PXN:NKCHL

Nguyễn  Đình Thành một cái tên mới mẻ và lạ lẫm đối với làng văn chương dịch cho đến khi Nửa kia của Hitler xuất hiện, nhanh chóng được giới thiệu trên nhiều tờ báo, và vượt qua hàng trăm sách dịch đạt giải thưởng sách dịch của năm 2008 của Hội Nhà văn Hà Nội. Nửa kia của Hitler dịch từ nguyên tác của tác giả Eric Emmanuel Schmitt dày hơn 600 trang, được giới phê bình văn học đánh giá là bản dịch có chất lượng, giới họa sĩ xem thuật ngữ hội họa trong bản dịch “rất chuẩn”, giới nhà binh xem thuật ngữ chiến tranh cũng như vũ khí là chính xác,... Để có những lời khen tặng đó, dịch giả chưa chuyên Nguyễn Đình Thành đã thực hiện công việc dịch như thế nào để có được những hiệu quả đó? Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa tác giả NĐT với PV, VNT xung quanh những “ứng xử” của anh để có được bản dịch Nửa kia của Hitler cũng như những trải nghiệm của anh đối với nghệ thuật đương đại.

Nửa kia của Hitler

1.    Được biết anh hiện là giám đốc quan hệ đối ngoại của khách sạn Metrolpole tại Hà Nội, và còn là một người yêu thích, có nhiều trăn trở với nghệ thuật đương đại, anh biết nhiều đến Hip-hop, nghệ thuật biểu diễn, cũng như hội hoạ ở Việt nam..., nhưng điều gì lại thôi thúc anh dịch tiểu thuyết?

Đó chính là niềm vui được chia sẻ với người khác cái hay cái đẹp. Có lẽ điều này đến từ ảnh hưởng của nghề dịch: tôi vốn được đào tạo để trở thành phiên dịch và cũng làm giáo viên trong một thời gian. Quyển sách chứa đựng nhiều suy tư về lịch sử của thế giới, của một dân tộc và của cả mỗi con người. Cá nhân tôi cũng thích viết và cũng đã viết nhưng đến truyện thứ ba thì dừng vì thấy cái mình định nói đã có người nói hay hơn mình, hiệu quả hơn mình nên nếu không viết hay hơn người ta thì dịch lại tốt hơn.

Nửa kia của Hitler là một cuốn tiểu thuyết suy tưởng nhưng đặt trong một bối cảnh lịch sử cụ thể đó là xã hội Đức những năm 30-40 của thế kỷ 20, với sự phân thân của nhân vật có thật ở trong thế giới nhà binh và trong thế giới hội hoạ, tâm lý nhân vật được đặt  trên nền tảng tinh thần của phân tâm học,... lần đầu tiên thực hiện công việc dịch, lại với một nguyên tác với bối cảnh truyện cũng như tính cách nhân vật, trạng thái tâm lý cùng hoàn cảnh hết sức phức tạp, hỗn độn,... anh đã thực hiện gỡ rối cho mình như thế nào đối với những sự kiện, chi tiết và nhân vật của tác phẩm trong quá trình dịch, thưa anh?

Thực ra trong chương trình học ở trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội đã có đủ cả các môn học vừa được nhắc đến. Ngoài ra, hai năm học sau đại học tại trung tâm CFIT - ĐH Ngoại giao giúp tôi đào sâu kiến thức và thêm đam mê với thời sự quốc tế và lịch sử nói chung. Khi bạn biết cách tìm thông tin mình cần ở đâu, công việc đã hoàn thành được một nửa. Tại CFIT chúng tôi được học cách tìm những thông tin mình cần ở đâu và như thế nào. Việc còn lại là tập trung làm việc nghiêm túc và hỏi người khác những điều mình chưa biết chưa hiểu.

2.    Khó khăn cũng như điều thú vị lớn nhất của anh khi thực hiện dịch tác phẩm này cũng như công việc dịch nói chung là gì?

Hồi năm thứ ba, tôi có làm một nghiên cứu khoa học về kiến thức ngoài ngôn ngữ trong việc hiểu và dịch các văn bản nước ngoài. Khi bắt tay vào dịch tôi thấy những vấn đề lý thuyết càng được sáng tỏ. Cái khó nhất là cái không phân tích được, không có trong từ điển, không có trên Internet và thậm chí không hỏi ai khác được ngoài chính tác giả.

3.    Anh có tiếp tục dịch và giới thiệu những tác phẩm, nhà văn nước ngoài tới độc giả Việt Nam trong thời gian tới không?

Hiện tôi vẫn đang tiếp tục làm công việc này với việc dịch một vở kịch dài, tôi hy vọng nó sẽ là ‘’quả bom tấn’’ của sân khấu kịch năm tới. Ngoài ra, tôi vẫn muốn tiếp tục dịch các tác phẩm khác của cùng tác giả. Đồng thời tôi cũng hy vọng tìm được nhà xuất bản – nhà tài trợ cho một cuốn sách tổng kết lịch sử mỹ thuật thế giới trong thế kỷ hai mươi. Có điều công việc này cần tới ít nhất ba người dịch cứng tay trong vòng một năm mới làm xong được.

4.    Và anh đã điều hoà công việc chính với công việc dịch tay trái như thế nào?

Rất khó khăn, công việc chính đòi hỏi bạn phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng một ngày. Ngoài ra, tôi cũng tham gia cùng một số người bạn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thành lập một quỹ Văn hóa. Chúng tôi sắp tổ chức hoạt động đầu tiên của mình. Nếu không có sự thông cảm của vợ con, sự giúp đỡ của gia đình hai bên chắc chắn tôi chẳng làm được cái gì trọn vẹn.

5.    Với những thành công nhất định của mình ở tác phẩm dịch đầu tiên, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với những dịch giả mới vào nghề?

Bản thân tôi cũng là người dịch mới vào nghề. Tác phầm Nửa kia của Hitler cũng không phải đặc biệt khó. Tôi chỉ nghĩ rằng để thành công người dịch nào cũng cần đam mê, nghiêm khắc với chính mình và cầu toàn. Cộng với ý thức làm việc chuyên nghiệp, bạn sẽ là một người dịch được trân trọng.




Leave a Reply.