Nửa kia của... Nguyễn Đình Thành Chủ nhật 02/11/2008 15:15

(ANTĐ) - “Nếu trúng tuyển vào Đại học Mỹ thuật Vienne năm 1908, có thể thế giới sẽ có một họa sỹ Hitler tài năng thay vì trùm phát xít Đức quốc xã Adolf Hitler như lịch sử đã ghi lại” - Đó là giả thuyết của Eric-Emmanuel Schmitt dựng lên trong cuốn “La part de l’autre”, bản dịch tiếng Việt do Nguyễn Đình Thành chuyển ngữ vừa bất ngờ được giải cao nhất về dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội. Nguyễn Đình Thành khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi anh là ai (?) Phóng viên ANTĐ Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Đình Thành để tìm hiểu nửa kia của anh - một người dịch đã có nhiều năm gắn bó với công việc văn hóa, một người trẻ thành đạt hiện đang đảm nhận cương vị Giám đốc Đối ngoại của khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội.

- Bắt đầu câu chuyện với lời tựa của tác phẩm “Nửa kia của Hitler” được anh chấp bút nặng trĩu đến thế?

- Vâng! - “Một viên đá nhỏ có thể thay đổi dòng chảy của cả một dòng sông, có lẽ tác phẩm “Nửa kia của Hitler” là một minh chứng cho nhận định ấy. Xin chân thành cảm ơn những người đã giúp đỡ tôi trong quá trình biên dịch cuốn sách này. Xin dành tặng bản dịch cho tất cả những người bạn họa sỹ của tôi”.

- Nếu như “viên đá” ấy với cuộc đời của nhân vật Adolf H trong “Nửa kia của Hitler” chính là việc anh ta đỗ (dù là đỗ vớt) vào trường ĐH Mỹ thuật Vienne đã khiến cho sau này anh ta có cơ hội trở thành một họa sỹ nổi tiếng thì “viên đá” của Nguyễn Đình Thành là gì?

- Đó là việc tôi vào làm việc cho Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace tại Hà Nội năm 2002. Nó đã mang lại cơ hội cho tôi được giao lưu, gặp gỡ tiếp xúc với rất nhiều nghệ sỹ hàng đầu trên tất cả các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật của Việt Nam. Môi trường văn hóa ấy, những cuộc gặp gỡ ấy đã thổi bùng những đam mê văn hóa nghệ thuật âm ỉ trong con người tôi, để có được những thành quả như ngày hôm nay. Có lẽ, đó là lý do, tôi vẫn thầm cảm ơn những người bạn nghệ sỹ, họa sỹ của mình.

- Có gì đặc biệt ở chỗ không phải dành tặng bản dịch cho vợ con hay những người thân trong gia đình mà lại cho tất cả những người bạn họa sỹ?

- Nhân vật Adolf H trong cuốn sách cũng là một họa sỹ và cuốn sách này nói quá đúng về cuộc đời đầy thăng trầm của họ. Cuộc đời người nghệ sỹ có tài năng chưa chắc đã thành công nhưng có những lúc thành công đến muộn hơn rất nhiều và cuộc đời trải qua rất nhiều thăng trầm. Có những đoạn tả cảnh Adolf quay về Paris sau khi nổi tiếng, ở trong khách sạn sang trọng nhất Paris và nhớ lại cảnh tượng những năm đầu đời khi còn cầu bơ cầu bất từ áo sang Paris đi thuê nhà sống, ở trong nhà trọ tồi tàn, ngồi trong toilet kính vỡ không có ai thay, gió lùa vào lạnh buốt... Rất nhiều họa sỹ nhìn thấy hình ảnh mình trong đó. Đó là lý do tôi muốn tặng cuốn sách này cho những người bạn họa sỹ.



- Những kinh nghiệm văn hóa và ngôn ngữ trong thời gian làm phiên dịch và trợ lý văn hóa tại L’Espace chắc hẳn đã giúp ích được nhiều cho anh trong quá trình dịch cuốn sách này?


- Đầu tiên phải kể đến thời gian đi làm phiên dịch cho các lớp dạy múa đương đại của Régine Chopinot tại trường Múa Việt Nam; lớp dạy làm truyện tranh theo kiểu châu Âu của ông Gérald Godggide; rồi chương trình múa đương đại của Ea Sola đã nhen nhóm tình yêu văn hóa trong con người tôi, khiến tôi có những hình dung mơ hồ về sức mạnh của văn hóa. Cho đến khi bắt đầu vào làm tại L’Espace - nơi bắt đầu nạp cho tôi những kiến thức trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là đối với nghệ thuật đương đại. Trong đó, may mắn nhất là gặp được nhiều người bạn nghệ sỹ Việt - Pháp. Những người bạn Pháp giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình dịch. Có những từ, những đoạn không thể tìm trong từ điển, không thể tìm được trên Internet thì hỏi những người bạn Pháp từ này là gì để có thể chuyển nghĩa tương đương sang tiếng Việt.

- Còn những may mắn tiếp theo?

- May mắn tiếp theo của tôi là cơ hội được sang Pháp du học. Cuối năm 2005, tôi đặt chân tới Paris và theo học khóa Quản trị văn hóa tại ĐH Paris Dauphine, ĐH Paris 9. Những tháng ngày du học có lẽ là những tháng ngày sôi nổi nhất trong thời tuổi trẻ của tôi. Ngoài thời gian học, tôi tranh thủ đi thăm quan các bảo tàng nghệ thuật, đi xem kịch, xem ca nhạc ở Pháp và một số nước châu Âu, đặc biệt là đọc sách mọi lúc có thể. Mỗi ngày chỉ ngủ nhiều nhất là 5 tiếng, thời gian còn lại dành hết cho việc học và tìm hiểu về nghệ thuật, đời sống văn hóa Pháp. Để nói về quãng thời gian này tôi chỉ có thể cất lên 2 tiếng “mãnh liệt”. Ba tháng thực tập tại phòng Văn hóa, ĐH Mỹ thuật Paris và thực tập tổ chức biểu diễn tại Công ty giải trí Les Visiteurs tại Paris cho tôi cơ hội được tận mắt chứng kiến thực tế của nghệ thuật đương đại Pháp. Chương trình học về chính sách văn hóa Pháp đã giúp tôi hiểu rõ hơn cơ chế vận hành của các cơ quan văn hóa Pháp trong và ngoài nước. Lúc này, tôi ý thức hết sức rõ ràng sức mạnh của văn hóa đối với việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu đất nước và cách thức người Pháp khuyếch tán ảnh hưởng của họ qua con đường văn hóa ra sao.

- Nền văn hóa Pháp có rất nhiều ảnh hưởng đối với anh, vậy anh truyền tải được gì trong những giá trị văn hóa tinh thần đó đến với các bạn trẻ Việt Nam?

- Tôi tự nhận rằng trong cách làm việc, suy nghĩ và nhìn nhận cuộc sống của mình có tới 30% Pháp. Phần Pháp đó giúp tôi nhìn nhận cuộc sống đa chiều hơn và luôn luôn băn khoăn, trăn trở, đi tìm câu trả lời, tìm cách kiểm chứng những sự thực đằng sau đó. Tôi vẫn là người Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy may mắn vì 30% này đã khiến tôi “phân thân” lúc đứng trong, lúc đứng ngoài để nhìn vào văn hóa xã hội Việt Nam. Về Việt Nam, tôi quay lại làm việc tại L’Espace và đem tất cả những kiến thức và kinh nghiệm được học để tiếp tục xây dựng những chương trình văn hóa, nghệ thuật với mục đích đưa văn hóa đương đại Việt Nam tới với bạn bè quốc tế và cũng là cách để tự trả lời cho sự băn khoăn của mình. Tôi tin rằng, nếu mình có nhiệt huyết và tìm cách truyền ngọn lửa đó cho những người khác, chắc chắn nó sẽ lan rất xa.



- Là một người dịch không chuyên, cơ duyên nào đã đưa anh đến với “La part de l’autre” của Eric-Emmanuel Schmitt để chuyển thành “Nửa kia của Hitler” tới cho độc giả Việt Nam?


- Năm 2005, một người bạn Do Thái học cùng tôi tại Paris đưa cuốn “La part de l’autre” của       Eric-Emmanuel Schmitt và nói với tôi rằng: “Nó đã làm đảo lộn hết mọi ý nghĩ của tôi, tôi rất ngạc nhiên vì nó làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều”. Tôi nghiến ngấu trong mấy ngày vì thấy cuốn sách quá cuốn hút. Ngay sau khi đọc xong, tôi đã ra hiệu sách mua một cuốn và tự hứa với mình, sẽ mang cuốn sách này về Việt Nam và dịch ra tiếng Việt. Có đam mê, có quyết tâm và có cả tư duy làm việc khoa học, tôi đã lập một bản đề cương cụ thể và chi tiết để thuyết phục nhà sách Nhã Nam ký hợp đồng dịch cuốn sách.

- Bản dịch “Nửa kia của Hitler” anh hoàn thành trong bao lâu?

- 10 tháng, với sự giúp đỡ về chuyên môn của những người bạn họa sỹ, sự giúp đỡ của những người bạn bản xứ cho những đoạn tôi không hiểu cặn kẽ.

- “Nửa kia của Hitler” là bản dịch tiểu thuyết đầu tay của anh nhưng nó đã “vượt qua” các ứng cử viên nặng ký khác để giành giải cao nhất của Hội Nhà văn Hà Nội trao cho sách dịch. Hẳn tin đó làm anh bất ngờ?

- Tôi là người được đào tạo về phiên dịch, biên dịch cho nên việc dịch là một nhu cầu không thể thiếu đối với mình. Việc một sản phẩm nghiêm túc đoạt giải cũng không phải là điều lấy làm ngạc nhiên.

- Quan niệm của anh về công việc của một người dịch?

- Người dịch là người chia sẻ niềm vui. Mình được học là để truyền tải thông điệp cho những người khác. Sự cho trong con người mình nhiều và mình thấy cần thiết như thế. Có những thứ mình thấy hay quá và mình muốn chia sẻ nó cho tất cả mọi người để làm cho cuộc sống tốt hơn.

- Tôi có thể quả quyết khẳng định rằng làm được vậy cũng chẳng dễ dàng gì? 

- Dịch giống như là đi trên một con đường có nhiều cái bẫy, nếu mình đi nhiều, hiểu nhiều, có kinh nghiệm, vốn sống và vốn văn hóa sẽ tránh được những cái bẫy đó. Nhưng không thể tránh được hoàn toàn. Bởi vậy, người dịch luôn luôn phải bổ sung kiến thức và dùng nó với một ý thức là mình có thể sai bất cứ lúc nào để tránh sai lầm.



- Công việc chính thức hiện nay của anh là gì?


- Tôi đang làm Giám đốc Đối ngoại cho khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội. ở vị trí của mình, tôi có điều kiện tốt hơn để giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua ẩm thực và các sự kiện văn hóa.

- Bận rộn trên cương vị của mình, anh dành bao nhiêu thời gian cho sự quan tâm đến tình yêu văn hóa của mình?

- Một ngày làm việc từ 10-12 tiếng ở khách sạn, thời gian dành cho vợ con, bạn bè, gia đình khiến cho tôi không thể toàn tâm toàn ý cho tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật của mình, không thể đi tất cả các triển lãm, tham dự hội thảo và viết bài tranh luận như ngày trước, không có thời gian dành cho văn hóa như trước nhưng tôi vẫn rất yêu thích nó.

- Anh có thể chia sẻ với độc giả dự định sắp tới?

- Tôi đã dịch hoàn thành 2 vở kịch của Eric-Emmanuel Schmitt là “Người khách lạ” và “Trường học của quỷ” đang chờ dựng. Sắp tới tôi sẽ dành thời gian dịch tiếp một tác phẩm nữa của Eric-Emmanuel Schmitt là “Oscar và bà áo hồng” và một vở bi hài kịch hiện đại rất “tuyệt vời” và gần gũi với văn hóa của người Việt do nghệ sỹ Chiều Xuân giới thiệu, tôi hy vọng nó sẽ được ra mắt khán giả trong thời gian sớm nhất.

- Để miêu tả ngắn gọn về bản thân, anh sẽ nói gì?

- Tôi tự nhận mình là một người sống bằng đam mê - niềm đam mê văn hóa. Tất cả những công việc mà tôi đã trải qua đều gắn với niềm đam mê ấy. Tôi tin khi đã đam mê rồi, người ta sẽ tìm được thời gian và năng lượng để theo đuổi niềm đam mê đó!

- Trân trọng cảm ơn anh!   

Quân.Trần (Thực hiện)

http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/www.anninhthudo.vn/Nua-kia-cua-Nguyen-Dinh-Thanh/2137504.epi