì tôi đã ở nhà dịch hai vở kịch của Eric-Emmanuel Schmitt mà tôi rất thích. Schmitt là tác giả kịch nổi tiếng ở Pháp và Bỉ, tôi cũng đang liên hệ với một số nhà hát để giới thiệu với họ. Tôi cũng ưu tiên việc đọc sách bằng tiếng Anh. Gần đây có gặp một vở kịch do chị Chiều Xuân giới thiệu, thấy nó tuyệt quá tôi đã nhận lời dịch với chị. Đây là một vở bi hài kịch hiện đại rất tuyệt vời. Nó hấp dẫn và khá phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng để vở kịch có thể ra mắt trong thời gian sớm nhất (Theo phongdiep.net).

Nhật Ninh thực hiện

Bài 3.141 chữ

Chú thích ảnh:

 

 
Nguyễn Đình Thành – Dịch giả cuốn "Nửa kia của Hitler":

Bài 2: "Dịch là một nghề đầy thách thức và bạc bẽo"

Thứ năm, 25/9/2008, 07:00 GMT+7

Dịch giống như là đi trên một con đường có nhiều cái bẫy và nếu mình đi nhiều, hiểu nhiều, có kinh nghiệm, có vốn sống, vốn văn hóa nhiều thì sẽ tránh được những cái bẫy đó. Nhưng không thể tránh được hoàn toàn. Thế cho nên, người dịch luôn luôn phải bổ sung kiến thức và dùng nó với một ý thức là mình có thể sai bất cứ lúc nào để tránh sai lầm.

PV:Tôi được biết rằng anh học tiếng Pháp tại ĐG Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó học chương trình đào tạo biên phiên dịch CFIT tại Học viện Quan hệ quốc tế. Trước đây, anh làm phiên dịch cho rất nhiều dự án nghệ thuật tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace. Nhưng hầu hết bạn đọc mới chỉ biết đến anh thông qua Nửa kia của Hitler với tư cách của một dịch giả. Anh thấy hai công việc phiên dịch và biên dịch thế nào ?

NĐT: Thực ra công việc của tôi được đào tạo là phiên dịch chứ không phải là biên dịch. Tôi cũng không nghĩ mình sẽ thành người biên dịch vì tôi không nghĩ mình sẽ ngồi một chỗ và làm công việc quá tỷ mẩn về từng con chữ. Nó không phù hợp lắm với tính cách ưa dịch chuyển của tôi. Công việc của người phiên dịch là đón nhận thông tin nhanh nhất và chuyển tải chính xác nhất từ ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác trong thời gian thực tại, trước mặt người nói, người nghe. Người đối thoại ngồi ở đó nên không hiểu thì họ có thể hỏi lại ngay. Trong khi đó, công việc biên dịch chỉ có một mình người dịch ngồi trước cuốn sách sau đó độc giả mới được đọc bản dịch của họ. Độc giả không thể hỏi được hoặc đoán được ý của những đoạn tối nghĩa hay những đoạn không hiểu. Công việc phiên dịch nhanh hơn nhưng có lợi thế là dịch xong quên ngay thông tin cũ để đón nhận thông tin mới trong khi đó với biên dịch thì bản thảo lúc nào cũng ở trước mặt và đến lúc nào mình chưa tìm được từ, ngữ, câu gần với ý tác giả nhất và dễ hiểu nhất với độc giả thì lúc đó mình chưa yên tâm. Chính vì thế trong biên dịch có chuyện cứ đau đáu mãi về một câu, một chữ làm sao để dùng cho “đắt” nhất. Khi nào mình tìm được một từ mà mình thấy quá đúng với điều tác giả muốn diễn đạt trong tác phẩm gốc thì mình mới thỏa mãn.

 

 Nguyễn Đình Thành: "Dịch là một nghề đầy thách thức và bạc bẽo"
Ảnh: M.H


Có những cuộc tìm kiếm không bao giờ có đích, có những giải pháp chỉ là tình thế và khó có thể tìm được cái như cái tác giả muốn nói và nhiều lúc mình phải chấp nhận điều đó. Phiên dịch thì có thể diễn giải đến khi độc giả hiểu còn biên dịch thì không thể diễn giải bằng ngôn ngữ của mình được. Tôi chưa giờ nghĩ mình sẽ làm biên dịch cả. Nhưng tôi có một điểm không biết là mạnh hay yếu là sống rất nhiều bằng đam mê. Khi đã đam mê rồi, người ta sẽ tìm được thời gian và năng lượng để thực hiện đam mê đó.

PV:Anh ý thức thế nào về công việc dịch của bản thân mình ?

NĐT: Người dịch là người chia sẻ niềm vui. Mình được học là để truyền tải thông điệp cho những người khác. Có những thứ mình thấy hay quá và mình muốn chia sẻ nó cho tất cả mọi người để làm cho cuộc sống tốt hơn. Công việc dịch cũng như thế. Tôi vốn là dân phiên dịch nên có một cảm nhận rất khác về chữ nghĩa. Mỗi con chữ không phải là một lời nói bình thường mà qua đó chúng thể hiện nhân sinh quan của một con người, một dân tộc.

PV:Sự thành công đột ngột dễ làm cho dễ làm cho con người ta ảo tưởng về mình. Bản thân anh thì sao ?

NĐT: Nghề dịch đầy thách thức và nguy hiểm đặc biệt là biên dịch. Thách thức là thời gian và công sức đầu tư cho nó rất nhiều nếu như đó là người dịch có tâm huyết nhưng thù lao nhận được lại rất thấp so với sức lao động họ bỏ ra. Nó nguy hiểm vì rất khó để có thể chuyển tại trọn vẹn điều tác giả muốn nói. Nếu không sống ở Pháp thì khó có thể miêu tả hay về khát khao đi nghỉ của người Pháp vào tháng 8. Phải ngồi trong phòng làm việc khi gần như tất cả mọi người đều đi nghỉ, mới có thể thấy hết được những điều đó và người dịch có nhiều cơ hội truyền tải thông điệp tốt hơn. Dịch giống như là đi trên một con đường có nhiều cái bẫy và nếu mình đi nhiều, hiểu nhiều, có kinh nghiệm, có vốn sống, vốn văn hóa nhiều thì sẽ tránh được những cái bẫy đó. Nhưng không thể tránh được hoàn toàn. Thế cho nên, người dịch luôn luôn phải bổ sung kiến thức và dùng nó với một ý thức là mình có thể sai bất cứ lúc nào để tránh sai lầm.

 

 "C òn thiếu rất nhiều điều kiện cần cho việc hình thành
 một môi trường dịch chuyên nghiệp" - Ảnh: M.H


Công việc này cũng rất bạc bẽo. Dịch đúng là chuyện đương nhiên, dịch có sai sót, chưa tới, chưa đạt sẽ bị phê bình chỉ trích (nhiều khi với ác ý), thậm chí thân bại danh liệt. Trong tác phẩm dịch của bất cứ ai khi đặt lên bàn mổ xẻ đều có chỗ chưa đạt. Không có dịch giả hoàn hảo, ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng điều quan trọng là ý thức khắc phục sai lầm đó. Sống trong văn hóa Việt còn không thể hiểu hết văn hóa Việt nữa là văn hóa, ngôn ngữ khác. Gốc văn hóa, cách thức sử dụng tiếng khác nhau. Quan trọng là ý thức của người dịch chuyển thể như thế nào. Một nguyên tắc nữa là người dịch không bao giờ được ảo tưởng rằng vinh quang dành cho tác phẩm là của mình. Vinh quang ấy được dành cho tác giả chứ không phải dịch giả. Dịch giả không bao giờ là đồng tác giả.

PV:Vừa cho ra mắt cuốn sách dịch đầu tay, ngay lập tức anh đã gây được sự chú ý bằng một giải thưởng cao. Đây là một xuất phát điểm tương đối thuận lợi mà không phải người dịch nào cũng có được. Có bao giờ anh nghĩ mĩnh sẽ trở thành một dịch giả chuyên nghiệp ?

NĐT: Hiện nay ở Việt Nam ít dịch giả chuyên nghiệp mà chủ yếu là người dịch amateur. Amateur ở đây không có nghĩa là dịch ẩu, dịch bừa mà là dịch vì niềm đam mê chứ không coi nghề dịch là nghề kiếm sống. Tôi cũng là một người dịch amateur và tôi đến với nghề dịch vì yêu, vì đam mê và với tôi đam mê là điều quan trọng nhất. Hiện ở Việt Nam chưa có cái gọi là nghề dịch, thù lao hay nhuận bút thì rất thấp không đủ sống, cũng không có Hội nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho dịch giả, nguồn sách gốc cũng không dồi dào; người Việt Nam không có điều kiện du lịch ở nước ngoài nhiều, không mấy người học dịch được đi tu nghiệp ở nước ngoài, thậm chí một quyển Từ điển tiếng Việt hoàn chỉnh cũng chưa…như vậy còn thiếu rất nhiều điều kiện cần cho việc hình thành một môi trường dịch chuyên nghiệp.

PV:Anh nói rằng, mình đến với nghề dịch là do đam mê và lại muốn truyền những niềm đam mê đó tới cho nhiều người khác. Anh có dám bỏ hết mọi công việc hiện tại của mình để đi đến tận cùng của đam mê ?

NĐT: Tôi sẽ không làm vậy vì như thế rất ích kỉ. Người ta sống còn cho cả người xung quanh chứ đâu phải cho mình mình đặc biệt là người Việt Nam. Tôi còn có gia đình, và bạn bè. Có người bạn bảo tôi, đời người ta nên sống giữa một tam giác ba cạnh là bạn bè, công việc, gia đình. Đặt cái tôi ở chính giữa tam giác đó, để tạo ra sự cân bằng nhất định. Việc bỏ tất cả mọi thứ không đảm bảo cho mình một cuộc sống như mình mong muốn.

Một nghệ sĩ là người sinh ra để làm nghệ thuật, nếu như không làm không chịu được chính vì thế họ có thể bỏ tất cả để làm việc đó. Nhà văn không viết thì không thể chịu được, họa sĩ không vẽ không thể chịu được đó mới là những nghệ sĩ thực thụ. Nếu họ không làm mà vẫn chịu được thì không phải là nghệ sĩ hoàn toàn. Tôi có tư chất nghệ thuật nhưng không phải là một nghệ sĩ nên không thể bỏ tất cả để lao theo nó được.

 


 Nguyễn Đình Thành và con trai - Ảnh: M.H

PV:Dịch sách văn chương vì đam mê, cũng là người nhiều băn khoăn, trăn trở. Sao anh không thử trút những điều đó lên những trang viết ?

NĐT: Trong mỗi con người đều có nhu cầu để giải tỏa và bản thân tôi cũng thế. Tôi cũng đã viết ba truyện ngắn và có một số ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình nhưng cũng mới chỉ là phác thảo ý tưởng trên vài trang viết cho đỡ quên. Nhiều lúc bật máy định viết nhưng đọc Mi là người bình thường của bác Lê Đạt (nhà thơ Lê Đạt) thì lại thấy xấu hổ quá nên không viết nữa.

Tôi thấy, thay vì viết ra một cái gì đó chưa chín, chưa hay thì dịch tác phẩm hay của người khác để cho độc giả đọc. Những tác phẩm ấy sẽ mang lại hiệu ứng tích cực nhiều hơn.

PV:Suy nghĩ của những người học ngoại ngữ và có thời gian sống ở nước ngoài lạ lắm. Tôi thấy họ có những suy nghĩ rất hay, đặc biệt là khi họ viết văn. Có thể chỉ ra đây một số gương mặt như Thuận, Phan Việt… Tôi rất thích cách viết văn thông minh của họ, dù họ vẫn chưa thực sự có gì đột phá nhưng tôi tin trong tương lai, họ sẽ có những tác phẩm hay nếu tiếp tục đào sâu với nghề viết.

NĐT: Những người biết ngoại ngữ có điều kiện để đọc nhiều hơn những nguồn tri thức từ gốc. Những người đã đi du học có nhiều điều kiện tiếp xúc với một nền văn hóa khác nhưng điều này không có gì để khẳng định là họ sẽ viết tốt hơn. Họ có nhiều cơ hội hơn người không biết ngoại ngữ , còn để viết hay hơn thì không phải vì đó chỉ là điều kiện cần. Để viết hay còn cần đến tài năng văn học và rất nhiều yếu tố khác nữa.

(Còn nữa)

Tuấn Hải (Vietimes) thực hiện.

http://www.vietimes.com.vn/vn/nhietkevanhoa/5688/index.viet

 
Thứ Tư, 08/10/2008, 10:46 (GMT+7:00)

Tuổi Trẻ Cuối tuần

Thứ Năm, 02/10/2008, 07:21

Hai nửa của Thành

TTCT - Nếu trúng tuyển vào Đại học Mỹ thuật Vienne năm 1908, có thể thế giới sẽ có một họa sĩ Hitler tài năng thay vì trùm phát xít Đức quốc xã Adolf Hitler như lịch sử đã ghi lại - đó là giả thuyết mà Eric-Emmanuel Schmitt dựng lên trong cuốn La part de l’autre, bản dịch tiếng Việt do Nguyễn Đình Thành chuyển ngữ vừa bất ngờ được giải cao nhất về dịch thuật của Hội Nhà văn VN.

Thời gian đi làm phiên dịch cho các lớp dạy múa đương đại của Régine Chopinot tại Trường Múa VN, lớp dạy làm truyện tranh theo kiểu châu Âu của ông Gérald Godggide rồi chương trình múa đương đại của Ea Sola đã nhen nhóm tình yêu văn hóa trong con người Thành, giúp anh có những hình dung mơ hồ về sức mạnh của văn hóa. Cho đến khi anh bắt đầu vào làm tại L’Espace, anh mới bắt đầu nạp cho mình những kiến thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại.

Ngoài khoảng thời gian 40 giờ/tuần làm trợ lý văn hóa ở công sở, anh tham dự hầu hết những hoạt động văn hóa diễn ra ở Hà Nội và đọc rất nhiều sách liên quan đến nghệ thuật. Được tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa lớn như Festival Huế, Ngày hội âm nhạc hằng năm, Festival jazz châu Âu hằng năm, Liên hoan nghệ thuật đương đại Mùa xuân nước Pháp... cùng với kinh nghiệm phiên dịch ở L’Espace đã mang lại cho Nguyễn Đình Thành cơ hội du học tại nước Pháp. Cuối năm 2005, anh theo học khóa quản trị văn hóa tại Đại học Paris Dauphine (ĐH Paris 9).

Nền văn hóa Pháp có rất nhiều ảnh hưởng đối với Nguyễn Đình Thành. Giống như nhiều người trẻ khác, anh cũng hoang mang về chính mình và những giá trị văn hóa của người VN khi thấy mối quan tâm của người dân là làm sao kiếm được nhiều tiền chứ không phải là làm sao để có những giá trị tinh thần! Anh tự nhận rằng trong cách suy nghĩ của anh có tới 30% Pháp và chính phần Pháp đó giúp anh nhìn nhận cuộc sống đa chiều hơn. Anh bảo: “Tôi vẫn là người VN, nhưng nhờ cái 30% đó nên tôi nhìn văn hóa xã hội VN khách quan hơn”.



Nguyễn Đình Thành tự nhận mình là một người đam mê văn hóa. Tất cả những công việc mà anh đã trải qua đều gắn với niềm đam mê ấy. Anh tin rằng: “Khi đã đam mê rồi, người ta sẽ tìm được thời gian và năng lượng để theo đuổi niềm đam mê đó”. Năm 2005, một người bạn Do Thái học cùng anh tại Paris đưa cho anh cuốn La part de l’autre của Eric-Emmanuel Schmitt và nói với anh rằng: “Nó đã làm đảo lộn hết mọi ý nghĩ của tôi”.

Thành nghiến ngấu cuốn sách vì nó quá cuốn hút. Ngay sau khi đọc xong, anh tự hứa với mình sẽ mang cuốn sách này về VN và dịch ra tiếng Việt. Có đam mê, có quyết tâm và có cả tư duy làm việc khoa học, anh đã lập một bản đề cương cụ thể và chi tiết để thuyết phục nhà sách Nhã Nam ký hợp đồng dịch cuốn sách này với anh. Sau mười tháng, cuốn sách Nửa kia của Hitler ra mắt độc giả VN vào cuối năm 2007.

Khi tôi hỏi anh về giải thưởng của Hội Nhà văn dành cho Nửa kia của Hitler, anh nói anh rất vui và khá bất ngờ. Anh cho rằng: “Người dịch là người chia sẻ niềm vui và truyền tải thông điệp cho những người khác”.

Nguyễn Đình Thành đang làm giám đốc hình ảnh cho khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội. Ở vị trí của mình, anh có điều kiện để giới thiệu văn hóa VN với bạn bè quốc tế thông qua ẩm thực và các sự kiện văn hóa. Một ngày làm việc 10-12 giờ ở khách sạn, rồi thời gian dành cho vợ con, bạn bè, gia đình khiến anh không thể toàn tâm toàn ý cho tình yêu nghệ thuật như trước nhưng anh vẫn rất yêu thích nó. Hiện Thành đã hoàn thành bản dịch hai vở kịch của Eric-Emmanuel Schmitt là Người khách lạ và Trường học của quỷ và đang bắt tay dịch tiếp một tác phẩm nữa của Eric-Emmanuel Schmitt là Oscar và cô áo hồng, một vở bi hài kịch hiện đại rất gần gũi với văn hóa của người Việt.

Cùng một lúc đóng hai vai và ở vai nào cũng khá trọn vẹn, Nguyễn Đình Thành đang làm chủ được cả hai thứ: “thời gian và năng lượng”.

HẢI NGUYÊN

http://mobi.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=280825&ChannelID=119

 
PXN:NKCHL

Nguyễn  Đình Thành một cái tên mới mẻ và lạ lẫm đối với làng văn chương dịch cho đến khi Nửa kia của Hitler xuất hiện, nhanh chóng được giới thiệu trên nhiều tờ báo, và vượt qua hàng trăm sách dịch đạt giải thưởng sách dịch của năm 2008 của Hội Nhà văn Hà Nội. Nửa kia của Hitler dịch từ nguyên tác của tác giả Eric Emmanuel Schmitt dày hơn 600 trang, được giới phê bình văn học đánh giá là bản dịch có chất lượng, giới họa sĩ xem thuật ngữ hội họa trong bản dịch “rất chuẩn”, giới nhà binh xem thuật ngữ chiến tranh cũng như vũ khí là chính xác,... Để có những lời khen tặng đó, dịch giả chưa chuyên Nguyễn Đình Thành đã thực hiện công việc dịch như thế nào để có được những hiệu quả đó? Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa tác giả NĐT với PV, VNT xung quanh những “ứng xử” của anh để có được bản dịch Nửa kia của Hitler cũng như những trải nghiệm của anh đối với nghệ thuật đương đại.

Nửa kia của Hitler

1.    Được biết anh hiện là giám đốc quan hệ đối ngoại của khách sạn Metrolpole tại Hà Nội, và còn là một người yêu thích, có nhiều trăn trở với nghệ thuật đương đại, anh biết nhiều đến Hip-hop, nghệ thuật biểu diễn, cũng như hội hoạ ở Việt nam..., nhưng điều gì lại thôi thúc anh dịch tiểu thuyết?

Đó chính là niềm vui được chia sẻ với người khác cái hay cái đẹp. Có lẽ điều này đến từ ảnh hưởng của nghề dịch: tôi vốn được đào tạo để trở thành phiên dịch và cũng làm giáo viên trong một thời gian. Quyển sách chứa đựng nhiều suy tư về lịch sử của thế giới, của một dân tộc và của cả mỗi con người. Cá nhân tôi cũng thích viết và cũng đã viết nhưng đến truyện thứ ba thì dừng vì thấy cái mình định nói đã có người nói hay hơn mình, hiệu quả hơn mình nên nếu không viết hay hơn người ta thì dịch lại tốt hơn.

Nửa kia của Hitler là một cuốn tiểu thuyết suy tưởng nhưng đặt trong một bối cảnh lịch sử cụ thể đó là xã hội Đức những năm 30-40 của thế kỷ 20, với sự phân thân của nhân vật có thật ở trong thế giới nhà binh và trong thế giới hội hoạ, tâm lý nhân vật được đặt  trên nền tảng tinh thần của phân tâm học,... lần đầu tiên thực hiện công việc dịch, lại với một nguyên tác với bối cảnh truyện cũng như tính cách nhân vật, trạng thái tâm lý cùng hoàn cảnh hết sức phức tạp, hỗn độn,... anh đã thực hiện gỡ rối cho mình như thế nào đối với những sự kiện, chi tiết và nhân vật của tác phẩm trong quá trình dịch, thưa anh?

Thực ra trong chương trình học ở trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội đã có đủ cả các môn học vừa được nhắc đến. Ngoài ra, hai năm học sau đại học tại trung tâm CFIT - ĐH Ngoại giao giúp tôi đào sâu kiến thức và thêm đam mê với thời sự quốc tế và lịch sử nói chung. Khi bạn biết cách tìm thông tin mình cần ở đâu, công việc đã hoàn thành được một nửa. Tại CFIT chúng tôi được học cách tìm những thông tin mình cần ở đâu và như thế nào. Việc còn lại là tập trung làm việc nghiêm túc và hỏi người khác những điều mình chưa biết chưa hiểu.

2.    Khó khăn cũng như điều thú vị lớn nhất của anh khi thực hiện dịch tác phẩm này cũng như công việc dịch nói chung là gì?

Hồi năm thứ ba, tôi có làm một nghiên cứu khoa học về kiến thức ngoài ngôn ngữ trong việc hiểu và dịch các văn bản nước ngoài. Khi bắt tay vào dịch tôi thấy những vấn đề lý thuyết càng được sáng tỏ. Cái khó nhất là cái không phân tích được, không có trong từ điển, không có trên Internet và thậm chí không hỏi ai khác được ngoài chính tác giả.

3.    Anh có tiếp tục dịch và giới thiệu những tác phẩm, nhà văn nước ngoài tới độc giả Việt Nam trong thời gian tới không?

Hiện tôi vẫn đang tiếp tục làm công việc này với việc dịch một vở kịch dài, tôi hy vọng nó sẽ là ‘’quả bom tấn’’ của sân khấu kịch năm tới. Ngoài ra, tôi vẫn muốn tiếp tục dịch các tác phẩm khác của cùng tác giả. Đồng thời tôi cũng hy vọng tìm được nhà xuất bản – nhà tài trợ cho một cuốn sách tổng kết lịch sử mỹ thuật thế giới trong thế kỷ hai mươi. Có điều công việc này cần tới ít nhất ba người dịch cứng tay trong vòng một năm mới làm xong được.

4.    Và anh đã điều hoà công việc chính với công việc dịch tay trái như thế nào?

Rất khó khăn, công việc chính đòi hỏi bạn phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng một ngày. Ngoài ra, tôi cũng tham gia cùng một số người bạn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thành lập một quỹ Văn hóa. Chúng tôi sắp tổ chức hoạt động đầu tiên của mình. Nếu không có sự thông cảm của vợ con, sự giúp đỡ của gia đình hai bên chắc chắn tôi chẳng làm được cái gì trọn vẹn.

5.    Với những thành công nhất định của mình ở tác phẩm dịch đầu tiên, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với những dịch giả mới vào nghề?

Bản thân tôi cũng là người dịch mới vào nghề. Tác phầm Nửa kia của Hitler cũng không phải đặc biệt khó. Tôi chỉ nghĩ rằng để thành công người dịch nào cũng cần đam mê, nghiêm khắc với chính mình và cầu toàn. Cộng với ý thức làm việc chuyên nghiệp, bạn sẽ là một người dịch được trân trọng.