"Đúng là việc tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên là nhu cầu có thật. Tuy nhiên các công trình văn hóa này đều được xây dựng với mục tiêu cơ bản là phục vụ công chúng. Việc đưa các hoạt động không liên quan tới văn hóa vào đây là khó có thể biện minh".


Tiếp tục loạt bài mổ xẻ thực trạng các công trình văn hóa hiện nay ở Hà Nội được sử dụng vào các mục đích thương mại, Vietnamnet đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Đình Thành, Thạc sĩ ngành Quản trị văn hóa, Đại học Paris 9 (Pháp).

- Anh có biết đến hiện tượng các nhà hát, khuôn viên trường ĐH ở HN biến thành nơi tổ chức đám cưới hay không? Cá nhân anh nghĩ gì về hiện trạng này?
- Tôi có chứng kiến việc này một vài lần và cảm giác là thấy rất tiếc. Tiếc vì những không gian công cộng ấy có thể được sử dụng tốt hơn, có ích hơn với xã hội và với chính các cán bộ nhân viên ở đó. Tiếc vì một sự sử dụng như vậy là lãng phí tiền đầu tư của nhà nước và gián tiếp qua đó là tiền của chính những người đóng thuế như chúng ta. Có những nơi đáng lẽ phải là nơi tụ họp của thanh thiếu niên, sinh hoạt văn hóa và thể thao thì lại trở thành nơi tổ chức tiệc cưới, triển lãm thương mại. Nhiều bạn trẻ muốn đến tập nhảy nhưng cứ bật đài lên thì bị đuổi và phải tìm đến những chỗ khác vốn chẳng phải nơi thuận tiện cho việc tập luyện.


- Cảm giác của anh thế nào khi đi xem 1 cuộc triển lãm mà lại bị lạc vào không gian ồn ào của một đám cưới vốn không liên quan?
-
Đầu tiên là ngạc nhiên, khó chịu rồi ngán ngẩm và thở dài bất lực.

- Anh có cho rằng chúng ta đang gặp vấn đề trong việc quản lý các địa chỉ văn hóa không khi những công trình được nhà nước đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng bằng số tiền đóng thuế của dân lại đang được khai thác vào các mục đích thương mại, không liên quan gì đến văn hóa?
- Dùng chữ "các" có nghĩa là tất cả. Không phải tất cả các công trình văn hóa đều đang được quản lý không tốt, chữ "nhiều" có lẽ chính xác hơn. Việc quy hoạch các nhà hát, rạp chiếu bóng cần được tính toán chặt chẽ hơn. Chỉ quanh quanh đường Bà Triệu - Hàng Bài đã có đến 4 cái rạp chiếu bóng.

Các trung tâm triển lãm nghệ thuật cũng đều tập trung về quận trung tâm trong khi các quận khác lại thiếu. Nhà văn hóa quận huyện cũng chưa được khai thác tốt. Gần nhà tôi không có một công viên không lớn nhưng là nơi vui chơi và giải trí cho người dân xung quanh, nay mọc lên một cái nhà văn hóa to, chắc là tốn kém tiền nhiều lắm, nhưng đến nay hoạt động tiêu biểu nhất của nó là cho thuê đám cưới và trông xe.


Các công trình văn hóa được xây dựng, tu sửa bằng tiền của nhà nước thì mục tiêu hàng đầu của nó phải là để phục vụ người dân theo đúng mục đích xây dựng của nó hoặc nói đúng hơn là phải cung cấp dịch vụ và sản phẩm văn hóa cho người dân. Một Trung tâm văn hóa mà không có thư viện và phòng chiếu phim, dù nhỏ dù to, thì không phải là một trung tâm văn hóa theo đúng nghĩa của nó.
- Đại diện một nhà hát có tổ chức đám cưới cho rằng họ không muốn để nhà hát trống và tận dụng để cho thuê, nhằm trang trải chi phí cho rạp hàng tháng và tăng thêm thu nhập cho cán bộ nhân viên, theo anh thì lý do này có thuyết phục không?

- Đúng là việc tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên là nhu cầu có thật. Tuy nhiên các công trình văn hóa này đều được xây dựng với mục tiêu cơ bản là phục vụ công chúng. Việc đưa các hoạt động không liên quan tới văn hóa vào đây là khó có thể biện minh. Nếu vị quản lý nào cũng làm như vậy thì chẳng mấy chốc các trường học, bệnh viện, công sở, thư viện, bảo tàng cũng sẽ cho thuê mặt bằng làm cửa hàng, quán cà phê, điểm trông giữ xe, cho thuê hội trường làm đám cưới...

Trong khi nguồn tiền ấy có được sử dụng để nâng cao đời sống nhân viên hay không, có được tái đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ hay dịch vụ bổ trợ cho công chúng hay không vẫn là một điều khó thể đánh giá hiệu quả được. Rạp chiếu phim, nhà hát có thể được cho thuê làm triển lãm nghệ thuật, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, show biểu diễn nghệ thuật nhưng khó có thể là nơi tổ chức đám cưới được. Đành rằng là có lợi trước mắt nhưng cái mất lâu dài là hình ảnh của chính đơn vị văn hóa ấy. Công chúng khó có thể liên hệ giữa nơi tổ chức đám cưới với rạp chiếu phim được.

- Anh có nhìn thấy hiện tượng này ở những quốc gia anh đã đi qua không? đặc biệt là Pháp? ở đó những nhà hát hay công trình văn hóa có được trưng dụng vào các mục đích thương mại không? và họ có cơ chế quản lý các nhà hát thế nào?
- Khó có thể so sánh giữa đặc thù của ta và của nước ngoài nhưng chắc chắn việc đưa các công trình văn hóa vào kinh doanh sai mục đích là điều không được cho phép. Một trung tâm văn hóa có thể có một quán cà phê, quầy bán đồ lưu niệm nhưng khó có thể được cho thuê để làm một việc khác. Nhà hát có thể nâng cao thu nhập bằng cách thu hút nhiều người xem đến với nhà hát mình thông qua việc xen kẽ những chương trình nghệ thuật chất lượng cao, kén người xem với các chương trình có tính thương mại cao, nhiều người xem.


Nhà nước cũng hỗ trợ các rạp chiếu phim tăng cường chiếu phim nội và bù lỗ cho các suất chiếu ấy. Đổi lại, phim nội sẽ đến được với nhiều người xem hơn và đó cũng là cách lấy lại thị phần từ phim nước ngoài. Các bảo tàng cũng tăng thu nhập bằng cách tổ chức những chương trình tham quan đặc biệt dành cho các doanh nghiệp, đầu tư phát triển các sản phẩm lưu niệm và đặc sản địa phương. Dù làm gì thì nguyên tắc phục vụ lợi ích công cộng theo đặc thù của đơn vị mình vẫn được đặt lên trên hết.

- Dưới góc độ của một người nghiên cứu về văn hóa, của một người học ngành quản trị văn hóa, theo anh phải quy hoạch lại mục đích sử dụng các công trình văn hóa thế nào cho đúng?
- Câu hỏi này quá rộng và cần sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, quy hoạch đô thị, các nhà xã hội học và cả chính quyền địa phương. Cá nhân tôi cho rằng các công trình văn hóa phải được sử dụng đúng mục đích vì mục đích sử dụng của công trình ấy cũng chính là nhiệm vụ của họ.

Như tôi đã từng nói: Sự phát triển của một quốc gia không phải được đo bằng số lượng xe hơi cao cấp nhập khẩu mà là chất lượng cuộc sống trong đó có chỉ số số lượng các bảo tàng, các trung tâm văn hóa, nghệ thuật. Cần có chính sách đưa các nhà văn hóa quận huyện thành các trung tâm văn hóa thực sự. Là nơi tổ chức các triển lãm hội họa, nhiếp ảnh, sắp đặt, các dự án nghệ thuật cộng đồng, các buổi tọa đàm, hội thảo, các lớp năng khiếu, khiêu vũ, nhảy hip hop, chiếu phim, thư viện... với chi phí thấp. Các hoạt động về nội dung ấy bắt buộc phải đi kèm những nỗ lực về truyền thông để thay đổi hành vi của công chúng.
Tôi cũng từng đề cập tới việc cần xây dựng những tổ hợp văn hóa lớn nơi công chúng có thể đến học tập, đọc sách, thưởng thức nghệ thuật, ăn uống tại chỗ cả ngày mà không phải ra ngoài khuôn viên tổ hợp. Thử tưởng tượng ta có một trung tâm nghệ thuật đương đại Việt Nam bao gồm không gian triển lãm, thư viện, cà phê, quầy lưu niệm đầy đủ. Đó sẽ là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tăng cường giáo dục thưởng thức nghệ thuật cho công chúng và lưu giữ những niềm tự hào của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, theo tôi, là nơi thành công trong việc phát triển hoạt động theo hướng này. Nếu thay đổi trong việc sử dụng không gian công cộng, Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội sẽ là nơi hàng tối mùa hè có cả nghìn thanh niên, sinh viên tới ca hát, nhảy hip hop, tập contact juggling, trượt ván, bên trong sẽ là những triển lãm của các nghệ sỹ trong và ngoài nước, thư viện sẽ sáng đèn đến 9h tối và Hà Nội sẽ thêm một điểm đến thú vị cho du khách trong, ngoài nước, một không gian giải trí mới cho người dân.

Hạnh Phương

http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/60793/dan-khong-nop-thue-de-xay-noi-to-chuc-cuoi-.html

 
Nguyễn Đình Thành- Loạn bàn về bản sắc văn hoá VN và nghệ thuật đương đại VN Thứ năm, 26 Tháng 11 2009 22:45 viettems PV: “Thế nào là bản sắc văn hóa Việt Nam?”

NĐT: “Thế nào là bản sắc văn hóa Việt Nam?” việc bạn đặt ra câu hỏi ấy đã chứng tỏ bạn là người Việt Nam và đó là bản sắc của bạn. Theo tôi, bản sắc là cái làm mình khác với những người khác. Chuyên gia về toàn cầu hóa, ông Dominique Wolton đã nhận định: Khi toàn cầu hóa càng phát triển, thế giới càng phẳng, thì người ta lại thấy phản ứng phổ biến của các cộng đồng là co mình lại để khẳng định bản sắc. Nước Mỹ rất đa dạng bởi các nhóm sắc tộc và họ ra sức bảo vệ điều đó trong sự đa dạng với những nhóm sắc tộc khác. Nhưng khi ra nước ngoài, họ lại thể hiện mình là người Mỹ trong cách ăn nói, suy nghĩ, uống nước... Đó chính là bản sắc của người Mỹ, cái làm họ khác những dân tộc khác cho dù họ có ý thức về điều đó hay không!

Có lần ở Pháp, khi ôm một cái cột trong một lâu đài xưa xem nó thế nào tôi chợt nghĩ: có bao giờ người Pháp, người Đức đặt câu hỏi: ''có phải cha ông ta mới là người nghĩ ra kiểu kiến trúc này chứ không phải người Ý, người Hy Lạp'' hay không, chắc chắn không vì với họ đây là một phần trong một công trình kiến trúc và nó đương nhiên là của họ. Kể cả người Ý, họ có bao giờ đặt câu hỏi đâu là phần Hy Lạp, đâu là phần La Mã trong văn minh Hy-La đâu. Đó chỉ đơn giản là văn hóa của họ. Cái đã được dân tộc họ chắt lọc đúc kết và bây giờ họ vẫn tiếp tục sử dụng nó. Quá trình giao lưu văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử đồng thời là quá trình tiếp biến, cải tiến văn hóa, Chữ Nho vào Việt Nam nhưng được cải tiến thành chữ Nôm thì chữ Nôm đó là di sản văn hóa của người Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải dừng việc tranh cãi cái đũa là của người Trung Quốc hay người Hàn Quốc mà cần nghĩ đến việc chúng ta tiếp quản, sử dụng và phát triển thành quả đó như thế nào cho đúng.

PV: Nếu xóa nhòa những ranh giới đó thì bản sắc văn hóa Việt Nam nằm ở đâu? Theo tôi, những nét tinh túy của văn hóa Việt Nam được cô đọng trong văn hóa làng xã. Cái bản sắc rõ nét nhất in dấu trên những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những thôn quê nhà tranh vách đất với những phong tục thuần Việt được gìn giữ nghìn đời nay?

NĐT: . Những nét tinh tế của văn hóa Việt chính là ở cách chúng ta ăn, cách chúng ta chế biến món ăn, cách chúng ta sống, cách nhìn nhận thế giới xung quanh. Văn hóa Việt là cách tổ chức ngôn ngữ là ca dao, tục ngữ, cách chúng ta ứng xử trong gia đình, với anh em, xóm làng... ngày nay, cách chúng ta phản ứng với thế giới quan hệ thống blog cũng là một bản sắc Việt.

PV: Blog- một sản phẩm của thế giới thời toàn cầu hóa?

NĐT: Đúng vậy. Nếu chúng ta sưu tập tất cả các blog viết năm 2007, một trăm năm sau đọc lại chúng ta sẽ nhìn thấy lịch sử của VN năm 2007 là gì chính xác là cái gì? Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều suy nghĩ của giới trẻ và nhiều người không còn trẻ Việt Nam nghĩ gì vê đất nước, nghĩ gì về thế giới, những sự kiện diễn ra hàng ngày vào cái mốc thời gian ấy...

PV: Không phải blog nào cũng khẳng định một sự thật!

NĐT: …Kể cả những hoang mang, chông chênh của thế hệ cũng là một sự thật của lịch sử

PV: Nhưng lịch sử phải chính xác ở sự kiện và con số?

NĐT: Blog là một trong những cứ liệu khẳng định lịch sử đó!

PV: Đó là quan điểm của anh về tinh hoa văn hóa Việt Nam. Vậy khi tiếp xúc với người nước ngoài, anh thấy họ cảm nhận về văn hóa Việt Nam như thế nào?

NĐT: Bất chấp những lời nói hoa mỹ, những cuộc vận động rầm rộ cho vịnh Hạ Long, những quảng bá cho cuộc thi hoa hậu thế giới sắp được tổ chức, những chuyến lưu diễn được ca ngợi… đáng tiếc là nhiều người nước ngoài chỉ biết đến Việt Nam như là một đất nước của chiến tranh. Một nghệ sỹ Việt Nam sang Copenhaghen biểu diễn kể đồng nghiệp người nước ngoài của anh đã hỏi: “Việt Nam nằm ở đâu? Việt Nam nằm ở phần nào của Trung Quốc? Việt Nam đã hết chiến tranh chưa?”. Nhiều người ngạc nhiên khi biết người Việt Nam đi xe Mercedes, BMW… Nhiều người khác chỉ biết đến Việt Nam qua những cánh đồng lúa thơ mộng, đàn trâu gặm cỏ, thiếu nữ tha thướt áo dài, nhạc cổ truyền, múa rối nước…Tôi nghĩ chúng ta cần làm nhiều hơn nữa và hiệu quả hơn nữa để làm cho người nước ngoài biết đến Việt Nam ở những khía cạnh đương đại với thực tế và sắc độ văn hóa xã hội khác nhau.

PV: Anh có thể cắt nghĩa rõ hơn về nhận xét này?

NĐT: Có thể tạm định nghĩa Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của ngày hôm nay, nói đến vấn đề của ngày hôm nay với những kỹ thuật được biết cho đến ngày hôm nay do một nghệ sĩ sống trong thời đại này sáng tạo sau một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài để tạo ra cái mới, cái độc đáo.
Những chuyển biến trong nghệ thuật Việt Nam những năm từ nửa sau thập kỷ 90 với việc nghệ thuật bước ra khỏi khuôn khổ bảo tàng, nhà triển lãm, mọi thứ đều có thể trở thành nghệ thuật miễn là có ý tưởng, không nhất thiết phải học đại học Mỹ Thuật mới được làm nghệ thuật, thực sự là bước chuyển lớn của nghệ thuật Việt Nam nói chung.
Những sáng tạo đầy tính cách tân (chỉ xin liệt kê một số người) của Trương Tân, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khánh, Streimatter Tran… trong mỹ thuật; của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Thuận…trong văn học; EA Sola, Lê Vũ Long, Hà Thế Dũng, Régine Chopinot, Trần Ly Ly, nhóm +84, Storm Robinzky trong múa; Vũ Nhật Tân, Trí Minh, nhóm “Dân ca miền không biết”, Kim Ngọc…trong âm nhạc; vở kịch "Chuyện người lính" của đạo diễn Braxin Marcia Fiani, vở xiếc “Làng tôi” của Rạp xiếc Trung ương kết hợp với các nghệ sỹ Pháp; Phan Huyền Thư, Phan Thị Vàng Anh, Bùi Thạc Chuyên và nhiều đạo diễn trẻ trong dự án Mười tháng mười phim ngắn trong điện ảnh v.v… theo tôi đã làm thay đổi diện mạo của nghệ thuật Việt Nam, nằm trong khái niệm nghệ thuật đương đại.


PV: Nghệ thuật đương đại ở ngay những vùng đất sản sinh ra chúng cũng bị coi là một “món ăn khó nuốt” với công chúng. Nhiều nhà phê bình phương Tây cũng cho rằng, sự đam mê với kiểu nghệ thuật này cũng là một thứ “giả đò” màu mè. Vậy giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới bằng nghệ thuật đương đại, liệu có phải là một cuộc chơi quá phiêu lưu?

NĐT: Cái khó của nghệ thuật đương đại là có nhiều tác phẩm gây sock và có nhiều nghệ sĩ quá chú tâm đi tìm cái đó. Chính vì thế công chúng hay có những định kiến và khó chịu khi tiếp nhận nghệ thuật đương đại. Nhưng nghệ thuật đa dạng vì nó đáp ứng những gu thưởng thức khác nhau. Không nên gò cái gây sốc, cái thể hiện thực tế một cách trần trụi không che lấp, cái tiên phong vào thang thẩm mỹ phổ cập. Trên đời không có một vẻ đẹp duy nhất. Vì vậy, chúng ta, mà trước hết là nhà quản lý và các cơ quan truyền thông phải có cái nhìn cởi mở về nghệ thuật đương đại từ đó phản ánh trung thực và khách quan hơn về loại hình này. Nghệ sĩ phải trau dồi vốn sống, kiến thức, đặc biệt là ngoại ngữ không chỉ ở mức giao tiếp để có thể giao lưu, tiếp nhận thời sự, đề cập đến những vấn đề mà nghệ thuật thế giới đang nói đến hay đang quan tâm tới.
Cần thiết phải thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để phổ biến văn hóa Việt Nam do những những người chuyên nghiệp, có tầm và chuyên môn về văn hóa phụ trách.

PV: Dù có đổ nhiều tiền vào công tác quảng bá, nhưng cái cốt lõi là tài năng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ mòn cụt, hoặc sao chép, bắt chước thì tác phẩm cũng không thể sống trong lòng công chúng. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã nhận xét về cơn bão “Hậu hiện đại” với các nghệ thuật sắp đặt, trình diễn…đang lôi kéo lớp trẻ vào trò chơi với nhiều tài trợ và các nguyên tắc nghệ thuật bị vứt bỏ nhanh chóng. Và ông liên tưởng đến một thứ văn hóa toàn cầu đơn điệu, giống nhau, chán ngắt như Mac Donald…Chúng ta có thể giới thiệu đến công chúng thế giới một thứ văn hóa toàn cầu như vậy?

NĐT: Nghệ thuật là tiếng nói của cá nhân mà trong cá nhân đó đã chứa đựng cái “tôi”, cái bản sắc của anh ta. Nhiều khi tôi rất dị dứng với những cái gọi là “bản sắc” Việt Nam. Chẳng lẽ cứ phải có con trâu, ruộng lúa, nón lá, áo dài…mới là tác phẩm mang bản sắc Việt Nam? Theo tôi, đó chỉ cần là tác phẩm của người Việt Nam, làm ra ở Việt Nam, thậm chí không ở Việt Nam nhưng “cội rễ” là của người Việt cũng đã mang bản sắc Việt.
Mỹ thuật đương đại Việt Nam hoàn toàn có thể nói chuyện một cách bình đẳng với công chúng và giới nghệ thuật thế giới với những người như Trần Trọng Vũ, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Lê Hồng Thái, Nguyễn Minh Phước... Nhạc sĩ Trí Minh sáng tạc nhạc đương đại biểu diễn ở Mỹ, Pháp và các liên hoan nhạc quốc tế. Những chuyến lưu diễn của Lê Vũ Long đã tìm được khán giả trong công chúng Mỹ. Các tác phẩm của EA Sola về cuộc sống đương đại Việt Nam được trình diễn ở một trong những nhà hát danh tiếng nhất của Paris và hai tuần trước khi diễn đã không còn một ghế trống. Rồi những nghệ sĩ múa như Hà Thế Dũng, Quách Hoàng Điệp, Nguyễn Văn Hiền, Phượng Hoàng, Tuấn Anh đều làm việc bằng tiếng nước ngoài, hưởng lương, bảo hiểm như những nghệ sĩ Pháp, biểu diễn ở những sân khấu sang trọng nhất nước Pháp

PV: Ai sẽ là người đánh giá những thành công của nghệ thuật đương đại Việt Nam và sẽ đánh giá dựa trên những tiêu chí nào?

NĐT: Giới chuyên gia nghệ thuật quốc tế và công chúng nói chung. Tôi có nói chuyện với một số họa sĩ có tranh triển lãm ở Hàn Quốc và họ nhận xét: Hàn Quốc phát triển như vậy nhưng nghệ thuật đương đại vẫn đi sau Việt Nam…Cứ ước chừng có khoảng 1 triệu trong số 60 triệu dân số Pháp là khán giả của nghệ thuật đương đại. Họ là ai? Đó là trí thức, nhà báo, nghệ sỹ, những người có học…đó là những người có góp phần hình thành trào lưu thẩm mỹ cho công chúng và dư luận xã hội. Nếu tác phẩm đương đại Việt Nam gây ấn tượng tốt cho số ít đó đã là một thành công trong việc phổ biến nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Pháp và tương tự như vậy ở Mỹ, Anh và Đức vốn là ba trung tâm nghệ thuật đương đại quan trọng nhất thế giới hiện nay.
Theo tôi, có lẽ phải có một “chủ nghĩa dân tộc” trong nghệ thuật đương đại. Không phải ngẫu nhiên mà tranh của người Trung Quốc rất được tôn trọng vì các nhà sưu tập Trung Quốc có thể bỏ ra đến 1 triệu đô la để mua một bức tranh của người Trung Quốc. Trong khi đó, người Việt Nam có thể bỏ hàng triệu đô la để mua ô tô, máy bay, nhưng có mấy ai bỏ ra 500 đô la mua một bức tranh? Nền nghệ thuật của một quốc gia mong muốn được tôn trọng thì trước hết nó phải nhận được sự trân trọng từ người dân quốc gia đó.


PV: Nghệ thuật đương đại Việt Nam sau một thời gian “phun trào” mạnh mẽ dường như đang bước vào thời kỳ “đóng băng”. Một loại hình nghệ thuật đã “mới lạ”, nay lại đang “đóng băng”, tức là không có những tác phẩm mới, những nghệ sĩ độc đáo có thể “đọ sức” với những nền nghệ thuật đương đại đã có tuổi đời gần một thế kỷ. Vậy trong tương lai, chúng ta sẽ quảng bá những hình ảnh nào của Việt Nam qua nghệ thuật đương đại?

NĐT: Bắt đầu mở ra từ những năm 1990, bùng nổ vào những năm 2000, hiện nay, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang chững lại. Các tác phẩm bây giờ không những phải mới, khác lạ mà còn cần phải có chiều sâu. Sự phát triển này có thể ví như một đứa trẻ con đang dậy thì. Những năm đầu phát triển rất nhanh nhưng mỗi năm về sau chỉ nhỉnh được một, hai cen ti mét. Số lượng người xem cũng không tăng lên nhiều. Tôi nghĩ đây là quá trình tích tụ để dẫn đến bước ngoặt.

PV: Sự chững lại này, phải chăng là do chúng ta vẫn chưa có những cá nhân thực sự xuất sắc, có bản lĩnh sáng tạo dựa trên một chiều sâu văn hóa lâu đời?

NĐT: Theo tôi, lỗi đó thuộc về giáo dục và môi trường xã hội. Chúng ta vẫn chưa thói quen đào sâu suy nghĩ và đi đến tận cùng vấn đề. Để vào được ĐH mỹ thuật Paris, thí sinh sau khi nộp tác phẩm nghệ thuật của mình sẽ phải trải qua một vòng phỏng vấn kiến thức lịch sử mỹ thuật và bảo vệ tác phẩm của mình. Khi vào được trường, sinh viên đã biết vẽ và hiểu lịch sử mỹ thuật, còn trong các giờ lịch sử nghệ thuật, họ được tập trung vào những chủ điểm do giảng viên lựa chọn. Sinh viên học theo xưởng chứ không chia lớp và ở đó họ được tự do sáng tác và có chính kiến bảo vệ tác phẩm của mình trước sự phê bình của người khác. Ở Việt Nam, cách đào tạo mỹ thuật vẫn bị “chê” là kinh viện, khép kín, sinh viên chưa cổ vũ hoặc không có dịp bảo vệ tác phẩm của mình trước những ý kiến trái ngược của thầy cô, giới chuyên môn, báo giớihoặc công chúng.


PV: Nếu phải làm một việc gì đó ở tầm vĩ mô, anh sẽ làm gì ?

NĐT: tôi nghĩ cần phải có một cuộc khảo sát toàn diện do ba nhóm chuyên gia thực hiện: một của Việt Nam (vì ta ở trong nhìn ra), một nhóm chuyên gia Pháp (nước bảo trợ văn hóa mạnh mẽ), nhóm thứ ba đến từ Mỹ (nơi mối quan hệ giữa các thể chế công và tư phối hợp rất năng động, hiệu quả).
Nếu đi vào các việc cụ thể, theo tôi phải bắt tay vào cải cách các thư viện, các viện lưu trữ, bảo tàng, những nhà hát…nâng hiệu quả sử dụng và tạo hình ảnh mới năng động cho những định chế ấy. Những trung tâm nghệ thuật liên ngành sẽ được hình thành trên một diện tích lớn bao gồm quảng trường, không gian nghệ thuật, viện bảo tàng, thư viện nghệ thuật mở tự do, không gian giáo dục mỹ thuật, hiệu sách, phòng chiếu phim, nhà hát, nhà ăn...Khách có thể ở đây từ sáng đến tối, sống trong một không gian nghệ thuật. Các loại hình sáng tạo ở đây sẽ góp phần định hướng cho công chúng trong thưởng thức nghệ thuật. Mô hình này đặc biệt phù hợp với Việt Nam nơi dân số trẻ chiếm đa số kém hiểu biết về nghệ thuật thậm chí không có nhu cầu thưởng thức

PV: Việc giới thiệu văn hóa đương đại Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian qua dường như chỉ nằm ở vai trò của các cá nhân hoặc một số tổ chức. Vậy theo anh, các định chế công nên phải làm gì để thúc đấy quá trình này?

NĐT: Theo tôi, qua các doanh nghiệp hoặc qua sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các định chế chính thức cần hỗ trợ mạnh mẽ các nghệ sĩ của mình như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đang làm. Cần có chính sách khuyến khích giảm thuế cho các nhà tài trợ nghệ thuật dù là doanh nghiệp hay cá nhân, tác động của chính sách này sẽ rất lớn. Hiện người ta có thể bỏ hàng trăm triệu tài trợ cho các chương trình ca nhạc, thời trang nhưng ít ai đi mua các tác phẩm nghệ thuật bày trong doanh nghiệp mình, để tặng cho bảo tàng hay tài trợ cho một nghệ sĩ trẻ, và ngay cả khi làm như vậy, họ cũng không được giảm thuế hay miễn thuế. Trong khi những việc làm như vậy lại rất phổ biến ở Pháp, Đức, Mỹ…Chúng ta cần tổ chức, phối hợp tổ chức các Festival nghệ thuật đương đại liên ngành, mời các nhà tổ chức, các nhà giám tuyển nối tiếng tham dự, qua đó nhờ họ quảng bá cho các nghệ sĩ đương đại Việt Nam…

PV: Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

bài đăng trên tạp chí Tinh Hoa
http://viettems.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1771:nguyn-inh-thanh-lon-ban-v-bn-sc-vn-hoa-vn-va-ngh-thut-ng-i-vn&catid=157:bai-nghien-cuu&Itemid=188
 
Nửa kia của... Nguyễn Đình Thành Chủ nhật 02/11/2008 15:15

(ANTĐ) - “Nếu trúng tuyển vào Đại học Mỹ thuật Vienne năm 1908, có thể thế giới sẽ có một họa sỹ Hitler tài năng thay vì trùm phát xít Đức quốc xã Adolf Hitler như lịch sử đã ghi lại” - Đó là giả thuyết của Eric-Emmanuel Schmitt dựng lên trong cuốn “La part de l’autre”, bản dịch tiếng Việt do Nguyễn Đình Thành chuyển ngữ vừa bất ngờ được giải cao nhất về dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội. Nguyễn Đình Thành khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi anh là ai (?) Phóng viên ANTĐ Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Đình Thành để tìm hiểu nửa kia của anh - một người dịch đã có nhiều năm gắn bó với công việc văn hóa, một người trẻ thành đạt hiện đang đảm nhận cương vị Giám đốc Đối ngoại của khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội.

- Bắt đầu câu chuyện với lời tựa của tác phẩm “Nửa kia của Hitler” được anh chấp bút nặng trĩu đến thế?

- Vâng! - “Một viên đá nhỏ có thể thay đổi dòng chảy của cả một dòng sông, có lẽ tác phẩm “Nửa kia của Hitler” là một minh chứng cho nhận định ấy. Xin chân thành cảm ơn những người đã giúp đỡ tôi trong quá trình biên dịch cuốn sách này. Xin dành tặng bản dịch cho tất cả những người bạn họa sỹ của tôi”.

- Nếu như “viên đá” ấy với cuộc đời của nhân vật Adolf H trong “Nửa kia của Hitler” chính là việc anh ta đỗ (dù là đỗ vớt) vào trường ĐH Mỹ thuật Vienne đã khiến cho sau này anh ta có cơ hội trở thành một họa sỹ nổi tiếng thì “viên đá” của Nguyễn Đình Thành là gì?

- Đó là việc tôi vào làm việc cho Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace tại Hà Nội năm 2002. Nó đã mang lại cơ hội cho tôi được giao lưu, gặp gỡ tiếp xúc với rất nhiều nghệ sỹ hàng đầu trên tất cả các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật của Việt Nam. Môi trường văn hóa ấy, những cuộc gặp gỡ ấy đã thổi bùng những đam mê văn hóa nghệ thuật âm ỉ trong con người tôi, để có được những thành quả như ngày hôm nay. Có lẽ, đó là lý do, tôi vẫn thầm cảm ơn những người bạn nghệ sỹ, họa sỹ của mình.

- Có gì đặc biệt ở chỗ không phải dành tặng bản dịch cho vợ con hay những người thân trong gia đình mà lại cho tất cả những người bạn họa sỹ?

- Nhân vật Adolf H trong cuốn sách cũng là một họa sỹ và cuốn sách này nói quá đúng về cuộc đời đầy thăng trầm của họ. Cuộc đời người nghệ sỹ có tài năng chưa chắc đã thành công nhưng có những lúc thành công đến muộn hơn rất nhiều và cuộc đời trải qua rất nhiều thăng trầm. Có những đoạn tả cảnh Adolf quay về Paris sau khi nổi tiếng, ở trong khách sạn sang trọng nhất Paris và nhớ lại cảnh tượng những năm đầu đời khi còn cầu bơ cầu bất từ áo sang Paris đi thuê nhà sống, ở trong nhà trọ tồi tàn, ngồi trong toilet kính vỡ không có ai thay, gió lùa vào lạnh buốt... Rất nhiều họa sỹ nhìn thấy hình ảnh mình trong đó. Đó là lý do tôi muốn tặng cuốn sách này cho những người bạn họa sỹ.



- Những kinh nghiệm văn hóa và ngôn ngữ trong thời gian làm phiên dịch và trợ lý văn hóa tại L’Espace chắc hẳn đã giúp ích được nhiều cho anh trong quá trình dịch cuốn sách này?


- Đầu tiên phải kể đến thời gian đi làm phiên dịch cho các lớp dạy múa đương đại của Régine Chopinot tại trường Múa Việt Nam; lớp dạy làm truyện tranh theo kiểu châu Âu của ông Gérald Godggide; rồi chương trình múa đương đại của Ea Sola đã nhen nhóm tình yêu văn hóa trong con người tôi, khiến tôi có những hình dung mơ hồ về sức mạnh của văn hóa. Cho đến khi bắt đầu vào làm tại L’Espace - nơi bắt đầu nạp cho tôi những kiến thức trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là đối với nghệ thuật đương đại. Trong đó, may mắn nhất là gặp được nhiều người bạn nghệ sỹ Việt - Pháp. Những người bạn Pháp giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình dịch. Có những từ, những đoạn không thể tìm trong từ điển, không thể tìm được trên Internet thì hỏi những người bạn Pháp từ này là gì để có thể chuyển nghĩa tương đương sang tiếng Việt.

- Còn những may mắn tiếp theo?

- May mắn tiếp theo của tôi là cơ hội được sang Pháp du học. Cuối năm 2005, tôi đặt chân tới Paris và theo học khóa Quản trị văn hóa tại ĐH Paris Dauphine, ĐH Paris 9. Những tháng ngày du học có lẽ là những tháng ngày sôi nổi nhất trong thời tuổi trẻ của tôi. Ngoài thời gian học, tôi tranh thủ đi thăm quan các bảo tàng nghệ thuật, đi xem kịch, xem ca nhạc ở Pháp và một số nước châu Âu, đặc biệt là đọc sách mọi lúc có thể. Mỗi ngày chỉ ngủ nhiều nhất là 5 tiếng, thời gian còn lại dành hết cho việc học và tìm hiểu về nghệ thuật, đời sống văn hóa Pháp. Để nói về quãng thời gian này tôi chỉ có thể cất lên 2 tiếng “mãnh liệt”. Ba tháng thực tập tại phòng Văn hóa, ĐH Mỹ thuật Paris và thực tập tổ chức biểu diễn tại Công ty giải trí Les Visiteurs tại Paris cho tôi cơ hội được tận mắt chứng kiến thực tế của nghệ thuật đương đại Pháp. Chương trình học về chính sách văn hóa Pháp đã giúp tôi hiểu rõ hơn cơ chế vận hành của các cơ quan văn hóa Pháp trong và ngoài nước. Lúc này, tôi ý thức hết sức rõ ràng sức mạnh của văn hóa đối với việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu đất nước và cách thức người Pháp khuyếch tán ảnh hưởng của họ qua con đường văn hóa ra sao.

- Nền văn hóa Pháp có rất nhiều ảnh hưởng đối với anh, vậy anh truyền tải được gì trong những giá trị văn hóa tinh thần đó đến với các bạn trẻ Việt Nam?

- Tôi tự nhận rằng trong cách làm việc, suy nghĩ và nhìn nhận cuộc sống của mình có tới 30% Pháp. Phần Pháp đó giúp tôi nhìn nhận cuộc sống đa chiều hơn và luôn luôn băn khoăn, trăn trở, đi tìm câu trả lời, tìm cách kiểm chứng những sự thực đằng sau đó. Tôi vẫn là người Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy may mắn vì 30% này đã khiến tôi “phân thân” lúc đứng trong, lúc đứng ngoài để nhìn vào văn hóa xã hội Việt Nam. Về Việt Nam, tôi quay lại làm việc tại L’Espace và đem tất cả những kiến thức và kinh nghiệm được học để tiếp tục xây dựng những chương trình văn hóa, nghệ thuật với mục đích đưa văn hóa đương đại Việt Nam tới với bạn bè quốc tế và cũng là cách để tự trả lời cho sự băn khoăn của mình. Tôi tin rằng, nếu mình có nhiệt huyết và tìm cách truyền ngọn lửa đó cho những người khác, chắc chắn nó sẽ lan rất xa.



- Là một người dịch không chuyên, cơ duyên nào đã đưa anh đến với “La part de l’autre” của Eric-Emmanuel Schmitt để chuyển thành “Nửa kia của Hitler” tới cho độc giả Việt Nam?


- Năm 2005, một người bạn Do Thái học cùng tôi tại Paris đưa cuốn “La part de l’autre” của       Eric-Emmanuel Schmitt và nói với tôi rằng: “Nó đã làm đảo lộn hết mọi ý nghĩ của tôi, tôi rất ngạc nhiên vì nó làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều”. Tôi nghiến ngấu trong mấy ngày vì thấy cuốn sách quá cuốn hút. Ngay sau khi đọc xong, tôi đã ra hiệu sách mua một cuốn và tự hứa với mình, sẽ mang cuốn sách này về Việt Nam và dịch ra tiếng Việt. Có đam mê, có quyết tâm và có cả tư duy làm việc khoa học, tôi đã lập một bản đề cương cụ thể và chi tiết để thuyết phục nhà sách Nhã Nam ký hợp đồng dịch cuốn sách.

- Bản dịch “Nửa kia của Hitler” anh hoàn thành trong bao lâu?

- 10 tháng, với sự giúp đỡ về chuyên môn của những người bạn họa sỹ, sự giúp đỡ của những người bạn bản xứ cho những đoạn tôi không hiểu cặn kẽ.

- “Nửa kia của Hitler” là bản dịch tiểu thuyết đầu tay của anh nhưng nó đã “vượt qua” các ứng cử viên nặng ký khác để giành giải cao nhất của Hội Nhà văn Hà Nội trao cho sách dịch. Hẳn tin đó làm anh bất ngờ?

- Tôi là người được đào tạo về phiên dịch, biên dịch cho nên việc dịch là một nhu cầu không thể thiếu đối với mình. Việc một sản phẩm nghiêm túc đoạt giải cũng không phải là điều lấy làm ngạc nhiên.

- Quan niệm của anh về công việc của một người dịch?

- Người dịch là người chia sẻ niềm vui. Mình được học là để truyền tải thông điệp cho những người khác. Sự cho trong con người mình nhiều và mình thấy cần thiết như thế. Có những thứ mình thấy hay quá và mình muốn chia sẻ nó cho tất cả mọi người để làm cho cuộc sống tốt hơn.

- Tôi có thể quả quyết khẳng định rằng làm được vậy cũng chẳng dễ dàng gì? 

- Dịch giống như là đi trên một con đường có nhiều cái bẫy, nếu mình đi nhiều, hiểu nhiều, có kinh nghiệm, vốn sống và vốn văn hóa sẽ tránh được những cái bẫy đó. Nhưng không thể tránh được hoàn toàn. Bởi vậy, người dịch luôn luôn phải bổ sung kiến thức và dùng nó với một ý thức là mình có thể sai bất cứ lúc nào để tránh sai lầm.



- Công việc chính thức hiện nay của anh là gì?


- Tôi đang làm Giám đốc Đối ngoại cho khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội. ở vị trí của mình, tôi có điều kiện tốt hơn để giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua ẩm thực và các sự kiện văn hóa.

- Bận rộn trên cương vị của mình, anh dành bao nhiêu thời gian cho sự quan tâm đến tình yêu văn hóa của mình?

- Một ngày làm việc từ 10-12 tiếng ở khách sạn, thời gian dành cho vợ con, bạn bè, gia đình khiến cho tôi không thể toàn tâm toàn ý cho tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật của mình, không thể đi tất cả các triển lãm, tham dự hội thảo và viết bài tranh luận như ngày trước, không có thời gian dành cho văn hóa như trước nhưng tôi vẫn rất yêu thích nó.

- Anh có thể chia sẻ với độc giả dự định sắp tới?

- Tôi đã dịch hoàn thành 2 vở kịch của Eric-Emmanuel Schmitt là “Người khách lạ” và “Trường học của quỷ” đang chờ dựng. Sắp tới tôi sẽ dành thời gian dịch tiếp một tác phẩm nữa của Eric-Emmanuel Schmitt là “Oscar và bà áo hồng” và một vở bi hài kịch hiện đại rất “tuyệt vời” và gần gũi với văn hóa của người Việt do nghệ sỹ Chiều Xuân giới thiệu, tôi hy vọng nó sẽ được ra mắt khán giả trong thời gian sớm nhất.

- Để miêu tả ngắn gọn về bản thân, anh sẽ nói gì?

- Tôi tự nhận mình là một người sống bằng đam mê - niềm đam mê văn hóa. Tất cả những công việc mà tôi đã trải qua đều gắn với niềm đam mê ấy. Tôi tin khi đã đam mê rồi, người ta sẽ tìm được thời gian và năng lượng để theo đuổi niềm đam mê đó!

- Trân trọng cảm ơn anh!   

Quân.Trần (Thực hiện)

http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/www.anninhthudo.vn/Nua-kia-cua-Nguyen-Dinh-Thanh/2137504.epi

 
Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2008 đã được công bố. Rất bất ngờ, tác phẩm đoạt giải về dịch thuật không phải là của một dịch giả có tiếng trên văn đàn mà là tác phẩm đầu tay của một dịch giả còn khá trẻ.  Nguyễn Đình Thành đoạt giải với bản dịch tiểu thuyết Nửa kia của Hitler.

  * Không phải ai cũng có may mắn nhận giải thưởng của hội nhà văn Hà Nội như anh. Anh đã bắt gặp tác phẩm Nửa kia của Hitler trong hoàn cảnh nào?

- Dịch giả Nguyễn Đình Thành: Trong thời gian từ năm 2005-2006, tôi đi du học quản trị văn hóa ở Pháp. Đó là quãng thời gian dành cho văn học nghệ thuật, dành cho những sở thích của mình nhiều nhất. Việc đọc sách bên ấy rất dễ dàng, đơn giản và hầu như là bắt buộc vì ngày nào cũng đi tàu điện ngầm. Ngồi trên tàu cả tiếng đồng hồ, mình không thể nhìn mãi người đối diện được. Lúc đó, ai cũng có nhu cầu đọc một cái gì đấy để “giết thời gian”. Trong những lần như vậy, tôi tiếp xúc và phát hiện nhiều tác phẩm, tác giả hay. Trong số đó có Eric Emmanuel Schmitt.

Tiểu thuyết Nửa kia của Hitler của một người bạn thân ở Pháp, rất quan tâm tới Hitler, diệt chủng, các vấn đề về khoa học xã hội nói chung, anh bạn ấy đưa cho tôi tác phẩm này và bảo, “cuốn này đã đảo lộn hết cách suy nghĩ của tôi”. Tôi say mê đọc và ngay lập tức thấy thích. Và tôi quyết định dịch ra tiếng Việt. Về nước được một vài tháng, tôi đề nghị với Nhã Nam dịch cuốn sách này.

* Lúc mới tiếp xúc với tác phẩm, điều gì đặc biệt ở Nửa kia của Hitler khiến anh theo đến cùng với 600 trang sách?

- Cuốn sách này có hai điểm đặc biệt. Thứ nhất, nó nói rằng: Cuộc đời mỗi con người có thể thay đổi từ những điều rất nhỏ. Tôi rất thích cái tứ này. Thứ hai: Trong con người ai cũng có một con thú, một phần ác. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giam nó lại suốt đời. Nếu để nó sổng ra, ta sẽ làm những điều ác như Hitler. Hitler không xấu hơn chúng ta, mà cũng chẳng tốt hơn chúng ta. Ông ta cũng là một con người như chúng ta. Nhưng do cách suy nghĩ lập dị, do đóng mình lại, không giao tiếp với xã hội bên ngoài mà cứ khư khư cho mình là đúng, thành ra ông ta như ao tù nước đọng cuối cùng trở nên tối tăm và phần ác vượt lên trên.

Đây là hai thông điệp mà tôi rất thích. Cộng thêm lời văn của tác giả hết sức uyển chuyển, sinh động và hấp dẫn. Tạo nên một tác phẩm mà cả người trí thức và người bình dân đều có thể đọc được.

* Độc giả Việt Nam còn xa lạ với nhà văn Eric Emmanuel Schmitt. Anh có thể giới thiệu đôi chút về tác giả này?

- Ngoài tác phẩm Nửa kia của Hitler đã công bố, tôi còn dịch 2 vở kịch của tác giả này là Người khách lạ (đã được trao giải Molière về kịch và giải tác giả triển vọng) và Trường học của quỷ. Tôi đã dịch xong, khi nào có điều kiện sẽ cho công bố.

Eric Emmanuel Schmitt là một trong 10 nhà văn có tác phẩm được nhiều người đọc nhất nước Pháp hiện nay. Ông vừa là nhà văn vừa là nhà viết kịch lớn nhất nước Pháp. Ông đã được tặng thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Pháp cho toàn bộ sự nghiệp về kịch. Các vở kịch của ông đều được công chúng đón nhận rất nồng nhiệt.

Các tác phẩm của ông luôn đặt ngược lại các vấn đề về lịch sử. Ông cũng hay viết về các danh nhân như Diderot, Pilates, Freud, Mozart, Hitler... Ông viết rất nhiều về Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái, Phật giáo... Bốn tôn giáo lớn nhất trên thế giới tạo nên bộ tứ truyện rất độc đáo. Mỗi tác phẩm đều viết về những gì nhân bản và nhân văn nhất của mỗi tôn giáo.

Đấy là một cách để ca ngợi các tôn giáo khác nhau và kêu gọi con người hướng thiện, kêu gọi các tôn giáo chung sống hòa bình. Không phải vô cớ mà quyển về Thiên Chúa giáo có tên là Oscar và người đàn bà áo hồng, nó được xếp vào một trong 10 quyển sách hay nhất, làm đảo lộn và thay đổi cuộc đời của người đọc do tạp chí Lire của Pháp thăm dò. Tôi cũng đang định dịch cuốn ấy nhưng vì bận quá nên đành phải tạm gác nó lại.

* Trong danh sách tác phẩm lọt vào chung khảo năm nay, ngoài tác phẩm của anh ra còn có Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami, Dương Tường dịch), Những kẻ thiện tâm (Jonathan Littell, Cao Việt Dũng dịch). Đây là hai trong số những dịch giả có tên tuổi, được nhiều người yêu thích. Thế nhưng họ đã không đoạt giải. Cảm nhận của anh thế nào?

- Tôi có biết Nửa kia của Hitler là một trong ba tác phẩm lọt vào chung khảo nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi nhận giải vì hai người kia là những người đã có tên tuổi. Cả ba bản dịch đều tốt, đều nghiêm túc, tôi nghĩ, một phần cũng do đây là tác phẩm đầu tay nên có thể có thêm một lý do để người ta trao giải hay chăng? Thực ra lúc đoạt giải và nói chuyện với mọi người tôi mới biết là giải thưởng có giá trị đến vậy!

* Trong khi dịch một tác phẩm, dịch giả nên đứng về tác giả hay đứng về độc giả?

- Nếu trung thành tuyệt đối với tác giả mà người đọc không thể hiểu được thì vô hình trung công việc ấy cũng vô ích. Còn nếu Việt hóa hoàn toàn thì lại thiệt cho tác giả bởi vì khi đó, văn phong của tác giả sẽ bị sai lệch. Có lẽ phải “liệu cơm gắp mắm” thôi. Thế nhưng, theo tôi vẫn có thể chọn giải pháp: gần với tác giả nhất có thể được và có chú thích bên dưới.

* Kế hoạch sắp tới của anh về dịch thuật?

- Tôi sẽ hợp tác cùng đạo diễn, diễn viên Chiều Xuân. Chị Chiều Xuân đang muốn dựng một vở bi hài kịch rất nổi tiếng của Pháp. Chị ấy đã đưa kịch bản và tôi cũng rất thích. Hiện tại vẫn chưa có tên. Đây là câu chuyện giữa những con người tưởng rằng mình thông minh, chế giễu những người khác là ngu đần. Đến khi gặp một người cũng hơi đặc biệt, hơi ngốc ngốc nhưng rất tốt bụng, luôn muốn giúp đỡ người khác để cuối cùng nhận ra ở đời chưa biết ai ngu hơn ai, ai ngốc hơn ai. Đó là một thông điệp rất nhân văn và đặc biệt có ý nghĩa trong xã hội hiện nay khi xu hướng sống ích kỷ ngày càng phát triển.

Theo HUY SƠN - Người Lao Động



http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/279517/Dich-gia-Nguyen-Dinh-Thanh-%E2%80%9CLieu-com-gap-mam%E2%80%9D-ma-dich-sach.html
 
Start blogging by creating a new post. You can edit or delete me by clicking under the comments. You can also customize your sidebar by dragging in elements from the top bar.