_Nhân đọc bài kêu than của một vị GS VN ở nước ngoài. Tiếc là ông ấy đã để cái chủ nghĩa dân tộc cực đoan che mắt để chẳng nhìn ra cái tính phổ quát và nhân văn thuần túy ở Bảo Ninh mà lại xem đó là thất bại của những người CS. Phần mở đầu là của bạn Nga nghiên cư.

 
Bảo Ninh là một tài năng, một tài năng độc đáo. Ngặt một điều, cái độc đáo quan trọng nhất của anh là ở cách nhìn khác về cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. “Chính thống” nói “thắng lợi”, nói “anh hùng”…, thì anh, bằng tiểu thuyết của mình “nói điều ngược lại: đây là cuộc chiến tranh “thất bại”, nói như một tờ báo hải ngoại, tờ Hợp Lưu thì phải: đọc xong cuốn tiểu thuyết này, ta thấy Việt Cộng thảm bại. Và là một cuộc chiến tranh hết sức bi đát, buồn bã, rữa nát… từ trong tinh thần, tâm trạng, hành động.

Ở nhiều nước, sau một cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài, có tâm trạng “hậu chiến”, nhìn lại chiến tranh và “hoảng hốt”, thấy đáng sợ quá, hy sinh nhiều quá, thậm chí vô nghĩa quá. Có luận điểm: “bên nào thắng thì nhân dân đều bại”, “Dân túy” quá! Còn những luận điểm: “chiến tranh ý thức hệ”, “huynh đệ tương tàn”, “nội chiến”… thì ta biết đã lâu, che giấu dưới những luận điểm ấy là sự biện minh cho thất bại nhãn tiền.

Bảo Ninh là một nghệ sĩ. Anh có quyền có một “điểm nhìn”, một “cách nhìn” riêng về chiến tranh. Duy chỉ có cái nhìn ấy không đi ngược lại chân lý lịch sử, đi ngược dân tộc, chưa nói đến cảm quan nghệ thuật “hậu hiện đại”, loạn điểm nhìn, chống “đại tự sự”… không thích hợp khi viết về một cuộc chiến tranh yêu nước, chính nghĩa, và thắng lợi. L.Tolstoi đã “cũ” rồi, nhưng cái nhìn cách mô tả của ông về cuộc chiến tranh chống Napoléon xâm lược vẫn còn để lại cho hậu thế những bài học.



Phương Tây, mà ở đó, người đọc là rất nhiều thành phần, không đơn giản. Những người bị “thảm bại”, chống Cộng, chống Việt Nam thì tung hô Nỗi buồn chiến tranh như một liều thuốc “giải độc” tinh thần. Té ra Việt Cộng cũng như lính Mỹ, cũng đau khổ, hoảng loạn, tan rã, và hai bên có thể ôm nhau, cùng nhau… khóc, sám hối vì đã đánh nhau, giết nhau! Vì thế họ hối hả dịch, trao giải, mời mọc… Chỉ ngờ rằng mục đích của họ chẳng phải vì văn chương, hay trước hết vì văn chương. Ngay ở trong nước, khủng hoảng sau 1975 đã đẻ ra bao tâm trạng bất mãn, chán chường, “sám hối”…, cùng một tâm trạng tác giả, và họ cũng hưởng ứng, ngợi ca, ngợi ca “văn” nhưng chủ yếu là ngợi ca cách viết, cách nhìn, sự “lộn trái”.

Sau Nỗi buồn…, Bảo Ninh viết có nhiều truyện “chừng mực” hơn, cũng trăn trở, đau xót nhưng xem ra có thể “chịu” được.

Đã có rất nhiều tác giả và tác phẩm viết về chiến tranh. Không ai ngây thơ đòi hỏi nó phải lúc nào cũng “ta thắng, địch thua”. Không phải ta lờ đi những nỗi đau, những mất mát, những vết thương trong đời và cả trong tâm trạng, những cái mà có người cho là "tính toàn nhân loại". Văn chương phải ghi nhớ điều ấy, càng sâu càng tốt. Nhưng có điều không được một chiều, không nên đem cái tâm trạng hoàng hôn của cá nhân mình che trùm lên cuộc đời.

Cuốn Được sống và kể lại của Trần Luân Tín, một họa sĩ tham chiến ở Thành cổ Quảng Trị, dữ dội, hy sinh nhưng biết mình chiến đấu cho cái gì. Được biết, 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ, mỗi ngày ta hy sinh 1 đại đội! Cái giá phải trả cho chiến tranh giải phóng là rất lớn, là rất thương đau. Mỗi ngày sống bây giờ ta luôn nhớ điều ấy, nhưng ta không được phép bi lụy, sầu não, thoái lui…

Chung quanh Nỗi buồn chiến tranh còn rất nhiều chuyện đáng bàn. Dưới đây, nhân Nỗi buồn… được giải của Nikkei Asia (Giải thưởng châu Á), Hồn Việt đăng ý kiến của GS Trần Thanh Đạm và nói thêm mấy lời trên đây.

Tin vui từ một nỗi buồn, nỗi buồn từ một tin vui

GS TRẦN THANH ĐẠM

Tin vui phát ra đầu tiên từ báo Tuổi Trẻ ở TP Hồ Chí Minh, sau đó trên Đài VTV4 trong chương trình Thông tin quốc tế. Tin rằng: Một tờ báo kinh tế của Nhật Bản, tờ Kinh tế Nhật Bản, đã quyết định tặng Giải thưởng châu Á cho một nhà văn Việt Nam, nhà văn Bảo Ninh, với tác phẩm tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, xuất bản năm 1991 ở Việt Nam và đã được dịch từ lâu ra tiếng Anh lưu hành ở một số nước.

Tờ tạp chí kinh tế này đánh giá tác phẩm là “xuất sắc”, thuộc loại “tinh hoa của văn học thế giới”, cho nên, giải thưởng được mệnh danh và vinh danh là Giải thưởng châu Á tức là có tầm cỡ quốc tế. Thật là vinh dự cho văn học Việt Nam khi một tác phẩm của mình được các nhà kinh tế Nhật Bản đánh giá cao như vậy. Chưa biết các nhà kinh tế thì đánh giá văn học chính xác đến đâu, song các nhà kinh tế, nhất là kinh tế Nhật Bản, thì chắc chắn là những người giàu cho nên giải thưởng sẽ lớn, giá trị có thể hàng triệu yên hay hàng chục nghìn đô-la.

Đó là tin vui đối với các nhà văn Việt Nam vốn là những người nghèo trong một nước nghèo. Tin lại cho biết rằng: Giải thưởng sẽ được phát tại khách sạn Hoàng Gia Imperial ở thủ đô Tokyo; bên cạnh nhà văn Việt Nam, có một nhà kinh tế Đài Loan và một nhà kỹ thuật Philippines. Thật là vinh dự cho cả phía trao giải lẫn người nhận giải. Phía trao giải vinh dự là vì một tờ báo kinh tế của Nhật Bản mà lại trao giải văn học cho một nhà văn châu Á, dù giải thưởng cao đến đâu thì sự mua danh ở đây như vậy là khá rẻ. Nói như tục ngữ Việt Nam, “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, thì ba vạn đối với người giàu mua danh vẫn là rẻ.

Tập đoàn kinh tế này thật là giỏi quảng cáo và tiếp thị. Cũng như các ngôi sao nghệ thuật, ngôi sao thể thao đứng ra làm quảng cáo, lần này nhà văn Việt Nam làm quảng cáo thì còn gì bằng. Hẳn rằng ở đây có vai trò giới thiệu của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) ở Việt Nam. Quỹ này đã từng giới thiệu và vinh danh cho Đỗ Hoàng Diệu, tác giả nữ của tác phẩm tai tiếng Bóng đè, của Việt Nam, bằng một chuyến giao lưu khắp nước Nhật Bản. Bây giờ đến lượt Bảo Ninh. Đỗ Hoàng Diệu đi trước và Bảo Ninh đi sau, là hai người đi tiên phong trong sứ mệnh đối ngoại vẻ vang này, đem văn chương và hình ảnh Việt Nam, tức là quốc hoa và quốc thể của Việt Nam quảng bá ra nước ngoài. Xét về mặt kinh tế, thế cũng là ít tốn kém, là rẻ. Đúng là “bán danh chỉ có ba đồng” mà thôi .

Tuy nhiên, tin vui ở đây cùng đi kèm với một nỗi buồn. Đúng như tên của tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm này ra đời ở Việt Nam cách đây hơn 20 năm, đã từng gây ra tranh cãi, không chỉ tranh cãi về nghệ thuật mà về chính trị, về cách nhìn, cách tiếp cận, cách miêu tả, thể hiện cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. Những người tán dương thì chú trọng về khía cạnh “đổi mới nghệ thuật” của tác giả, ở cách viết mới lạ, độc đáo. Còn những người phản đối thì phê phán cách thể hiện xuyên tạc, thiên lệch đối với tính chất chính nghĩa, anh hùng của cuộc chiến tranh từ phía Việt Nam tiến hành vì sự nghiệp độc lập, tự do, thống nhất, hòa bình của nhân dân Việt Nam.


Nụ cười Thành cổ. Ảnh: Đoàn Công Tính.

Nỗi buồn chiến tranh ở đây mang màu sắc của một sự sám hối của những người anh hùng đã lỡ gây nên một sự nghiệp anh hùng. Cho nên sau khi ra đời, tác phẩm được phía bên kia hào hứng hoan nghênh, tán dương. Hóa ra không chỉ những kẻ phi nghĩa “sám hối” mà cả người anh hùng cũng “sám hối”. Thế là huề! Thật là hân hạnh cho nước Mỹ thua trận mà có người ở phía bên kia biện hộ cho.

Nỗi buồn chiến tranh được dịch, phổ biến ở một số nước phương Tây (có cả bản dịch xuyên tạc cả nguyên bản) là do vậy. Thậm chí người ta tung tin là nó sẽ được tặng Giải Nobel, hoặc là ứng viên của giải danh giá này. Thế rồi, danh giá cũng đến, nhưng thấp hơn. Tờ báo Independent của Anh hình như cũng là tờ báo kinh tế, đã tặng giải thưởng cho Bảo Ninh.

Hai mươi năm qua, Nỗi buồn chiến tranh đã nguôi ngoai rồi, tác giả cũng không còn cảm thấy buồn nữa. Thì tờ Kinh tế Nhật Bản lại lôi tác phẩm ra tặng giải thưởng, hình như muốn khơi lại nỗi buồn xưa. Cũng có thể Nỗi buồn chiến tranh tiêu cực của Việt Nam lại có ý nghĩa tích cực với Nhật Bản chăng? Trong chiến tranh, người chính nghĩa cũng như kẻ phi nghĩa, người chiến thắng cũng như kẻ chiến bại đều… buồn. Ở Việt Nam hay ở Nhật Bản đều thế. Năm 1975 hay năm 1945 đều thế. Thế là thiện ác đảo điên, chính tà lẫn lộn, vinh nhục bất phân.

Đó là giá trị “xuất sắc”, “tinh hoa” của tác phẩm văn học này của Việt Nam được một tờ báo kinh tế Nhật Bản tặng thưởng và vinh danh. Một bên mua danh chỉ có ba vạn, một bên bán danh chỉ có ba đồng.

Đó là một tin vui từ một nỗi buồn và một nỗi buồn từ một tin vui cho những người viết văn và người đọc văn ở Việt Nam hiện nay, trong đó có người viết mấy dòng này.

5/2011




Leave a Reply.