Sự nghiệp sân khấu của Eric-Emmanuel Schmitt
Eric-Emmanuel Schmitt hiện là một trong những tác giả Pháp đương đại được đọc và dịch nhiều nhất ở nước ngoài. Năm 2007, với 387 000 bản sách bán được, ông là một trong mười nhà văn có tác phẩm được độc nhiều nhất tại Pháp. Kịch của ông đã được diễn trên 35 nước trên thế giới và đã làm việc với những ngôi sao như Alan Delon, Jean Paul Belmondo.

Nhà phê bình uy tín Frédéric Ferney của nhật báo Pháp Figaro nhận xét: theo cách của mình, Eric-Emmanuel Schmitt đã nối lại với truyền thống rất Pháp là sân khấu triết học(…). Người ta cười đấy với những cái cười nhẹ nhàng trước mắt rồi đột nhiên, trước một thứ tối tăm và nghiêm trọng, tất cả trở nên rõ ràng. Một nụ cười không có lý do gì để tự phủ nhận mình, cùng lúc thậm chí cũng cảm thấy tương đối tự hào được là một phương thuốc trị bệnh ngu xuẩn’’.

Năm 1991, ông viết vở kịch đầu tay Đêm Valognes. Trong vở kịch này, Don juan đã trở lại sân khấu: vẫn trăng hoa vô độ, tàn nhẫn nhưng khác với Don Juan của mấy trăm năm trước, hắn lại đồng ý lấy người con gái cuối cùng mà hắn đã tán tỉnh và hắn cũng không bị ngọn lửa địa ngục cuốn đi. Vở kịch đã gây tiếng vang lớn và danh tiếng đã vượt ra ngoài nước Pháp để đoàn kịch Royal Shakespeare Compagny của Anh chọn trình diễn. Năm 1993, vở kịch thứ hai Người khách lạ, nói về cuộc gặp gỡ không tưởng giữa nhà phân tâm học Freud và Chúa trời được giới phê bình và công chúng đón nhận nồng nhiệt. Freud, người đã luôn từ chối tin vào Chúa đã gặp một kẻ tự xưng là Chúa trời, đưa ra những lý luận và tiên đoán khác thường làm cha đẻ ngành phân tâm học bối rối, có lúc quên đi mọi xác tín khoa học của mình và rồi cuối cùng cũng không biết được người đó là một kẻ thần kinh hoang tưởng hay là Chúa trời hiện thân. Tác phẩm đặt ra những câu hỏi lớn về đức tin, về quan hệ giữa các nhà khoa học với những thế lực siêu nhiên, về bản chất của cuộc sống và tương lai của loài người.

Ông cũng tìm cách lý giải nguồn gốc của cái Ác trong vở kịch Trường học của quỷ trong đó ông miêu tả thế giới hiện nay với những hiện thực hết sức nghiệt ngã và cội nguồn của cái ác là do người ta cho rằng cái Ác không hề hiện hữu, rằng làm điều ác bao giờ cũng là để tránh điều ác lớn hơn có thế xảy ra và cái ác không phải do người ta cố ý gây nên mà là do vô thức gây ra. Chính vì nghĩ như thế nên loài người mới làm được nhiều điều ác đến thế.

Cho tới nay, ông là tác giả của gần hai mươi vở kịch. Vở Người khách lạ của ông được nhận giải thưởng danh tiếng Molière cho Phát hiện sân khấu của năm, giải tác giả xuất sắc nhất và giải vở kịch xuất sắc nhất của các nhà hát tư của Pháp; Các vở kịch của ông liên tục được đề cử giải Molière. Năm 1998, vở Frederick và đại lộ tội ác được trao giải của Viện hàn lâm Balzac. Năm 2001, Viện Hàn Lâm Pháp tặng Giải thưởng lớn về sân khấu cho toàn bộ các tác phẩm của ông, cùng năm này, ông cũng được huân chương hiệp sỹ văn học và nghệ thuật của chính phủ Pháp. Ngoài ra, các tác phẩm của Schmitt cũng được nhận nhiều giải thưởng uy tín tại Đức và Thụy Sỹ.

Năm 2004, tạp chí văn học uy tín của Pháp Lire tiến hành thăm dò dư luận về ’’các tác phẩm văn học đã làm thay đổi cuộc đời họ’’. Các độc giả đã bình bầu Oscar và bà áo hồng – một ngoại lệ dành cho một tác giả đang còn sống – đứng ngang hàng với Kinh thánh, Ba chàng ngự lâm và Hoàng tử nhỏ.

Ông cũng được trao giải thưởng đặc biệt của Đức: giải Die Quadriga, trao tặng cho "tinh thần nhân bản và sự hiền minh mà tính hài hước của ông đã nuôi sống con người".

Theo Eric-Emmanuel Schmitt ‘’Triết học tự cho mình là người giải thích thế giới còn sân khấu tái thể hiện thế giới. Kết hợp cả hai, tôi tìm cách suy nghĩ về kiếp người qua lăng kính của sân khấu. Tôi đặt vào đó những câu hỏi thầm kín của mình, thể hiện nỗi băn khoăn cũng như niềm hy vọng với một sự hài hước và nhẹ nhàng gắn với những mâu thuẫn của số phận chúng ta. Thành công làm người ta khiêm tốn: cái làm tôi cho là sân khấu của riêng tôi lại cho thấy nó trùng với những câu hỏi mà rất nhiều người đương thời đặt ra và trùng với những mong ước trong sâu thẳm của họ là ngợi ca cuộc sống’’.




Leave a Reply.