Thứ Tư, 08/10/2008, 10:46 (GMT+7:00)

Tuổi Trẻ Cuối tuần

Thứ Năm, 02/10/2008, 07:21

Hai nửa của Thành

TTCT - Nếu trúng tuyển vào Đại học Mỹ thuật Vienne năm 1908, có thể thế giới sẽ có một họa sĩ Hitler tài năng thay vì trùm phát xít Đức quốc xã Adolf Hitler như lịch sử đã ghi lại - đó là giả thuyết mà Eric-Emmanuel Schmitt dựng lên trong cuốn La part de l’autre, bản dịch tiếng Việt do Nguyễn Đình Thành chuyển ngữ vừa bất ngờ được giải cao nhất về dịch thuật của Hội Nhà văn VN.

Thời gian đi làm phiên dịch cho các lớp dạy múa đương đại của Régine Chopinot tại Trường Múa VN, lớp dạy làm truyện tranh theo kiểu châu Âu của ông Gérald Godggide rồi chương trình múa đương đại của Ea Sola đã nhen nhóm tình yêu văn hóa trong con người Thành, giúp anh có những hình dung mơ hồ về sức mạnh của văn hóa. Cho đến khi anh bắt đầu vào làm tại L’Espace, anh mới bắt đầu nạp cho mình những kiến thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại.

Ngoài khoảng thời gian 40 giờ/tuần làm trợ lý văn hóa ở công sở, anh tham dự hầu hết những hoạt động văn hóa diễn ra ở Hà Nội và đọc rất nhiều sách liên quan đến nghệ thuật. Được tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa lớn như Festival Huế, Ngày hội âm nhạc hằng năm, Festival jazz châu Âu hằng năm, Liên hoan nghệ thuật đương đại Mùa xuân nước Pháp... cùng với kinh nghiệm phiên dịch ở L’Espace đã mang lại cho Nguyễn Đình Thành cơ hội du học tại nước Pháp. Cuối năm 2005, anh theo học khóa quản trị văn hóa tại Đại học Paris Dauphine (ĐH Paris 9).

Nền văn hóa Pháp có rất nhiều ảnh hưởng đối với Nguyễn Đình Thành. Giống như nhiều người trẻ khác, anh cũng hoang mang về chính mình và những giá trị văn hóa của người VN khi thấy mối quan tâm của người dân là làm sao kiếm được nhiều tiền chứ không phải là làm sao để có những giá trị tinh thần! Anh tự nhận rằng trong cách suy nghĩ của anh có tới 30% Pháp và chính phần Pháp đó giúp anh nhìn nhận cuộc sống đa chiều hơn. Anh bảo: “Tôi vẫn là người VN, nhưng nhờ cái 30% đó nên tôi nhìn văn hóa xã hội VN khách quan hơn”.



Nguyễn Đình Thành tự nhận mình là một người đam mê văn hóa. Tất cả những công việc mà anh đã trải qua đều gắn với niềm đam mê ấy. Anh tin rằng: “Khi đã đam mê rồi, người ta sẽ tìm được thời gian và năng lượng để theo đuổi niềm đam mê đó”. Năm 2005, một người bạn Do Thái học cùng anh tại Paris đưa cho anh cuốn La part de l’autre của Eric-Emmanuel Schmitt và nói với anh rằng: “Nó đã làm đảo lộn hết mọi ý nghĩ của tôi”.

Thành nghiến ngấu cuốn sách vì nó quá cuốn hút. Ngay sau khi đọc xong, anh tự hứa với mình sẽ mang cuốn sách này về VN và dịch ra tiếng Việt. Có đam mê, có quyết tâm và có cả tư duy làm việc khoa học, anh đã lập một bản đề cương cụ thể và chi tiết để thuyết phục nhà sách Nhã Nam ký hợp đồng dịch cuốn sách này với anh. Sau mười tháng, cuốn sách Nửa kia của Hitler ra mắt độc giả VN vào cuối năm 2007.

Khi tôi hỏi anh về giải thưởng của Hội Nhà văn dành cho Nửa kia của Hitler, anh nói anh rất vui và khá bất ngờ. Anh cho rằng: “Người dịch là người chia sẻ niềm vui và truyền tải thông điệp cho những người khác”.

Nguyễn Đình Thành đang làm giám đốc hình ảnh cho khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội. Ở vị trí của mình, anh có điều kiện để giới thiệu văn hóa VN với bạn bè quốc tế thông qua ẩm thực và các sự kiện văn hóa. Một ngày làm việc 10-12 giờ ở khách sạn, rồi thời gian dành cho vợ con, bạn bè, gia đình khiến anh không thể toàn tâm toàn ý cho tình yêu nghệ thuật như trước nhưng anh vẫn rất yêu thích nó. Hiện Thành đã hoàn thành bản dịch hai vở kịch của Eric-Emmanuel Schmitt là Người khách lạ và Trường học của quỷ và đang bắt tay dịch tiếp một tác phẩm nữa của Eric-Emmanuel Schmitt là Oscar và cô áo hồng, một vở bi hài kịch hiện đại rất gần gũi với văn hóa của người Việt.

Cùng một lúc đóng hai vai và ở vai nào cũng khá trọn vẹn, Nguyễn Đình Thành đang làm chủ được cả hai thứ: “thời gian và năng lượng”.

HẢI NGUYÊN

http://mobi.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=280825&ChannelID=119




Leave a Reply.